Th 5, 06/12/2018 | 17:33 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc hỗ trợ phát triển các sản phẩm lụa Quảng Nam

Ngày 28/11/2018, tại Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức Lễ tổng kết Dự án “Hỗ trợ phát triển các sản phẩm lụa Quảng Nam”...

Ngày 28/11/2018, tại Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Duy Xuyên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Hiệp hội Xúc tiến Sáng chế Hàn Quốc (KIPA) và Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Lễ tổng kết Dự án “Hỗ trợ phát triển các sản phẩm lụa Quảng Nam” trong khuôn khổ Dự án Chia sẻ sở hữu trí tuệ 2018, một hoạt động hợp tác song phương giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc.

Dự án “Hỗ trợ phát triển các sản phẩm lụa Quảng Nam” trong khuôn khổ Dự án Chia sẻ Sở hữu trí tuệ 2018 được triển khai từ tháng 5-12/2018, với mục đích hỗ trợ UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Duy Xuyên và Hội nông dân huyện Duy Xuyên một máy dệt lụa, xây dựng nhãn hiệu tập thể lụa Mã Châu và nhãn hiệu chứng nhận lụa Quảng Nam. Với những nội dung cơ bản này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm dệt thông qua việc hỗ trợ máy móc và các thiết bị phụ trợ, các chuyên gia Hàn Quốc đã giúp lụa Mã Châu xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đưa ra các kiến nghị đẩy mạnh phát triển thương hiệu bằng các biện pháp cao cấp hóa sản phẩm và tăng cường quảng bá sản phẩm gắn với các hoạt động du lịch trải nghiệm. Nhãn hiệu chứng nhận lụa Quảng Nam cũng được thiết kế, lập hồ sơ để đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Tại buổi lễ tổng kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đánh giá cao tính hiệu quả cũng như những đóng góp của Dự án cho việc khôi phục và phát triển các sản phẩm lụa truyền thống của tỉnh Quảng Nam, góp phần vào quan hệ giao lưu, hợp tác toàn diện trên lĩnh vực văn hóa, kinh tế - xã hội đang rất tốt đẹp giữa các địa phương của Hàn Quốc với tỉnh Quảng Nam. Phó Chủ tịch mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của KIPO và KIPA để sản phẩm tơ lụa Mã Châu có được sự phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí bày tỏ sự tin tưởng từ những thành quả của Dự án, các sản phẩm lụa Quảng Nam nói chung và lụa Mã Châu nói riêng sẽ sớm tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm tại địa phương, và đặc biệt, gìn giữ những giá trị văn hoá vô cùng quý báu của người dân Quảng Nam. Cục trưởng cho rằng Dự án là một mô hình tiêu biểu của việc ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ, sử dụng các tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, đẩy mạnh khả năng thương mại hoá sản phẩm, và hy vọng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, để sở hữu trí tuệ không chỉ là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế mà còn góp phần duy trì, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá vô giá của đất nước.

 
Cục trưởng Đinh Hữu Phí phát biểu chúc mừng tại Lễ tổng kết Dự án “Hỗ trợ phát triển các sản phẩm lụa Quảng Nam
 

Thay mặt Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, ông Park Si Young, Trưởng phòng Hợp tác đa phương cũng chia sẻ niềm hạnh phúc với những đóng góp của Dự án cho địa phương. Ông hi vọng từ những hỗ trợ ban đầu của Dự án, chính quyền địa phương và những người dân làng lụa Mã Châu sẽ tiếp tục có những nỗ lực để lụa Mã Châu sớm được khôi phục và phát triển.

Lụa Mã Châu là một làng nghề truyền thống đã có tuổi đời hơn 500 năm. Lụa Mã Châu được dệt từ sợi tơ tằm ươm thủ công, ngâm và phơi ủ sợi theo phương pháp truyền thống của người Mã Châu, không can thiệp hóa chất trong khâu xử lí sợi, đảm bảo sợi tơ tằm giữ nguyên vẹn các đặc tính quý báu của sợi tơ tằm. Sợi tơ được dệt theo phương pháp thủ công đơn thuần trên máy dệt thoi sử dụng bìa lập trình hoa văn bằng giấy để thiết kế hoa văn trên mặt vải. Sợi tơ tằm được đan dày và chặt mình, tạo nên ánh tơ óng ánh trên nền lụa. Chất vải mềm rũ, nhẹ và thoáng mát là đặc điểm nổi trội của vải lụa tơ tằm. Bản chất sợi tơ tằm là sợi 4 chiều, phản xạ ánh sáng rất tốt và ánh màu theo góc độ ánh sáng. Vì vậy mỗi góc độ ánh sáng sẽ cho màu lụa khác nhau. trên cùng 1 tấm vải có thể có nhiều màu theo góc nhìn của mỗi người.

Nghề truyền thống  trồng dâu - nuôi tằm của tỉnh Quảng Nam đã có danh tiếng một thời, ở các vùng ven sông Vu Gia - Thu Bồn có truyền thống và điều kiện thuận lợi phát triển nghề trồng dâu - nuôi tằm và đã xuất khẩu qua nhiều thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tuy nhiên, do biến động về giá cả thị trường, công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất (nhà xưởng, thiết bị và công nghệ sản xuất) chưa được quan tâm đầu tư đổi mới, xúc tiến thương mại chưa tốt nên trong một thời gian dài, sự phát triển của nghề dệt lụa gặp khó khăn và có nguy cơ mai một. Gần đây, thị trường tiêu thụ đã có nhiều tín hiệu tốt, người tiêu dùng hướng về sản phẩm thiên nhiên, tạo ra nhiều cơ hội để phục hồi nghề trồng dâu - nuôi tằm truyền thống. Vấn đề đặt ra là song song với việc khôi phục nghề trồng dâu - nuôi tằm, cần phải tìm được đầu ra và chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm thông qua việc tiếp cận được công nghệ mới trong sản xuất dệt nhuộm, tạo dựng thương hiệu để phát triển thị trường.

Một số sản phẩm thuộc bộ nhận diện thương hiệu lụa Mã Châu

Khăn lụa Mã Châu do Dự án hỗ trợ thiết kế

 
Dấu chứng nhận lụa Quảng Nam do Dự án thiết kế
 

Phòng Hợp tác quốc tế