CN, 12/05/2019 | 11:05 SA
Hội thảo "Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Phát triển kinh tế - xã hội"
Ngày 10/5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức Hội thảo: Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 10/5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo "Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Phát triển kinh tế - xã hội" tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Andrew Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương - WIPO; ông Ian Heath và ông Scot Morris, chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) của WIPO và hơn 40 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và gần 50 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu ở khu vực phía Bắc.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục SHTT cho biết Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang phát triển chiều rộng gắn với chiều sâu, theo đó mở rộng quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả mang tính bền vững, lấy hiệu quả làm thước đo năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dần mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là khâu đột phá chiến lược để thực hiện mô hình tăng trưởng này. Trong giai đoạn tới đây, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA thế hệ mới đang lan vào từng ngóc ngách của các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quản trị vừa tạo ra những cơ hội vừa tạo nên những thách thức cho mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với nhận thức đó, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, cần thực hiện các biện pháp cần thiết để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, gắn kết SHTT với các chính sách phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hội thảo “ Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội” do Cục SHTT phối hợp với WIPO tổ chức là một diễn đàn hữu ích để chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận các vấn đề về gắn kết SHTT với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và với hoạt động đổi mới sáng tạo nói riêng trong hoạt động của doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu.
Nội dung Hội thảo được chia thành hai chủ đề lớn. Chủ đề thứ nhất là sử dụng hữu hiệu công cụ SHTT phục vụ hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các chuyên gia WIPO trình bày cách thức gắn kết SHTT với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô và đi sâu phân tích những cơ hội và thách thức về SHTT đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới. Đại diện Cục SHTT giới thiệu các chính sách và chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đại diện Công ty cổ phần Sao Thái Dương, doanh nghiệp có nhiều tài sản trí tuệ có giá trị kinh tế và được thương mại hóa thành công, đã chia sẻ kinh nghiệm thất bại và thành công trong quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp.
Chủ đề thứ hai tập trung vào trình bày và thảo luận cơ hội và thách thức đối với các trường đại học, viện nghiên cứu trong định hướng và quản lý hoạt động nghiên cứu – phát triển. Các chuyên gia WIPO chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong tạo lập môi trường khuyến khích quản lý hiệu quả tài sản trí tuệ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức nghiên cứu, giới thiệu chương trình hỗ trợ mà WIPO đang triển khai ở các nước. Chuyên gia WIPO phân tích một số vấn đề trọng tâm trong Chiến lược SHTT quốc gia để nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ trong các tổ chức nghiên cứu.
Ông Andrew Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương – Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trình bày báo cáo tham luận
Với tư cách là cơ quan đầu mối thiết lập mạng lưới Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISCs) tại Việt Nam theo mô hình của WIPO, đại diện Cục SHTT đã trình bày tổng quan về hoạt động của mạng lưới, cách thức gia nhập mạng lưới, đồng thời khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu tích cực tham gia vào mạng lưới này để được hưởng lợi từ các hoạt động chung của WIPO cũng như của Cục SHTT. Đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm hoạt động SHTT của Trường, đồng thời cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SHTT của khối các trường đại học, viện nghiên cứu để các nhà quản lý, các chuyên gia tư vấn.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT chủ trì phần thảo luận
Trong phần thảo luận, các đại biểu đến từ khối doanh nghiệp rất tích cực nêu ra các câu hỏi liên quan đến hoạt động SHTT gắn với doanh nghiệp như thủ tục đăng ký xác lập quyền, cách thức khai thác thông tin sở hữu công nghiệp để phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển. Các đại biểu đến từ khối trường đại học, viện nghiên cứu rất quan tâm đến mạng lưới TISC và mong muốn được tham gia mạng lưới để nâng cao năng lực của đơn vị mình trong hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng.
Các chuyên gia và đại biểu đánh giá cao nội dung của Hội thảo và nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đã bày tỏ nguyện vọng được tham gia mạng lưới TISC với mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động SHTT của đơn vị mình.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Lồng ghép Chiến lược sở hữu trí tuệ với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ
- Chung kết cuộc thi “Sinh viên nhận diện, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”
- Tọa đàm “Quyền Sở hữu trí tuệ trong kinh doanh công nghệ và thủ tục đăng ký sáng chế”
- “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hằng ngày”
- Hội thảo “Sở hữu trí tuệ với văn hóa, thể thao và du lịch” tại TP. Đà Nẵng