Th 3, 18/04/2023 | 15:01 CH
Nữ trí thức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với hoạt động SHTT
Chỉ tính riêng năm 2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được cấp 63 Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Một bức ảnh đẹp về quang cảnh Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nằm trong chùm ảnh do Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu (VAST) Nguyễn Thị Vân Nga ghi lại.
Từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn lấy ngày 26-4 hằng năm là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) nhằm tri ân, tôn vinh các nhà sáng tạo, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống hằng ngày.
Từ đó, “IP Day” trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển chung của toàn nhân loại vì cuộc sống con người. “IP Day” cũng là từ khá quen thuộc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng và công chúng Việt Nam nói chung và thường nổi bật trên các kênh truyền thông trong tuần 26/4.
Năm nay, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới có chủ đề: “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo”. Cùng với việc đặt phụ nữ ở trung tâm trong hoạt động thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, WIPO đã tạo nên một thông điệp đẹp đẽ và truyền cảm hứng: chỉ khi những người phụ nữ trong nghiên cứu khoa học được trân trọng và tôn vinh, những thành quả lao động của họ được đánh giá xứng đáng, thì sự đổi mới và sáng tạo sẽ càng được được thúc đẩy phát triển một cách hiệu quả và bền vững.
Hoạt động sở hữu trí tuệ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Khai thác sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu giữ vai trò là mục tiêu then chốt đối với sự phát triển của các Viện nghiên cứu, là mũi nhọn phát triển đối với doanh nghiệp và là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Việc khai thác hiệu quả các sáng chế, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần với cuộc sống, qua đó, nâng cao vị trí cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia, dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Với thành tích công bố quốc tế duy trì ở mức cao và tiếp tục là đơn vị đứng đầu trong cả nước. Hiện tại, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hướng tới việc nâng cao chất lượng các công bố quốc tế, thúc đẩy công tác sở hữu trí tuệ trong toàn Viện nhằm đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Trong những năm vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã là ngọn cờ đầu trong đăng ký sáng chế và trở thành chủ sở hữu rất nhiều Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích có giá trị.
(theo Báo cáo thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Chỉ tính riêng năm 2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được cấp 63 Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Con số ấn tượng về số Bằng độc quyền sáng chế, ước tính chiếm 1/3 tổng số văn bằng độc quyền sáng chế của chủ đơn người Việt và chiếm khoảng 60% tổng số văn bằng của các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước. Không chỉ vậy, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam còn là đơn vị dẫn đầu trong cả nước ở hạng mục công bố mới (quốc tế). Nói như vậy, để thấy được “thị phần” mà Viện Hàn lâm nắm giữ là khá lớn. Đây thực sự là một thành tích ấn tượng, song cũng là kết quả tất yếu của quá trình nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học, sự quan tâm, khuyến khích, sát sao trong công tác quản lý của Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, sự điều hành và định hướng đúng đắn của Ban Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Bảng 1: Số lượng bằng độc quyền Sáng chế/Giải pháp hữu ích của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và của toàn quốc (giai đoạn 2008-2021)
(Số liệu ở cột số 5 và 6 được lấy từ Báo cáo thường niên của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2021)
Hoạt động sở hữu trí tuệ của Nữ trí thức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Hoạt động sở hữu trí tuệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói chung, của Nữ trí thức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng được đánh giá là sôi động, hiệu quả. Có thể kể đến rất nhiều gương mặt tiêu biểu với thành tích nổi bật về công bố quốc tế và là tác giả của nhiều sáng chế được cấp Bằng độc quyền có giá trị thương mại hóa cao. Các gương mặt nữ trí thức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như GS.TS. Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên), PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Công nghệ Sinh học), PGS.TS. Hà Phương Thư (Viện Khoa học vật liệu), PGS.TS. Nghiêm Thị Hà Liên (Viện Vật lý), PGS.TS. Lê Minh Hà (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên), TS. Trần Thị Ngọc Dung (Viện Công nghệ Môi trường) … Nhiều gương mặt nữ trí thức tiêu biểu khác của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong thời gian qua được vinh danh bởi các tổ chức trong nước và quốc tế, điển hình là việc tặng Giải thưởng Kovalevkaia, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Học bổng L’Oreal của UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” …
Một số nhà khoa học nữ có đóng góp nổi bật cho hoạt động sở hữu trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Không những tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng bổ nhiệm nhiều nhà khoa học nữ vào các vị trí lãnh đạo các Ban chức năng, Viện chuyên môn và các đơn vị trực thuộc. Việc đánh giá đúng, đặt trọng trách và tôn vinh các nhà khoa học nữ không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mà còn góp phần tạo cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ tiếp tục vươn lên trên con đường đã chọn. Mặt khác, cộng đồng những nhà khoa học nữ cần tiếp tục nhận được thêm sự ủng hộ từ gia đình và xã hội cũng như những hỗ trợ cụ thể từ cơ chế, chính sách, để vai trò và vị thế của người phụ nữ trong nghiên cứu khoa học sẽ được nâng cao hơn nữa.
Cơ quan thẩm quyền quốc tế đáy đại dương (International Seabed Authority, ISA) công bố PGS. TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (Legal and Technical Commission, LTC) nhiệm kỳ 2023-2027
Trên hành trình sở hữu trí tuệ còn rất nhiều thách thức, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp về cơ chế cũng như thực tiễn triển khai, để thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng của các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, cùng với đó đảm bảo chất lượng và hiệu quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu đã được cấp văn bằng bảo hộ. Có thể kể đến chính sách hỗ trợ kinh phí, khuyến khích nhà khoa học và đơn vị có văn bằng bảo hộ được cấp, ban hành quy định về tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra về sở hữu trí tuệ đối với các đề tài nghiên cứu ứng dụng triển khai, đồng thời với việc tổ chức những sự kiện tập trung vào nhóm ngành chuyên môn để giới thiệu, quảng bá công nghệ, thu hút đầu tư và tìm hiểu, lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp, địa phương, tạo thành cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn. Đặc biệt, việc hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã mang đến những thành quả nhất định, góp phần tăng cường và đẩy mạnh công tác sở hữu trí tuệ tại từng đơn vị, thông qua các khóa tập huấn, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế, nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ khoa học, không chỉ công bố bài báo mà còn định hướng viết đăng ký sáng chế như một phần của công việc nghiên cứu.
Hội thảo Kỹ năng bảo hộ sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại nằm trong chuỗi hoạt động phối hợp thường kỳ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ (Ảnh: Hội thảo tại Nha Trang, tháng 02/2023)
Đồng hành cùng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ trong Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới với chủ đề “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cam kết năm 2023 sẽ là năm thực hiện sứ mệnh mở rộng để tạo ra một môi trường tốt hơn cho nhà khoa học nữ, trong đó, họ có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm kết quả nghiên cứu của mình một cách tốt nhất, đồng thời nâng cao giá trị lao động của nhà khoa học nữ tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế./.
CVC.ThS. Phạm Thị Phượng - Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ,
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Mời ứng tuyển tham dự Chương trình IP Management Clinic năm 2023
- Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất dự án hợp tác với Thụy Sĩ
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3 & chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp
- Hội nghị thường niên Hội Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN năm 2023
- Hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường nước ngoài trọng điểm