Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
- KHÁI NIỆM
1. Khái niệm
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
[Điều 4.15, Điều 6.3 Luật Sở hữu trí tuệ]
2. Điều kiện chung đối với thiết kế bố trí được bảo hộ
Thiết kế bố trí được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tính nguyên gốc;
b) Có tính mới thương mại.
[Điều 68 Luật Sở hữu trí tuệ]
3. Tính nguyên gốc của thiết kế bố trí
a) Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;
- Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.
b) Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc theo quy định tại khoản a) phần này.
[Điều 70 Luật Sở hữu trí tuệ]
4. Tính mới thương mại của thiết kế bố trí
a) Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.
b) Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
c) Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại quy định tại khoản b phần này là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.
[Điều 71 Luật Sở hữu trí tuệ]
5. Quyền đăng ký thiết kế bố trí
a) Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký thiết kế bố trí:
- Tác giả tạo ra thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
b) Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
c) Người có quyền đăng ký thiết kế bố trí có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
[Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ]
6. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí:
a) Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;
b) Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.
[Điều 69 Luật Sở hữu trí tuệ]
7. Yêu cầu đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí
Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định thiết kế bố trí cần bảo hộ trong đơn đăng ký thiết kế bố trí bao gồm:
a) Bản vẽ, ảnh chụp thiết kế bố trí;
b) Thông tin về chức năng, cấu tạo của mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí;
c) Mẫu mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí, nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại.
[Điều 104 Luật Sở hữu trí tuệ]
8. Công bố đơn đăng ký thiết kế bố trí
Đơn đăng ký thiết kế bố trí được công bố dưới hình thức cho phép tra cứu trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp nhưng không được sao chép; đối với thông tin bí mật trong đơn thì chỉ có cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc quá trình thực hiện thủ tục xử lý hành vi xâm phạm quyền mới được phép tra cứu.
Các thông tin cơ bản về đơn đăng ký thiết kế bố trí và văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ.
[Điều 110.4 Luật Sở hữu trí tuệ]
9. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ
Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:
a) Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;
b) Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;
c) Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
[Điều 93.5 Luật Sở hữu trí tuệ]
10. Sử dụng thiết kế bố trí là việc thực hiện các hành vi sau đây
a) Sao chép thiết kế bố trí; sản xuất mạch tích hợp bán dẫn theo thiết kế bố trí được bảo hộ;
b) Bán, cho thuê, quảng cáo, chào hàng hoặc tàng trữ các bản sao thiết kế bố trí, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ;
c) Nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ.
[Điều 124.3 Luật Sở hữu trí tuệ]
11. Quyền tạm thời đối với thiết kế bố trí
a) Đối với thiết kế bố trí đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại trước ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nếu người có quyền đăng ký biết rằng thiết kế bố trí đó đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại thì người đó có quyền thông báo bằng văn bản về quyền đăng ký của mình đối với thiết kế bố trí đó cho người sử dụng để người đó chấm dứt việc sử dụng thiết kế bố trí hoặc tiếp tục sử dụng.
b) Trong trường hợp đã được thông báo mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng thiết kế bố trí thì khi Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được cấp, chủ sở hữu thiết kế bố trí có quyền yêu cầu người đã sử dụng thiết kế bố trí phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
[Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ]
12. Hành vi xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí
Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu thiết kế bố trí:
a) Sử dụng thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
b) Sử dụng thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
[Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ]
13. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả thiết kế bố trí
a) Chủ sở hữu thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
b) Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau:
- 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng thiết kế bố trí;
- 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí.
c) Trong trường hợp thiết kế bố trí được nhiều tác giả tạo ra, mức thù lao là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thoả thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
d) Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của thiết kế bố trí.
[Điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ]
- THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ BỐ TRÍ
1. Tài liệu tối thiểu
- Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí, đánh máy theo mẫu số 06 Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP;
- 04 bộ bản vẽ, ảnh chụp thiết kế bố trí;
- Thông tin về chức năng, cấu tạo của mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí;
- Mẫu mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí, nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại.
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Lưu ý: Trường hợp người nộp đơn yêu cầu bảo mật thông tin thì phải nêu rõ tài liệu cần bảo mật trong tờ khai. Tài liệu yêu cầu bảo mật phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 mục III phần IV của Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Mức độ giữ bí mật tối đa được phép đối với thiết kế bố trí chưa khai thác thương mại là 50% bề mặt mỗi lớp; đối với thiết kế bố trí đã khai thác thương mại là 2 lớp trong mỗi nhóm 5 lớp tính từ trên xuống.
[Điều 18 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN; Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
2. Phí, lệ phí đăng ký Thiết kế bố trí
- Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
- Phí công bố đơn: 120.000VNĐ
- Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình
- Phí thẩm định: 180.000VNĐ
3. Thời hạn xử lý đơn đăng ký Thiết kế bố trí
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký thiết kế bố trí được xem xét theo trình tự sau:
- Thẩm định hình thức: 01 tháng
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký thiết kế bố trí có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
4. Hình thức nộp đơn
Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
a) Hình thức nộp đơn giấy
Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký thiết kế bố trí trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Số 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký thiết kế bố trí qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
(Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó).
b) Hình thức nộp đơn trực tuyến
- Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
- Trình tự nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký thiết kế bố trí trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
[Điều 100, Điều 101, Điều 104, Điều 110.4 Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 17, Điều 19, Điều 20 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN/2023/TT-BKHCN]
Mẫu tờ khai quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP
Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí
- THỦ TỤC SỬA ĐỔI, CHUYỂN GIAO ĐƠN
1. Thủ tục sửa đổi đơn thiết kế bố trí
- Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc Quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi đơn.
- Hồ sơ sửa đổi đơn gồm:
(i) Tờ khai yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đánh máy theo mẫu số 04 Phụ lục II Nghị định 65/2023/NĐ-CP (Mẫu đính kèm).
(ii) 04 bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ, bản mô tả mạch tích hợp sản xuất theo thiết kế bố trí;
(iii) Bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi so với tài liệu ban đầu đã nộp;
(iv) Tài liệu pháp lý chứng minh việc sửa đổi;
(v) Giấy ủy quyền (nếu yêu cầu sửa đổi đơn nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
(vi) Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn (160.000VNĐ/01 nội dung yêu cầu sửa đổi), Phí công bố (120.000VNĐ/01 đơn yêu cầu sửa đổi trong trường hợp đơn đăng ký thiết kế bố trí đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ).
- Thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký thiết kế bố trí: 02 tháng
- Hình thức nộp đơn:
Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
(i) Hình thức nộp đơn giấy
Người nộp đơn có thể nộp đơn yêu cầu sửa đổi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Số 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu sửa đổi đơn qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
(Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó).
(ii) Hình thức nộp đơn trực tuyến
- Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
- Trình tự nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi yêu cầu sửa đổi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
[Điều 16 Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
2. Thủ tục chuyển nhượng đơn đăng ký thiết kế bố trí
- Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc Quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận việc thay đổi chủ đơn trên cơ sở chuyển nhượng, thừa kế, kế thừa hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Hồ sơ chuyển nhượng đơn gồm:
(i) Tờ khai yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đánh máy theo mẫu số 05 Phụ lục II Nghị định 65/2023/NĐ-CP (Mẫu đính kèm).
(ii) Tài liệu chuyển nhượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; số đơn được chuyển nhượng hoặc thông tin đủ để xác định đơn đó);
(iii) Giấy ủy quyền (nếu yêu cầu chuyển nhượng đơn nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
(iv) Phí thẩm định yêu cầu chuyển nhượng đơn (160.000VNĐ/01 đơn đăng ký); Phí công bố (120.000VNĐ/01 đơn đăng ký trong trường hợp đơn đăng ký thiết kế bố trí đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ).
- Thời hạn xem xét yêu cầu chuyển nhượng đơn đăng ký thiết kế bố trí: 02 tháng
- Hình thức nộp đơn:
Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến đến Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
(i) Hình thức nộp đơn giấy
Người nộp đơn có thể nộp đơn yêu cầu chuyển nhượng đơn trực tiếp hoặc qua bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Số 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu chuyển nhượng đơn qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
(Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó).
(ii) Hình thức nộp đơn trực tuyến
- Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
- Trình tự nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi yêu cầu chuyển nhượng đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
[Điều 18 Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
Lưu ý: Trường hợp người nộp đơn yêu cầu bảo mật thông tin thì phải nêu rõ tài liệu cần bảo mật trong tờ khai. Tài liệu yêu cầu bảo mật phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 mục III phần IV của Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Mức độ giữ bí mật tối đa được phép đối với thiết kế bố trí chưa khai thác thương mại là 50% bề mặt mỗi lớp; đối với thiết kế bố trí đã khai thác thương mại là 2 lớp trong mỗi nhóm 5 lớp tính từ trên xuống.
[Điều 18 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN; Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
Mẫu tờ khai quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP
Tờ khai sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Tờ khai yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
- THỦ TỤC LIÊN QUAN ĐẾN VĂN BẰNG BẢO HỘ
1. Quy định về cấp phó bản/cấp lại VBBH
Cấp phó bản VBBH trong trường hợp quyền SHCN thuộc sở hữu chung, VBBH được cấp cho chủ sở hữu đầu tiên trong danh sách, các chủ sở hữu chung khác có thể yêu cầu cấp phó bản và phải nộp phí dịch vụ cấp phó bản.
Cấp lại VBBH khi văn bằng bị mất, hỏng, rách, bẩn phai mờ đến mức không sử dụng được, bị tháo rời không giữ được dấu niêm phong.
- Hồ sơ yêu cầu cấp phó bản/cấp lại VBBH gồm:
+ Tờ khai yêu cầu cấp phó bản/cấp lại VBBH (theo mẫu 09 Phụ lục II Nghị định 65/2023/NĐ-CP) (Mẫu đính kèm);
+ Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
+ Tài liệu khác (nếu cần).
- Thời hạn thẩm định: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn
- Kết quả thực hiện: Ra Quyết định cấp phó bản/cấp lại VBBH và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối cấp phó bản/cấp lại VBBH. Trả văn bằng cấp phó bản/cấp lại cho chủ sở hữu.
- Phí, lệ phí:
+ Phí công bố Quyết định cấp phó bản/cấp lại VBBH: 120.000 đồng/đơn
+ Phí đăng bạ Quyết định cấp phó bản/cấp lại VBBH: 120.000 đồng/VBBH
+ Phí dịch vụ (tạm thời chưa thu, chờ đến khi có quy định cụ thể sẽ thu sau)
[Điều 29.7, Điều 29.8 Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
2. Quy định về sửa đổi VBBH
Sửa đổi VBBH khi có sự thay đổi thông tin về tên/địa chỉ của chủ VBBH; thay đổi thông tin về tên, quốc tịch của tác giả; thay đổi chủ VBBH (chuyển dịch quyền sở hữu do thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia tách, hợp nhất….).
Yêu cầu ghi nhận thay đổi tổ chức đại diện SHCN.
- Hồ sơ yêu cầu sửa đổi VBBH gồm:
+ Tờ khai yêu cầu sửa đổi VBBH (theo mẫu 06 Phụ lục II Nghị định 65/2023/NĐ-CP) (Mẫu đính kèm);
+ Bản gốc VBBH;
+ Tài liệu xác nhận việc thay đổi tên, địa chỉ (bản gốc hoặc bản sao có xác nhận của công chứng hoặc của cơ quan có thẩm quyền); quyết định đổi tên, địa chỉ; giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ; các tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ (có xác nhận của công chứng hoặc của cơ quan có thẩm quyền);
+ Tài liệu chứng minh việc thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của các cơ quan có thẩm quyền khác);
+ Tài liệu thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi;
+ Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
+ Tài liệu khác (nếu cần).
- Thời hạn thẩm định: 02 tháng kể từ ngày nộp đơn.
- Kết quả thực hiện: Ra Quyết định ghi nhận sửa đổi VBBH và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối sửa đổi VBBH. Cập nhật nội dung sửa đổi vào bản gốc VBBH và trả văn bằng cho chủ sở hữu.
- Phí, lệ phí:
+ Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi VBBH: 160.000 đồng/VBBH
+ Phí công bố Quyết định sửa đổi VBBH: 120.000 đồng/đơn
+ Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi (nếu có): 60.000 đồng /hình
+ Phí đăng bạ Quyết định sửa đổi VBBH: 120.000 đồng/VBBH.
[Điều 97 Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 29 Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
3. Quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Chuyển nhượng quyền SHCN là việc chủ sở hữu chuyển giao quyền SHCN của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng quyền SHCN phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
- Hồ sơ yêu cầu chuyển nhượng quyền SHCN gồm:
+ Tờ khai yêu cầu chuyển nhượng (theo mẫu số 01 tại Phụ lục IV của Nghị định 65/2023/NĐ-CP) (Mẫu đính kèm);
+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN;
+ Bản gốc VBBH;
+ Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền SHCN, nếu quyền SHCN tương ứng thuộc sở hữu chung;
+ Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
+ Tài liệu khác (nếu cần).
- Thời hạn thẩm định: 02 tháng kể từ ngày nộp đơn
- Kết quả thực hiện: Ra Quyết định về việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định về việc từ chối đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN. Cập nhật nội dung chuyển nhượng vào bản gốc VBBH nếu hợp đồng được đăng ký và trả văn bằng cho Người nộp đơn.
- Phí, lệ phí:
+ Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng: 230.000 đồng/VBBH
+ Phí công bố Quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền SHCN: 120.000 đồng/đơn
+ Phí đăng bạ Quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền SHCN: 120.000 đồng/VBBH
[Điều 138, Điều 148, Điều 149 Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 58.1, Điều 59.4 Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
4. Quy định về chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN
Chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN là việc chủ sở hữu cho phép tổ chức, cá nhân khác được sử dụng đối tượng SHCN thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
Hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
- Hồ sơ yêu cầu chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN gồm:
+ Tờ khai yêu cầu chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN (theo mẫu số 02 tại Phụ lục IV của Nghị định 65/2023/NĐ-CP) (Mẫu đính kèm);
+ Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN (02 bản);
+ Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN, nếu quyền SHCN tương ứng thuộc sở hữu chung;
+ Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
+ Tài liệu khác (nếu cần).
- Thời hạn thẩm định: 02 tháng kể từ ngày nộp đơn
- Kết quả thực hiện: Ra Quyết định về việc đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN, cấp GCN đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định về việc từ chối đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN. Trả GCN đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN cho Người nộp đơn.
- Phí, lệ phí:
+ Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN: 120.000 đồng/đơn
+ Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng: 230.000 đồng/VBBH
+ Phí công bố Quyết định ghi nhận chuyển quyền sử dụng: 120.000 đồng/đơn
+ Phí đăng bạ Quyết định ghi nhận chuyển quyền sử dụng: 120.000 đồng/VBBH
[Điều 141, Điều 148, Điều 149 Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 58.2, Điều 59 Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
5. Quy định về sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN
Sửa đổi nội dung hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN khi có sự thay đổi tên, địa chỉ của các bên trong hợp đồng hoặc thay đổi nội dung các điều khoản nêu trong hợp đồng.
Gia hạn hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN trong trường hợp các bên thỏa thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng sau khi hết thời hạn của hợp đồng hoặc cần tiến hành gia hạn hiệu lực của từng đối tượng chuyển giao trong hợp đồng.
Chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN khi một trong các bên có yêu cầu chấm dứt hiệu lực hợp đồng trước thời hạn.
Việc sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN đã đăng ký đều phải được ghi nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ.
- Hồ sơ yêu cầu ghi nhận sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN gồm:
+ Tờ khai yêu cầu ghi nhận việc sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN (theo mẫu 03 Phụ lục IV Nghị định 65/2023/NĐ-CP) (Mẫu đính kèm);
+ Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng (trường hợp sửa đổi nội dung, gia hạn hiệu lực hợp đồng);
+ Tài liệu chứng minh việc sửa đổi tên, địa chỉ của các bên trong hợp đồng;
+ Thỏa thuận, tài liệu ghi nhận các điều khoản cụ thể cần sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc chấm dứt hiệu lực hợp đồng;;
+ Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
+ Tài liệu khác (nếu cần).
- Thời hạn thẩm định: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn
- Kết quả thực hiện: Ra Quyết định ghi nhận sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối ghi nhận sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN. Cập nhật nội dung sửa đổi, gia hạn hiệu lực hợp đồng vào Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN và trả cho người nộp đơn.
- Phí, lệ phí:
+ Phí thẩm định yêu cầu ghi nhận sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN: 160.000 đồng/VBBH
+ Phí công bố Quyết định sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN: 120.000 đồng/đơn
+ Phí đăng bạ Quyết định sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN: 120.000 đồng/VBBH
[Điều 61 Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
6. Quy định về cấp phó bản/cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN
- Hồ sơ yêu cầu cấp phó bản/cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN gồm:
+ Tờ khai yêu cầu cấp phó bản/cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN (theo mẫu số 09 tại Phụ lục II của Nghị định 65/2023/NĐ-CP) (Mẫu đính kèm);
+ Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
+ Tài liệu khác (nếu cần).
- Thời hạn thẩm định: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn
- Kết quả thực hiện: Ra Quyết định cấp phó bản/cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối cấp phó bản/cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN. Trả bản cấp phó bản/cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN cho người nộp đơn
- Phí, lệ phí:
+ Phí công bố Quyết định cấp phó bản/cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN: 120.000 đồng/đơn
+ Phí đăng bạ Quyết định cấp phó bản/cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN: 120.000 đồng/VBBH
+ Phí dịch vụ (tạm thời chưa thu, chờ đến khi có quy định cụ thể sẽ thu sau).
[Điều 29.7, Điều 29.8 Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
7. Quy định về yêu cầu chấm dứt hiệu lực VBBH (do chủ văn bằng tuyên bố từ bỏ quyền SHCN)
Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực khi chủ VBBH tuyên bố từ bỏ quyền SHCN. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét và ra Quyết định chấm dứt hiệu lực VBBH kể từ ngày nhận được tuyên bố của chủ VBBH.
- Hồ sơ yêu cầu chấm dứt hiệu lực VBBH gồm:
+ Tờ khai yêu cầu chấm dứt hiệu lực VBBH (theo mẫu số 08 tại Phụ lục II của Nghị định 65/2023/NĐ-CP) (Mẫu đính kèm).
+ Bản giải trình lý do yêu cầu chấm dứt hiệu lực VBBH;
+ Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
+ Tài liệu khác (nếu cần).
- Thời hạn thẩm định: 15 ngày kể từ ngày nộp đơn
- Kết quả thực hiện: Ra Quyết định chấm dứt hiệu lực VBBH và công bố trên Công báo SHCN hoặc Thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực VBBH.
- Phí, lệ phí:
+ Lệ phí yêu cầu chấm dứt hiệu lực VBBH: 50.000 đồng/đơn
+ Phí thẩm định yêu cầu chấm dứt hiệu lực VBBH: 180.000 đồng/VBBH
+ Phí công bố Quyết định chấm dứt hiệu lực VBBH: 120.000 đồng/đơn
+ Phí đăng bạ Quyết định chấm dứt hiệu lực VBBH: 120.000 đồng/VBBH
[Điều 95.3 Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 32 Nghị định 65/2023/NĐ-CP]
Mẫu tờ khai quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP
Tờ khai sửa đổi văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp
Tờ khai chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp
Tờ khai cấp phó bản/cấp lại văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp
Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Tờ khai yêu cầu ghi nhận việc sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
- THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
1. Quy định chung
1.1. Quyền khiếu nại
Người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan.
1.2. Thời hiệu khiếu nại
Khiếu nại lần đầu được thực hiện trong vòng chín mươi ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;
Khiếu nại lần thứ hai là ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
1.3. Trình tự khiếu nại
Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại của cấp trực tiếp ra quyết định hoặc thông báo liên quan đến sở hữu công nghiệp (khiếu nại lần thứ nhất) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại toà án. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khởi kiện tại toà án.
1.4. Hồ sơ khiếu nại
Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung thông báo hoặc quyết định bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ thông báo hoặc quyết định liên quan.
2. Nộp đơn khiếu nại
2.1. Thực hiện
- Nộp đơn thông qua đại diện sở hữu công nghiệp hoặc trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ và các Văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.
- Qua bưu điện.
2.2. Thành phần, số lượng hồ sơ
- Thành phần hồ sơ, bao gồm:
Tờ khai (02 tờ theo mẫu);
+ Văn bản giải trình khiếu nại và chứng cứ chứng minh lý lẽ khiếu nại;
+ Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ;
+ Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất (đối với khiếu nại lần thứ hai);
+ Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
+ Chứng từ nộp phí, lệ phí.
- Số lượng hồ sơ: 02 (bộ).
[Điều 119a Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 33 Luật Khiếu nại; Điều 36 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN]
3. Giải quyết đơn khiếu nại
3.1. Thụ lý đơn khiếu nại
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải kiểm tra đơn theo các yêu cầu về hình thức và ra thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đơn khiếu nại có được thụ lý hay không, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn hoặc nêu rõ lý do không thụ lý đơn.
b) Đơn khiếu nại không được thụ lý nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Đối tượng bị khiếu nại không phải là các quyết định hoặc thông báo chính thức quy định tại khoản 2 Điều 35 của Thông tư này;
(ii) Quyết định, thông báo, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
(iii) Đơn khiếu nại không được nộp theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 36 của Thông tư này;
(iv) Đơn khiếu nại được nộp ngoài thời hiệu quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và 4 Điều 15 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;
(v) Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
(vi) Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ trường hợp có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án;
(vii) Người khiếu nại tiếp tục khiếu nại khi đã hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 10 và khoản 8 Điều 11 của Luật Khiếu nại;
(viii) Đơn khiếu nại không chỉ ra yếu tố trái pháp luật của quyết định, thông báo, hành vi bị khiếu nại và chỉ có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn là đối tượng của quyết định, thông báo đó.
(ix) Đơn khiếu nại đối với thông báo, quyết định hành chính, hành vi liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
c) Nếu người khiếu nại không nộp phí thẩm định đối với trường hợp phải thẩm định lại để phục vụ việc giải quyết khiếu nại theo thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại quy định tại tiết (ii) điểm a khoản này, đơn khiếu nại được giải quyết trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ.
3.2. Bên liên quan
a) Đối với những đơn khiếu nại đã thụ lý, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung khiếu nại cho người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp (“bên liên quan”) và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến.
b) Bên liên quan có quyền cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình trong thời hạn nêu tại điểm a trên đây, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ đó khi giải quyết khiếu nại.
c) Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung ý kiến của bên liên quan và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người khiếu nại có ý kiến phản hồi ý kiến của bên liên quan;
d) Nếu kết thúc thời hạn ấn định mà một bên không có ý kiến thì đơn khiếu nại sẽ được giải quyết trên cơ sở các tài liệu có trong đơn, bao gồm cả tài liệu thể hiện ý kiến của bên kia.
3.3. Quyết định giải quyết khiếu nại
a) Căn cứ vào lập luận, chứng cứ của người khiếu nại và bên liên quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
b) Trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo cho người khiếu nại và bên liên quan về những lập luận và chứng cứ của bên kia được sử dụng để giải quyết khiếu nại cũng như kết luận giải quyết khiếu nại.
c) Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
3.4. Công bố
Quyết định giải quyết khiếu nại được công bố trên trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày và Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.
3.5. Hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại
a) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có hiệu lực pháp luật sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày;
b) Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực pháp luật sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
[Điều 27 Luật Khiếu nại; Điều 119a.1 Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 38, Điều 39, Điều 40 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN]
4. Thủ tục đề nghị hủy bỏ văn bằng bảo hộ và chấm dứt hiệu lực
4.1. Căn cứ pháp luật
Cơ sở pháp luật đề nghị hủy bỏ như sau:
“Theo quy định tại điều 96 Luật Sở hữu Trí tuệ: Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;
b) Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a của Luật này;
c) Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó.
2. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực nếu toàn bộ hoặc một phần văn bằng bảo hộ đó không đáp ứng quy định của Luật này về quyền đăng ký, điều kiện bảo hộ, sửa đổi, bổ sung đơn, bộc lộ sáng chế, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong các trường hợp sau đây:
a) Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được người có quyền đăng ký chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
b) Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ quy định tại Điều 8 và Chương VII của Luật này;
c) Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;
d) Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
đ) Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
e) Sáng chế không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại Điều 90 của Luật này.
3. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì toàn bộ hoặc một phần bị hủy bỏ của văn bằng bảo hộ đó không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm cấp văn bằng.
4. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này với điều kiện phải nộp phí, lệ phí.
Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ, trừ trường hợp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu vì lý do quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hiệu là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu có hiệu lực tại Việt Nam.
5. Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.
6. Quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này cũng được áp dụng đối với việc hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.”
4.2. Nộp đơn đề nghị
Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực và đề nghị hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu gồm:
- Tờ khai yêu cầu chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo Mẫu số 08 tại Phụ lục II Nghị định 65;
- Chứng cứ liên quan đến yêu cầu chấm dứt/hủy bỏ hiệu Văn bằng bảo hộ,
- Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
- Bản giải trình lý do yêu cầu (nêu rõ số văn bằng, lý do, căn cứ pháp luật, nội dung đề nghị chấm dứt, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ) và các tài liệu liên quan;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
4.3. Giải quyết đơn
Quy trình xử lý đề nghị chấm dứt hiệu lực và đề nghị hủy bỏ hiệu Văn bằng bảo hộ như sau:
Trường hợp người thứ ba yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản về ý kiến của người thứ ba cho chủ văn bằng bảo hộ trong đó ấn định thời hạn là 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để chủ văn bằng bảo hộ có ý kiến. Cục Sở hữu trí tuệ có thể tổ chức trao đổi ý kiến trực tiếp giữa người thứ ba và chủ văn bằng bảo hộ liên quan;
Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấm dứt/hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt/hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 5 Điều 95 và khoản 5 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ;
4.4. Khiếu nại quyết định giải quyết
Nếu không đồng ý với nội dung quyết định, thông báo xử lý yêu cầu chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, người yêu cầu hoặc bên liên quan có quyền khiếu nại quyết định hoặc thông báo đó theo quy định của pháp luật về khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp.
4.5. Công bố
Quyết định chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp và được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký quyết định.
[Điều 96, Điều 99 Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 32 Nghị định 65/2023/NĐ-CP; Điều 34 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN]
Mẫu Đơn khiếu nại ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ
Đơn khiếu nại