Thu, 20/07/2017 | 13:32 PM

View with font size Read content Change contract

Cục sở hữu trí tuệ - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: 15 năm hợp tác đào tạo và nghiên cứu

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN là một trong những đơn vị thành công trong việc đào tạo và nghiên cứu về Sở hữu trí tuệ.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những đơn vị thành công trong việc đào tạo và nghiên cứu về Sở hữu trí tuệ, thành công này nhờ sự hợp tác có hiệu quả của Cục Sở hữu trí tuệ trong 15 năm qua.

Năm 2002, Bộ môn Khoa học quản lý (sau này là Khoa Khoa học quản lý) được thành lập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trường). Cũng vào năm này, Lãnh đạo Trường quyết định đưa các môn học có liên quan đến lĩnh vực Sở hữu trí tuệ vào đào tạo, do đó việc thành lập Bộ môn Sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp bách.

Được sự hợp tác của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trong đó có sự hợp tác đặc biệt quan trọng và có hiệu quả của Cục Sở hữu trí tuệ, việc đào tạo và nghiên cứu khoa học về Sở hữu trí tuệ tại Trường đã hình thành và phát triển.

Điểm lại 15 năm hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Trường và Cục Sở hữu trí tuệ có thể thấy những điểm chính sau đây:

Xây dựng và vận hành Chương trình đào tạo về Sở hữu trí tuệ

Cục Sở hữu trí tuệ đã cử chuyên gia, trong số chuyên gia này có cả các vị Lãnh đạo Cục phối hợp với Trường xây dựng Đề án thành lập Bộ môn Sở hữu trí tuệ, theo kết quả khảo sát được tiến hành tháng 5/2017 đây là bộ môn chuyên ngành về Sở hữu trí tuệ đầu tiên trong các trường đại học ở Việt Nam.

Cùng với đó, Cục Sở hữu trí tuệ cũng cử chuyên gia phối hợp với Trường xây dựng và cử giảng viên giảng dạy Chương trình đào tạo cấp chứng chỉ C Pháp luật và Nghiệp vụ Sở hữu trí tuệ, chương trình này được đào tạo trong 6 tháng, đã đào tạo và cấp chứng chỉ C cho gần 500 học viên.

Cục Sở hữu trí tuệ cũng cử giảng viên tham gia đào tạo hướng Chuyên ngành đại học Quản lý Sở hữu trí tuệ thuộc ngành Khoa học quản lý, mỗi năm hướng chuyên ngành này đào tạo khoảng 20 đến 25 sinh viên, những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này hiện đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… có liên quan đến lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, có thể thấy sự thành công của việc đào tạo chuyên ngành này có sự đóng góp rất lớn của Cục Sở hữu trí tuệ, trong đó có các giảng viên là lãnh đạo Cục đã tham gia đào tạo tại trường trong suốt 15 năm qua.

Tại Quyết định số 04/QĐ-BKHCN ngày 04/01/2010, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận những người đã hoàn thành chương trình đào tạo Pháp luật và Nghiệp vụ Sở hữu trí tuệ, chương trình đào tạo Chuyên ngành Quản lý Sở hữu trí tuệ đủ điều kiện tham dự kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Hiện tại, Trường đã đưa các môn học về Sở hữu trí tuệ vào đào tạo ở bậc đại học và sau đại học, nhiều chuyên gia của Cục đã tham gia hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ.

Để hỗ trợ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học về Sở hữu trí tuệ, Cục đã tạo điều kiện cho sinh viên, học viên cao học của Trường thực tập tại Phòng Thông tin, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, các phòng, ban khác thuộc Cục.

Liên tục trong nhiều năm, mỗi năm Phòng Thông tin thuộc Cục đã tổ chức đào tạo, tập huấn miễn phí cho khoảng 15 đến 20 sinh viên, học viên cao học của Trường về nghiệp vụ tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp.

Ký Thỏa thuận hợp tác về Sở hữu trí tuệ

Ngày 05/8/2010, Lãnh đạo Trường và Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Thỏa thuận hợp tác về Sở hữu trí tuệ. Thỏa thuận này thiết lập một khuôn khổ cho quan hệ hợp tác song phương giữa các Bên. Các hoạt động trong khuôn khổ Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy các hoạt động sở hữu trí tuệ trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của Cục Sở hữu trí tuệ thông qua các hoạt động hợp tác cụ thể, như: Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ; Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Hợp tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ.

Lãnh đạo Trường và Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Thỏa thuận hợp tác về Sở hữu trí tuệ, ngày 05/8/2010

Hợp tác nghiên cứu khoa học và tuyên truyền về Sở hữu trí tuệ

Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Trường tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Sở hữu trí tuệ, tổ chức Hội nghị Khoa học Sinh viên về Sở hữu trí tuệ, đây là hoạt động thường niên nhằm kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, diễn đàn này đã thu hút sự tham gia của sinh viên các trường đại học, như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật (thuộc Đại học Huế), Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Thương mại,…

Từ hoạt động này, đã giúp cho sinh viên định hình được đề tài khóa luận tốt nghiệp và các hoạt động nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực Sở hữu trí tuệ.

Hội nghị báo cáo kết quả hoạt động “Sinh viên nghiên cứu khoa học về Sở hữu trí tuệ” ngày 23/4/2016

Các hoạt động khác

Hai bên đang phối hợp thực hiện Dự án xây dựng và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý sở hữu trí tuệ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 6.2019.

Có thể nhận thấy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một trong những đơn vị thành công trong việc đào tạo và nghiên cứu về Sở hữu trí tuệ, thành công này nhờ sự hợp tác có hiệu quả của Cục Sở hữu trí tuệ trong 15 năm qua./.

Trần Hải Linh