Th 5, 15/09/2022 | 09:49 SA
Hội thảo Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Được phép của Bộ trưởng Bộ KH&CN, ngày 08/9/2022 Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tổ chức Hội thảo “Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh” tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhân dịp Phó Tổng Giám đốc Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) – ông Hasan Kleib và các cán bộ của WIPO sang thăm và làm việc tại các cơ quan hữu quan của Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức với mục đích chia sẻ thông tin liên quan đến các chính sách, chương trình của WIPO và Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn hoạt động quản trị và khai thác TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó đưa ra đề xuất cho các hoạt động phù hợp trong tương lai, những kiến nghị tới WIPO, các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT của Việt Nam và chính các doanh nghiệp.
Tham dự Hội thảo, về phía WIPO, có ông Hasan Kleib – Phó Tổng Giám đốc WIPO phụ trách các vấn đề về hợp tác phát triển quốc gia và khu vực; bà Alexandra Bhattacharya, Cán bộ chương trình, Văn phòng Phó Tổng Giám đốc; bà Yaning Zhang, Chuyên gia dự án, Văn phòng Phó Tổng Giám đốc; hai diễn giả của WIPO tham gia trực tuyến từ đầu cầu Geneva, Thụy Sĩ. Về phía Việt Nam có ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT, các diễn giả Việt Nam đến từ Công ty TNHH Gia Thái DoctorLoan, Cục SHTT và hơn 70 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, trường đại học và một số cơ quan quản lý nhà nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng giám đốc WIPO – ông Hasan Kleib nhấn mạnh tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Các cơ quan SHTT quốc gia ngày nay cần chú trọng phát triển hệ thống SHTT không chỉ từ khía cạnh pháp lý hay công tác xác lập quyền mà phải làm sao sử dụng SHTT như một công cụ thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế cho quốc gia. SHTT không chỉ là vấn đề của riêng các quốc gia phát triển, vì vậy WIPO luôn chú trọng hướng đến giúp đỡ cho các nước đang và kém phát triển trong vấn đề này. Bên cạnh các nhóm chủ thể truyền thống, thời gian tới, WIPO sẽ tập trung hướng tới triển khai nhiều hoạt động SHTT dành cho giới trẻ, phụ nữ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi đây là các nhóm chủ thể quan trọng, chiếm tỷ lệ cao ở các nước đang phát triển. Họ cần có những quan tâm kịp thời và phù hợp để phát huy được tối đa tri thức của mình. Ông đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của Hội thảo này và các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của TSTT đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân. WIPO sẵn sàng tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng SHTT như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển đất nước.
Trong phần phát biểu khai mạc và phần tọa đàm với các diễn giả, đại biểu, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT, đã một lần nữa khẳng định vai trò của TSTT đối với doanh nghiệp nói riêng, với nền kinh tế quốc gia nói chung và đặc biệt nhấn mạnh đây là một trong các yếu tố quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đặt ra trong các nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Từ góc độ cơ quan quản lý và cả các chủ thể có liên quan trong đó có doanh nghiệp cần có cách tiếp cận đột phá về vấn đề SHTT. Các doanh nghiệp, các chủ thể cần nhận thức một cách đầy đủ về bảo hộ quyền SHTT và hiểu rõ cách thức để khai thác giá trị kinh tế của các TSTT do mình tạo ra.
Hai chuyên gia đến từ Bộ phận SHTT dành cho doanh nghiệp thuộc WIPO, ông Guy Pessarch và bà Tamara Nanayakkara đã trình bày tổng quan về vấn đề khai thác TSTT nhằm tối ưu hóa tiềm năng doanh nghiệp và giới thiệu những chương trình, công cụ hỗ trợ của WIPO giúp các doanh nghiệp quản lý tốt quyền SHTT của mình, cụ thể là các sách, tài liệu hướng dẫn, các phần mềm “chẩn đoán” tình trạng SHTT của doanh nghiệp (IP Diagnostic) hay chương trình chuyên gia tư vấn quản lý TSTT cho doanh nghiệp (IP Management Clinics)… Các tài liệu, phần mềm này sẵn có trên trang web của WIPO để các doanh nghiệp truy cập sử dụng. Theo kế hoạch, một số hoạt động, chương trình thời gian tới cũng sẽ được triển khai ở Việt Nam như phát triển các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp quản lý TSTT, các khóa đào tạo, tập huấn hoặc tư vấn về SHTT…
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Doanh nghiệp KHCN Gia Thái DoctorLoan đã chia sẻ kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp trong phát triển TSTT phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là trước tiên phải chú trọng vào hoạt động đổi mới sáng tạo, không ngừng cải tiến các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời với việc tạo ra và khai thác được các kết quả từ hoạt động đổi mới sáng tạo cần có những biện pháp kịp thời để đăng ký bảo hộ và quản lý các quyền SHTT, tận dụng tối đa các kênh thông tin, công cụ đăng ký quốc tế để quảng bá và bảo vệ TSTT của mình. Gia Thái DotorLoan đã có 246 sáng chế và giải pháp hữu ích được nộp đơn đăng ký tại Việt Nam và các nước trên thế giới, sở hữu 43 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 5 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 50 Giấy chứng nhận bảo hộ quyền tác giả và đã nộp đơn đăng ký quốc tế sáng chế thông qua hệ thống PCT của WIPO cho 6 dòng sản phẩm chính. Từ thực tiễn của Gia Thái DoctorLoan, bà cũng đã đưa ra những đề xuất rất thiết thực đối với WIPO và các cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, là cầu nối cho doanh nghiệp với các thị trường quốc tế cũng như kết nối các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực với nhau, nâng cao năng lực thực thi và các biện pháp thực thi bảo vệ quyền SHTT cho các chủ thể quyền.
Bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong tạo ra, bảo hộ và khai thác quyền SHTT, để những nỗ lực này đạt được hiệu quả hơn không thể thiếu các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động SHTT. Phần trình bày của ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng đại diện của Cục SHTT đã đưa ra bức tranh tổng quan về các chính sách của Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương, một số những kết quả đã đạt được từ các chương trình được triển khai của Bộ KH&CN.
Phần thảo luận, giao lưu giữa các đại biểu với các chuyên gia cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thực sự còn vướng mắc nhiều vấn đề trong lĩnh vực SHTT, trước tiên có thể thấy nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT dẫn tới không phát huy được tối đa giá trị TSTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm về các chính sách, cơ chế tài chính trong lĩnh vực SHTT, mong muốn được học hỏi kinh nghiệm quốc tế và sự hỗ trợ của WIPO trong việc nâng cao các kỹ năng chuyên sâu, các điển hình về thương mại hóa, định giá TSTT.
Thay mặt Lãnh đạo Cục SHTT, ông Trần Lê Hồng đã ghi nhận các ý kiến góp ý và những đề xuất, giải pháp được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo để trong thời gian tới hoạt động hỗ trợ của WIPO cũng như của Việt Nam trong lĩnh vực SHTT sẽ đạt được những hiệu quả tốt nhất và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Ông Hasan Kleib, Phó Tổng giám đốc WIPO phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu khai mạc Hội thảo (chọn một trong hai ảnh)
Các diễn giả trình bày tại Hội thảo
Phiên thảo luận giữa các đại biểu và khách mời:
Trung Tâm Nghiên Cứu, Đào Tạo Và Hỗ Trợ, Tư Vấn
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Tuần lễ Sở hữu trí tuệ Singapore 2022
- Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp và làm việc với Phó Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
- Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới Hasan Kleib thăm và làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ
- Họp Tổ công tác triển khai Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài
- Cục Sở hữu trí tuệ tập huấn về công tác văn thư, lưu trữ và bảo vệ bí mật nhà nước