Th 3, 30/05/2023 | 08:24 SA
Nghiên cứu, học tập và quán triệt nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngày 24/5/2023, tại Cục Sở hữu trí tuệ, các Chi bộ Nghiên cứu, đào tạo - Hỗ trợ tư vấn, Tổ chức cán bộ - Hợp tác quốc tế, Pháp chế - Đăng ký - Sau cấp văn bằng đã phối hợp tổ chức cho các Đảng viên nghiên cứu, học tập và quán triệt nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Dự buổi học tập, nghiên cứu có đồng chí Nguyễn Văn Bảy, Đảng uỷ viên Đảng ủy Cục Sở hữu trí tuệ, cấp ủy và gần 30 Đảng viên của 3 chi bộ Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Tổ chức cán bộ - Hợp tác quốc tế, Pháp chế - Đăng ký - Sau cấp văn bằng.
Ảnh 1. Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Bí thư Chi bộ HTQT-TCCB phát biểu dẫn đề
Phát biểu dẫn đề cho buổi sinh hoạt học tập, nghiên cứu của Liên chi bộ, đồng chí Nguyễn Thị Nga, Bí thư Chi bộ Hợp tác quốc tế - Tổ chức cán bộ cho rằng “cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tác phẩm đồ sộ, có tính chính luận và giá trị thực tiễn cao. Cuốn sách là cẩm nang của công tác phòng, chống tham nhũng thời đại ngày nay. Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Cục, Liên Chi bộ tổ chức buổi học tập, nghiên cứu và quán triệt nội dung của cuốn sách này nhằm phổ biến cuốn sách tới đông đảo Đảng viên của cả 3 Chi bộ và mong rằng cuốn sách sẽ đem lại những giá trị hữu ích cho các đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống”.
Mở đầu buổi sinh hoạt học tập, nghiên cứu, đồng chí Hoàng Anh, Chi bộ Pháp chế - Đăng ký - Sau cấp văng bằng đã giới thiệu sơ lược về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, cuốn sách này đã được Ban Nội chính Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức lễ ra mắt vào ngày 02/02/2023 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1930-3/02/2023) và 10 năm ngày thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (01/02/2013-01/02/2023). Cuốn sách được kết cấu gồm 03 phần, với 628 trang và 111 bức ảnh, trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố, cụ thể:
Phần thứ nhất có tiêu đề “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”, gồm bài viết tổng quan; 04 bài phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022 và trích kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo từ năm 2013 đến năm 2022. Nội dung Phân thứ nhất nhằm tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”; đòi hỏi “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Phần thứ hai có tiêu đề “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, gồm 22 bài viết, bài phát biểu được tuyển chọn từ hơn 500 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; với thông điệp chính là “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”.
Phần thứ ba có tiêu đề “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư; khẳng định “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”.
Ảnh 2. Đồng chí Hoàng Anh, Chi bộ PC-ĐK-SCVB giới thiệu sơ lược cuốn sách
Chia sẻ những cảm nhận cá nhân sau khi nghiên cứu tác phẩm này, đồng chí Trịnh Thu Hải, Chi bộ Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn cho rằng đây là một tác phẩm chính trị đặc biệt của một tác giả đặc biệt, có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng, phản ánh chân thực, sâu sắc tư tưởng kiên định, nhất quán và xuyên suốt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuốn sách là cẩm nang chính trị về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có ý nghĩa chính trị, lý luận và thực tiễn cao, có phạm vi đề cập rất rộng, đi từ lý luận, từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn, hàm chứa những thông điệp mạnh mẽ của tác giả: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược”. Tác phẩm đưa ra thông điệp và tạo nền tảng thúc đẩy công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế quản lý kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cuốn sách thể hiện hình tượng tấm gương sống - có thật, đó là một tấm gương liêm khiết, giản dị, nói đi đôi với làm, không mang tính tô vẽ, hình thức; đặc biệt có giá trị và ý nghĩa quan trọng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ Đảng viên hiện nay. Thông qua tác phẩm, từng cán bộ đảng viên có thể tự nhìn lại chính mình, tự răn dạy chính mình, không sa vào những việc làm sai trái, phải "rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa".
Liên hệ với bản thân, sau khi nghiên cứu cuốn sách, đồng chí Hải bày tỏ lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo, vào chủ trương đường lối của Đảng hơn; hiểu hơn và nhận diện đúng hơn về bản chất của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó tự hoàn thiện mình hơn. Đồng chí Hải cũng cho rằng, với cuốn sách của Tổng Bí thư, mỗi người, tuỳ từng cương vị, môi trường làm việc, trình độ chính trị, tư duy, quan điểm, mục đích sống sẽ có những cách tiếp cận tác phẩm ở những góc nhìn khác nhau và khuyến khích mọi người hãy dành thời gian đọc tác phẩm để có những chiêm nghiệm, rút ra những bài học riêng cho bản thân mình.
Ảnh 3. Đồng chí Trịnh Thu Hải, Chi bộ NĐTH chia sẻ cảm nhận sau khi nghiên cứu cuốn sách.
Theo dòng nội dung cuốn sách, ngược thời gian trở về quá khứ, đồng chí Đỗ Thiên Hoàng, Đảng viên Chi bộ Tổ chức cán bộ - Hợp tác quốc tế đã chia sẻ một số nội dung nêu trong tác phẩm “Từ Thụ Yếu Quy” của tác giả Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan. Đây là tác phẩm viết về những nguyên tắc chủ yếu của việc không thể nhận và có thể nhận, trong đó có 104 dạng điển hình, phổ biến nhất đang diễn ra ngoài đời mà thái độ người làm quan dứt khoát không thể nhận; 5 điều có thể nhận nhưng rất hạn chế. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng bàn về những đức tính của người làm quan và đúc kết “lúc làm quan thì làm gương cho cấp dưới, khi ở nhà thì làm gương cho con em… ngẩng lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với đất, để không phụ ơn vua, không làm nhục cha mẹ và để dạy bảo con cháu đời sau, đó là điều tôi mong mỏi vậy “.
Nội dung của buổi sinh hoạt chuyên đề đã thu hút được sự quan tâm và thảo luận của đông đảo các Đảng viên thuộc ba Chi bộ. Qua đó, củng cố thêm hiểu biết của các đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta.
Ảnh 4. Đồng chí Đỗ Thiên Hoàng, Chi bộ TCCB-HTQT chia sẻ bài học từ cuốn sách “Từ Thụ Yếu Quy” của tác giả Đặng Huy Trứ
Phát biểu chỉ đạo tại buổi sinh hoạt, đồng chí Nguyễn Văn Bảy, Đảng ủy viên Đảng ủy Cục nhấn mạnh "Cuốn sách được xem là tài liệu rất có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, thể hiện tầm nhìn trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư, góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Mỗi Đảng viên chúng ta nên dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu một cách nghiêm túc - có thể bằng nhiều cách thức khác nhau để có thể rút ra được những bài học quý giá cho chính bản thân mỗi người"./.
Ảnh 5. Toàn cảnh buổi học tập, nghiên cứu và quán triệt cuốn sách của TBT
Chi bộ Pháp chế - Đăng ký - Sau cấp văn bằng
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ III dành cho sinh viên các Trường Đại học khu vực miền Trung – Tây Nguyên
- Lễ Ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo
- Lớp tập huấn bảo hộ sáng chế và hướng dẫn sử dụng phần mềm viết bản mô tả sáng chế cho thành viên Mạng lưới TISC
- Lễ Bế giảng Khóa đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ năm 2022-2023
- Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ