Th 6, 02/08/2024 | 10:00 SA
Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
Ngày 30/07/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với Hội sáng chế Việt Nam và Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công “Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam”.
Nhằm tạo diễn đàn trao đổi về lĩnh vực đổi mới sáng tạo và sáng chế, đồng thời giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và các quy định pháp luật, thủ tục đăng ký về sáng chế nói chung và sáng chế trong lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học nói riêng để thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo mở trong lĩnh vực y tế và kết nối các giải pháp sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực này, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp cùng Hội sáng chế Việt Nam và Bệnh Viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam” vào ngày 30/07/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
Diễn đàn vinh dự được đón tiếp nhiều vị đại biểu khách quý. Về phía Cục Sở hữu trí tuệ có ông Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng và ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng miền Nam; về phía Hội Sáng chế Việt Nam có TS. Bùi Văn Quyền - Chủ tịch, cùng ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực; về phía Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh có PGS, TS, BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc và Ths, luật gia Nguyễn Quang Duy - Trưởng đơn vị Pháp chế; cùng sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học, chuyên gia, đại diện SHTT và các báo đài.
Toàn cảnh diễn đàn
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Bùi Văn Quyền, Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cho biết: đổi mới sáng tạo và sáng chế ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế - xã hội. Từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều cần đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở để tự nâng cao năng lực cạnh tranh, khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh và tạo ra các điểm mới, khác biệt nhằm phát triển nhanh hơn và bền vững hơn. Đặc biệt, các hoạt động đổi mới sáng tạo phải gắn với quyền SHTT, với sáng chế để có cơ chế bảo vệ khi có các hành vi vi phạm, xâm phạm. Ông bày tỏ sự tin tưởng “Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam” sẽ mang lại những thông tin, kiến thức và kỹ năng bổ ích, hỗ trợ tích cực cho công việc hiện tại của các hội viên Hội Sáng chế Việt Nam và tất cả các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan.
TS. Bùi Văn Quyền, Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn
Phát biểu chào mừng, ông Lê Huy Anh – Phó Cục trưởng Cục SHTT, nhấn mạnh: thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học công nghệ và những bước chuyển mình sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành y dược và công nghệ sinh học. Sự đổi mới sáng tạo, không ngừng tìm kiếm giải pháp và công nghệ mới là yêu cầu thiết yếu để giải quyết những thách thức lớn mà ngành y dược và công nghệ sinh học đang đối mặt. Trong bối cảnh đó, SHTT trở thành yếu tố then chốt không thể thiếu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và sáng tạo trong ngành. Cục SHTT luôn nhận thức rõ rằng, SHTT không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng chế mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, trong đó có y dược và công nghệ sinh học. Các sáng chế và giải pháp hữu ích trong lĩnh vực này có khả năng làm thay đổi cuộc sống, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Ông khẳng định diễn đàn hôm nay là cơ hội quý giá để cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp sáng tạo trong việc quản lý và khai thác tài sản trí tuệ, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành y dược và công nghệ sinh học tại Việt Nam. Khám phá các xu hướng mới trong đổi mới sáng tạo, cùng thảo luận các mô hình thành công, và tìm ra những cách thức hiệu quả nhất để áp dụng và bảo vệ sáng chế trong các lĩnh vực này.
Ông Lê Huy Anh – Phó Cục trưởng Cục SHTT, phát biểu ý kiến tại diễn đàn
PGS,TS, BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cảm ơn sự hỗ trợ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Hội Sáng chế Việt Nam đã cùng tổ chức một Diễn đàn rất ý nghĩa, đây là cơ hội để trao đổi các kinh nghiệm, nghiên cứu, hướng tới việc phát triển ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam với mục tiêu cao nhất là phục vụ, chăm sóc người bệnh. Ông khẳng định: “Chúng tôi luôn tiên phong trong việc áp dụng các sáng chế, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới vào đào tạo sinh viên và điều trị cho bệnh nhân. Đội ngũ Ban giám hiệu, Ban giám đốc và cán bộ, bác sĩ, nhân viên,… cố gắng cùng nhau nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, bệnh viện,… và sẵn sàng hợp tác đổi mới sáng tạo mở, chia sẻ các sáng chế, kiến thức y học đến cộng đồng thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn”.
PGS, TS, BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng diễn đàn
Mở đầu diễn đàn, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục SHTT nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và liên kết, hợp tác để cùng nghiên cứu đổi mới sáng tạo “mở” (open innovation) tận dụng các nguồn tri thức công nghệ, sáng chế phục vụ định hướng nghiên cứu, sản xuất kinh doanh, tránh trùng lặp trong đăng ký bảo hộ quyền SHTT, khai thác công nghệ, sáng chế sẵn có để tạo ra giá trị hữu ích và thương mại cho cuộc sống. Ông cung cấp cho các đại biểu các khái niệm, cách nhận diện, một số quy định và thủ tục đăng ký sáng chế trong y dược và công nghệ sinh học; đặc biệt là các sáng chế dưới dạng quy trình và sản phẩm trong lĩnh vực đông y và công nghệ sinh học theo nguyên tắc “vấn đề và giải pháp” tức là các giải pháp phải xuất phát từ nhu cầu, từ các vấn đề của cuộc sống, của thị trường và luôn phải hướng đến mục tiêu tính ứng dụng, hữu ích, có giá trị thương mại trong đời sống. Ông cũng lưu ý việc khai thác các sáng chế về y dược đã hết hạn bảo hộ hoặc không bảo hộ tại Việt Nam (thuốc generic) để có thể giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm giá thuốc, tận dụng ưu thế của “quốc gia đi sau” nhằm “đi tắt đón đầu” trong sử dụng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để phát triển đột phá. Ông cũng nêu ra một số vấn đề mới trong quy định của Luật SHTT để diễn đàn cùng trao đổi, về: quyền đăng ký, hạn chế quyền, ngoại lệ trong bảo hộ sáng chế y dược, kiểm soát an ninh sáng chế, chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng sáng chế, sáng chế là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, đền bù cho chủ sở hữu sáng chế trong trường hợp chậm trễ trong cấp phép lưu hành dược phẩm, …
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục SHTT, trình bày tham luận tại diễn đàn
Tiếp nối diễn đàn, bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO BambuUP, chia sẻ về hoạt động đổi mới sáng tạo mở trong ngành y dược và công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước. Bà cũng cung cấp cho diễn đàn các chính sách, hoạt động và các xu hướng mới nhất về đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo mở trên thế giới cũng như ở Việt Nam; đặc biệt là các xu hướng trong chăm sóc sức khỏe, y tế và việc ứng dụng các công nghệ, sáng chế trong lĩnh vực này.
CEO BambuUP, bà Nguyễn Hương Quỳnh chia sẻ thực tế
Tham gia trình bày tại diễn đàn, Ths, luật gia Nguyễn Quang Duy, Trưởng đơn vị Pháp chế, Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM nhấn mạnh đổi mới sáng tạo trong y tế đề cập đến việc phát triển và áp dụng các ý tưởng công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học. "Sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y học sẽ giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khỏe, diễn ra trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm và thiết bị y tế”
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) đang là xu hướng nổi bật trong mọi lĩnh vực toàn cầu và lĩnh vực công nghệ sinh học cũng không ngoại lệ. Nhờ sức mạnh to lớn của trí tuệ nhân tạo, rất nhiều ứng dụng AI trong y tế đã ra đời để giảm tải gánh nặng cho các bệnh viện, cải thiện trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc lâm sàng. Đồng thời, sự ứng dụng của AI trong y dược ngày một rộng rãi hứa hẹn mang lại những điểm tích cực trong điều trị và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở các khu vực khó tiếp cận như nông thôn hay vùng sâu vùng xa của các nước đang và phát triển. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề khan hiếm bác sĩ mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong ngành y dược và công nghệ sinh học.
Ths, luật gia Nguyễn Quang Duy, Trưởng đơn vị Pháp chế, Bệnh viện ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, trình bày tham luận
Diễn đàn cũng được nghe tham luận của ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sáng chế Việt Nam, về hoạt động của Hội Sáng chế Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo mở và thương mại hoá sáng chế, bao gồm: phát hiện, tìm hiểu, thu thập nhu cầu; hỗ trợ tìm nguồn về tín dụng, tài chính; cung cấp thông tin, tra cứu kỹ thuật; tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện, thiết kế, tạo mẫu, thử nghiệm; hỗ trợ khai thác thương mại hóa; vinh danh, khen thưởng; phổ biến, nhân rộng việc ứng dụng các kết quả sáng tạo; hỗ trợ đầu tư, ứng dụng vào sản xuất; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng; hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, môi giới, chuyển giao và kết nối hợp tác cùng phát triển (networking).
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sáng chế Việt Nam, trình bày
Tại Diễn đàn, nhiều sáng kiến, giải pháp liên quan đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong y dược và công nghệ sinh học đã được các diễn giả, chuyên gia trình bày, đề xuất và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo người tham gia từ hội trường. Tiêu biểu là bài phát biểu của bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch Công ty TNHH Gia Thái DOCTORLOAN về “Ứng dụng và khai thác sáng chế, công nghệ DOCTORLOAN vào phòng chữa bệnh cột sống” hay bài “Dược liệu vùng cát biển và hành trình đổi mới sáng tạo công thức tăng cường miễn dịch” của ông Phù Tường Nguyên Dũng, CEO & Founder, Công ty CP Sa Sâm Việt.
Ban Tổ chức tặng hoa cho các diễn giả
Tại phần thảo luận, các đại biểu đều chia sẻ và thống nhất tầm quan trọng, vai trò của phát triển khoa học, kỹ thuật nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế nói riêng trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của đất nước. Cần vận dụng các chiến lược về “đổi mới sáng tạo” (innovation) và đổi mới sáng tạo mở (open innovation) vào lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học một cách phù hợp nhằm tạo ra, cải tiến hoặc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, các giải pháp quản lý mới để không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật văn bản hướng dẫn và các quy định hiện hành đảm bảo phát huy năng lực đổi mới sáng tạo của các cơ sở y tế nhưng không vi phạm các quy định pháp luật, nhất là về SHTT trong đó có sáng chế; khuyến khích ngành y dược và công nghệ sinh học có giải pháp phát hiện, ươm tạo, nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc đời sống, sức khỏe người dân; ưu tiên chọn lựa các sản phẩm là kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo tại các bệnh viện và các cơ sở y tế nhằm giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo với những kết quả thiết thực, góp phần tạo sự lan toả về nhận thức và hành động về đổi mới sáng tạo trong toàn ngành y dược và công nghệ sinh học.
Các chuyên gia chủ trì phần tọa đàm tại diễn đàn
Phát biểu tổng kết, thay mặt Ban Tổ chức, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận các ý kiến đóng góp tại diễn đàn và cảm ơn tất cả các vị đại biểu khách quý, các đơn vị phối hợp, đồng hành tài trợ đã đóng góp tạo nên sự thành công của diễn đàn. Một lần nữa ông khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo và sáng chế trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học, đồng thời, mong muốn diễn đàn sẽ được nhân rộng tổ chức cả miền Bắc và miền Trung để thu hút thêm nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị để xây dựng các chính sách, thúc đẩy phát triển các hoạt động, kết nối tiềm năng đổi mới sáng tạo mở nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, phát biểu tổng kết diễn đàn
Hội thảo khép lại với thông điệp: “Đoàn kết, hợp tác, chia sẻ trên tinh thần đổi mới sáng tạo mở và tôn trọng quyền SHTT” nhằm kết nối các sáng kiến, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ, thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo mở và sáng chế trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học một cách mạnh mẽ hơn.
Ảnh các đại biểu chụp chung tại diễn đàn
Một số hình ảnh tại diễn đàn:
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh.
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
Các tin khác
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng sơn" cho sản phẩm mác mật
- Hội thảo giới thiệu “Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
- Tập huấn tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- Quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu