Th 6, 19/03/2021 | 13:30 CH
Bảo hộ nhãn hiệu giúp bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu
Dán nhãn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và nhãn hiệu mang nội hàm, ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, đây đều là dấu hiệu giúp người tiêu dùng định vị và lựa chọn được đúng sản phẩm, dịch vụ mà họ mong muốn sử dụng. Do sự tương đồng này mà nhiều người lầm tưởng và cho rằng đã dán nhãn OCOP rồi thì không cần bảo hộ nhãn hiệu nữa. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để rõ hơn về vấn đề này.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí chủ trì cuộc họp của Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Ông có thể cho biết vai trò của nhãn hiệu và vì sao phải bảo hộ các nhãn hiệu?
- Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân với nhau. Thuật ngữ này ngày càng được sử dụng rộng rãi và khẳng định vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vai trò của nhãn hiệu thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó quan trọng nhất là giúp người tiêu dùng xác định và lựa chọn được đúng hàng hóa, dịch vụ họ muốn mua. Bên cạnh đó, nhãn hiệu là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp thị, truyền thông, quảng cáo, xúc tiến thương mại..., là cầu nối giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, để bảo vệ quyền của mình, chủ sở hữu nhãn hiệu cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định. Việc bảo hộ nhãn hiệu là sự ghi nhận chính thức của Nhà nước về quyền sở hữu độc quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu, từ đó có cơ chế tương ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu. Việc bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu nhãn hiệu nói riêng và các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung góp phần thúc đẩy sáng tạo và đổi mới kỹ thuật sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế, cũng như nâng cao giá trị sản phẩm và giá trị của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích quốc gia.
- Ông có thể cho biết sự khác biệt giữa dán nhãn OCOP với việc bảo hộ các nhãn hiệu.
- OCOP và nhãn hiệu là hai dấu hiệu mang nội hàm, ý nghĩa khác nhau. Cụ thể, OCOP là từ viết tắt của Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đây là sự đánh giá và công nhận của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và chủ thể sản xuất ra sản phẩm đó từ các đặc sản, lợi thế ở các vùng nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng theo Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do Thủ tướng Chính phủ ban hành, dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau, như: Chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể. Đồng thời, kết quả phân hạng sản phẩm OCOP còn xác định các cơ hội phát triển sản phẩm, khả năng tham gia và được thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước...
Do đó, gắn nhãn OCOP thể hiện sản phẩm đó đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chứng nhận đã đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cũng là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm được phân hạng OCOP.
Còn nhãn hiệu là đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Việc gắn nhãn hiệu giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, cá nhân này với sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác. Nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ khi gắn trên sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa khẳng định hàng hóa, dịch vụ đó đã được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đã dán nhãn OCOP rồi thì không cần bảo hộ nhãn hiệu nữa? Hiểu như vậy đã đúng chưa, thưa ông?
- Như đã đề cập ở trên, OCOP và nhãn hiệu là hai phạm trù, đối tượng khác nhau, được công nhận theo các tiêu chí khác nhau. Nhãn OCOP thể hiện sự công nhận của cơ quan quản lý nhà nước đối với sản phẩm đã đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; còn nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, cá nhân, được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, hai dấu hiệu này có ý nghĩa khác nhau về cơ chế pháp lý và mục đích sử dụng.
Để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu của mình được bảo vệ và thực thi trên thị trường thì các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả các tổ chức, cá nhân đang tham gia phát triển sản phẩm OCOP nên tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu được bảo hộ là cơ sở, nền tảng để tổ chức, cá nhân tham gia vào các hệ thống chứng nhận như OCOP; mặt khác, việc sản phẩm, dịch vụ được gắn tem chứng nhận OCOP sẽ tạo điều kiện để giá trị nhãn hiệu được nâng cao hơn, tạo niềm tin hơn cho người tiêu dùng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Link liên kết nguồn tin: https://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-thoai/978843/bao-ho-nhan-hieu-giup-bao-ve-quyen-loi-cua-chu-so-huu
Nguồn tin: https://www.hanoimoi.com.vn
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
Các tin khác
- Làm chủ công nghệ lõi, thúc đẩy bảo hộ sáng chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh
- Kinh nghiệm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
- Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ
- Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản: Thêm một chứng nhận uy tín cho vải thiều Lục Ngạn
- Những sáng chế thiết bị 'nhiều trong một'