Tue, 19/04/2022 | 17:04 PM

View with font size Read content Change contract

Hội thảo "Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hoá đọc của sinh viên Việt Nam"

Ngày 18/4/2022, Cục Sở hữu trí tuệ, Học viện Phụ nữ Việt Nam và các bên liên quan đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hoá đọc của sinh viên Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong một thời điểm rất có ý nghĩa với việc chào mừng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4 và Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4.

Tham dự Hội thảo có ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; ông Bùi Minh Cường - Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật; bà Hoàng Thuý Quỳnh – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ; Luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc Sở hữu trí tuệ, Công ty Luật TNHH T&G…cùng hơn 200 đại biểu là các giảng viên, sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội (Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Đại học Lao động - Xã hội, Đại học Văn hoá; Học viện Thanh thiếu niên…).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã khẳng định buổi Hội thảo được tổ chức trong không khí đặc biệt của nhiều sự kiện quan trọng như Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4, Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4 và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4. Tổ chức Sở hữu trí tuệ đã chọn chủ đề cho Ngày Sở hữu trí tuệ năm 2022 là: "Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới vì một tương lai tốt đẹp hơn". Ông đã  nhấn mạnh vai trò của sở hữu trí tuệ đối với xã hội và ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, thanh niên Việt Nam, khi lực lượng thanh niên hiện nay chiếm gần ¼ dân số, là chủ nhân tương lai của đất nước luôn tiên phong trong đổi mới sáng tạo, là tác nhân tự nhiên của sự thay đổi, của những con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Ông cũng khẳng định vấn đề xâm phạm bản quyền, vấn đề bình đẳng giới rất quan trọng và đang được xã hội quan tâm. Cuối cùng, ông dành những lời cảm ơn tới Học viện Phụ nữ Việt Nam, các cá nhân và các bên liên quan đã tổ chức được một sự kiện ý nghĩa trong những ngày sôi động tháng 4 này.

Đồng phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc Hội thảo khi có sự kết hợp của ba sự kiện đặc thù giữa quyền sở hữu trí tuệ, văn hoá đọc và bình đẳng giới. Ở đó, vấn đề về văn hoá đọc của sinh viên được quan tâm trong thời gian qua, đặc biệt là ở các trường đại học khi một bộ phận sinh viên với tình trạng ngại đọc hoặc có xu hướng lựa chọn đọc sách ngắn. Ông nhấn mạnh việc giữ gìn thói quen đọc sách và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một nhu cầu trong xã hội hiện nay, bởi vì tài sản trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trường đại học, doanh nghiệp, xã hội. Cuối cùng, ông đã bày tỏ sự cảm ơn với Cục Sở hữu trí tuệ đã có sự phối kết hợp với Học viện trong thời gian qua với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo nhận thức về sở hữu trí tuệ; cảm ơn các luật sư, các doanh nghiệp đồng hành cùng Học viện trong các chương trình liên quan.

Tại Hội thảo, Luật sư Lê Xuân Lộc – Giám đốc Sở hữu trí tuệ Công ty T&G đã chia sẻ với các đại biểu nội dung về “Nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học và vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong sinh viên”. Luật sư đã khẳng định tài sản trí tuệ luôn được tạo ra và tồn tại trong các trường đại học và trình bày các loại tài sản trí tuệ phổ biến trong trường đại học; chia sẻ về vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của sinh viên, chỉ ra một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của sinh viên hiện nay. Đứng từ góc độ một chuyên gia về Giới, TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo chủ đề rất nhiều ý nghĩa về “Đọc sách – Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới”. Nội dung bài tham luận đề cập tới các vấn đề về: Quan điểm nữ quyền tự do về trí tuệ và bình đẳng giới; nâng cao năng lực trí tuệ thông qua đọc sách; Thúc đẩy văn hoá đọc nhạy cảm giới… và đặc biệt hơn là đưa ra những lời khuyên, kinh nghiệm quý báu dành cho các bạn sinh viên.

Buổi Hội thảo đổi mới hình thức tiếp cận khi có phần giao lưu, trả lời câu hỏi theo hình thức bàn tròn của các chuyên gia đến từ Cục Bản quyền tác giả, Luật sư, Chuyên gia về Giới. Nội dung thảo luận rất sôi nổi với rất nhiều câu hỏi hay và ý nghĩa xoay quanh chủ đề của Hội thảo như vấn đề trích dẫn tài liệu, xuất bản, xác định tác giả và đồng tác giả…

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã tiến hành đưa ra các câu hỏi trong mini game dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nội dung trò chơi đã thu hút rất nhiều sinh viên và khách mời tham gia với nhiều phần quà tặng ý nghĩa. Thông qua các câu hỏi này góp phần tuyên truyền về chủ đề của Hội thảo tới sinh viên và những người quan tâm.

Kết thúc Hội thảo, Tiến sỹ Dương Kim Anh, đại diện của Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đánh giá cao nội dung của Hội thảo. Các vấn đề được đưa ra thảo luận rất phong phú, đa dạng và ý nghĩa. Nội dung của Hội thảo sẽ gợi mở cho giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Học viện Phụ nữ và các trường đại học thêm nhiều ý tưởng mới, mở rộng các hướng nghiên cứu liên quan đến sở hữu trí tuệ, bình đẳng giới và văn hoá đọc. Lãnh đạo Học viện cũng mong muốn được tiếp tục đồng hành, hợp tác với Cục Sở hữu trí tuệ và các bên liên quan trong những sự kiện tiếp theo. 

Một số hình ảnh liên quan tới Hội thảo

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo

 Ông Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Luật sư Lê Xuân Lộc trình bày tham luận về sở hữu trí tuệ tại Hội thảo

 Bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ trình bày tham luận về đọc sách và bình đẳng giới tại Hội thảo

Giao lưu giữa đại biểu với các chuyên gia

 Phần trò chơi tìm hiểu về sở hữu trí tuệ dành cho sinh viên

Bàn sách của Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật phục vụ độc giả

Bàn sách của Nhà xuất bản Phụ nữ

 

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn