Th 4, 05/05/2021 | 08:20 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Cần hoàn thiện các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến AI

Các hệ thống AI phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu. Việc truy cập và việc sử dụng dữ liệu để huấn luyện cho hệ thống AI có thể gây ra các vấn đề về sở hữu trí tuệ, khi dữ liệu được bảo vệ bởi quyền tác giả và quyền liên quan.

Trí tuệ nhân tạo và học máy: Không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như lao động, y tế, an ninh, giao thông, marketing… Tuy nhiên, một trong số những quan niệm sai lầm phổ biến là công nghệ AI và học máy (ML) được cho rằng chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn và không khả thi đối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc công ty khởi nghiệp vì rủi ro bảo mật và chi phí cao. Với sự tiến bộ và chi phí ngày càng giảm của công nghệ này, AI và ML cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang dần trở thành hiện thực. Dù là dưới dạng trợ lý ảo, chatbot hay robot tự động, AI đang mang lại lợi thế kinh doanh bằng cách cải thiện năng suất và hiệu quả, chất lượng bán hàng và thậm chí trong các công tác nhân sự…

Cụ thể như, AI giúp trích xuất thông tin chi tiết liên quan đến hoạt động bán hàng từ dữ liệu khách hàng, cho phép các chủ doanh nghiệp phân tích phản hồi của khách hàng và điều chỉnh các hoạt động bán hàng, tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu; Nâng cao dịch vụ chăm sóc và giao tiếp với khách hàng, thông qua việc sử dụng chatbot tự động hoặc trợ lý ảo; Hiện đại hóa các hoạt động và quy trình kiểm kê, cũng như đưa ra các dự đoán có giá trị tham khảo cao;…

Trí tuệ nhân tạo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DNVVN

Một số ứng dụng thông minh miễn phí hoặc chi phí thấp như Bizfly Chat, VietGuys Ai Call Center, Amis.vn, … đang dần phổ biến, các lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể cân nhắc áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, các công cụ ML mà doanh nghiệp nhỏ có thể xem xét đến như Google TensorFlow và Spark Mllib cũng có thể mang đến cho doanh nghiệp: Cung cấp thông tin chi tiết có giá trị về hành vi của khách hàng dựa trên dữ liệu tương tác trực tuyến, lịch sử mua hàng trực tuyến, loại giao dịch trực tuyến; Cung cấp các đề xuất sản phẩm có liên quan cho các cửa hàng thương mại điện tử nhỏ, trên cơ sở các công cụ ML học hỏi từ các giao dịch mua và lựa chọn của khách hàng trước đó;…

Vai trò của Sở hữu trí tuệ

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều quan trọng là họ phải biến AI và ML thành một năng lực cốt lõi và áp dụng chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) phù hợp để bảo vệ chúng.

Các hệ thống AI phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu. Việc truy cập và việc sử dụng dữ liệu để huấn luyện cho hệ thống AI có thể gây ra các vấn đề về SHTT, khi dữ liệu là hình ảnh, bài hát hoặc tác phẩm của người khác được bảo vệ bởi quyền tác giả và quyền liên quan. Ngoài ra, việc huấn luyện một mạng thần kinh nhân tạo, bắt chước theo một quy trình đã được bảo hộ sáng chế, cũng có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền sáng chế.

Doanh nghiệp cũng có thể phải đối mặt với những vấn đề khác như bảo hộ, thực thi đối với các tài sản trí tuệ do AI tạo ra, hoặc hỗ trợ tạo ra vì hệ thống pháp luật vẫn chưa theo kịp sự tiến bộ của công nghệ. Đối phó với vấn đề này, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có áp dụng AI và ML trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, phải có một chiến lược SHTT hiệu quả, để tối đa hóa lợi nhuận từ việc đầu tư và nghiên cứu cho AI, đồng thời chiếm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Bộ KH&CN làm việc với TPHCM về triển khai Chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 Ảnh: HH

Chiến lược này có thể là ký kết các thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng đối với các dữ liệu có chứa SHTT, của người khác; các bộ dữ liệu do chính doanh nghiệp tạo ra phục vụ cho việc huấn luyện AI hoặc ML, cần được định danh, dán nhãn và áp dụng các biện pháp bảo mật, hạn chế quyền truy cập.

Doanh nghiệp cũng có thể áp dụng biện pháp tương tự đối với các nguyên tắc, cấu trúc, thuật toán, phương pháp giúp ML tự học, những dữ liệu tổng hợp, phân tích và dự đoán của AI và ML. Tuy nhiên, phương pháp này không phải là tối ưu do nó hạn chế sự hợp tác, phát triển của AI và ML.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp tự tạo riêng phần mềm sử dụng AI thì nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả phần mềm đó, vì việc bảo vệ hệ thống AI đôi khi quan trọng hơn những sản phẩm do hệ thống AI tạo ra.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào các dự án mã nguồn mở trong ngắn hạn, giúp áp dụng và phát triển công nghệ AI nhanh hơn, tiết kiệm chi phí nhưng việc không có quyền sở hữu sẽ có thể có tác động tiêu cực. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc việc phát triển mã nguồn của riêng của mình đồng thời vẫn tham gia vào cộng đồng mã nguồn mở bằng cách chọn các điều khoản cấp phép phù hợp.

Doanh nghiệp cũng cần lập danh sách các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp nói chung và các tài sản do AI tạo ra nói riêng, để quản lý, bảo hộ, khai thác có hiệu quả và phù hợp với các quy định hiện hành. Ví dụ: các giải pháp kỹ thuật, các kiểu dáng sản phẩm mới, các sản phẩm thiết kế, thậm chí các dòng lệnh thực thi phần mềm do AI tạo ra chưa thể đăng ký bảo hộ quyền SHTT, có thể áp dụng các biện pháp bảo mật tại doanh nghiệp như các bí mật kinh doanh. Đồng thời, xây dựng các hợp đồng giao dịch liên quan đến các dữ liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của AI chặt chẽ, chi tiết để lấp các lỗ hổng do thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ những đối tượng này.

Đối với hệ thống chính sách và pháp luật, Việt Nam đã có Chiến SHTT đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của AI và SHTT đối với sự phát triển của quốc gia. Để hiện thực hóa chiến lược này cần có sự đồng bộ các giải pháp thực hiện, như hoàn thiện các văn bản pháp luật về quyền SHTT liên quan đến AI, đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, truyền thông, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về AI, … Trong đó có thể nhận thấy việc hoàn thiện các văn bản pháp luật về quyền SHTT liên quan đến AI được đưa lên hàng đầu. Khi hành lang pháp lý đã được hoàn thiện, các doanh nghiệp có thể bảo vệ và khai thác các tài sản trí tuệ liên quan đến AI một cách hiệu quả, minh bạch.

Việc Cơ quan Sáng chế châu Âu đã từ chối bảo hộ đăng ký sáng chế hộp đựng thực phẩm do thực thể trí tuệ nhân tạo tên là Dabus sáng tạo ra năm 2019 với lý do là theo Điều 58 Công ước Sáng chế châu Âu quy định tác giả sáng chế phải là con người đã dấy lên làn sóng tranh luận cho câu hỏi: có nên bảo hộ quyền SHTT đối với kết quả sáng tạo của AI hay không? Đó là một ví dụ sinh động cho sự vận động không ngừng của thế giới công nghệ đã thách thức tính ổn định của hệ thống pháp luật. Vì vậy, hệ thống SHTT cần phản ứng linh hoạt và nhạy bén, hạn chế tối đa tác động tiêu cực nhưng vẫn đảm bảo khuyến khích đổi mới sáng tạo các công nghệ mới.

Tin liên quan:  https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/can-hoan-thien-cac-van-ban-phap-luat-ve-quyen-so-huu-tri-tue-lien-quan-den-ai/2021042604039530p1c785.htm

Nguyễn Hồng Hiếu (Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TPHCM)