CN, 28/01/2018 | 15:04 CH
Sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Trong năm 2017, hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên gắn kết hơn với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các Bộ/ngành, địa phương..
Trong năm 2017, hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng trở nên gắn kết hơn với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các Bộ/ngành và địa phương thông qua việc sử dụng quyền SHTT như một công cụ phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ được tổ chức triển khai một cách bài bản.
Đối với công tác pháp chế quốc gia, Cục SHTT tập trung vào thực hiện các công việc sau: tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT và xây dựng kế hoạch sửa đổi Luật SHTT; xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia; triển khai các công việc cần thiết để phát hành và công bố Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN; xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, Cục đã tham gia góp ý kiến đối với nội dung SHTT của 1 đề án xây dựng luật, 11 đạo luật, 10 nghị định, 7 thông tư, 2 nghị quyết của Chính phủ, 1 chỉ thị và 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cục cũng đã thực hiện rà soát, kiến nghị đối với việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị định hướng dẫn thi hành luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; góp ý, rà soát danh mục văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản này. Công tác giải đáp vướng mắc và hướng dẫn thi hành pháp luật SHTT được thực hiện thường xuyên.
Đối với công tác pháp chế quốc tế, Cục SHTT đã xây dựng phương án đàm phán và trực tiếp tham gia đàm phán nội dung SHTT trong 4 phiên đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); 1 phiên đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu và tham gia các phiên đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP). Bên cạnh đó, nhiều nội dung pháp chế quốc tế khác đã được triển khai, cụ thể: Rà soát về mặt pháp lý nội dung SHTT trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; góp ý kiến cho Chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật theo FTA ASEAN – Hồng Kông; đề xuất nội dung đàm phán về dịch vụ trong WTO, Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN; dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và định hướng đàm phán FTA Việt Nam – Israel; và rà soát các phân ngành dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu/ngưỡng gói cam kết dịch vụ thứ 10 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS).
Ảnh 1: Cuộc họp lần thứ 53 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 53)
Hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT năm 2017 được triển khai với nhiều sự kiện lớn, quan trọng, nổi bật cả ở phương diện đa phương lẫn song phương, cụ thể: chủ trì, hoàn tất các thủ tục cần thiết để trình Chủ tịch nước phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPs; tổ chức thành công các Phiên họp lần thứ 44 và 45 Nhóm Chuyên gia SHTT của APEC và các hoạt động có liên quan khác; tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 53 Nhóm công tác SHTT của ASEAN (AWGIPC) và tổ chức các hoạt động bên lề; Tổ chức thành công chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám đốc WIPO (từ ngày 21-23/3/2017) và Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ KH&CN và WIPO về việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia; tổ chức tốt Đoàn công tác của Việt Nam do Thứ trưởng Phạm Công Tạc làm Trưởng đoàn tham dự Phiên họp Đại hội đồng thường niên WIPO 2017 và các sự kiện bên lề; hỗ trợ và đóng góp tích cực vào việc Đại sứ Dương Chí Dũng đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018 – 2019; chuẩn bị nội dung và tham gia tích cực vào Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ KH&CN thăm và làm việc tại Singapore và ký kết Kế hoạch hợp tác năm 2018 giữa Cục và Cơ quan SHTT quốc gia Singapore trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội; ký kết Thỏa thuận hợp tác với Viện Sở hữu công nghiệp Mê-xi-cô và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bảnvề bảo hộ chỉ dẫn địa lý, với Cơ quan SHTT quốc gia Trung Quốc về hợp tác SHTT song phương. Bên cạnh đó, Cục tiếp tục duy trì quan hệ và triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ đa phương của WTO, APEC, ASEAN và với các đối tác truyền thống như EUIPO, EPO, Nhật Bản, Pháp, Anh, Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Mê-xi-cô, Nga, Bê-la-rút, v.v., thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, tham vấn chuyên môn, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo và các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT.
Ảnh 2: Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry gặp gỡ Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3-2017.
Công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật đã được triển khai hiệu quả, phù hợp, đúng đối tượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra và đóng góp cụ thể hơn cho kết quả công tác của Cục SHTT. Các hoạt động nâng cao trình độ, nhận thức về SHTT cho cán bộ cũng như công chúng được triển khai sâu rộng thông qua 71 khóa đào tạo, tập huấn về SHTT với hơn 4.500 lượt người tham dự đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền SHTT, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học. Chương trình đào tạo, tập huấn với các nội dung được thiết kế phong phú, đa dạng và thiết thực, phù hợp với đối tượng tham dự, điển hình như: đăng ký, công nhận và khai thác sáng kiến; bảo hộ quyền SHTT đối với đặc sản địa phương; đăng ký bảo hộ sáng chế và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN); hướng dẫn tra cứu thông tin sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; thực thi quyền SHCN, v.v.. Trong năm qua, Cục đã chủ trì tổ chức 30 hội nghị, tọa đàm, sự kiện tuyên truyền về SHTT, thu hút khoảng 4.000 lượt người tham dự. Điểm nhấn ở đây là chuỗi sự kiện chào mừng Ngày SHTT thế giới 26/4 và Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 bao gồm: Các hội thảo về SHTT và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tọa đàm về SHTT góp phần nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp; Hội nghị khoa học "Sinh viên nghiên cứu khoa học về SHTT", Cuộc thi "Đỉnh cao thương hiệu" dành cho sinh viên. Đặc biệt, nhân sự kiện 35 năm Ngày thành lập Cục SHTT, Tọa đàm dành cho các nhà báo với chủ đề SHTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì sự phát triển đất nước đã được tổ chức và nhiều bài báo nối tiếp sự kiện đã truyền tải được thông điệp và thông tin cụ thể về các hoạt động SHTT đến bạn đọc cả nước.
Ảnh 3: Sinh viên và các bạn trẻ Hà Nội thả bóng bay chào mừng kỷ niệm ngày SHTT thế giới 26-4
Công tác quản lý hoạt động SHCN và hoạt động sáng tạo của các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục được Cục SHTT thực hiện thông qua hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và giải đáp những vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; tham gia các Hội nghị giao ban KH&CN vùng do Bộ KN&CN tổ chức; tham gia các buổi làm việc của Lãnh đạo Bộ KH&CN với các địa phương và triển khai các Chương trình hợp tác được ký kết giữa Bộ KH&CN với các Bộ, ngành và địa phương; chuẩn bị ý kiến trả lời kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội và cử tri về các vấn đề liên quan đến SHTT; giải đáp các kiến nghị của người nộp đơn gửi đến Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và đến Cục; cử cán bộ tham gia giới thiệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về SHTT tại các diễn đàn, hội nghị và hội thảo do các Bộ, ngành và địa phương tổ chức; tích cực phối hợp với Tạp chí Cộng sản chuẩn bị cho Chương trình Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ 2; tham gia góp ý kiến đối với Quy chế xét, công nhận sáng kiến của một số tổ chức và địa phương (Ban Tổ chức Trung ương, Hà Nội, Hưng Yên, v.v.); góp ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định quản lý Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2025.
Công tác quản lý đại diện và giám định SHCN được tăng cường, góp phần gắn kết hoạt động của đại diện và giám định SHCN với hoạt động chung của Cục. Cục SHTT đã triển khai thành công Kỳ thi nghiệp vụ đại diện SHCN năm 2017. Công tác quản lý hoạt động đại diện SHCN, tổ chức đại diện SHCN được tiến hành thường xuyên, liên tục, cụ thể như: ghi nhận về tổ chức đại diện SHCN, người đại diện SHCN; tham gia thanh tra việc chấp hành pháp luật SHCN tại một số tổ chức đại diện SHCN. Tính đến 31/12/2017, có 186 tổ chức và 325 cá nhân đủ điều kiện hành nghề đại diện SHCN tại Việt Nam.
Năm 2017, Cục triển khai thực hiện 14 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 2 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ và 12 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở. Cục đã nghiệm thu được 2 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Các nhiệm vụ nghiên cứu này góp phần cung cấp lý luận và thực tiễn hoặc trực tiếp đề xuất các vấn đề trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về SHTT, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của Cục về mọi mặt nói chung.
Công tác thông tin SHCN được đẩy mạnh thông qua việc quản lý, phát triển và bảo đảm nguồn thông tin SHCN phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Cục và nhu cầu tra cứu của công chúng, và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: Hoàn thành và phát hành đầy đủ 12 số Công báo SHCN của năm 2017; số hóa toàn bộ các Bằng độc quyền sáng chế/GPHI được cấp đến hết 31/12/2017 để cập nhật lên Thư viện số về bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích (DigiPat); cập nhật các Bảng phân loại quốc tế về sở hữu công nghiệp phục vụ đăng ký quyền SHCN; trao đổi thông tin SHCN với các tổ chức SHTT quốc tế.
Bên cạnh đó, Cục đang tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Mạng lưới các Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (TISCs, IP-HUB) trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Mạng lưới này được thành lập nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền SHTT và thương mại hóa tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam. Mục tiêu của mạng lưới này là hỗ trợ việc tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ chất lượng cao và các dịch vụ liên quan, khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo và xác lập, bảo vệ và quản lý quyền SHTT; gia tăng số lượng đơn đăng ký SHCN nói chung, sáng chế nói riêng của chủ đơn Việt Nam, đặc biệt là từ các trường đại học, viện nghiên cứu; gắn hoạt động nghiên cứu-triển khai của các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp; đưa SHTT trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội.
TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ VÀ CẤP VĂN BẰNG BẢO HỘ SHCN GIAI ĐOẠN 2011-2017
1. SÁNG CHẾ
Năm
| Số đơn đăng ký sáng chế đã nộp | Số Bằng độc quyền sáng chế đã cấp | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | Tổng số | Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | Tổng số | |
2011 | 301 | 3387 | 3688 | 40 | 945 | 985 |
2012 | 382 | 3577 | 3959 | 45 | 980 | 1025 |
2013 | 443 | 3726 | 4169 | 59 | 1203 | 1262 |
2014 | 487 | 3960 | 4447 | 36 | 1332 | 1368 |
2015 | 583 | 4450 | 5033 | 63 | 1325 | 1388 |
2016 | 560 | 4668 | 5228 | 76 | 1347 | 1423 |
2017 | 592 | 4790 | 5382 | 109 | 1636 | 1745 |
2. GIẢI PHÁP HỮU ÍCH
Năm
| Số đơn đăng ký giải pháp hữu ích đã nộp | Số Bằng độc quyền giải pháp hữu ích đã cấp | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | Tổng số | Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | Tổng số | |
2011 | 193 | 114 | 307 | 46 | 23 | 69 |
2012 | 198 | 100 | 298 | 59 | 28 | 87 |
2013 | 227 | 104 | 331 | 74 | 33 | 107 |
2014 | 246 | 127 | 373 | 66 | 20 | 86 |
2015 | 310 | 140 | 450 | 86 | 31 | 117 |
2016 | 326 | 152 | 478 | 114 | 24 | 138 |
2017 | 273 | 161 | 434 | 118 | 28 | 146 |
3. KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP
Năm
| Số đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã nộp | Số Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đã cấp | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | Tổng số | Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | Tổng số | |
2011 | 1200 | 661 | 1861 | 807 | 338 | 1145 |
2012 | 1349 | 597 | 1946 | 681 | 440 | 1121 |
2013 | 1366 | 763 | 2129 | 852 | 510 | 1362 |
2014 | 1594 | 717 | 2311 | 984 | 650 | 1634 |
2015 | 1607 | 838 | 2445 | 841 | 545 | 1386 |
2016 | 1861 | 1007 | 2868 | 877 | 577 | 1454 |
2017 | 1583 | 1158 | 2741 | 1339 | 928 | 2267 |
4. NHÃN HIỆU
Năm
| Số đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp | Số giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | Tổng số | Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | Tổng số | |
2011 | 22402 | 5835 | 28237 | 15502 | 5938 | 21440 |
2012 | 22838 | 6740 | 29578 | 14976 | 5066 | 20042 |
2013 | 24656 | 6528 | 31184 | 14503 | 5156 | 19659 |
2014 | 26587 | 6477 | 33064 | 15378 | 5201 | 20579 |
2015 | 30476 | 6807 | 37283 | 14207 | 4133 | 18340 |
2016 | 34968 | 7880 | 42848 | 13672 | 4368 | 18040 |
2017 | 35520 | 8450 | 43970 | 15172 | 4229 | 19401 |
Cục Sở hữu trí tuệ
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- Đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung
- Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường hợp tác song phương về sở hữu trí tuệ
- Khoa học và Công nghệ đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước
- Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2017 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2018
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Thẩm Dương" cho sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón