Th 2, 06/05/2024 | 11:12 SA
Hội thảo Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triền bền vững – Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải
Ngày 26/4/2024, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức Hội thảo “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triền bền vững – Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải” nhằm hướng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Các mục tiêu phát triển bền vững được Liên hiệp quốc đề ra kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất, đảm bảo mọi người khắp nơi trên thế giới có cuộc sống hòa bình và thịnh vượng. Đề đạt được các mục tiêu này Việt Nam cũng như các nước luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể nhận thấy sự xuất hiện nhiều của các cụm từ như: năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo xanh, bình đẳng giới, v.v… và đa số các dự án đổi mới sáng tạo tạo ở Việt Nam hiện nay đều hướng đến phát triển bền vững theo xu hướng chung của thế giới, bám sát với những cam kết quốc tế về phát triển bền vững.
Hưởng ứng chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 là“Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức Hội thảo “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triền bền vững – Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải” tại Trường Đại học Giao thông vận tải vào ngày 26/4/2024. Đây là cơ hội để các cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường có cơ hội tìm hiểu kiến thức, trực tiếp trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu và đào tạo.
Với mục tiêu là trở thành trường đại học với vai trò tiên phong, vị thế hàng đầu Việt Nam về khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm phục vụ công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, Trường Đại học Giao thông vận tải tích cực, chủ động tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ; xây dựng Quỹ phát triển khoa học công nghệ; hỗ trợ hoàn thiện, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, lĩnh vực SHTT cũng được Nhà trường quan tâm. Theo ông Đào Thanh Toản - Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Trường Đại học Giao thông vận tải, Nhà trường khuyến khích giảng viên, sinh viên đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Trường hỗ trợ về thủ tục và kinh phí cho tác giả, tổ chức lớp tập huấn về SHTT để phổ biến rộng rãi kiến thức và quy định pháp luật cần thiết cho giảng viên, sinh viên của Trường.
Với tiềm lực của Trường Đại học Giao thông vận tải thì việc gia tăng số lượng đơn cũng như bằng sáng chế là việc hoàn toàn có thể hiện thực hóa được trong tương lai. Ông Hoàng Minh Thanh – Trưởng phòng Xây dựng – Giao thông, Trung tâm Thẩm định Sáng chế - Cục Sở hữu trí tuệ đã giải đáp các vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký sáng chế mà giảng viên và sinh viên quan tâm. Việc cấp bằng bảo hộ sáng chế có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm, cho nên đây chính là điều mà nhiều nhà nghiên cứu e ngại. Tuy nhiên, để có thể được độc quyền khai thác, thu lại lợi nhuận để tái đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo thì việc đăng ký để được cấp văn bằng bảo hộ là việc cần thiết. Tại nhiều quốc gia, khu vực phát triển như Hoa Kỳ hay Châu Âu thì thời gian thẩm định cấp bằng độc quyền sáng chế cũng có thể mất vài năm. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Lộc - Giám đốc SHTT - Công ty Luật TNHH T&G nhấn mạnh rằng các sáng chế có thể được ứng dụng, thương mại hóa ngay sau khi đã nộp đơn đăng ký sáng chế mà không cần phải đợi đến khi được cấp văn bằng bảo hộ. Điều quan trọng là các tác giả sáng chế cần lưu ý về tra cứu đánh giá khả năng bảo hộ và không tiết lộ thông tin về giải pháp kỹ thuật trước khi nộp đơn đăng ký.
Tại Hội thảo, một số giảng viên và sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải quan tâm, đặt câu hỏi về cách thức và các nguồn tra cứu thông tin sáng chế phục vụ cho hoạt động nghiên cứu. Về vấn đề này, các chuyên gia cho biết Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị tư vấn như Công ty Luật TNHH T&G thường xuyên có các chương trình tập huấn về SHTT nói chung và tra cứu thông tin sáng chế nói riêng. Ngoài ra, các nhà khoa học cần chủ động tìm hiểu và có thể tự truy cập, tra cứu trên các cơ sở dữ liệu sáng chế sẵn có trên Cổng thông tin điện tử của Cục SHTT Việt Nam, của các cơ quan, tổ chức SHTT quốc tế. Tra cứu thông tin sáng chế không chỉ hữu ích đối với việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký sáng chế của các nhà khoa học mà cần thiết hơn cả là việc sớm tiến hành tra cứu có thể giúp định hướng cho việc lựa chọn chủ đề nghiên cứu, tránh nghiên cứu trùng lặp.
Từ góc độ cơ quan quản lý ở cấp địa phương về khoa học công nghệ, ông Lê Trần Phong, Trưởng phòng Quản lý sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ thời gian qua tích cực triển khai hoạt động phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thủ đô. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, phố biến nâng cao nhận thức về SHTT cho các nhóm chủ thể trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả và các cơ quan liên quan để triển khai nhiều hoạt động hiệu quả hơn nữa dành cho các trường đại học, viện nghiên cứu ở thủ đô, hướng tới hình thành văn hóa SHTT trong toàn xã hội.
Hội thảo kết thúc với sự đánh giá cao đối với các thông tin được các chuyên gia chia sẻ và kỳ vọng sẽ có những hoạt động chuyên sâu và thường xuyên dành cho các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên của Trường.
Một số hình ảnh của buổi hội thảo:
Ông Lê Hoài Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải phát biểu khai mạc hội thảo
Các giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Giao thông vận tải tham dự Hội thảo
Các diễn giả trao đổi và thảo luận tại Hội thảo
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
Các tin khác
- Hành trình 'Khát vọng non sông' về Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
- Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024
- Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới - IPDAY 2024: Sở hữu trí tuệ - Yếu tố quan trọng nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương - Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của liên hiệp quốc
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024
- Khai mạc Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024