Th 5, 02/10/2014 | 13:26 CH
Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản
BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “ĐIỆN BIÊN” CHO SẢN PHẨM GẠO..
Ngày 25 tháng 9 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3340 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00043...
Ngày 25 tháng 9 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3340 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00043 cho sản phẩm gạo Điện Biên nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Điện Biên là tên của một tỉnh miền núi - biên giới Việt Nam, nằm ở khu vực Tây Bắc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ độ vĩ Bắc, 102o10’ – 103o56’ độ kinh Đông. Địa danh “Điện Biên” ra đời từ năm 1841 do vua Thiệu Trị đặt tên, Điện có nghĩa là vững chãi, “Biên” có nghĩa là vùng biên giới. Điện Biên không chỉ gắn liền với chiến thắng “Điện Biên Phủ” lẫy lừng mà còn nổi tiếng bởi nơi đây có cánh đồng Mường Thanh được ví như một khu vực đồng bằng trên thung lũng Tây Bắc. Chính nơi đây là quê hương của đặc sản nổi tiếng gần xa: gạo Điện Biên.
Sản phẩm gạo Điện Biên bao gồm hai loại được sản xuất từ giống IR64 và giống Bắc thơm số 7.
Nguồn gốc của giống lúa IR64 là giống lúa được chọn lọc từ tập đoàn nhập nội của Viện lúa Quốc tế (IRRI), được lai tạo từ tổ hợp lai giữa IR5657-33/IR2061-465, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức tại Quyết định số 402/QĐ/BNN-KHCN ngày 27/11/1986. Thóc IR64 Điện Biên có màu vàng nhạt, độ bóng cao, vỏ mỏng. Cơm IR64 Điện Biên có mùi thơm nhẹ, vị cơm đậm, mềm và dẻo khi ăn. Các chỉ tiêu chất lượng của gạo IR64 Điện Biên bao gồm: hàm lượng protein (7,26 - 8,55%), hàm lượng amylose (15,4 - 18,2 %), hàm lượng tinh bột (79,0 - 84,2 %).
Giống lúa Bắc thơm số 7 là giống lúa được nhập nội vào Việt Nam từ năm 1992, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức tại Quyết định số 1224-QĐ/BNN-KHCN. Thóc Bắc thơm số 7 Điện Biên màu vàng óng, tỷ lệ hạt xanh cao, hình dáng nhỏ và thon. Gạo Bắc thơm số 7 Điện Biên: hạt nhỏ đều, bóng, màu trắng trong, có ánh xanh, tỷ lệ hạt bị vỡ đầu từ 20-30%. Cơm Bắc thơm số 7 Điện Biên có mùi thơm đậm, đặc trưng, vị đậm và dẻo. Các chỉ tiêu chất lượng của gạo Bắc thơm số 7 Điện Biên bao gồm: hàm lượng protein (7,32 - 9,11), hàm lượng amylose (12,28 – 14,54), hàm lượng tinh bột (76,66 – 83,68).
Khu vực địa lý bao gồm xã Thanh Minh, phường Nam Thanh, phường Thanh Trường, phường Him Lam, phường Noong Bua thuộc thành phố Điện Biên Phủ; xã Thanh Xương, xã Thanh An, xã Noong Hẹt, xã Sam Mứn, xã Thanh Nưa, xã Thanh Luông, xã Thanh Hưng, xã Thanh Chăn, xã Thanh Yên, xã Noong Luông thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Khu vực này hội tụ các điều kiện lý tưởng cho hai giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7 phát triển, tạo nên những tính chất đặc thù của gạo Điện Biên. Đây là một thung lũng lớn, dạng hình lòng chảo mở rộng, xung quanh có núi cao bao bọc, nằm ở độ cao 450-550m, có độ dốc 3-5o , nghiêng dần từ Bắc xuống Nam. Đất ở khu vực địa lý là đất phù sa và đất đỏ vàng, nâu vàng, có thành phần từ trung bình đến thịt nhẹ. Khu vực địa lý có nhiệt độ trung bình năm từ 22,4o C-23,16o C, tổng tích ôn trên 8.000o C, mùa đông ít khi có sương muối và băng giá. Biên độ nhiệt ngày và đêm trung bình cao (10,53o C), là điều kiện thuận lợi cho quá trình tích lũy mùi thơm và độ dẻo cho gạo. Số giờ nắng trung bình 2034 giờ/năm, thời gian chiếu sáng dài, tổng lượng bức xạ trung bình/năm là 68.5/kcal/cm2/năm. Lượng mưa của khu vực địa lý dao động trong phạm vi từ 1400-2500mm/năm, tổng lượng mưa trong các tháng mùa mưa chiếm 70-80%, chế độ mưa không đều, tập trung vào các tháng 6-9. Độ ẩm trung bình năm đạt 81-84%, vào mùa mưa từ tháng 6-9 độ ẩm tương đối trung bình cao nhất với 84-87%, các tháng 2-3 có độ ẩm trung bình thấp nhất với 71-80%. Khu vực địa lý được bồi đắp phù sa từ sông Nậm Rốm và sông Nậm Núa. Phụ lưu lớn nhất của sông Nậm Núa là suối Nậm Ngám. Các phụ lưu chính của sông Nậm Rốm là Nậm Phăng, Nậm Khẩu Hú, Nậm Cọ, đây là hệ thống tiêu thoát nước chính cho toàn bộ khu vực địa lý. Ngoài các điều kiện tự nhiên đặc thù, văn hóa và tập quán sản xuất lúa của đồng bào dân tộc Tây Bắc cũng góp phần tạo nên chất lượng và danh tiếng của sản phẩm gạo Điện Biên.
Phòng Chỉ dẫn địa lý