Th 7, 05/01/2019 | 09:31 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Hoạt động pháp chế sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập

Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục là cơ quan đầu mối trong việc xây dựng phương án đàm phán các điều ước quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ...

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018, hoạt động pháp chế sở hữu trí tuệ tập trung vào hai mảng chính bao gồm: tham gia đàm phán các điều ước quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; rà soát, đánh giá mức độ tương thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm thi hành các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Cục Sở hữu trí tuệ cũng tham gia phối hợp với các bộ ngành trong việc góp ý nội dung đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh các hoạt động pháp chế liên quan đến các điều ước quốc tế, một hoạt động quan trọng trong việc xây dựng chính sách quốc gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có chính sách hội nhập quốc tế cũng đã được khởi động trong năm 2018, đó là việc xây dựng Đề án Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia.

Về tham gia đàm phán các điều ước quốc tế

Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục là cơ quan đầu mối trong việc xây dựng phương án đàm phán và trực tiếp tham gia đàm phán về pháp luật và chính sách sở hữu trí tuệ của một số hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Niu Di-lân; và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Khối EFTA (Khối Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu bao gồm Thụy sỹ, Lich-ten-xtai, Na-uy và Ai-xơ-len).

Đối với Hiệp định EVFTA, công tác đàm phán Chương Sở hữu trí tuệ của Hiệp định đã kết thúc ngày 17/7/2015 và lời văn được hoàn tất ngày 07/11/2015. Trong năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ chủ yếu tập trung vào hoàn tất quá trình rà soát pháp lý đối với Chương Sở hữu trí tuệ, chuẩn bị tài liệu và tham dự buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các vấn đề tồn đọng của EVFTA, xác nhận nội dung sở hữu trí tuệ trong bản cuối cùng dự thảo Hiệp định (sau khi tách nội dung đầu tư). Hiện nay Hiệp định đang trong giai đoạn chờ hai bên thông qua.

Đối với Hiệp định RCEP, công tác đàm phán tiếp tục được triển khai với việc xây dựng phương án đàm phán và tham gia 06 phiên đàm phán (03 phiên giữa kỳ và 03 phiên chính thức); xây dựng phương án cho Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 6 của Hiệp định RCEP tháng 8/2018 tại Singapore. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ cũng phối hợp với các bộ ngành trong việc đàm phán các chương khác trong Hiệp định này như góp ý nội dung Bản chào dịch vụ sửa đổi; góp ý dự thảo lời văn Chương Dịch vụ.

Đối với Hiệp định VN – EFTA, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chuẩn bị phương án, tham gia đàm phán Phiên 16 (tháng 6/2018), đồng thời cũng góp ý dự thảo lời văn Bản chào bảo lưu các biện pháp ngoại lệ đối với nghĩa vụ của Chương đầu tư của Hiệp định này.

Đối với Hiệp định CPTPP, bước tiến lớn nhất trong năm 2018 là sau khi xây dựng phương án và tham gia đàm phán tại Nhật Bản, Hiệp định này đã chính thức kết thúc đàm phán và đã được ký kết tại Santiago, Chile vào ngày 8/3/2018. Sau khi phối hợp với các bộ ngành thực hiện các thủ tục trong nước (góp ý dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP; chuẩn bị ý kiến thành viên Chính phủ đối với Hồ sơ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP), ngày 12/11/2018 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 14, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam trao văn kiện cho Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, cơ quan này đã có văn bản số LGL/CPTPPD/2018-15 thông báo thời điểm Hiệp định CPTPP phát sinh hiệu lực với Việt Nam là ngày 14/01/2019.

Về rà soát, đánh giá mức độ tương thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm thi hành các nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế

Công tác rà soát, đánh giá mức độ tương thích được thực hiện thường xuyên trong quá trình tham gia đàm phán các điều ước quốc tế. Đặc biệt trong năm 2018, với việc Hiệp định CPTPP được Quốc hội phê chuẩn, công tác này tiếp tục được tăng cường do đây là một hiệp định thế hệ mới với nhiều nghĩa vụ vượt quá mức độ bảo hộ tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS cũng như các quy định hiện thời của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, đối với những nghĩa vụ phải thi hành ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với các bộ ngành liên quan đưa toàn bộ các nghĩa vụ này vào một luật thi hành CPTPP (có thể dưới hình thức một luật sửa nhiều luật), và dự kiến luật sẽ được trình Quốc hội xem xét ngay tại kỳ họp đầu tiên năm 2019 (khoảng tháng 5/2019) theo thủ tục rút gọn.

Đối với các nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp 3-5 năm liên quan đến việc phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ (bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường, bảo hộ độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm, thẩm quyền mặc nhiên tiến hành các thủ tục biên giới của cơ quan hải quan), Cục Sở hữu trí tuệ đang tiến hành nghiên cứu và xây dựng các phương án thi hành một cách có hiệu quả nhất, từ đó xác định phương án sửa đổi các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo lộ trình để có hiệu lực vào năm 2022.

Phối hợp với các bộ ngành trong việc góp ý nội dung đàm phán các hiệp định thương mại tự do

Ngoài các công việc tham gia đàm phán các điều ước quốc tế và rà soát, đánh giá mức độ tương thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật sở hữu trí tuệ đã nêu ở trên, trong năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ còn tích cực phối hợp với các bộ ngành trong việc góp ý vào việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do khác, bao gồm: Triển khai kết quả phiên họp lần thứ 9 của Nhóm đặc trách đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (TF-ATISA 9); Triển khai kết quả các phiên họp Ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN, của Hội nghị SEOM 2/49 và các Hội nghị liên quan, của Nhóm đặc trách đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (TF-ATISA); Rà soát công việc cần triển khai và xây dựng phương án đàm phán Phiên 5 FTA Việt Nam - Israel; Nêu ý kiến về việc ký Hiệp định Đầu tư ASEAN - Hồng Kông; Góp ý kế hoạch hợp tác ASEAN – SIPO giai đoạn 2018-2019; Cho ý kiến về việc phê duyệt hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc AHKFTA; Rà soát tình hình triển khai Hiệp định giữa VN và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAU FTA); Góp ý đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khởi động đàm phán Hiệp định giữa VN – Anh kế thừa Hiệp định EVFTA sau khi Anh rời EU v.v…

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ còn thực hiện một số công việc liên quan đến công tác hội nhập quốc tế khác bao gồm: (i) Báo cáo tổng quan về tình hình hoạt động sở hữu trí tuệ gửi Đại sứ quán Hoa Kỳ (Báo cáo 301); (ii) Tham gia họp Tổ công tác phía Việt Nam thực hiện Hiệp định với Liên Bang Nga trong hợp tác kỹ thuật quân sự; (iii) Trả lời câu hỏi của WIPO về chỉ dẫn địa lý, tên quốc gia.

Xây dựng Đề án Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia

Bên cạnh các hoạt động pháp chế liên quan đến các điều ước quốc tế, một hoạt động quan trọng trong việc xây dựng chính sách quốc gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có chính sách hội nhập quốc tế cũng đã được khởi động trong năm 2018, đó là việc xây dựng Đề án Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia.

Theo đó, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đã được thành lập với đại diện một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động SHTT. Hiện nay, Ban soạn thảo Đề án đã trao đổi, thống nhất kế hoạch, định hướng xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án, phân công nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành có liên quan. Bên cạnh các hoạt động nêu trên, để có cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ hơn cho việc nghiên cứu, xây dựng Đề án, Cục còn tổ chức các hoạt động khảo sát trong và ngoài nước phục vụ nghiên cứu, xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ, cụ thể là: (i) khảo sát kinh nghiệm xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc và Trung Quốc; (ii) khảo sát thực trạng hoạt động tạo lập, ứng dụng và thương mại hóa tài sản trí tuệ tại một số viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp khu vực miền Bắc và miền Nam.

 

Cuộc họp Ban soạn thảo đề án Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia tại Hà Nội ngày 19/10/2018 (ảnh: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Công tác pháp chế quốc gia

Đối với công tác pháp chế quốc gia, Cục Sở hữu trí tuệ thường xuyên thực hiện việc giải thích, giải đáp các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp nói riêng, góp phần hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong các hoạt động kinh doanh của mình, điển hình như: cho ý kiến về việc đăng ký hợp đồng nhượng quyền thương mại nhãn hiệu Big C; về các vụ việc khiếu nại các Quyết định chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu liên quan đến nhãn hiệu JET; giải đáp về việc nhà đầu tư nước ngoài mua phần góp vốn trong Công ty TNHH Luật Quốc tế Nguyễn và Cộng sự; về hành vi sử dụng tên giống cây trồng và nhãn hiệu được bảo hộ; về việc nhãn hiệu do cá nhân đăng ký bảo hộ được sử dụng dưới danh nghĩa tổ chức; về hiệu lực của văn bằng bảo hộ; về thời điểm tính thời hạn 05 năm không sử dụng đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế v.v..

Đối với Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, để hướng dẫn cũng như thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã tổ chức các buổi tập huấn cho các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp cũng như soạn thảo văn bản hướng dẫn liên quan đến quy định chuyển tiếp và thời điểm nộp giấy ủy quyền.

Phòng Pháp chế và Chính sách