Thu, 21/04/2022 | 10:11 AM

View with font size Read content Change contract

Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động tạo lập và quản trị tài sản trí tuệ tại Trường đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp”

Ngày 19/4/2022, Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm IPTC – Đại học Quốc gia Tp.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến với chuyên đề “Thúc đẩy hoạt động tạo lập và quản trị tài sản trí tuệ tại Trường đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp”.

Hội thảo diễn ra trong bầu không khí học thuật sôi nổi nhưng không kém phần trang trọng và thu hút hơn 200 đại biểu, học viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia.

Phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Minh Huyền Trang – Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (IPTC ĐHQG-HCM) cho biết, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và nền kinh tế tri thức đòi hỏi việc tạo lập và nhận diện tài sản trí tuệ (TSTT)là công việc hết sức cần thiết, nhận thức được tầm quan trọng đó nên Trung tâm IPTC-ĐHQG-HCM đã ký kết hợp tác với các cơ quan hữu quan trong đó có Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) về chuyên môn trong hoạt động bảo vệ TSTT.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phụ trách đào tạo tập huấn hội thảo Trung tâm IPTC ĐHQG-HCM cho biết “Thúc đẩy hoạt động tạo lập và quản trị TSTT tại Trường đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp” là chủ đề được trăn trở trên 10 năm nay, công việc hiện tại là làm cách nào để nó có thể đáp ứng được với thời đại 4.0 hiện tại. Câu chuyện từ sáng kiến đến nhận diện TSTT, câu hỏi làm thế nào đưa hoạt động SHTT vào trường đại học và đẩy mạnh nó hơn, làm sao để có thể liên kết trường với các khối doanh nghiệp, và làm sao để TSTT thực sự gặt hái được lợi ích kinh tế là những vấn đề cần được quan tâm. Bà mong rằng các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam sẽ áp dụng mô hình đầu tư vào SHTT để gia tăng giá trị tổ chức trong lĩnh vực giám định giá trị vô hình của tổ chức đó.

Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng Phòng quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với bài tham luận “Câu chuyện quản trị: Từ Sáng kiến đến Tài sản trí tuệ” đã chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa hoạt động sáng kiến và hoạt động quản trị TSTT. Ông đã cung cấp những kiến thức cập nhật về các quy định, các thông tư liên quan đến công nhận sáng kiến, quyền và nghĩa vụ của hoạt động sáng kiến. Bài trình bày cũng làm rõ các bước tiếp cận rất bài bản trong hoạt động quản trị sáng kiến, từ tạo ra sáng kiến, áp dụng sáng kiến, công nhận sáng kiến cho đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và tác giả sáng kiến. “Một môi trường mà người lao động ai ai cũng cải tiến, ai ai cũng đổi mới các quy trình và tất cả mọi thứ trong công tác, trong sản xuất, trong quản lý thì người đứng đầu tổ chức đó được hưởng lợi rất lớn, là một tổ chức phát triển lành mạnh và bền vững.” – Ông Sơn chia sẻ.

Đến với chuyên đề thứ 2, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh Giảng viên cao cấp Bộ môn Quản trị Thương hiệu, Trường Đại học Thương mại Hà Nội với bài tham luận “Quản trị Tài sản trí tuệ trong Trường Đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp” đã có những ví dụ rất trực quan nhưng cũng không kém phần tầm quan trọng của TSTT, giá trị của TSTT hiện nay, và vấn đề xâm phạm quyền SHTT vì TSTT là tài sản có giá trị rất cao. Ông đã làm sáng tỏ rất nhiều kiến thức về TSTT, vấn đề nhận diện TSTT, quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu và những trăn trở trong việc bảo vệ TSTT trong đó có nhắc đến thương hiệu của một tổ chức và việc quản trị phải tiếp cận ở cấp độ tư duy chiến lược và thực tiễn triển khai thì mới đạt hiệu quả cao. “Trong quá trình nghiên cứu khoa học, chúng ta tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ khác nhau, nhưng nếu ta không quản trị tài sản chặt chẽ, sau này nếu có một số rủi ro về nhân sự, về giao kết hợp đồng với một đối tác nào đó, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất tài sản.” – PGS.TS.Thịnh nói.

Ông Nguyễn Hải Phong, chuyên viên Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp, Cục SHTT, hiện đang hỗ trợ phát triển Mạng lưới Văn phòng SHTT và chuyển giao công nghệ (TISC / IP-HUB) tại các viện nghiên cứu, trường đại học chia sẻ về hoạt động quản trị tài sản trí tuệ kinh nghiệm của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO). Cần có bộ phận chuyên trách độc lập và chính sách quản lý phân chia lợi ích rõ ràng tạo động lực cho các nhà nghiên cứu cống hiến càng nhiều tri thức mới cho xã hội - ông Phong chia sẻ.

Đến tham dự chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm thông tin sở hữu công nghiệp – Cục SHTT, cũng có những trao đổi và chia sẻ các nội dung liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền SHTT, các thủ tục liên quan đến việc xác lập quyền và cung cấp thêm thông tin về các khóa đào tạo trực tuyến mà Cục SHTT tổ chức giúp cho các nhà khoa học được hiểu rõ và thực hiện việc tra cứu thông tin giúp khả năng xác lập quyền SHTT được hiệu quả.

Tại chương trình, nhiều đại biểu tham dự chia sẻ, doanh nghiệp thậm chí cả trường đại học và viện nghiên cứu - cái nôi sáng tạo tri thức mới vẫn còn nhiều bỡ ngỡ về vấn đề SHTT, muốn tìm hiểu về phương cách bảo hộ TSTT của mình, các cách bảo hộ đối với các dạng TSTT khác nhau, các tình huống khác nhau trong việc bảo hộ TSTT trong thực tế… Tất cả những vấn đề đưa ra đều được các chuyên gia giải đáp rõ ràng, cụ thể, đồng thời cũng chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm cá nhân quý giá đến với các đại biểu tham dự.

Buổi hội thảo được tổ chức trong bầu không khí đầy nhiệt huyết của các chuyên gia và sự tương tác tích cực của các Đại biểu tham dự, thể hiện được nhiều khía cạnh quan trọng cũng như giải đáp được những khó khăn trăn trở, cập nhật các kiến thức mới về quản trị TSTT.

Kết thúc chương trình đã để lại nhiều ấn tượng với những chia sẻ quý giá đến từ các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị TSTT. Hứa hẹn nhiều thay đổi về hoạt động quản trị TSTT và bảo vệ quyền SHTT. Chương trình diễn ra thành công tốt đẹp.

Một số hình ảnh tại hội thảo

Link nguồn tin: https://iptc.vn/hoi-thao-thuc-day-hoat-dong-tao-lap-va-quan-tri-tai-san-tri-tue-tai-truong-dai-hoc-vien-nghien-cuu-va-doanh-nghiep/

 

Lê Thị Thanh Tâm

Phụ trách đào tạo tập huấn hội thảo Trung tâm IPTC –ĐHQG-HCM