Thu, 13/07/2017 | 16:56 PM
View with font size Read content Change contract
Sớm đưa Luật Chuyển giao công nghệ vào đời sống
Sáng ngày 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức buổi Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước ...
Sáng ngày 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức buổi Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Chuyển giao công nghệ và một số Luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Tham dự buổi Họp báo có: ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc các Bộ ngành liên quan. Và có sự tham dự của các phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí.
Ông Giang Sơn – Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh về việc công bố Luật của Chủ tịch nước
Tại buổi Họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Giang Sơn - Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh về việc công bố Luật của Chủ tịch nước công bố các Luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV gồm: Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đường sắt, Luật Du lịch, Luật Thủy lợi. Đại diện lãnh đạo các Bộ có liên quan đã trình bày những nội dung cơ bản nhất về các Luật.
Sửa đổi Luật CGCN xuất phát từ thực tiễn
Trình bày về những nội dung cơ bản của Luật CGCN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Luật CGCN được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (01/2007), thu nhập bình quân đầu người thấp (chưa đạt mức 700 USD), tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Trong 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng đặt ra yêu cầu, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc một mặt đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường, phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Luật CGCN sau một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp được với xu thế đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật CGCN để tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường KH&CN và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.
Trên tinh thần đó, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật được đặt ra là, thứ nhất, thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và CGCN, hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước; ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Thứ hai, kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật CGCN năm 2006, xác định, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động CGCN trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, phục vụ tăng trưởng bền vững.
Thứ ba, đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước về hoạt động CGCN phù hợp với bối cảnh mới để bảo đảm hiệu quả kiểm soát công nghệ đi đôi với giảm thiểu thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Những nội dung cơ bản của Luật CGCN
Luật CGCN gồm 6 Chương, 60 Điều, cụ thể Chương I - Những quy định chung; Chương II - Thẩm định công nghệ dự án đầu tư; Chương III - Hợp đồng CGCN; Chương IV - Biện pháp khuyến khích CGCN, phát triển thị trường KH&CN; Chương V - Quản lý nhà nước về CGCN; Chương VI - Điều khoản thi hành.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, những nội dung cơ bản của Luật CGCN gồm 9 nhóm nội dung, tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn. Một là, chính sách của nhà nước đối với hoạt động CGCN. Luật CGCN 2017 đã bao quát được một cách đầy đủ tất cả những định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, xu hướng cũng như tiếp cận hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có yêu cầu của KH&CN. Đồng thời cũng lựa chọn, xử lý được những vấn đề phát sinh căn bản liên quan đến việc một mặt tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp, khuyến khích CGCN, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ và ngăn chặn công nghệ lạc hậu để đảm bảo phát triển xanh và bền vững đất nước. Tinh thần này được thể hiện qua Điều 3 của Luật.
Hai là, nhóm vấn đề về quản lý CGCN, quản lý công nghệ thông qua khuyến khích CGCN, hạn chế chuyển giao và cấm chuyển giao. Tinh thần của Luật 2017 vẫn đảm bảo thông thoáng như Luật năm 2006 nhưng sẽ kiểm soát được trong tinh hình kinh tế xã hội đất nước hiện nay.
Ba là, công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Trong kỳ này, lần đầu tiên chúng ta có 1 chương tập trung giải quyết căn cơ yêu cầu về công tác thẩm định CGCN.
Bốn là, biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN, giải pháp phát triển thị trường công nghệ một cách đồng bộ. Tinh thần đưa Luật CGCN 2006 vào cuộc sống đã đáp ứng rất tốt với những yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhưng đối với yêu cầu trong nước như một quốc gia đang phát triển thì phần công nghệ nội sinh cần làm sao để hoàn thiện, nhập các công nghệ nước ngoài thế nào để phù hợp, phục vụ cho nền kinh tế,… gần như chưa đáp ứng được. Kỳ này, giải pháp sửa đổi, bổ sung sẽ đáp ứng những yêu cầu căn bản này để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, cơ chế hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, Bộ trưởng nói.
Cuối cùng là trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CGCN trong tất cả yêu cầu công việc, từ quản lý công nghệ, quản lý khuyến khích CGCN, cấm, hạn chế chuyển giao đến xem xét một cách thấu đáo trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong thẩm định công nghệ của dự án đầu tư.
Luật CGCN 2017 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 và thay thế Luật CGCN 2006. Để Luật được triển khai và đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật CGCN bảo đảm các quy định này được thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực. Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.
Để đưa Luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ trưởng mong muốn các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan sớm cùng nhau tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật CGCN để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật thực hiện theo quy định. Nhấn mạnh vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí, Bộ trưởng cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã chung tay suốt chặng đường vừa qua và bày tỏ mong muốn các đồng chí tiếp tục đồng hành với Bộ, ngành KH&CN và các bộ ngành liên quan đưa Luật KH&CN đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Định kỳ, cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật CGCN để kịp thời có những biện pháp cần thiết bảo đảm tăng cường hiệu quả của Luật CGCN, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Để đưa Luật sớm đi vào cuộc sống, mong các cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan sớm cùng nhau tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật CGCN
Tại buổi Họp báo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã cung cấp thông tin và trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo, phóng viên liên quan đến kế hoạch triển khai Luật CGCN, làm thế nào để đảm bảo được vấn đề định giá công nghệ chuyển giao, hay làm thế nào để biết được công nghệ đưa vào Việt Nam có còn được dùng ở nước nhập khẩu hay không…
Liên kết nguồn tin: https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/12342/som-dua-luat-chuyen-giao-cong-nghe-vao-doi-song.aspx
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Other news
- Cuộc họp lần thứ 53 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN và các sự kiện bên lề
- Hợp tác triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam
- Sử dụng công cụ WIPO CASE để nâng cao chất lượng tra cứu và thẩm định sáng chế
- Ra mắt Hiệp hội Chuyên gia công nghệ cao gốc Việt tại châu Âu
- Đoàn chuyên gia Viện V-KIST thăm và làm việc tại Cục Sở hữu trí tuệ