Th 4, 06/01/2021 | 10:00 SA
Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mù Cang Chải” cho sản phẩm mật ong
Ngày 29/12/2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4927/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00101 cho sản phẩm mật ong “Mù Cang Chải”. Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Mật ong Mù Cang Chải là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng núi Tây Bắc. Mù Cang Chải có diện tích rừng trên 80 ngàn ha chủ yếu là rừng tự nhiên, cùng với sự phong phú của hàng trăm loại hoa rừng, đua nở suốt bốn mùa, thích hợp để các đàn ong phát triển. Nhờ sự phối trộn của nhiều loại phấn hoa khác nhau, những bầy ong nơi đây đã tinh luyện ra thứ mật tươi ngon, vàng óng, sánh, có mùi thơm và vị ngọt dịu mát tự nhiên. Thông thường, vào những tháng cuối đông hoa Blong song, hoa đào rừng đua nhau nở nộ. Qua Tết Âm lịch, hoa Sơn tra, thảo quả và các loại hoa rừng khác bắt đầu nở gối nhau, do đó, quanh năm, khu vực này cung cấp nguồn hoa dồi dào cho ong làm mật. Nhờ độ nguyên chất, thơm ngọt tự nhiên và những đặc tính vốn có của mật ong mà mật ong Mù Cang Chải được thị trường ưa chuộng và đang trở thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều người, khách du lịch ưa thích và tìm mua về sử dụng và làm quà tặng.
Ảnh lấy từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái
Đối với sản phẩm mật ong, các cây nguồn mật khác nhau sẽ ra hoa và tạo ra các loại mật ong có màu khác nhau. Tại vùng núi Mù Cang Chải có hai mùa vụ mà cây trong rừng cung cấp lượng mật nhiều với hai loại màu sắc đặc trưng theo mùa vụ thu hoạch. Mật ong thu hoạch tháng 9 đến tháng 11, đây là vụ thu hoạch chính trong năm. Khác biệt so với các loại mật ong ở vùng khác, mật ong vụ này ở Mù Cang Chải có màu trắng sữa, lỏng, sánh và trong suốt không có tạp chất. Các tạp chất nhìn thấy bằng mắt thường trong mật ong Mù Cang Chải là sáp ong, xác ong non, và hạt phấn. Sở dĩ có màu sắc đặc biệt như vậy vì vào thời điểm này loài hoa Blong song ở rừng Mù Cang Chải nở rộ và đây là nguồn mật phấn chính cho ong lấy mật ở giai đoạn này. Là loại cây trồng tự nhiên có mật độ phân bố cao ở vùng núi Mù Cang Chải và lượng mật trong hoa ở mức cao nên thời gian quay mật trong giai đoạn này ngắn, từ 4 đến 5 ngày một lần. Mật ong hoa Blong song có mùi thơm dịu đặc trưng, vị ngọt nhẹ và thanh mát tự nhiên đã trở thành đặc trưng của mật ong Mù Cang Chải. Mật ong vụ này có hàm lượng thủy phần từ 18,07% đến 18,54%, hàm lượng Sacaroza từ 0,74% đến 0,84%, hàm lượng Fructoza từ 33,28% đến 35,25%, hàm lượng Glucoza từ 32,75% đến 34,52%.
Mật ong thu hoạch vào tháng 3 đến tháng 4, lúc này trong rừng có các loại hoa thảo quả, hoa sơn tra. Đây là nguồn mật phấn chính cho ong lấy mật. Nhờ mật độ phân bố lớn và lượng mật trong hoa ở mức khá dày nên tuần suất quay mật thường từ 5 ngày đến 7 ngày một lần. Mật ong vụ này có màu vàng cam, lỏng, sánh và trong suốt. Mùi thơm đặc trưng, rõ mùi, dễ chịu. Vị ngọt đậm, mát tự nhiên. Hàm lượng thủy phần từ 18,28% đến 18,89%, hàm lượng Sacaroza 2,03% đến 2,41%, hàm lượng Fructoza 36,36% đến 36,84%, hàm lượng Glucoza 35,74% đến 36,43%. Đây cũng là loại mật ong đặc trưng của vùng núi Mù Cang Chải và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Nhờ đặc thù của khu vực địa lý mà mật ong Mù Cang Chải được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Khu vực địa lý gắn với dãy hoàng Liên Sơn có nhiều dãy núi liên tiếp nhau chay theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Địa hình bị chia cắt đã tạo nên các sườn núi trải dài, độ cao trung bình trên 900 mét so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình năm của Mù Cang Chải khoảng 19,6 oC, số giờ nắng trung bình năm gần 1.800 giờ. Lượng mưa trung bình năm khoảng 1.990 mm, mùa mưa bắt đầu từ tháng Tư, kết thúc trong tháng Chín. Diện tích đất rừng lớn, thổ nhưỡng chủ yếu là đất Feralit vàng đỏ, tầng đất dày, nhiều mùn và giàu chất hữu cơ nên thuận lợi cho việc sinh trưởng phát triển cây nguồn mật như Blong song, màng mủ, đào mận, thảo quả, sơn tra...
Bên cạnh đó, người dân đã biết tận dụng thế mạnh của địa phương là có nhiều đồi rừng nên hoạt động nuôi ong mật tại Mù Cang Chải đã hình thành từ lâu. Người dân nơi đây có kinh nghiệm nuôi ong mật truyền thống với giống ong ta địa phương, kết hợp với phương thức nuôi ong trong rừng tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh… đã tạo nên chất lượng đặc thù cho sản phẩm mật ong Mù Cang Chải.
Khu vực địa lý: Các xã Cao Phạ, Chế Cu Nha, Chế Tạo, Dế Xu Phình, Hồ Bốn, Khao Mang, Kim Nọi, La Pán Tẩn, Lao Chải, Mồ Dề, Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông và thị trấn Mù Cang Chải thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái./.
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Yên Bái” cho sản phẩm măng tre Bát Độ
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mường Khương – Bát Xát” cho sản phẩm gạo Séng Cù
- Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Kagoshima Kuroushi/Kagoshima Wagyu/Thịt bò Kagoshima” cho sản phẩm thịt bò