Th 6, 07/11/2014 | 11:48 SA
Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản
BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “QUẢNG TRỊ” CHO SẢN PHẨM HẠT TIÊU
Ngày 28 tháng 10 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3875/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00045...
Ngày 28 tháng 10 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3875/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00045 cho sản phẩm hạt tiêu nổi tiếng. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Từ lâu sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị đã nổi tiếng bởi vị cay và thơm đặc trưng. Từ thế kỷ 18, trong tác phẩm “Phủ biên Tạp lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhắc đến tiêu Cùa (một địa danh của Quảng Trị) như một sản vật nổi tiếng, được nhiều thương lái nước ngoài tìm đến thu mua sản vật này và xem đó là “vàng đen”. Cho đến nay, hạt tiêu Quảng Trị vẫn là sản phẩm có danh tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam công nhận là đặc sản.
Tiêu Quảng Trị thuộc giống tiêu lá trung bình có tên khoa học là Lada Belantoeng. Hạt tiêu Quảng Trị được cấu tạo bởi hai lớp, vỏ hạt, phôi nhũ và các phôi. Hạt tiêu khi già có màu xanh, chín có màu đỏ. Tiêu đen có màu đen bóng, nhỏ, tròn đều. Hạt tiêu sọ có màu trắng sữa, nhỏ, tròn đều. Đường kính hạt nhỏ hơn 5mm. Hạt tiêu đen Quảng Trị có độ ẩm: 10,79-11,82 %; hàm lượng piperin: 6,40-7,15%; hàm lượng tinh dầu bay hơi: 2,60-2,72%; hàm lượng tro tổng số: 3,88-4,63%; dung trọng của hạt tiêu: 516,68-644,35 g/l; hàm lượng sắt: 111,43-115,65mg/kg; hàm lượng mangan: 135,45-143,70mg/kg. Hạt tiêu trắng (sọ) có độ ẩm: 10,23-11,42%; hàm lượng piperin: 7,09-7,42%; hàm lượng tinh dầu bay hơi: 1,64-2,04%; hàm lượng tro tổng số: 2,11-2,61%; dung trọng của hạt tiêu: 627,27-666,24 g/l; hàm lượng sắt: 93,40-109,22 mg/kg; hàm lượng mangan: 115,61-142,74 mg/kg.
Chất lượng nổi trội của hạt tiêu Quảng Trị có được là nhờ các điều kiện địa lý đặc thù của khu vực này. Khu vực địa lý có dạng địa hình đồi bóc mòn xen thung lũng và bán bình nguyên bazan, có hướng thoải dần từ Tây sang Đông, độ cao trung bình 85m so với mực nước biển. Về điều kiện thủy văn, khu vực địa lý có sông Bến Hải, sông Sa Lung và các hồ đầm như Bầu Thủy Ứ, La Ngà, Dục Đức, Bảo Đài... Phía Đông của khu vực địa lý tiếp giáp biển. Các điều kiện về khí hậu cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tính chất đặc thù của sản phẩm. Khu vực địa lý có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, có gió Tây Nam khô nóng. Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 24-260C, tổng nhiệt độ trung bình năm 8.8060C, tháng Giêng có nhiệt độ trung bình thấp nhất 18,80C, tháng Bảy có nhiệt độ cao nhất trung bình 29-30,50C. Biên độ nhiệt ngày đêm 10,40C. Tổng lượng mưa năm của khu vực địa lý đạt từ 2.200-2.800 mm. Mùa mưa chính tập trung từ tháng Tám đến tháng Một năm sau. Tháng có lượng mưa nhiều nhất là tháng Chín đến tháng Mười Một, tháng có lượng mưa ít nhất là tháng Ba, tháng Tư. Tổng lượng bốc hơi trung bình năm khoảng 875-1.000 mm. Độ ẩm trung bình của khu vực địa lý từ 84-85%. Thời kỳ có độ ẩm cao trên 85% là từ Mười đến tháng Ba hoặc tháng Tư năm sau, trong đó tháng Một là tháng có độ ẩm cao nhất (trên 90%). Thời kỳ có độ ẩm thấp là từ tháng Sáu đến tháng Tám (giao động từ 70-80%).Tốc độ gió trung bình năm của khu vực địa lý từ 2,4-2,6 m/s, tốc độ gió mùa hè khoảng 4,5-5,2m/s, tốc độ gió mùa đông khoảng 3,1-4,4m/s. Về điều kiện địa chất và đất đai, khu vực địa lý có địa chất thuộc địa đới phun trào cổ và rải rác các khối xâm nhập magma siêu bazơ và axít. Khu vực địa lý có 2 nhóm đất là nhóm đất đỏ và nhóm đất xám. Đất có kết cấu tốt, tơi xốp, thoáng khí, tầng đất dày, cấu trúc viên hạt và có độ thấm cao, thành phần cơ giới từ thịt pha sét đến sét. Đất có phản ứng chua đến rất chua, giá trị pHH2O dao động trong khoảng 3,8 đến 4,5. Đất có hàm lượng cacbon hữu cơ tổng số ở mức trung bình nhưng hàm lượng đạm tổng số nghèo. Lân tổng số nghèo nhưng lân dễ tiêu dao động từ trung bình đến khá. Kali tổng số chỉ đạt mức nghèo nhưng kali dễ tiêu lại đạt mức trung bình. Đất thoát nước tốt, có độ dốc dưới 120, tầng canh tác dày, mạch nước ngầm sâu.
Các kỹ năng và bí quyết của người dân địa phương trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản sản phẩm cũng góp phần tạo nên các tính chất đặc thù của sản phẩm. Quy trình sản xuất tiêu Quảng Trị bao gồm các công đoạn:
- Lựa chọn vùng đất trồng tiêu: lựa chọn vùng đất có địa hình bằng phẳng, màu đỏ nâu, tơi xốp, tầng đất dày.
- Chọn và trồng cây làm choái (cột để trồng tiêu): hồ tiêu Quảng Trị được trồng trên choái cây sống, cây thích hợp được sử dụng để làm choái sống là cây mớc và cây mít. Cần thiết kế vườn choái trước 1-2 năm trước khi trồng tiêu. Trồng choái vào đầu mùa mưa, khoảng cách 2,5 x 2,5m (1.600 cây/ha). Nếu muốn rút ngắn thời gian chờ choái sống phát triển thì có thể làm choái tạm. Choái tạm được trồng cách cây choái sống 10-15cm.
- Chọn giống và ươm giống tiêu: chọn giống tiêu lá trung bình, cây xanh tốt, không bị sâu bệnh. Ươm giống tiêu bằng cách giâm hom giống từ các cành vượt.
- Thời vụ trồng tiêu: từ tháng Tám đến tháng Chín.
- Trồng và chăm sóc cây tiêu:
+ Sau khi có choái sống hoặc choái tạm thì đào hố trồng tiêu. Bón phân vào hố trước khi trồng tiêu từ 15-20 ngày. Khi trồng, cuốc một hố nhỏ đặt bầu cách choái 20-25 cm, nghiêng về hướng choái một góc 450. Hàng tiêu được bố trí theo hướng Đông Tây.
+ Sau khi trồng nếu gốc tiêu phát triển tới choái thì dùng dây mềm để buộc tiêu vào thân choái. Khi tiêu leo 60-80 cm, chưa phát triển cành ngang thì bấm ngọn. Khi cành ngang xuất hiện ở độ cao trên 1,5m dùng biện pháp đốn cây tiêu bằng cách cắt hết lá trên đoạn thân già và bánh tẻ, gỡ dây tiêu ra khỏi choái, đào rãnh xung quanh choái có độ sâu 10-15cm, bón phân chuồng hoai mục, đặt cây tiêu uốn theo rãnh, lấp đất, phần ngọn còn lại đặt vào choái.
+ Bón phân hai lần trong một năm vào đầu mùa mưa và sau khi thu hoạch xong.
+ Đảm bảo tưới đủ nước cho cây tiêu và đào rãnh khai mương thoát nước cho cây vào mùa mưa.
+ Phòng trừ sâu bệnh: thực hiện các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh như mối, rệp sáp, bệnh tuyến trùng, bệnh thán thư, bệnh tiêu điên...
- Thu hoạch và bảo quản tiêu:
+ Đối với tiêu đen: sau khi hái tiêu đem phơi 3-4 giờ để dễ tách hạt ra khỏi gié. Sau khi tách hạt, đem phơi 4-5 giờ sau đó ủ qua đêm. Tiếp tục phơi nắng 3-4 ngày đến khi độ ẩm đạt khoảng 15%, hạt khô và đen thì đóng gói bảo quản. Nếu sau khi thu hoạch không gặp nắng thì nhúng tiêu vào nước sôi và hong khô.
+ Đối với tiêu sọ và tiêu trắng: thu hoạch các chùm quả có tỷ lệ tiêu chín trên 70% hoặc các hạt tiêu đỏ đã chọn, đưa vào túi, cột chặt và ngâm trong nước từ 4-5 ngày. Khi phần trung quả bì đã mềm và có thể tách ra một cách dễ dàng, vớt tiêu ra rửa sạch, lọc bỏ cọng gié, vỏ ngoài và các tạp chất. Tiếp tục phơi nắng hạt tiêu còn lại cho khô từ 2-3 ngày và đóng vào túi nylon, bảo quản ở nơi khô ráo.
Khu vực địa lý: thị trấn Hồ Xá, xã Vĩnh Hiền, xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Nam thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Phòng Chỉ dẫn địa lý
Tin mới nhất
- Lễ Ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa
- Hội nghị tổng kết công tác công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024