Thu, 25/06/2020 | 14:54 PM

View with font size Read content Change contract

Bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp

Hiện nay chúng ta đang sống trong nền kinh tế dẫn động bằng tri thức, trong đó các ý tưởng và sự sáng tạo đã trở thành các nguồn lực chính để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và đem lại những lợi thế cạnh tranh. Thông tin sở hữu công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Công tác thông tin sở hữu công nghiệp
Công tác thông tin sở hữu công nghiệp được bảo đảm thông qua việc quản lý, phát triển và bảo đảm nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Cục và đáp ứng nhu cầu tra cứu của công chúng.
 
Định kỳ hằng tháng, Công báo sở hữu công nghiệp dưới dạng điện tử được xuất bản và công bố lên Cổng thông tin điện tử của Cục. Để thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, bắt đầu từ số 376 - tháng 7/2019, Công báo sở hữu công nghiệp tập A và tập B lần lượt được tách thành ba quyển theo các nhóm đối tượng sở hữu công nghiệp như sau: Quyển 1: Sáng chế; Giải pháp hữu ích, Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Quyển 2: Kiểu dáng công nghiệp; Quyển 3: Nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý.
 
Đối với công tác thống kê sở hữu công nghiệp, Cục đã công bố số liệu thống kê về đơn và văn bằng bảo hộ của các địa phương trên Cổng Thông tin điện tử của Cục để phục vụ công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp của địa phương. Cục cũng thực hiện tốt việc cung cấp các số liệu thống kê về sở hữu trí tuệ theo định kỳ hằng năm để gửi cho WIPO. Đây chính là một trong những nguồn dữ liệu dùng làm căn cứ để WIPO tính toán Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). 
Hội thảo Tra cứu thông tin sáng chế dành cho Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) do Cục SHTT phối hợp với WIPO, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức 
 
Bên cạnh đó, Cục đã cập nhật và áp dụng phiên bản mới nhất của các Bảng phân loại quốc tế trong lĩnh vực sáng chế và nhãn hiệu để phục vụ đăng ký sở hữu công nghiệp, cùng thời điểm hiệu lực do WIPO áp dụng. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận trong những năm qua để đảm bảo sự đồng nhất về phân loại của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp từ nước ngoài nộp vào Việt Nam cũng như của đơn Việt Nam nộp ra nước ngoài.
 
Trong hoạt động hợp tác với WIPO, nhằm thúc đẩy phổ biến kỹ năng khai thác thông tin khoa học công nghệ nói chung, thông tin sở hữu công nghiệp và cụ thể là thông tin sáng chế nói riêng, Cục đang tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Mạng lưới TISC theo Dự án TISC của WIPO với gần 60 viện/trường trong toàn quốc đăng ký tham gia. Cục đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) với WIPO về hợp tác triển khai Dự án Môi trường Sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE) tại Việt Nam. Năm 2019, chương trình tập huấn cho các thành viên Mạng lưới TISC và IP-HUB lần đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức một cách bài bản với 10 mô đun tập huấn chuyên sâu cho các thành viên ở cả khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 03/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với WIPO, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tra cứu thông tin sáng chế dành cho Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC)”  và phối hợp với WIPO, JPO tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) khu vực ASEAN” với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia TISC của WIPO và đại biểu 10 quốc gia ASEAN. Tháng 10/2019, Cục đã phối hợp với WIPO, JPO và Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE)”. 
Đại biểu tham dự Hội thảo Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) khu vực ASEAN tham quan Đại học Bách Khoa Hà Nội 
 
Cục tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm cải thiện Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ; tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, phổ biến thông tin và truyền thông về sở hữu trí tuệ nhằm phục vụ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. 
 
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin
 
Năm 2019, hệ thống máy tính, máy chủ, thiết bị mạng, hệ thống IPAS, các hệ thống tra cứu, thư viện điện tử, email, trang web của Cục, v.v. về cơ bản tiếp tục được vận hành ổn định, an toàn để phục vụ cho công tác chuyên môn của Cục. Cục đang triển khai xây dựng Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 theo kế hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính.
 
Theo Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về việc triển khai Hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS), một hệ thống phần mềm quản trị và xử lý đơn sở hữu công nghiệp theo quy trình rất linh hoạt cùng một cơ sở dữ liệu chuẩn về sở hữu công nghiệp sẽ được thiết lập tại Cục Sở hữu trí tuệ. Năm 2019, hệ thống đã chính thức áp dụng cho đối tượng kiểu dáng công nghiệp và đang xây dựng cho các đối tượng còn lại theo lộ trình dự kiến. 
 
Các thư viện điện tử về sở hữu công nghiệp phục vụ công chúng truy cập (IPLib, DigiPat) được cập nhật định kỳ hàng tháng, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh việc hỗ trợ triển khai phần mềm WIPO IPAS, các chuyên gia WIPO sẽ hỗ trợ Cục xây dựng một trang thư viện điện tử mới là hệ thống “Thư viện số về sở hữu công nghiệp” trên nền tảng WIPO Publish. Thư viện này được Cục đưa vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 11/2019 tại địa chỉ thử nghiệm Wipopublish.noip.gov.vn. Dự kiến Thư viện sẽ hoạt động chính thức vào cuối năm 2020, song song với tiến độ của phần mềm WIPO IPAS.
 
Để tiếp nhận và triển khai tối ưu hệ thống của WIPO cũng như đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực xử lý đơn nói chung, Cục đã đầu tư nguồn lực để lập dự án “Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ” nhằm nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư từ năm 2009. Dự án đã được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022. Trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng nội bộ cùng các thiết bị công nghệ thông tin  hiện đại sẽ được thiết lập tại Cục. Các kho đăng bạ quốc gia được số hóa để tăng độ chính xác của cơ sở dữ liệu và góp phần rút ngắn quy trình, nâng cao hiệu quả xử lý của hệ thống. Các công cụ đáp ứng quy trình xử lý đặc thù cũng được thiết lập nhằm đảm bảo Cục có một hệ thống quản lý sở hữu công nghiệp đầy đủ và có độ thống nhất cao.
 
Bên cạnh đó, Cục đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị khu vực ASEAN về công nghệ thông tin vào tháng 10/2019 tại Đà Nẵng và tổ chức Đoàn khảo sát để học hỏi về hệ thống công nghệ thông tin của Cơ quan Sáng chế Nhật Bản trong tháng 11/2019.
 
Năm 2020 sẽ là năm bản lề trong việc thiết lập lại hệ thống công nghệ thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng các kỳ vọng của Chính Phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Tổ chức quốc tế và công chúng. Trước xu thế hội nhập với hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới, cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và sự tăng trưởng nhanh về đơn sở hữu công nghiệp, cần có sự đầu tư phù hợp, kịp thời cho hệ thống công nghệ thông tin nhằm thiết lập hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Cục trong giai đoạn tới.
 
 
Cục Sở hữu trí tuệ