Th 5, 11/05/2023 | 17:00 CH
Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Khoảng cách giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) là một vấn đề đáng quan tâm; chỉ có khoảng 16% chủ đơn đăng ký sáng chế nộp qua hệ thống PCT là phụ nữ, tức là còn vô số trí tuệ sáng láng của nữ giới và những ý tưởng sáng tạo của họ chưa được khai thác. WIPO ước tính rằng với tốc độ hiện tại, sự cân bằng về giới giữa các chủ đơn PCT sẽ không thể đạt được trước năm 2064. Bằng cách hành động ngay bây giờ để tạo điều kiện và hỗ trợ các nhà đổi mới sáng tạo nữ, chúng ta có thể khai phá tiềm năng đổi mới sáng tạo của họ, củng cố các hệ sinh thái SHTT và đổi mới sáng tạo cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bài học thành công
Bất chấp thách thức đang ngày càng nghiêm trọng, vẫn có những dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ. Chúng ta nhận thấy ngày càng có nhiều bước tiến thú vị trong các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp liên quan đến hành động chung nhằm thu hút nhiều phụ nữ hơn tham gia vào hoạt động thương mại hoá kết quả đổi mới và sáng tạo. Ví dụ, nhiều cơ quan SHTT quốc gia trên toàn cầu đang triển khai các sáng kiến nhằm hỗ trợ phụ nữ trong hành trình SHTT của họ. Những sáng kiến này có chung một mục tiêu, đó là tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào hệ thống SHTT bằng cách giảm phí và hỗ trợ pháp lý miễn phí cho việc chuẩn bị và nộp đơn đăng ký sáng chế.
“Nhiều cơ quan SHTT quốc gia trên toàn cầu đang triển khai các sáng kiến nhằm hỗ trợ phụ nữ trong hành trình SHTT của họ.”
Ví dụ như Chương trình khuyến khích bảo hộ sáng chế và kiểu dáng Juana (JPIP) của Cơ quan SHTT Philippines (IPOPHL), đây là chương trình hỗ trợ cho các nhà sáng chế và nhà thiết kế nữ trong bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Tương tự như vậy, tại Ấn Độ, Cơ quan Tổng kiểm soát Sáng chế, Kiểu dáng và Nhãn hiệu (CGPDTM) áp dụng chính sách giảm 80% phí nộp đơn cho các công ty khởi nghiệp và doanh nhân nữ. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu (USPTO) giảm 60% phí nộp đơn cho các doanh nghiệp nhỏ và 80% phí nộp đơn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ. Bên cạnh đó, USPTO cũng có Chương trình Pro Bono cung cấp các hỗ trợ pháp lý một cách miễn phí cho các nhà sáng chế và các doanh nghiệp nhỏ, rất nhiều trong số đó do phụ nữ làm chủ, để từ đó họ có thể đưa ý tưởng sáng tạo của mình ra thị trường một cách dễ dàng hơn. Và tại Mexico, thông qua chương trình Mujeres Innovadoras, Viện Sở hữu công nghiệp Mexico cung cấp nhiều hỗ trợ, bao gồm các hoạt động đào tạo kỹ năng, tư vấn và các chương trình đào tạo khác để giúp họ gia tăng giá trị và thương mại hoá các công nghệ đổi mới sáng tạo.
Một thế giới mà phụ nữ ở bất cứ đâu đều có thể theo đuổi đam mê khoa học và công nghệ
Tại WIPO, chúng tôi chuyên tâm cung cấp các hoạt động hỗ trợ và nguồn lực cần thiết để giúp phụ nữ bảo vệ và nâng cao giá trị nghiên cứu của họ thông qua sử dụng hệ thống SHTT. Bằng cách đó, chúng tôi không chỉ mang lại lợi ích cho chính phụ nữ mà còn tăng cường năng lực tổng hợp của họ để phát triển các công nghệ và giải pháp tiên tiến có khả năng thay đổi cộng đồng của chúng ta. Điều này cũng tạo ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển mạnh hơn, củng cố khả năng phục hồi kinh tế trong những thời điểm thử thách này. Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi khi mọi phụ nữ đều có cơ hội theo đuổi niềm đam mê khoa học, công nghệ và nghệ thuật của mình bất kể trách nhiệm gia đình hay sự nghiệp của họ bị gián đoạn.
“Tại WIPO, chúng tôi chuyên tâm cung cấp các hoạt động hỗ trợ và nguồn lực cần thiết để giúp phụ nữ bảo vệ và nâng cao giá trị nghiên cứu của họ thông qua sử dụng hệ thống SHTT.”
Nhận thấy phụ nữ cần được hỗ trợ trong việc tái gia nhập lực lượng lao động sau thời gian nghỉ làm vì trách nhiệm gia đình, Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ đã triển khai Chương trình Nhà khoa học nữ (WOS). Chương trình này cung cấp các khoản tài trợ và học bổng nghiên cứu cho những phụ nữ đã tạm nghỉ việc để thực hiện trách nhiệm đối với gia đình như một động lực để họ theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Tính đến nay, có khoảng 800 phụ nữ đã được đào tạo thông qua Chương trình này. Có khoảng 270 người trong số họ đã trở thành đại diện sở hữu công nghiệp, hỗ trợ các nhà sáng chế đăng ký bảo hộ sáng chế. Những phụ nữ này hiện chiếm khoảng 10% số đại diện sở hữu công nghiệp và chuyên gia cung cấp dịch vụ SHTT cho doanh nghiệp start-ups đang hoạt động tại Ấn Độ. Những chương trình như vậy giúp tạo nên một môi trường SHTT và đổi mới sáng tạo toàn diện hơn, nơi mà phụ nữ có thể phát huy tài năng cũng như theo đuổi ước mơ của mình vì lợi ích của tất cả mọi người.
Thách thức về dữ liệu
Việc thu thập dữ liệu về sự hiện diện của phụ nữ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và SHTT là một trọng tâm ưu tiên vì nó có thể giúp xác định quy mô và nguồn gốc của vấn đề đầy thách thức này và từ đó có thể hỗ trợ những nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách về giới.
WIPO đã và đang đi đầu trong thực hiện những nỗ lực ở phạm vi quốc tế để thu thập dữ liệu liên quan đến SHTT và giới, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách bằng chứng cần thiết để hoàn thiện các chính sách hiệu quả tập trung vào vấn đề giới. Bên cạnh đó, năm 2022, WIPO đã phát hành Tài liệu hướng dẫn Phân tích về giới từ dữ liệu Đổi mới sáng tạo và SHTT dành cho các Cơ quan SHTT, doanh nghiệp và trường đại học. Tài liệu này tóm tắt các bài học thành công trong việc xây dựng các chỉ số về giới trong đổi mới sáng tạo và SHTT. Tài liệu được thiết kế nhằm giúp các chính phủ và nhà nghiên cứu đạt được sự cân bằng giới hợp lý hơn trong SHTT và đổi mới sáng tạo khi tiến hành nghiên cứu và xây dựng các chính sách liên quan.
Công việc quan trọng này cũng được triển khai rộng khắp trong cộng đồng SHTT quốc tế. Ví dụ, Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) đang thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và SHTT bằng cách làm nổi bật những thành tựu của các nhà sáng chế nữ thành công đồng thời nâng cao nhận thức về khoảng cách về giới trong hoạt động sáng chế. Thông qua Báo cáo có tiêu đề “Sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động sáng chế”, EPO đã làm rõ thách thức lớn đối với các nước châu Âu trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động khoa học, chỉ ra rằng sự tham gia của phụ nữ là một yếu tố quan trọng đối với tính bền vững và khả năng cạnh tranh trong tương lai của khối. Báo cáo này cũng đánh giá sự tham gia của phụ nữ tại 39 quốc gia thành viên của tổ chức này, đồng thời đưa ra những góc nhìn và bằng chứng về giới và hoạt động sáng chế tại châu Âu nhằm đảm bảo tính đa đạng và bao trùm được ưu tiên hàng đầu trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo và SHTT tại châu Âu.
Một hoạt động tương tự cũng được triển khai tại khu vực Mỹ La-tinh. Mạng lưới khu vực Mỹ La-tinh về SHTT và Giới đang xây dựng một lộ trình để phụ nữ có quyền tiếp cận bình đẳng với hệ thống SHTT và các nguồn lực khác để giúp họ biến ý tưởng của mình thành các giải pháp có thể thương mại hoá cùng với sự hỗ trợ toàn diện từ cộng đồng và các tổ chức liên quan. Mạng lưới này bao gồm cơ quan SHTT các nước Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, CH Dominica, Ecuador, Mexico, Peru, và Uruguay, và sáng kiến này đang thúc đẩy việc trao đổi những bài học và kinh nghiệm thành công giữa các cơ quan tham gia. Mục tiêu của họ là gì? Đó là thu hẹp khoảng cách giới bằng cách trang bị cho phụ nữ kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để thành công trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cuba, Panama và Paraguay cũng mới gia nhập mạng lưới này. WIPO tự hào là một thành viên danh dự của sáng kiến tiến bộ này.
Bằng cách chia sẻ và triển khai các chiến lược và sáng kiến hiệu quả trên cộng đồng toàn cầu theo cách này, chúng ta truyền cảm hứng cho nhau để hướng tới những thay đổi tích cực. Như những sáng kiến tiên phong này đã chứng minh, khi chúng ta cùng nhau làm việc và kết nối kiến thức, nguồn lực và đam mê của mình, chúng ta có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn lao có thể phá vỡ những rào cản và mở ra cánh cửa cho phụ nữ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vì lợi ích tập thể.
“Khi chúng ta cùng nhau làm việc và kết nối kiến thức, nguồn lực và đam mê của mình, chúng ta có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn lao có thể phá vỡ những rào cản và mở ra cánh cửa cho phụ nữ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vì lợi ích tập thể.”
WIPO ưu tiên tư vấn cho các doanh nhân nữ về SHTT
Nhận thức được ý nghĩa của hoạt động tư vấn giúp cho các doanh nhân nữ đạt được mục tiêu kinh doanh, WIPO đang triển khai nhiều chương trình tư vấn về SHTT ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Những chương trình này cung cấp sự hướng dẫn, kiến thức và các nguồn lực nhằm giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thành công trong bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ cho mục tiêu tăng trưởng kinh doanh.
Ví dụ, tại châu Phi, thông qua dự án của WIPO về SHTT dành cho doanh nhân nữ, 70 doanh nhân nữ ở Uganda đã đăng ký nhãn hiệu, bước quan trọng đầu tiên giúp họ xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm kinh doanh của mình cũng như cạnh tranh trên thị trường một cách hiệu quả hơn.
Các chuyên gia tư vấn như Muribu Lilian Nantume có vai trò quan trọng đối với thành công của dự án, mang lại quyền tiếp cận các mạng lưới và nguồn lực giúp phụ nữ có thể khai phá đầy đủ tiềm năng của mình. “Chúng tôi nhận ra rằng những phụ nữ này đầy tài năng nhưng lại không được giúp đỡ,” bà Muribu nói, đồng thời lưu ý rằng bằng việc tiếp cận từ góc độ cá nhân và hỗ trợ phụ nữ ở cấp độ cộng đồng, dự án đang trao quyền cho phụ nữ và giúp họ đạt được những mục tiêu kinh doanh và nhận ra tiềm năng đầy đủ của mình.
Caroline Matoru, một doanh nhân tham gia chương trình cho biết nhãn hiệu mới được cấp của cô đang tạo niềm tin lớn cho khách hàng. “Giờ đây khách hàng tin tưởng sản phẩm của tôi”, cô chia sẻ. Dựa trên kinh nghiệm của mình, cô Matoru đã tham gia chương trình với vai trò là một chuyên gia tư vấn. Một trong những người được cô hướng dẫn, cô Nabukenya giờ đây đang hợp tác với các nông dân nữ địa phương, những người sản xuất 75% nguyên liệu thô mà cô sử dụng cho sản phẩm của mình. Bằng cách này, cô đang hỗ trợ việc làm tại địa phương và sinh kế của nông dân nữ, để giờ đây họ có khả năng chi trả học phí cho con của mình.
“Phụ nữ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách bằng cách tin tưởng vào khả năng của mình, tập trung vào mục tiêu của mình và quan trọng nhất là hãy hành động!”
Tương tự như vậy, Chương trình của WIPO dành cho các nhà sáng chế và doanh nhân nữ ở khu vực châu Á – Thái Dương cũng mang lại tác động tích cực. Tính đến nay, chương trình đã kết nối 150 phụ nữ từ Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka và Việt Nam với thế giới của SHTT và đổi mới sáng tạo. Chương trình đã mở rộng cho họ kiến thức về SHTT, trang bị cho họ những kỹ năng và công cụ cần thiết để khai thác và hưởng lợi từ các cơ hội kinh doanh.
Yendi Amalia, một doanh nhân tự thân người Indonesia với một nhãn hiệu đã đăng ký, là động lực để thực hiện hoạt động tư vấn cho phụ nữ trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thông qua chương trình này. Cô Amalia chia sẻ rằng khi phụ nữ trở thành doanh nhân, họ có được một vai trò mới cho phép họ có thể tự do phát triển. “Việc trở thành một doanh nhân hay nhà lãnh đạo nữ đã giúp bạn có được vai trò riêng của mình,”, cô cho biết. “Bạn không muốn bản thân bị mờ nhạt vì bạn là mẹ hay vợ của một ai đó. Trở thành doanh nhân sẽ cho bạn không gian để phát triển bản thân.”, cô nói thêm.
Một thành viên khác của chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân, đã phát triển công nghệ để sản xuất nước ép trái cây nhiệt đới ở dạng cô đặc. Chương trình tư vấn màcô nhận được từ các chuyên gia SHTT đã giúp cô đưa công nghệ của mình lên một tầm cao mới. Quả thực, cô đã nộp đơn đăng ký sáng chế qua hệ thống PCT để bảo hộ công nghệ của mình ở nhiều quốc gia, từ đó tạo ra tiềm năng tiếp cận các thị trường mới và mở rộng đáng kể hoạt động kinh doanh.
Những câu chuyện thành công kể trên đã minh họa cho những thay đổi mà chương trình tư vấn cho phụ nữ về SHTT có thể mang lại từ khía cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh, cũng như những lợi ích dây chuyền tích cực đối với nền kinh tế và cộng đồng địa phương.
Chúng tôi hy vọng rằng sự thành công của những người phụ nữ này sẽ truyền cảm hứng cho những người khác dám theo đuổi tham vọng của mình.
Bằng cách tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những phụ nữ tài năng tiếp cận chương trình tư vấn về SHTT và kinh doanh, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt thực sự. Bằng cách hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nhân nữ, chúng ta giúp họ nhận ra tiềm năng của mình và khi đó, chúng ta tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Đã đến lúc phải hành động
Mặc dù khoảng cách giới tồn tại lâu dài trong lĩnh vực SHTT và đổi mới sáng tạo có vẻ là một vấn đề nan giải, nhưng phụ nữ có thể đóng vai trò chính trong việc thu hẹp khoảng cách bằng cách tin tưởng vào khả năng của mình, tập trung vào nguyện vọng của bản thân và quan trọng nhất là hãy hành động! Sự trao quyền phải đến từ bên trong mỗi người. Không ai có thể trao quyền cho bạn nếu bạn không tích cực tham gia vào quá trình này.
Dưới đây là một vài ý tưởng để bắt đầu:
1. Tìm một người tư vấn hướng dẫn và truyền cảm hứng cho bạn trên hành trình đổi mới sáng tạo của mình. Tìm kiếm các chương trình tư vấn và bắt đầu xây dựng mạng lưới của bạn.
2. Trao quyền cho bản thân thông qua học tập, đào tạo. Học viện WIPO cung cấp các khóa học miễn phí, bao gồm các chương trình đào tạo từ xa sẽ giúp bạn định hướng tiếp cận hệ thống SHTT. Nếu bạn là một nhà khoa học hoặc nhà đổi mới sáng tạo nữ, hãy xem các khóa học trực tuyến của Học viện WIPO về các chủ đề SHTT liên quan đến khoa học để có được kiến thức về SHTT mà bạn cần để bảo vệ, gia tăng giá trị và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của mình. Tìm hiểu về quyền SHTT có thể giúp mở đường cho thành công của bạn.
3. Tìm hiểu về các dịch vụ do cơ quan SHTT quốc gia của nước bạn sinh sống. Ở nhiều quốc gia, các cơ quan SHTT cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Các dịch vụ này bao gồm hướng dẫn cách nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT, các chương trình đào tạo giúp bạn hiểu và hiểu rõ hơn về tính hợp pháp của hệ thống sHTT cũng như khả năng tiếp cận các cơ hội tài trợ. Những sáng kiến như vậy có thể giúp bạn quản lý hiệu quả tài sản trí tuệ và thực hiện các mục tiêu kinh doanh của mình.
4. Khám phá trang web "Ý tưởng kinh doanh" của WIPO để biết các công cụ miễn phí như Định hướng SHTT dành cho các công ty khởi nghiệp và Công cụ kiểm toán SHTT, giúp các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đánh giá năng lực về SHTT của mình.
5. Tham gia chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023. Chủ đề năm nay Phụ nữ và Sở hữu trí tuệ: Thúc đẩy Đổi mới và Sáng tạo, tôn vinh thái độ "có thể làm được" của các nhà sáng chế, nhà sáng tạo, doanh nhân và chuyên gia sở hữu trí tuệ là phụ nữ trên khắp thế giới. Vì vậy, hãy đánh dấu ngày 26 tháng 4 trên lịch của bạn. Chúng tôi mong gặp bạn ở đó!
Đường dẫn tới bài viết gốc tiếng Anh:
https://www.wipo.int/wipo_magazine_digital/en/2023/article_0005.html
Tháng 3/ 2023
Tác giả: Aikaterini Kanellia và Lisa Jorgenson,
Ban Sáng chế và Công nghệ, WIPO
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Hiệp hội các nhà sáng chế nữ Hàn Quốc: Thúc đẩy thương mại hóa kết quả đổi mới sáng tạo của phụ nữ
- WIPO: Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công
- Trung tâm Sở hữu trí tuệ Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức Lễ Bế giảng khóa đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “VÂN THỦY” cho sản phẩm mật ong hoa ngũ gia bì
- Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ tiếp đoàn công tác của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới