Th 4, 23/07/2025 | 09:31 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Chương trình Giải thưởng Nhà sáng chế châu Âu năm 2026 (European Inventor Award 2026)

Cơ quan Sáng chế châu Âu (European Patent Office – EPO) đã công bố kế hoạch tổ chức Giải thưởng Nhà sáng chế châu Âu năm 2026 (European Inventor Award 2026) và chính thức tiếp nhận hồ sơ đề cử từ ngày 18/6/2025 đến hết ngày 30/9/2025.

Giải thưởng là sáng kiến thường niên do EPO triển khai nhằm vinh danh các cá nhân và nhóm nhà sáng chế có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Đây là một trong những giải thưởng quốc tế uy tín trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, được cộng đồng chuyên môn và công chúng châu Âu đặc biệt quan tâm.

1. Đối tượng và điều kiện tham gia

Chương trình tiếp nhận đề cử đối với các nhà sáng chế cá nhân hoặc nhóm có ít nhất một bằng độc quyền sáng chế châu Âu (EP) đã được cấp và còn hiệu lực tại ít nhất một quốc gia thành viên của EPO. Các đề cử có thể được gửi bởi bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào (không giới hạn quốc tịch), bao gồm cơ quan sáng chế, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, v.v.

Các hồ sơ không hợp lệ bao gồm: sáng chế chưa được cấp bằng; sáng chế đang bị phản đối hoặc khiếu nại trong vòng 9 tháng kể từ ngày được cấp bằng; sáng chế đã bị thu hồi hoặc hết hiệu lực; các nhà sáng chế từng lọt vào vòng chung kết hoặc từng đạt giải tại các kỳ Giải thưởng trước.

2. Các hạng mục giải thưởng

+ Lĩnh vực công nghệ (Industry): Giải thưởng lĩnh vực công nghệ được trao nhằm ghi nhận các nhà sáng chế đã phát triển các công nghệ xuất sắc và thành công về mặt thương mại, được cấp bằng độc quyền sáng chế bởi các công ty lớn tại châu Âu. Các công ty này có quy mô trên 250 nhân sự và doanh thu hàng năm vượt quá 50 triệu euro.

+ Nghiên cứu (Research): Giải thưởng này nhằm tôn vinh các nhà sáng chế đang công tác tại các trường đại học hoặc tổ chức nghiên cứu. Các sáng chế trong hạng mục này thường mang lại những tiến bộ công nghệ quan trọng và góp phần nâng cao uy tín của tổ chức nơi nhà sáng chế làm việc.

+ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs): Giải thưởng này vinh danh các cá nhân đứng sau những sáng chế được phát triển tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. SMEs được hiểu là các doanh nghiệp có dưới 250 nhân sự và doanh thu hàng năm dưới 50 triệu euro tại thời điểm được cấp bằng độc quyền sáng chế. Lý tưởng nhất là sáng chế đã mang lại thành công thương mại và giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh.

+ Nhà sáng chế đến từ quốc gia ngoài EPO (Non-EPO Countries): Hạng mục này dành cho tất cả các nhà sáng chế đến từ các quốc gia không thuộc 39 nước thành viên của EPO, không phân biệt quy mô hay doanh thu của công ty đang áp dụng sáng chế đã được cấp. Tuy nhiên, sáng chế hoặc sản phẩm liên quan phải đang có mặt tại thị trường châu Âu và đạt được thành công thương mại đáng kể tại đây.

+ Thành tựu trọn đời (Lifetime Achievement): Hạng mục này tôn vinh những đóng góp lâu dài của một nhà sáng chế châu Âu, người đã cống hiến không ngừng nghỉ và sáng tạo ra những sáng chế mang tính bước ngoặt – có ảnh hưởng sâu rộng đối với lĩnh vực công nghệ và xã hội nói chung.

Ngoài các hạng mục chính thức, Giải thưởng còn bao gồm Giải thưởng do công chúng bình chọn (Popular Prize) dành cho nhà sáng chế được yêu thích nhất trong số các ứng viên vào vòng chung kết.

3. Quy trình đề cử và xét chọn

+ Hồ sơ đề cử được nộp trực tuyến qua nền tảng chính thức của EPO, không thu lệ phí tham gia.

+ Sau khi tiếp nhận, EPO sẽ kiểm tra tính hợp lệ và chuyển tới Hội đồng giám khảo độc lập để đánh giá.

+ Các ứng viên nổi bật sẽ được lựa chọn vào danh sách rút gọn và công bố trong thời gian trước lễ trao giải.

4. Thông tin chi tiết

Thông tin đầy đủ về chương trình, tiêu chí xét chọn và hướng dẫn nộp đề cử có thể được tham khảo tại: https://www.epo.org/en/news-events/european-inventor-award/nominations.

Cục Sở hữu trí tuệ trân trọng thông báo./.



Tin mới nhất