Th 2, 30/12/2024 | 09:39 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Ngày 26/12/2024, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự Hội nghị có đồng chí Lưu Hoàng Long - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục SHTT, các đồng chí Phó Cục trưởng, Lãnh đạo các đơn vị, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị tại trụ sở Cục SHTT.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng cho biết, trong năm 2024, mặc dù bị tác động bởi sự thay đổi về cơ chế tài chính, tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động (CCVCNLĐ) của Cục SHTT đã nỗ lực, phấn đấu triển khai các công việc trên các mặt công tác và đã đạt được những kết quả nổi bật như: Cục SHTT tiếp nhận 151.489 đơn các loại (tăng 2,2% so với năm 2023), bao gồm 88.355 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 4,5%) và 63.134 các loại đơn và yêu cầu khác (giảm 1,6%); xử lý được đơn 140.497 đơn các loại (tăng 17,5% so với cùng kỳ 2023), trong đó có: 88.711 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 29,8%) và 51.786 đơn/yêu cầu khác (tăng 1,1%). Cục cấp 51.437 văn bằng bảo hộ SHCN các loại (tăng 46%).

Cục SHTT đã triển khai rà soát để sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn SHCN, triển khai xây dựng pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) đối với đề mục SHTT và hoàn thành việc rà soát, sửa đổi và ban hành các mẫu văn bản xử lý đơn SHCN theo quy định của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN (tổng cộng 282 mẫu văn bản); xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ KH&CN; xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi Quyết định số 06/2017/QĐ-TTg áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục SHTT theo chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Cục SHTT đã tham gia góp ý kiến cho 38 dự thảo văn bản QPPL và văn bản chỉ đạo điều hành, gồm: 04 Luật, 15 Nghị định, 10 Thông tư, 09 Chương trình, Quyết định có nội dung về SHTT; thực hiện rà soát các văn bản QPPL về/liên quan đến SHTT và kiến nghị xử lý vướng mắc, xử lý hiệu lực. Cục cũng thường xuyên hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền SHTT nói chung và SHCN nói riêng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng trình bày Báo cáo công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Cục SHTT

Với chức năng là đơn vị đầu mối triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030, năm 2024, Cục SHTT tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc và góp ý kiến đối với việc triển khai thực hiện Chiến lược theo đề nghị của các Bộ, ngành và địa phương; hoàn thành Báo cáo tổng hợp về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược SHTT năm 2023 của các Bộ, ngành, địa phương gửi Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2024, Cục SHTT thường xuyên góp ý kiến đối với các dự thảo Quy định về hoạt động sáng kiến của các Bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn việc áp dụng các quy định về việc chấp thuận công nhận sáng kiến cho người đứng đầu cơ sở, trả thù lao cho tác giả sáng kiến; xây dựng TTHC nội bộ về sáng kiến; tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về hoạt động sáng kiến theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về SHTT và sáng kiến tại các địa phương trên cả nước.

Cục SHTT thường xuyên cập nhật và công bố Danh bạ các tổ chức, cá nhân hành nghề đại diện và giám định SHCN. Đến nay, có 346 tổ chức dịch vụ đại diện SHCN, 587 cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN; 01 tổ chức dịch vụ giám định SHCN, 10 cá nhân được cấp Thẻ giám định viên SHCN.

Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, Cục chủ động tham gia đàm phán các nội dung SHTT trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tích cực thi hành các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc gia nhập, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Canada; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE; đàm phán việc gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh; Hội nghị ngoại giao SHTT, nguồn gen và tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen (5/2024, Thuỵ Sỹ), Hội nghị về Hiệp ước quốc tế về Luật Kiểu KDCN (11/2024, Ả-rập xê-út); duy trì và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC, WIPO; triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác song phương, đặc biệt là với WIPO, Lào, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, v.v..

Năm 2024, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền và phố biến kiến thức về SHTT được triển khai một cách tích cực, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, phần nào đáp ứng được nhu cầu của hệ thống và xã hội, góp phần quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về SHTT. Đặc biệt, Cục đã xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt Đề án Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về SHCN nhằm phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT đến năm 2030 trong khuôn khổ triển khai Chiến lược SHTT quốc gia.

Công tác phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được Cục SHTT quan tâm thông qua việc xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển TSTT trong các Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước; tham gia góp ý kiến đối với các Chương trình, kế hoạch, văn bản về phát triển TSTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.  Chủ trì triển khai Kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài (giữa Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương), Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Triển khai Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030, Cục SHTT đã chủ trì triển khai việc xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2021/TT-BKHCN ngày 11/6/2021 về quản lý Chương trình; tổ chức quản lý, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện 32 dự án; tổ chức nghiệm thu 05 dự án; thực hiện 52 đợt kiểm tra định kỳ; trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 24/26 dự án; tổ chức hội đồng xét duyệt 22 dự án (tuyển chọn được 09 dự án); tổ chức 03 hội thảo hướng dẫn triển khai Chương trình phát triển TSTT; 03 đoàn khảo sát học tập, chia sẻ kinh nghiệm khai thác, phát triển TSTT; tổ chức 14 đoàn khảo sát đánh giá khả năng bảo hộ phục vụ công tác đặt hàng, tuyển chọn nhiệm vụ và cử cán bộ, chuyên gia tham gia vào các Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu các Chương trình, dự án thuộc Chương trình phát triển TSTT của các Bộ, ngành, địa phương.

Hệ thống máy tính, máy chủ, thiết bị mạng, các phần mềm tra cứu, cơ sở dữ liệu điện tử, e-mail, trang web của Cục, v.v được duy trì để phục vụ cho công việc của Cục. Cục đang tiếp tục vận hành thử nghiệm Phần mềm DVCTT (toàn trình) đối với thủ tục đăng ký sáng chế. Hiện tại, Cục và đối tác đang hoàn thiện phần mềm và triển khai thử nghiệm với các TTHC còn lại của Cục.

Công tác tổ chức cán bộ, kế hoạch – tài chính và văn phòng được duy trì, cơ bản bảo đảm các điều kiện làm việc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Cục và hoạt động chung của các đơn vị thuộc Cục. Cục đang rà soát các quy định về tổ chức, hoạt động và cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để đã xây dựng Đề án kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua tổng kết nhiệm vụ năm 2024, Cục SHTT đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, qua đó khẳng định hoạt động SHTT ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước. Đặc biệt, kết quả tiếp nhận và xử lý đơn SHCN đạt cao nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên, Cục nhận được trên 150 nghìn đơn và xử lý được trên 140 nghìn đơn xử lý đơn các loại và cấp được trên 50 nghìn VBBH SHCN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Cục SHTT trong năm 2024 vẫn có những tồn tại, hạn chế nhất định, cụ thể: Tiến độ xây dựng các văn bản QPPL chậm so với kế hoạch đề ra; việc xây dựng một số Quy chế thẩm định không đạt kế hoạch đề ra; tình trạng tồn đọng đơn đăng ký SHCN ngày càng tăng do kết quả xử lý đơn thấp hơn so với số lượng đơn nhận được; thời gian xử lý, giải quyết đơn SHCN dài hơn so với quy định; việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ hành chính công còn nhiều hạn chế, v.v...

Phó Cục trưởng Lê Huy Anh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Cục SHTT 

Để giải quyết những bất cập trên, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng cho biết, trong năm 2025, Cục SHTT tiếp tục hoàn thiện Đề án kiện toàn các đơn vị và nhân lực thuộc Cục theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW; có giải pháp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao và có cơ chế khuyến khích người lao động; lập Đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP; hoàn thành thủ tục trình ban hành các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN và Thông tư số 03/2021/TT-BKHCN; xây dựng các Quy chế thẩm định đơn SHCN.

Bên cạnh đó, Cục sẽ xây dựng, triển khai Kế hoạch xử lý đơn SHCN nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến hết năm 2026 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; chủ động rà soát để cắt  giảm đơn giản hoá các TTHC; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong các hoạt động của Cục.

Cục cũng sẽ tăng cường QLNN về công tác phát triển TSTT; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược SHTT đến năm 2030, Chương trình Phát triển TSTT đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và CDĐL ra nước ngoài và các Chương trình quốc gia khác.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cán bộ; đẩy nhanh việc triển khai các Dự án sửa chữa, chống xuống cấp để cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ Cục.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục SHTT

Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đơn vị đối với dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Cục SHTT, đồng chí Cục trưởng Lưu Hoàng Long kết luận, trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự thay đổi về chính sách tài chính của Nhà nước, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ KH&CN, sự nỗ lực của toàn thể Đảng ủy, Lãnh đạo Cục, công chức, viên chức và người lao động, Cục SHTT đã rất nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trên mọi mặt công tác của Cục, đặc biệt là kết quả xử lý đơn và cấp VBBH SHCN đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Cục trưởng đề nghị hoạt động Cục cần tập trung vào chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính; hoàn thành việc sắp xếp bộ máy; đẩy nhanh các dự án đầu tư công nhằm nâng cao năng lực xử lý công việc và cơ sở vật chất làm việc cho cán bộ Cục. Bên cạnh đó, Cục cũng cần tập trung vào phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.

Cục trưởng Lưu Hoàng Long phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục SHTT

Cục trưởng Lưu Hoàng Long đã cảm ơn, ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của toàn thể cán bộ Cục, gửi lời động viên, lời chúc sức khỏe đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động của Cục SHTT trước những thay đổi lớn, quan trọng của Cục trong năm 2025 và bày tỏ sự tin tưởng vào những thành công và phát triển của Cục trong thời gian tới./.

Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ