Th 5, 30/05/2024 | 15:39 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Lớp tập huấn chuyên sâu về sở hữu trí tuệ dành cho cán bộ quản lý KH&CN, sở hữu trí tuệ của địa phương năm 2024

Với mục đích thường xuyên nâng cao năng lực quản lý, thực thi hoạt động sở hữu công nghiệp của các cán bộ trong cả hệ thống, Cục Sở hữu trí tuệ định kỳ tổ chức các lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ (SHTT) dành cho cán bộ quản lý của địa phương. Chủ đề của lớp tập huấn năm nay là “Xây dựng và Phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương” – vấn đề luôn được các địa phương quan tâm bởi nhiều nội dung đa dạng, phong phú, vừa có những điểm tương đồng và vừa có đặc thù riêng của từng địa phương. Lớp tập huấn chuyên sâu về SHTT dành cho cán bộ quản lý KH&CN, SHTT của địa phương đã diễn ra từ ngày 21 – 23/5/2024 với sự tham gia của gần 80 cán bộ đến từ hơn 30 tỉnh/thành

Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc khai thác hiệu quả công cụ SHTT để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong một số khảo sát gần đây do Cục SHTT thực hiện về hoạt động quản lý và khai thác các đối tượng SHTT sau khi bảo hộ ở các địa phương, kết quả cho thấy hoạt động khai thác còn chưa hiệu quả và tích cực, nguyên nhân cũng có yếu tố khách quan nhưng cũng nhiều nguyên nhân xuất phát từ chủ quan trong nhận thức và cách thức triển khai hoạt động SHTT của các địa phương. Chúng ta cần hiểu rõ rằng việc đăng ký xác lập quyền SHTT chỉ là một bước trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, để thương hiệu thực sự phát huy vai trò của mình, cần có các hoạt động quản lý và khai thác hiệu quả. Vì vậy, khi lựa chọn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thì cần cân nhắc và nhấn mạnh khả năng khai thác và phát triển sản phẩm, phát triển thương hiệu đó một cách hiệu quả và bền vững.

Chia sẻ thông tin tại Lớp tấp huấn là các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong việc xây dựng và áp dụng chính sách, pháp luật, cũng như triển khai các hoạt động phát triển thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Xoay quanh các nội dung chuyên môn, báo cáo viên trao đổi và chia sẻ từng bước trong hành trình phát triển thương hiệu cho sản phẩm địa phương từ việc cân nhắc để lựa chọn sử dụng tên địa danh nào, lựa chọn hình thức bảo hộ nào, trong đó lưu ý những quy định pháp luật mới về sở hữu công nghiệp của Việt Nam đến những bước phát triển sản phẩm và cách thức quảng bá giúp tạo dựng ấn tượng tốt trong mắt người tiêu dùng, cần quan tâm đến các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, ghi tem nhãn hàng hóa như thế nào và những quy định hay những khó khăn gì khi đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng chủ trì phiên tọa đàm trực tiếp giữa học viên với đại diện các đơn vị có liên quan của Cục SHTT. Học viên là các cán bộ quản lý tại địa phương chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và những vướng mắc trong quá trình triển khai, đưa ra những gợi ý, đề xuất nhằm hoàn thiện hơn trong công tác quản lý nhà nước về SHTT, phát triển tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Những thông tin này thực sự hữu ích đối với Cục SHTT để tham mưu chính sách phù hợp cho các cơ quan cấp trên.

Chương trình tập huấn đã kết thúc tốt đẹp, các học viên đều phản hồi tích cực về nội dung, chất lượng chương trình và mong muốn tiếp tục được tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng tiếp theo của Cục./.

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn

 

Một số hình ảnh tại lớp tập huấn:

Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu khai mạc lớp tập huấn

 


 

Buổi tọa đàm trao đổi về các vấn đề quản lý và phát triển TSTT cho sản phẩm địa phương

 

 Toàn thể học viện tham gia lớp tập huấn