Th 6, 31/05/2024 | 13:55 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu

Trong khuôn khổ hoạt động của Mạng lưới các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC), ngày 24/5/2024, tại Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với Trường Đại học Duy Tân tổ chức hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu”

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm mục đích hỗ trợ các thành viên Mạng lưới TISC nói riêng, các trường đại học, viện nghiên cứu nói chung trong hoạt động quản trị tài sản trí tuệ (TSTT), tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động thương mại hóa - mục tiêu chính của chuỗi quản trị TSTT.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh, quản trị TSTT ở Việt Nam là một thách thức bởi tính chất phức tạp của lĩnh vực SHTT, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt và năng động từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Để hoạt động này đạt được hiệu quả, cần có sự hỗ trợ từ các chính sách và quy định rõ ràng của Nhà nước, sự quan tâm sát sao của lãnh đạo các trường, viện cũng như sự hợp tác giữa các bên liên quan.

Thực tế cho thấy, hoạt động quản trị TSTT đã được các trường đại học triển khai dưới nhiều quy mô và hình thức khác nhau, song còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một số đơn vị đã thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT, nhưng hoạt động vẫn còn lúng túng, chưa được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực như mong muốn. Quá trình phê duyệt chính sách, quy chế quản trị TSTT tại một số đơn vị còn nhiều chậm trễ, công tác đánh giá, cập nhật, sửa đổi quy chế chưa thực sự được chú trọng. Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn về SHTT và hạn chế trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp có thể làm mất đi cơ hội khai thác và phát triển TSTT.

TS. Trần Nhật Tân – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Duy Tân cho biết, Trường Đại học Duy Tân nói riêng và các trường đại học, viện nghiên cứu nói chung ngày càng chú trọng đầu tư rất nhiều nguồn lực cho công tác phát triển TSTT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để quản lý hiệu quả các TSTT được tạo ra và đảm bảo hài hòa lơi ích, quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia, góp phần thúc đẩy, khuyến khích hoạt động nghiên cứu, bảo hộ SHTT. Hội thảo này không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm mà còn là cơ hội để các thành viên mạng lưới TISC kết nối, hỗ trợ, cùng nhau phát triển hoạt động quản trị TSTT trong tương lai.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe phần chia sẻ của PGS.TS Vũ Ngọc Hải, Trưởng phòng Khoa học công nghệ & Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Phenikaa về kinh nghiệm xây dựng và triển khai quy chế quản trị TSTT của nhà trường. Tại Trường Đại học Phenikaa, việc xây dựng quy chế quản trị TSTT trước hết luôn dựa trên triết lý hành động của nhà trường dựa trên mô hình “Knowledge enterprise”, coi TSTT là tài sản quan trọng nhất. Bên cạnh đó, hệ thống quản trị TSTT cũng cần phải thay đổi linh hoạt, tuỳ theo mục tiêu và các giai đoạn phát triển. Với sự linh hoạt và mục tiêu đặt ra rõ ràng, hoạt động quản trị TSTT đã thực sự đóng góp vào sự gia tăng giá trị và danh tiếng của Trường.

Dưới góc độ người trực tiếp nghiên cứu, chế tạo sản phẩm TS. Lê Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Mô hình hóa & Mô phỏng, Trường Khoa học Máy tính - Trường Đại học Duy Tân, cũng đã có phần trình bày về hành trình thương mại hóa tài sản trí tuệ - từ ý tưởng đến thị trường. Hoạt động nghiên cứu của Trường luôn xuất phát từ nhu cầu thực tế, gắn với xu hướng công nghệ hiện hành, để từ đó đưa kết quả nghiên cứu sớm được ứng dụng, khai thác thương mại.

Cũng liên quan đến vấn đề thương mại hóa, với những kinh nghiệm trong hoạt động chuyển giao công nghệ và kêu gọi đầu tư, TS. Hứa Thùy Trang, Giám đốc Ban Hợp tác Doanh nghiệp, BK Holdings đã khẳng định, nghiên cứu chuyên nghiệp và tạo được sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu mạnh, giữa doanh nghiệp – nhà trường sẽ là con đường ngắn nhất để thương mại hóa và đi đến thành công.

Bên cạnh đó, từ góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Quốc Việt Đức, Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ, đã trình bày các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật SHTT. Đây là một trong những điểm mới căn bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT ban hành năm 2022. Quy định này rất cần được các tổ chức sử dụng nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tìm hiểu kỹ để áp dụng đúng, khai thác hiệu quả quyền lợi của mình cũng như thực hiện đúng trách nhiệm theo luật định.

Đồng thời, các đại biểu cũng được lắng nghe phần trình bày của Luật sư Vũ Thị Thu Hiền, Công ty Luật TNHH T&G về hoạt động khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, xây dựng chiến lược tra cứu để định hướng hoạt động nghiên cứu, triển khai. Trong hoạt động nghiên cứu, triển khai việc tra cứu và phân tích thông tin sở hữu công nghiệp, đặc biệt là thông tin sáng chế là một trong những hoạt động cần ưu tiên thực hiện để tránh lãng phí nguồn lực vào nghiên cứu trùng lặp và cũng tránh các rủi ro trong đầu tư vào hoạt động xác lập và khai thác quyền SHTT.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi về các công cụ hỗ trợ khai thác thông tin quản trị TSTT, xác định quyền sở hữu TSTT đối với kết quả nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học, các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước,… Hội thảo kết thúc với sự đánh giá tích cực của các đại biểu và chuyên gia.

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ tư vấn

 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng, Cục SHTT phát biểu khai mạc Hội thảo 

 

TS Trần Nhật Tân - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Duy Tân phát biểu chào mừng Hội thảo 

 

Các đại biểu và chuyên gia 

 

Phần thảo luận

 

Toàn cảnh hội thảo