Th 2, 12/07/2021 | 10:55 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Nhân giống hoa đồng tiền bằng nuôi cấy mô: Tối ưu tỉ lệ sống

Trong suốt 6 năm qua, kể từ khi cung cấp số lượng lớn giống hoa đồng tiền cho những người nông dân ở làng hoa Tây Tựu, Xuân Quan hay Thanh Hóa, Mộc Châu…, công ty Hoa Florist Việt Nam vẫn giữ nguyên giá 4.000 đồng/cành. Bất chấp ảnh hưởng của thời tiết hay giá cả của thị trường, công ty vẫn không tăng giá nhưng vẫn có thể tối ưu lợi nhuận nhờ làm chủ “công nghệ nhân giống từ trong phòng nuôi cấy mô”.

Kỹ sư máy tính đi trồng hoa

Những ngày giữa tháng 7 nắng bỏng rát, hơn 20 nhân viên trong phòng nuôi cấy mô và công nhân của Công ty TNHH Florist đang khẩn trương làm việc. Với họ đây là giai đoạn cao điểm chuẩn hoa giống cho vụ tết của người trồng hoa. Trong phòng nuôi cấy mô, những đôi tay thoăn thoắt tạo chồi mẫu, cắt cây, cấy chuyền, nhân nhanh chồi và cụm chồi; tách cây… Hàng vạn cây được xếp trên giá trong môi trường lý tưởng chờ lên khỏe mạnh rồi mang ra khu nhà kính chờ ra ngôi thành cây giống khỏe mạnh giao cho những người đã đặt hàng.

“Để có được sự phối hợp nhịp nhàng như vậy, tôi và những người cộng sự của mình đã mất 6 năm để hoàn thiện quy trình nhân giống hoa đồng tiền bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào” – anh Lê Văn Vĩnh – Giám đốc Công ty cho biết. 

Trong vườn cây giống của Florist.

Sáu năm trước, từ một kỹ sư công nghệ thông tin, anh Lê Văn Vĩnh rẽ bước sang đầu tư trồng hoa lan với mong muốn “tạo muốn công việc nào đó mà anh chị em ở quê không có học cũng làm được và thoát nghèo”. Làm gì bây giờ? Làm nông nghiệp là dễ nhất, thời điểm ấy, hoa lan được nhiều người trồng và có lợi nhuận nên anh cũng bắt tay vào làm, nhưng vì không có kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm “giống đầu vào không chuẩn, mỗi cây một màu, một kiểu hoa nên bán không được giá”. Thất bại đó khiến anh nhận ra “muốn làm nông nghiệp, phải chủ động được nguồn giống”. Trong số các loại hoa đang sản xuất đại trà trên thị trường, trừ một số loại cây giâm cắt cành thì có loại phải trồng từ cây con, hoa đồng tiền là một trong số ấy.

Anh Lê Văn Vĩnh kể lại: “Thời điểm ấy thị trường xuất hiện nhu cầu trồng hoa trong chậu nên nhu cầu về giống rất lớn. Hai nguồn cung cấp giống chính trên thị trường là Đà Lạt và Trung Quốc. Một số viện trường ở ngoài Bắc có làm nhưng quy mô sản xuất không lớn. Do đó, nhân dịp được TP.Hà Nội cho vào tham quan các nhà nuôi cấy mô ở Đà Lạt, tôi đã tranh thủ kết nối, tìm cơ hội”.

Tất nhiên là một người ngoại đạo, dù đã có 2-3 năm trồng và chăm sóc lan nhưng mỗi cây mỗi khác. Anh đọc thêm sách, tìm đến các viện Nông nghiệp, đi đến nhiều các nhà vườn chuyên trồng hoa để hỏi han rồi nghe kinh nghiệm. Anh Lê Văn Vĩnh hào hứng nói “nhờ cái gốc nông dân mà các anh, các bác trồng hoa yêu quý, có kinh nghiệm nào cũng chia sẻ”. Anh cũng mạnh dạn tuyển dụng các sinh viên ngành Công nghệ Sinh học từ Học viện Nông nghiệp, Đại học Nông lâm Thái Nguyên về rồi gửi vào nhà vườn chuyên hợp tác với nước ngoài trong Đà Lạt học thêm về quy trình nuôi cấy mô.

Trong quy trình nhân giống hoa đồng tiền bằng phương pháp nuôi cấy mô, theo anh Vĩnh, 2 khâu quan trọng quyết định chất lượng và tỷ lệ sống của cây là chọn vật liệu ban đầu và ra ngôi ở vườn (từ phòng lạnh có khí hậu lý tưởng đến đến nhà kính có khí hậu tương đương nhiệt độ ngoài trường). Để tạo được vật liệu ban đầu chuẩn, anh và các cộng sự đưa tất cả các bộ phận của cây giống vào tuyển lựa, bộ phận nào của cây cho nguồn mẫu sạch và chất lượng tốt nhất. “Cái này đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm. Chúng tôi góp nhặt được từ quá trình đi học hỏi khắp nơi” – anh nói. Thực tế, đây mới chỉ là thành công bước đầu. Chính anh Vĩnh cũng không thể ngờ rằng, cái khó khăn còn kéo dài thêm tới 2 năm sau đó, khi cây đã lớn lên khỏe mạnh trong phòng nuôi cấy mô với điều kiện ổn nhưng cứ đưa ra nhà kính là chết sạch.

Về lý thuyết, hoa đồng tiền sẽ phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 15-24 độ và độ ẩm từ 60-70%. Dù đã làm theo hướng dẫn, xây dựng hệ thống nhà kính với hệ thống cooling pad, kênh dẫn nước phía dưới để điều hòa nhiệt nhưng cây vẫn không số được. Anh không nhớ có bao nhiêu vạn cây đã chết trong suốt 1 năm sau đó, có những lúc nản anh định buông xuôi, dù đã gọi điện tứ tung để hỏi han kinh nghiệm. Cuối cùng, anh nghĩ ra ý tưởng gửi các bịch cây này tới các nhà vườn khác nhau nhờ ra ngôi giúp. Một năm trời sau đó, anh Vĩnh tiếp tục gửi đi hàng chục vạn cây tới các nhà vườn ở làng hoa Tây Tựu (Hà Nội), Xuân Quan (Hưng Yên), Mộc Châu (Sơn La) và cả các viện nghiên cứu... Anh bảo muốn đo lường sự ảnh hưởng của khí hậu, nhiệt độ… đến sự ra ngôi để rút kinh nghiệm.

“Trong ngần ấy nơi chỉ có một bác trồng hoa ở Xuân Quan là ra ngôi được. Tôi tiếp tục gửi bác thêm cả chục vạn cây để khẳng định rõ ràng, khí hậu miền Bắc hoàn toàn có thể ra ngôi đồng tiền giống khỏe mạnh”, anh nói. Phải đến khi nói chuyện và nghiên cứu giá thể ra ngôi, anh Vĩnh mới nhận ra “sự khác nhau giữa người có học hành bài bản với kẻ tay ngang như mình”.  Hóa ra điểm mấu chốt nằm ở tính ổn định của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng giá thể. Đơn cử như giá thể hạt to và hạt nhỏ sẽ có mức độ giữa ẩm và dinh dưỡng khác nhau. Giá thể sạch cũng quyết định chất lượng ra ngôi, vì khi ấy cây còn yếu và dinh dưỡng cũng phải ở mức phù hợp không quá nhiều không quá ít.

“Tôi thấy mình không được học cơ bản nên cứ chạy lung tung mà quên mất rằng phải đi từ gốc của vấn đề” – anh Vĩnh nói. Từ thời điểm đó đến nay, Florist của anh Vĩnh tự tin cung cấp giống hoa đồng tiền số lượng lớn cho người dân quanh khu vực miền Bắc.

Tối ưu tỷ lệ sống để giữ giá

5 năm qua, kể từ khi bắt đầu bán giống hoa đồng tiền trên thị trường, Florist vẫn kiên định giữ giá bán 4.000 đồng/cây, dù vật tư và giá nhân công tăng chóng mặt. “Đây là chiến lược về giá của Florist cho bà con yên tâm sản xuất. Để gia tăng lợi nhuận, tôi tăng hiệu quả sản xuất bằng cách tối ưu tỷ lệ sống từ phòng nuôi cấy mô đến khi ra ngôi”, anh Vĩnh tâm sự.

Với số lượng hàng triệu cây giống được đưa ra thị trường mỗi năm, nếu nâng cao được tỷ lệ sống thêm 5%-10%  sẽ anh bù đắp phần chi phí tăng lên. Cây con hoàn chỉnh đưa ra vườn ươm đạt tỷ lệ sống trên 80% sau 30 ngày ươm trồng. Năm năm qua anh và các cộng sự đều cố gắng tối ưu từng khâu, từ tuyển chọn giống gốc để tạo chồi mẫu ban đầu cho đến điều chỉnh số lượng cây trong bịch, thời gian nuôi cấy, tỷ lệ dinh dưỡng trong môi trường… để lứa cây sau khỏe mạnh phát triển hơn lứa trước, hay khi thời tiết mát mẻ sẽ tăng số lượng đưa cây ra vườn ươm và giảm khi thời tiết khắc nghiệt.

Anh bảo, là con nhà nông nên thấu hiểu tâm tư người trồng hoa. Nếu mua từ thương lái, họ không được bảo hành về chất lượng, lô nào đẹp thì cây tốt có lãi, lô xấu thì chịu lỗ. Về phía mình, anh Lê Văn Vĩnh bảo hành cho khách hàng từ khi giao giống, cây nào chết thì bù, trong quá trình trồng có vấn đề thì tư vấn. “Quan điểm của tôi là giống có chất lượng mới mở rộng được thị phần. Người trồng hoa được mùa được giá, năm sau lại tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm, như vậy sẽ tăng nhu cầu về giống”, anh nói.  

Niềm vui của anh càng được nhân lên khi quy trình này mới được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002633. Anh tin rằng, với việc độc quyền khai thác công nghệ này sẽ giúp mình có nhiều cơ hội cạnh tranh trên thị trường cung cấp cây giống hoa đồng tiền – nơi mà doanh nghiệp của anh đang chiếm khoảng 20-25% thị phần khu vực phía Bắc.

Hiện Florist Việt Nam sở hữu 2 bộ giống, trong đó, có 15-16 màu giống đồng tiền cao cắt cành và hơn 10 màu cho giống đồng tiền lùn trồng chậu. Nói về việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, anh Lê Văn Vĩnh tiết lộ, ý định này đã có từ khi anh bắt tay vào nghiên cứu, vì muốn xây dựng và đăng ký doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với các quy trình bài bản. Chỉ khi đạt được mục tiêu ấy, anh mới có thể đưa tên tuổi doanh nghiệp của mình vượt khỏi biên giới. “Tôi muốn đồng tiền sẽ trở thành sản phẩm chủ lực để mỗi khi nhắc tới hoa đồng tiền, giới trồng hoa sẽ nhắc tới Florist” – anh Vĩnh nói.

Người đứng đầu doanh nghiệp này cũng tiết lộ, anh đã bước đầu đầu tư một phòng nghiên cứu nhỏ và bắt tay vào việc nghiên cứu giống mới, dù biết rằng chặng đường này còn rất gian nan.

Bích Ngọc

(Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)