Th 5, 02/10/2014 | 12:53 CH
Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản
BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “ISAN THÁI LAN” CHO SẢN PHẨM TƠ TẰM TRUYỀN THỐNG
Ngày 18 tháng 9 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3270/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00042...
Ngày 18 tháng 9 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3270/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00042 cho sản phẩm tơ tằm truyền thống của Thái Lan.
Là một đất nước phong phú về sản phẩm nông nghiệp và truyền thống, Thái Lan hiện có rất nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nổi tiếng. Tơ tằm truyền thống Isan Thái Lan là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Thái Lan được nộp đơn đăng ký ở Việt Nam. Tơ tằm truyền thống của vùng Isan nổi tiếng bởi sự độc đáo trong bí quyết sản xuất dân gian được truyền từ đời này sang đời khác của người dân tại khu vực địa lý. Đây không chỉ đơn thuần là một sản phẩm được ưa chuộng mà còn hội tụ bản sắc văn hóa tinh tế của miền Đông Bắc Thái Lan.
Tơ tằm truyền thống Isan Thái Lan là sợi tơ thô đã qua quá trình ươm tơ thủ công bằng tay, được sản xuất từ giống tằm bản địa của Thái Lan, nuôi bằng lá dâu tằm được trồng trên diện tích đất canh tác của 20 tỉnh vùng Đông Bắc hay vùng Isan. Tơ tằm truyền thống Isan Thái Lan có màu vàng ươm, bóng mượt, mềm mại, dai và đều.
Tơ tằm truyền thống Isan Thái Lan bao gồm ba loại là sợi nhỏ (sợi loại 1), sợi xoắn (sợi loại 2) và sợi xếp (sợi loại 3). Sợi nhỏ, hay sợi mành, hay sợi nõn, hay sợi loại 1 là sợi tơ lấy được từ lớp trong vỏ kén. Đặc điểm của sợi tơ là sợi mượt, kích thước đều, sạch sẽ, không lẫn các vật chất lạ khác, sờ mềm tay. Khi dệt thành vải, vải sẽ mềm, mịn, sợi tơ có độ bóng rất cao, có sự mềm mại. Sợi tơ dai, đều, và có màu vàng óng. Sợi kéo ngay, hay sợi xoắn, hay sợi loại 2: là sợi tơ lấy được từ việc kéo sợi đồng thời cùng một lúc của nùi tơ với sợi tơ từ lớp ngoài vào tận lớp trong của vỏ kén. Sợi tơ không mượt, kích thước đều, sạch sẽ, không lẫn các vật chất lạ khác, đều màu. Sợi tơ loại này ráp và to hơn tơ loại 1. Sợi xếp, hay sợi tơ vỏ, hay sợi loại 3: là sợi tơ lấy được từ vỏ kén lớp ngoài gồm cả nùi tơ. Đặc điểm của sợi tơ là sợi rất to, thô ráp, có mấu, kích thước đều, sạch sẽ, không lẫn các vật chất lạ khác, có màu đậm và đều.
Sản phẩm tơ tằm truyền thống này có nguồn gốc từ miền Đông Bắc hay còn gọi miền Isan bao gồm 20 tỉnh, có diện tích 170.226 km2, chiếm 1/3 tổng diện tích lãnh thổ cả nước. Khu vực địa lý phần lớn là cao nguyên với độ cao khoảng từ 120-400m so với mực nước biển. Đặc điểm địa hình giống như một chiếc đĩa nghiêng theo hướng Đông Nam. Các sông chính chảy qua khu vực này bao gồm sông Mul, sông Chi, sông Songkhram và sông Mê Kông. Tuy vậy đất đai vùng đông bắc có đặc điểm là đất cát, không giữ được nước làm cho vùng đất này không màu mỡ vì vậy không thuận tiện cho canh tác nông nghiệp. Những lúc nông nhàn, người dân trong vùng sáng tạo ra nghề dệt vải thủ công nhằm tạo thêm thu nhập cho gia đình. Nghề dệt tơ tằm thủ công ở miền Isan là kiến thức được truyền từ đời này sang đời khác của tổ tiên và lụa tơ tằm có danh tiếng phần lớn tập trung ở vùng Isan. Lụa tơ tằm là một phần cuộc sống của người dân Isan. Người dân sử dụng vải tơ tằm làm trang phục mặc hàng ngày. Con gái vùng Isan phải nuôi tằm dệt vải và phải dành sẵn số lượng vải lên đến trăm tấm để sử dụng trong các dịp quan trọng và những lễ hội theo tục lệ của từng địa phương. Miền đông bắc có rất nhiều dân tộc khác nhau nên phương pháp dệt, họa tiết hoa văn của vải lụa tơ tằm, phong cách ăn mặc vải lụa cũng khác nhau. Nhưng quá trình ươm tơ thì tất cả các dân tộc đều có chung một đặc điểm. Quá trình ươm tơ thủ công của vùng Isan sẽ tách sợi tơ lớp ngoài (sợi tơ đầu) có kích cỡ lớn, thô ráp ra khỏi lớp sợi tơ trong (sợi tơ nhỏ). Sợi tơ trong có đặc điểm là sợi nhỏ, đều nhau, sợi mướt nên khi dệt thành tấm vải sẽ rất mềm mại, khi mặc sẽ có cảm giác thoáng mát dễ chịu. Sự tinh tế trong phương pháp dệt lụa tơ tằm của người Isan làm cho tấm vải lụa có độ phẳng đều nhau, đẹp, mềm, sờ mướt tay, óng ả.
Lụa tơ tằm Isan đẹp và có đặc điểm nổi bật bởi thao tác ươm tơ thủ công, làm cho sợi tơ có sự mềm mại, dẻo dai. Kỹ thuật dệt và thao tác ươm tơ tạo nên một phần truyền thống và văn hóa của người dân địa phương. Truyền thống kế thừa của người phụ nữ trong gia đình thể hiện ở việc mẹ sẽ truyền cách ươm tơ cho con gái. Việc học tập này hoàn toàn dựa trên cơ sở thực hành, làm đi làm lại nhiều lần thành thục và sẽ trở thành kỹ năng.
Quy trình sản xuất sản phẩm tơ tằm truyền thống sử dụng nguyên liệu thô là kén tằm và bao gồm các công đoạn trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ. Diện tích trồng dâu nuôi tằm phải nằm trong vùng Đông Bắc. Cây dâu giống phải là giống bản xứ hay giống được khuyến khích trồng. Ruộng dâu không được có chất độc hại, có môi trường tự nhiên thích hợp, cây dâu phải được chăm sóc thường xuyên. Chất lượng của lá dâu phải tốt và thích hợp cho việc nuôi tằm trong từng thời kỳ. Lá dâu cần được bảo quản ở những nơi thoáng khí và có độ ẩm thích hợp. Kén tằm để kéo sợi phải được nuôi ở vùng Đông Bắc và phải là giống bản xứ Thái Lan, sinh sản quanh năm, có khả năng chống chịu tốt đối với khí hậu nóng và khô hạn của vùng Đông Bắc Thái. Việc nuôi tằm phải ở trong vùng Đông Bắc Thái Lan. Quy trình nuôi tằm cho đến khi được kén tằm, nhà nuôi tằm và dụng cụ phải sạch sẽ và an toàn. Cho tằm ăn lá dâu có kích thước và tuổi phù hợp với từng thời kỳ. Nuôi tằm đúng cách và phù hợp với điều kiện của khu vực. Việc thu hoạch kén tằm được thực hiện khi tằm đã chín và bắt đầu làm kén phải giữ kén tằm ra khỏi né trong vòng 3-5 ngày. Nếu thời tiết nóng có thể thu hoạch sớm hơn, thời tiết lạnh thì thu hoạch chậm xuống vì tằm sẽ nhả tơ chậm trong thời tiết lạnh. Việc lựa chọn kém tằm được thực hiện thông qua việc phân loại kén tốt ra khỏi kén hỏng để có được sợi tơ có chất lượng tốt và đều màu. Trường hợp mua kén tằm, kén tằm phải là giống bản xứ Thái Lan mà được nuôi ở vùng Đông Bắc và phải được nuôi trong điều kiện môi trường thích hợp, theo đúng quy trình trồng dâu nuôi tằm. Kén tằm có chất lượng tốt và sạch sẽ. Ươm tơ là quy trình kéo sợi tơ từ kén tằm bằng guồng se tơ (hay máy se tơ) loại bản xứ hay guồng se tơ (máy se tơ) loại cải tiến (Denchai 1), quấn sợi tơ rồi kéo tơ xuống dụng cụ đựng. Quy trình bao gồm các bước: chuẩn bị kén tằm, luộc kén tằm và kéo sợi. Sản phẩm phải được bảo quản ở nơi có thể tránh côn trùng và nên kiểm tra sợi tơ hàng thàng để không khí điều hòa thường xuyên.
Khu vực địa lý bao gồm các tỉnh Nong Khai, tỉnh Nakhon Phanom, tỉnh Mukdahan, tỉnh Chayaphum, tỉnh Sakon Nakhon, tỉnh Udon Thani, tỉnh Loei, tỉnh Khon Kaen, tỉnh Maha Sarakham, tỉnh Kanlansin, tỉnh Roi Et, tỉnh Yasothon, tỉnh Nakhon Rachasima, tỉnh Buriram, tỉnh Surin, tỉnh Sisaket, tỉnh Ubon Ratchasima, tỉnh Nongbua Lamphu, tỉnh Amnat Charoen và tỉnh Bueng Kan thuộc miền Đông Bắc, Thái Lan.
Phòng Chỉ dẫn địa lý
Tin mới nhất
- Lễ Ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa
- Hội nghị tổng kết công tác công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024