Th 4, 06/01/2021 | 16:02 CH
Cục Sở hữu trí tuệ và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Hợp tác để phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ
Chiều 5/1/2021, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã có buổi làm việc phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ tại Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi làm việc, về phía Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), có ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng, các đồng chí trong Ban Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng Cục, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Pháp chế và Chính sách, Phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Trung tâm Thẩm định sáng chế, Trung tâm Thẩm định nhãn hiệu, Trung tâm Thông tin SHCN và Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn. Về phía ĐHQG-HCM, có PGS. TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc thường trực ĐHQG-HCM và Lãnh đạo các đơn vị thuộc ĐHQG-HCM, gồm: Ban KH&CN, Trường Đại học CNTT, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Khu Công nghệ Phần mềm, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Quốc tế và Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ (ĐHQG-HCM).
Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục SHTT) cho biết, Cục luôn chú trọng mở rộng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong các hoạt động SHTT, coi đây là một kênh quan trọng để tiếp nhận nhu cầu, phản hồi của xã hội đối với hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tạo ra nhiều tài sản trí tuệ có giá trị và là nơi đào tạo ra các chủ nhân tương lai của đất nước.
Cục SHTT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với một số trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Trường Đại học Luật TP. HCM, v.v. và đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quan trọng để phát triển hệ thống SHTT nói chung và hoạt động SHTT trong các trường nói riêng. Trong khuôn khổ Mạng lưới TISC và IP-Hub do WIPO bảo trợ, Cục SHTT đã kết nối được gần 40 thành viên là các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp cả nước.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Ths Nguyễn Minh Huyền Trang – Giám đốc Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ (ĐHQG-HCM) cho biết ĐHQG-HCM có hơn 80 nhóm nghiên cứu tiềm năng, 09 nhóm nghiên cứu mạnh, 02 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQG-HCM. Tài sản trí tuệ của nhà trường khá lớn với 288 Văn bằng bảo hộ quyền SHCN, trong số đó có nhiều tài sản có tiềm năng thương mại hóa cao.
ĐHQG-HCM là thành viên của Mạng lưới IP-Hub do WIPO bảo trợ. Để quản trị, phát triển tài sản trí tuệ, ĐHQG-HCM đã thành lập Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ, ban hành Quy chế quản trị tài sản trí tuệ và ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2020-2021.
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Cục SHTT và Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ (ĐHQG-HCM)
Tại buổi làm việc, đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Cục SHTT và Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ (ĐHQG-HCM). Theo Thỏa thuận, Cục SHTT sẽ hỗ trợ hoạt động quản trị và phát triển tài sản trí tuệ tại ĐHQG-HCM; hỗ trợ phát triển Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ (ĐHQG-HCM) trở thành một chủ thể quan trọng trong hoạt động SHTT và CGCN của các trường đại học, viện nghiên cứu tại khu vực phía Nam; phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật về SHTT cho cán bộ, giảng viên, nhà quản lý, nhà khoa học và sinh viên; tư vấn về xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị quyền SHCN; hỗ trợ thương mại hóa, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ĐHQG-HCM và các trường đại học, viện nghiên cứu tại Khu vực phía Nam.
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết, từ năm 2005, Cục SHTT đã hợp tác với một số trường đại học, nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho sinh viên, giáo viên thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, các cuộc thi…; hỗ trợ một số trường xây dựng chính sách và thành lập Bộ phận quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Hiện nay số đơn sáng chế của người Việt chiếm khoảng 14-15% tổng số đơn đăng ký; số bằng bảo hộ chiếm khoảng 10-11%. Con số này là khá thấp nên cần phải khuyến khích để đẩy mạnh tăng lên, với mục tiêu đến 2030, số đơn sáng chế tăng 16% mỗi năm. Cục cũng là đầu mối kết nối, đề xuất các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên các trường tham gia đào tạo về SHTT do các tổ chức quốc tế hoặc Cơ quan SHTT các nước tổ chức. Cục trưởng mong muốn hiện thực hóa nội dung của Thỏa thuận bằng cách thúc đẩy số sáng chế của người Việt tăng lên. “Cục SHTT sẽ tâp trung nguồn lực, tâm huyết, kinh nghiệm để triển khai thực hiện cho tốt Thỏa thuận hợp tác này và đóng vai trò là một HUB để kích hoạt cả hệ thống SHTT đi lên” – Cục trưởng cho biết.
PGS. TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc thường trực ĐHQG-HCM phát biểu
Về phần mình, PGS. TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc thường trực ĐHQG-HCM mong muốn, Thỏa thuận hợp tác sẽ giúp gia tăng số lượng sinh viên hưởng thụ từ các chương trình nâng cao nhận thức về SHTT; tăng lượng đơn đăng ký bảo hộ về SHTT và hợp đồng chuyển giao công nghệ; mở rộng thêm mạng lưới về SHTT; phát huy được trí tuệ nguồn lực của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học của ĐHQG-HCM đóng góp các văn bản pháp quy của nhà nước liên quan đến SHTT./.
Toàn cảnh buổi làm việc và Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác:
Cục Sở hữu trí tuệ
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mù Cang Chải” cho sản phẩm mật ong
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Yên Bái” cho sản phẩm măng tre Bát Độ
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mường Khương – Bát Xát” cho sản phẩm gạo Séng Cù
- Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh