Th 6, 11/09/2020 | 10:00 SA
Báo cáo của WIPO về hoạt động của Mạng lưới Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC)
Trên cơ sở Mạng lưới TISC của WIPO, 17 mạng lưới TISC quốc gia đã thiết lập các nền tảng TISC trực tuyến chuyên dụng để tạo điều kiện kết nối giữa các thành viên TISC.
Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) được thành lập trên cơ sở dự án TISC do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới khởi xướng trên phạm vi toàn cầu. Kể từ khi chương trình TISC được triển khai năm 2009 đến hết năm 2018, đã có 78 quốc gia, trong đó có 26 quốc gia kém phát triển nhất, đã ký Thỏa thuận với WIPO để phát triển mạng lưới TISC quốc gia. Theo thông tin được cung cấp bởi các điều phối viên TISC quốc gia, 750 Trung tâm TISC đã được thành lập trong giai đoạn này. Chương trình TISC tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng thông tin công nghệ, tài liệu khoa học kỹ thuật, công cụ tìm kiếm và cơ sở dữ liệu, cũng như xây dựng năng lực ở các nước đang phát triển để hỗ trợ hiệu quả đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ liên quan đến thương mại hóa. Chương trình TISC đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của Mạng lưới tri thức WIPO bằng cách cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, các nền tảng và công cụ chuyên dụng cho chiến lược quản lý tri thức và đổi mới sáng tạo.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, 17 mạng lưới TISC quốc gia đã thiết lập các nền tảng TISC trực tuyến chuyên dụng để tạo điều kiện kết nối giữa các thành viên TISC, quảng bá dịch vụ của mạng lưới và nêu bật các hoạt động cũng như công cụ mới, hoặc có trang web TISC trên cổng thông tin của cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia. Cũng trong giai đoạn này, một số ấn phẩm mới được WIPO công bố, như bản hướng dẫn điện tử về sử dụng và khai thác thông tin sáng chế đã được dịch và cung cấp cho các thành viên TISC bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga.
Một số hoạt động nổi bật khác được thực hiện trong gia đoạn này như: Khởi động một dự án liên quan đến chuyển giao công nghệ “Chương trình nghị sự phát triển về chuyển giao công nghệ ”; quan hệ đối tác của ASPI được mở rộng với việc bổ sung PatSnap làm đối tác; hay Hướng dẫn mới về xác định và sử dụng các sáng chế trong khu vực công được thử nghiệm trong 9 mạng lưới TISC quốc gia.
Năm 2018 đánh dấu cột mốc 10 năm của Dự án Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISCs). Các cột mốc quan trọng trong 10 năm của chương trình TISC như: năm 2009 Ra mắt dự án TISC; năm 2010 Thỏa thuận cấp dịch vụ (SLA) đầu tiên để triển khai Mạng lưới TISC; năm 2011 Xuất bản Báo cáo toàn cảnh sáng chế đầu tiên của WIPO; năm 2013 Cuộc họp TISC khu vực ASEAN đầu tiên, lần đầu tiên có chuyên mục “Hỏi chuyên gia” trên eTISC; năm 2014 Báo cáo toàn cảnh sáng chế trở thành hoạt động thường xuyên của WIPO; năm 2015 Xuất bản “Hướng dẫn chuẩn bị Báo cáo toàn cảnh sáng chế”; năm 2017 Tổ chức TISC đầu tiên bắt đầu cung cấp dịch vụ phân tích sáng chế, phê duyệt Dự án mới Chương trình nghị sự phát triển về chuyển giao công nghệ và quản trị TSTT; năm 2018 Ra mắt Báo cáo xu hướng công nghệ WIPO đầu tiên về trí tuệ nhân tạo.
TISC cung cấp một loạt các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và công nghệ, từ các dịch vụ cơ bản đến dịch vụ bổ sung giá trị giúp các nhà sáng chế, nhà nghiên cứu và doanh nhân khai phá tiềm năng sáng tạo của họ.
Các Dịch vụ TISC bao gồm: Truy cập vào cơ sở dữ liệu sáng chế và phi sáng chế; Kết nối và trao đổi kinh nghiệm; Tăng cường nhận thức về tài sản trí tuệ (TSTT) và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong nước; Cung cấp dịch vụ chất lượng về tìm kiếm và phân tích sáng chế; Hỗ trợ nộp đơn và soạn thảo đơn sáng chế; Đào tạo về tiếp cận và sử dụng thông tin sáng chế; Hỗ trợ thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.
Tại Argentina, Viện Sở hữu Công nghiệp Quốc gia đã cung cấp hơn 100 giờ đào tạo TISC cho hơn 200 người. Với mạng lưới quốc gia đang phát triển (33 TISC được thành lập tại 19 tổ chức trên 6 khu vực), các thành viên TISC của mạng lưới quốc gia đã trả lời hơn 500 loại câu hỏi khác nhau và cung cấp lời khuyên về các lĩnh vực liên quan đến sáng chế (64%), nhãn hiệu (18%), hợp đồng (5%), và li-xăng (1%).
Tại Colombia, các thành viên của mạng lưới TISC quốc gia đã thực hiện 600 lượt tra cứu tính mới, 43 Báo cáo toàn cảnh sáng chế và cung cấp 6.600 tư vấn về các chủ đề SHTT khác nhau trên 20 thành phố khác nhau.
Tại Costa Rica, mạng lưới TISC đã trả lời hơn 1.150 câu hỏi và thực hiện 77 lượt tra cứu tính mới.
Tại Pakistan, mạng lưới 27 TISC, hầu hết được thành lập bởi các trường đại học, nhận được trung bình 371 câu hỏi mỗi tháng.
TISC tiếp tục thực hiện một số lượng lớn các sự kiện nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực để hỗ trợ các nhà đổi mới sáng tạo, nhà nghiên cứu và doanh nhân trong cách sử dụng hiệu quả hệ thống SHTT toàn cầu để hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới địa phương. Một số sự kiện được tổ chức trong năm bao gồm:
Tại Colombia, 9.500 người tham gia được hưởng lợi từ hơn 350 hoạt động đào tạo thông qua chương trình TISC.
Sau hội thảo WIPO được tiến hành vào tháng 10 năm 2018 tại Ethiopia, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Ethiopia đã tiến hành bảy khóa học về tra cứu sáng chế và hệ thống SHTT.
Hơn 150 sự kiện nâng cao nhận thức được tổ chức bởi tổ chức Quản trị TSTT và xúc tiến SHTT của Ấn Độ được tổ chức tại các trường học, trường đại học và các công ty trên khắp Ấn Độ.
Tại Madagascar, hơn 200 người tham gia từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo chuyên sâu về TSTT thông qua mạng lưới TISC. Các thành viên của mạng lưới TISC cũng tham gia vào các sự kiện công nghiệp, khoa học và nghiên cứu trong cả nước để nâng cao nhận thức về thông tin sáng chế và hỗ trợ sử dụng cơ sở dữ liệu sáng chế và tra cứu sáng chế (ví dụ: Hội chợ Công nghiệp Madagascar và Ngày khám phá khoa học kết hợp với nhau các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và đại diện của ngành để hợp tác trong các dự án sáng tạo).
Tại Pakistan, 55 hội thảo xây dựng nhận thức về hệ thống nộp đơn sáng chế và tiếp cận cơ sở dữ liệu sáng chế đã được tổ chức trong suốt cả năm ở các khu vực khác nhau của đất nước. 12 phiên xây dựng năng lực đã được Cục Sở hữu trí tuệ Pakistan tổ chức cho nhân viên TISC trong năm qua.
Tại Liên bang Nga, Đại hội TISC lần thứ 6 đã diễn ra vào tháng 9 tại Xanh Pê-téc-bua với 152 người tham gia, sau đó là hội thảo đào tạo TISC quốc gia vào tháng 11 tại Mát-xcơ-va. 14 sự kiện quốc gia đào tạo bổ sung và một số hội nghị khoa học và kỹ thuật khu vực cũng được tổ chức trong suốt cả năm bởi Cơ quan sở hữu trí tuệ liên bang Nga (ROSPATENT).
42 hội thảo được tổ chức tại Uzbekistan bởi Cơ quan sở hữu trí tuệ của Cộng hòa Uzbekistan, hợp tác với Phòng Thương mại và các văn phòng lãnh thổ của họ. Cơ quan đã tổ chức các hội thảo tiếp cận giáo dục trên cả nước để tăng cường kiến thức cho các doanh nhân trong lĩnh vực bảo vệ pháp lý đối với sở hữu trí tuệ. 28 hội thảo đã được tổ chức về chủ đề “Bảo vệ SHTT tại Uzbekistan” và 14 hội thảo được tổ chức theo các chủ đề TISC liên quan khác.
“Báo cáo thường niên - TISCs Report 2016 , 2017 , 2018 ” (phiên bản tiếng Anh) có thể tải về tại đây.
Bản dịch tiếng Việt “Báo cáo thường niên - TISCs Report 2016 , 2017 , 2018 ” có thể tải về tại đây./.
Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp
Tin mới nhất
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Dự án IP Key Sea tổ chức Hội thảo quốc tế về Phòng chống hàng giả khu vực ASEAN
- Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ và các sự kiện liên quan
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 72 AWGIPC và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 22-26/4/2024 tại Đà Nẵng và Huế
Các tin khác
- Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ (HIPOC) - Phiên họp về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)
- Việt Nam duy trì thứ hạng trong Báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2020 (GII 2020)
- [TISC] Hướng dẫn của WIPO về xây dựng Chính sách Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu
- Cục Sở hữu trí tuệ họp song phương cấp Cục trưởng với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản
- Hội thảo trực tuyến “Cơ quan Sở hữu trí tuệ với vai trò Cơ quan đổi mới sáng tạo”