Th 3, 26/07/2022 | 18:28 CH
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ: Góp phần xây dựng văn hoá sở hữu trí tuệ
Nhận thức của xã hội và cộng đồng về sở hữu trí tuệ có vai trò quyết định đối với sự vận hành hiệu quả của hệ thống sở hữu trí tuệ, từ đó, ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được lan tỏa và thực thi.
Văn hoá sở hữu trí tuệ - nền tảng cho sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ
Khung pháp luật về sở hữu trí tuệ đầy đủ, các công cụ quản lý Nhà nước đủ mạnh, nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp là những yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia. Và nền tảng giúp cho hệ thống tiến từng bước vững chắc chính là sự tôn trọng công sức sáng tạo, là nhận thức chung của cộng đồng đối với sở hữu trí tuệ, để từ đó, các hoạt động xác lập quyền, quản lý và khai thác quyền cùng những hoạt động bổ trợ có được mảnh đất màu mỡ để vươn lên mạnh mẽ nhất.
Hệ thống sở hữu trí tuệ, hơn bao giờ hết, đang đứng trước những cơ hội và thách thức vô cùng to lớn. Nền kinh tế tri thức, với sự xuất hiện của các xu hướng công nghệ mới, quá trình chuyển đổi số nhanh chóng đang dẫn dắt nền kinh tế, đòi hỏi phải thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát huy tài sản trí tuệ. Đáp ứng đòi hỏi của quá trình này, hệ thống sở hữu trí tuệ cũng phải chuyển mình, theo kịp với sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng, để tạo ra định chế mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà sáng tạo, của các doanh nghiệp, từ đó gia tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế đất nước.
Trong bối cảnh đó, đánh giá cao tầm quan trọng của nhận thức của cộng đồng đối với sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ nên lần đầu tiên Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/8/2019 đã đề cập tới thuật ngữ “văn hoá sở hữu trí tuệ”, trong đó “Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ” là một trong chín nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu của Chiến lược đề ra.
Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ – nỗ lực bền bỉ
Việc đưa giải pháp hình thành“văn hoá sở hữu trí tuệ” vào Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 là một bước tiến vượt bậc trong những nỗ lực kéo dài suốt 40 năm qua của Cục Sở hữu trí tuệ. Có thể nói, đây là điểm sáng trong Chiến lược sở hữu trí tuệ, với quyết tâm để từng người dân, từng thành phần kinh tế - xã hội có thể thấm nhuần ý thức tôn trọng và tôn vinh thành quả sáng tạo của con người.
Đặt những viên gạch đầu tiên cho hoạt động tuyên truyền sở hữu trí tuệ
Ảnh - Hội thảo quốc tế về thực thi quyền SHTT (Hà Nội, 19/3/1998)
Từ những ngày sơ khai của hệ thống sở hữu trí tuệ, khi thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” còn xa lạ với hầu hết người dân, các cán bộ làm công tác tuyên truyền của Cục Sở hữu trí tuệ đã đưa các khái niệm liên quan đến sở hữu trí tuệ đến với cộng đồng bằng các bài viết, các buổi nói chuyện chuyên đề, tập huấn về sở hữu trí tuệ, từ những quy mô nhỏ tới quy mô lớn. Trên cơ sở đó, hoạt động tuyên truyền dần đa dạng và trải rộng hơn, bằng các bài phóng sự và các chương trình phổ biến kiến thức trên các kênh truyền hình. Để lan tỏa sự hiểu biết về sở hữu trí tuệ, một vấn đề vốn được coi là quá chuyên sâu và khô khan tới công chúng xã hội là một vấn đề không hề đơn giản, đòi hỏi sự sáng tạo và bền bỉ của các cán bộ làm công tác tuyên truyền.
Ảnh - Lớp phổ biến pháp luật SHCN (Tp Hồ Chí Minh, 17-18/4/1998)
Các hoạt động tập huấn, các Hội nghị, Hội thảo, các bài nói chuyện, phóng sự truyền hình lồng ghép kiến thức chuyên môn về sở hữu trí tuệ để trả lời cho những vấn đề thiết thực, các tình huống xảy ra trong thực tiễn đời sống, đã đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Xã hội đón nhận sở hữu trí tuệ với một thái độ tích cực, là một lĩnh vực có thể đem lại nhiều giá trị kinh tế, văn hoá cho mọi thành phần trong cộng đồng, các tổ chức thuộc nhiều khu vực kinh tế, và từng cá nhân trên khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, kiến thức về sở hữu trí tuệ đã lan tỏa một cách tự nhiên tới các khu vực địa lý xa xôi của đất nước, trở thành niềm hy vọng cho những người nông dân chân lấm tay bùn, đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đưa giá trị văn hoá vô hình thành nguồn lợi kinh tế hữu hình cho địa phương.
Chuyên nghiệp hóa hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ
Cùng với sự lớn mạnh của hệ thống sở hữu trí tuệ, hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cũng ngày một đa dạng về nội dung, phong phú và hiện đại về hình thức, gia tăng số lượng và chất lượng hoạt động tuyên truyền. Hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ có nhiều điểm sáng, với cách thức tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng tiếp nhận thông tin, phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của hệ thống sở hữu trí tuệ.
Nhận thức của thế hệ trẻ về sở hữu trí tuệ sẽ là nền tảng ảnh hưởng tới hoạt động sở hữu trí tuệ trong cộng đồng trong tương lai. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến nhóm này, với các buổi nói chuyện chuyên đề, các sân chơi hữu ích thông qua cuộc thi sáng tạo, các hoạt động sinh viên với sở hữu trí tuệ, các cuộc triển lãm các sản phẩm sáng tạo, được tổ chức định kỳ và thường xuyên tại các trường đại học trên khắp đất nước. Dần dần, nhiều thế hệ sinh viên đã có thói quen quan tâm và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong công tác học tập, nghiên cứu. Hàng triệu sinh viên Việt Nam nhiều thế hệ đã có hiểu biết từ cơ bản đến chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, từ đó định hướng cho thế hệ trẻ phát triển, khai thác các sản phẩm sáng tạo đem lại giá trị kinh tế cho bản thân và xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ của Cục, có thể nói, trường đại học đã trở thành một cái nôi nuôi dưỡng văn hoá sở hữu trí tuệ, các hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Một nhóm xã hội đặc thù khác rất quan trọng của hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ là những người dân ở các địa phương có nhiều đặc sản. Sở hữu trí tuệ là một công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các tỉnh, các sản phẩm thủ công cũng như các tri thức truyền thống. Nhờ được trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, người dân ở nhiều địa phương đã biết cách gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình nhờ vào bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng những sáng chế vào quy trình sản xuất - kinh doanh. Để thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ đã đi tới những vùng sâu, vùng xa, tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số, để tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cho đông đảo người dân hiểu được vai trò và cách thức khai thác, quản lý tài sản trí tuệ trong chính các sản vật địa phương, các đặc thù canh tác, nuôi trồng hàng ngày.
Ảnh - Lớp tập huấn về đăng ký nhãn hiệu tập thể “nếp hương Bảo Lạc” cho đồng bào các dân tộc miền núi tại tỉnh Cao Bằng (06/9/2019)
Bối cảnh nền kinh tế tri thức, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đòi hỏi công chúng xã hội cần được trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ tốt hơn. Theo đó, các hoạt động truyền thông về sở hữu trí tuệ cần phải ngày càng đa dạng hơn và nội dung phong phú, thiết thực hơn. Để đáp ứng yêu cầu đó, một điểm nhấn trong công tác truyền thông về sở hữu trí tuệ trong gần mười năm trở lại đây là các sự kiện cộng đồng, lan tỏa thông điệp tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo, vì một tương lai tươi sáng cho mỗi cá nhân và đất nước. Các sự kiện đi bộ bằng đầu, hình tượng IPman, IPlady, IPleader, hưởng ứng các thông điệp hàng năm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, với sự tham gia của hàng nghìn người, đã thu hút được sự chú ý của đông đảo các cấp lãnh đạo, của doanh nghiệp, giới trẻ và toàn xã hội. Hình ảnh các điệu nhảy flashmob, hình tượng quả địa cầu với vô vàn các bàn tay, thể hiện cho sự chung tay xây đắp một nền văn hoá sở hữu trí tuệ đã xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, in sâu vào tâm trí của nhiều tầng lớp, các thành phần xã hội tham gia vào các sự kiện này.
Ảnh - Hoạt động cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2019
Bên cạnh những hình thức tuyên truyền trong cộng đồng, góp phần xây dựng văn hoá sở hữu trí tuệ trong đông đảo thành phần của xã hội, các bài viết chuyên sâu về các vấn đề mới về sở hữu trí tuệ vẫn song song đồng hành, phục vụ những tổ chức, cá nhân muốn nâng cao hiểu biết về sở hữu trí tuệ. Có thể nói, những nhóm bài viết theo chủ đề, được công bố và cho đăng đều đặn trên website của Cục Sở hữu trí tuệ, đã và đang nhận được sự mong đợi của đông đảo những người quan tâm tới sở hữu trí tuệ.
Tiếp tục đắp xây văn hóa sở hữu trí tuệ trong thời kỳ mới
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua cho công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, sau một “quãng nghỉ” của toàn ngành kinh tế, mà sở hữu trí tuệ không phải là ngoại lệ, các hình thức tuyên truyền trực tuyến, các Hội nghị, Hội thảo trên nền tảng trực tuyến vẫn được tổ chức đều đặn, các vấn đề đang đặt ra của hệ thống sở hữu trí tuệ tiếp tục được thảo luận, thậm chí giờ đây còn bao phủ rộng hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Bên cạnh đó, các loạt bài viết, phóng sự truyền thông trực tuyến , những hình thức tuyên truyền không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngày càng được tăng cường. Có thể nói, các hoạt động truyền thông về sở hữu trí tuệ, tuy có bị ảnh hưởng, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của hệ thống.
Ảnh - Lớp tập huấn kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho cán bộ làm công tác sở hữu trí tuệ (2020)
Trong thời gian tới đây, các hoạt động tuyên truyền sẽ ngày càng tận dụng các phương tiện công nghệ mới. Song hành với các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, các hoạt động trực tuyến sẽ tiếp tục được triển khai rộng khắp, nhằm tối ưu hoá điểm mạnh của mỗi hình thức. Có thể trông đợi những hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ đổi mới về nội dung, hấp dẫn về hình thức được thực hiện trong thời gian tới, góp phần giúp sở hữu trí tuệ trở thành một lĩnh vực thú vị, với nhiều tình huống, câu chuyện sinh động từ thực tiễn chứ không khô khan như suy nghĩ của nhiều người bao lâu nay.
Ảnh - Hội thảo “Sở hữu trí tuệ với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia 2020
Hành trình xây dựng văn hoá sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, một nhiệm vụ cốt lõi để xây nền tảng cho hệ thống sở hữu trí tuệ, vẫn còn lâu dài và khó khăn. Đóng góp vào hành trình đó, các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ đã, đang và sẽ là công cụ sắc bén, một hình thức hoạt động không thể thiếu. Văn hoá sở hữu trí tuệ sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hài hoà lợi ích giữa các cá nhân và tổ chức, từ đó gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp của chúng ta, xây dựng một đất nước Việt Nam hiện đại và phát triển. Và góp từng viên gạch xây nên văn hoá sở hữu trí tuệ, các cán bộ làm công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ vẫn là những người thợ xây, xây nên ước mơ cho cộng đồng, cho những em sinh viên đang ngày đêm miệt mài học tập nghiên cứu, những doanh nghiệp khởi nghiệp đang bắt đầu những bước đi đầy gian lao và những người nông dân với những nỗi lo cơm áo gạo tiền bao vất vả.
Nhìn lại những nỗ lực để xây đắp văn hoá sở hữu trí tuệ cho đất nước suốt 40 năm qua, hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cũng đáng để tự hào, và tự tin bước tiếp./.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ Tư vấn
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Trung tâm Thẩm định Sáng chế: Những dấu ấn phát triển
- Việt Nam hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Nâng cao chuỗi giá trị đặc sản địa phương
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh: đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng: Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) hòa nhập với hai đầu đất nước