Th 4, 19/01/2022 | 17:29 CH
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phetchabun” cho sản phẩm quả me ngọt
Ngày 24/11/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5300/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00114 cho sản phẩm quả me ngọt “Phetchabun” cho Phetchabun Province (Phetchabun Provincial Government).
Phetchabun là một tỉnh nằm ở phía Nam của Bắc Thái Lan, được biết đến là một tỉnh chuyên trồng me ngọt của Thái Lan và là quê hương của 11 giống me ngọt. Tên gọi của những giống me này được đặt theo đặc điểm hình dáng của quả hoặc đặt theo tên của người đã gây giống hoặc tìm ra giống me. Năm 1974, nhân ngày “Ngày của Người nông dân tỉnh Phetchabun”, tỉnh Phetchabun đã tổ chức “Cuộc thi me ngọt”, từ đó, sự kiện “Chữ thập đỏ: Me ngọt của tỉnh Phetchabun” đã được tổ chức hàng năm từ 12/01 đến 20/01.
Me ngọt Phetchabun là chỉ dẫn địa lý thứ 2 của nước Thái Lan được bảo hộ ở Việt Nam, sau tơ tằm Isan Thái Lan.
Me ngọt Phetchabun có hình dáng quả thẳng hoặc quả cong tùy thuộc vào giống me. Me ngọt Phetchabun có vỏ quả màu nâu đều, phần cùi quả (thịt quả) dày, đều mầu, mềm, dai và ít xơ, vị quả thơm ngọt.
Những tính chất, chất lượng đặc thù của me ngọt nêu trên có được là do điều kiện địa lý tự nhiên và truyền thống canh tác giống me ngọt.
Khu vực địa lý có kiểu địa hình lòng chảo với khu vực trung tâm là dòng sông Pasak trải dài từ Bắc xuống Nam. Địa hình ở đây đặc trưng bởi các cao nguyên với một số bồn địa tạo nên vùng đất trù phú có hàm lượng phốt - pho và kali cao, đất tơi xốp và chứa nhiều vi sinh vật, khoáng chất, độ dày tầng đất lớn (ít nhất là 1m), độ pH từ khoảng 5 - 7,5 do đó rất thích hợp trồng cây me ngọt.
Trong giai đoạn cây me ra hoa kết quả, khu vực địa lý có độ ẩm không khí khoảng từ 50% - 90% và khoảng 60% trong giai đoạn chín quả. Ngoài ra, khu vực địa lý còn có một lượng mưa đủ và ổn định trong suốt thời kì trổ hoa của cây me để cây có thể phát triển tốt. Lượng mưa trung bình năm khoảng từ 1.000 - 1.300mm/năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 27oC.
Me ngọt Phetchanbun bao gồm 5 giống me ngọt quả thẳng (giống Sichomphu, giống Khandee, giống Prakai Thong, giống Fak Dap, giống Wan Lon) và 6 giống me ngọt quả cong (giống Sithong, giống Sithong Bao, giống Nam Phueng, giống Inthaphalam, giống Mun Jong, giống Saeng Athit). Các cây me ngọt trong khu vực địa lý được tưới nước, bón phân, tỉa cànhphù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cây, đặc biệt trong mùa khô, trong thời kì cây ra hoa.
Mùa thu hoạch me ngọt Phetchanbun từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Sau thu hoạch, những quả me được sẽ được phơi nắng hoặc sấy sơ. Để bảo quản sản phẩm được lâu, tiếp tục bảo quản quả me bằng 1 trong các biện pháp: phơi khô; sấy; bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ thấp hơn 10oC; chiếu xạ bằng tia gamma; hấp bằng hơi nước nóng từ 8 - 15 phút tùy theo kích thước quả. Sản phẩm được đóng gói tại tỉnh Phetchabun, Thái Lan.
Khu vực địa lý: Tỉnh Phetchabun, Thái Lan.
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Chư Sê” cho sản phẩm hạt tiêu
- Tình hình bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2021
- Hợp tác quốc tế về Sở hữu trí tuệ năm 2021: Nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19
- Danh sách các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế
- Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Đảng bộ Cục Sở hữu trí tuệ