Th 6, 29/01/2021 | 15:30 CH
Công tác pháp chế chính sách về sở hữu trí tuệ năm 2020
Quá trình phát triển kinh tế xã hội và bối cảnh hội nhập đã đặt ra yêu cầu đánh giá, rà soát và sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo điều kiện tối ưu cho người dân và doanh nghiệp.
1. Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật quốc gia
Quá trình phát triển kinh tế xã hội và bối cảnh hội nhập đã đặt ra yêu cầu đánh giá, rà soát và sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo điều kiện tối ưu cho người dân và doanh nghiệp. Yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ đã được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước (Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả”. Điều này tiếp tục được khẳng định trong phần Phương hướng, nhiệm vụ của dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 trình Đại hội Đảng lần thứ XIII: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ, tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ).
Chính vì vậy, công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ luôn được Cục Sở hữu trí tuệ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Các kết quả nổi bật đã đạt được trong năm 2020 của công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ bao gồm xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; hướng dẫn triển khai và trực tiếp triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và phối hợp xây dựng Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA).
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Hội thảo "Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”, tháng 1/2021.
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ
Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng cho tới nay Luật SHTT đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, sau hơn chục năm kể từ ngày ban hành, Luật SHTT cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, như ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã chia sẻ tại “Hội thảo phổ biến chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ và tham vấn Báo cáo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức ngày 07/10/2020 tại Hà Nội. Mặt khác, Luật SHTT cũng chưa tương thích để để bảo đảm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam mới ký kết, mà theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhận xét, nếu “tham gia vào cuộc chơi với thế giới mà không theo luật chơi chung thì chúng ta sẽ thua, thua ở nhà, thua khắp nơi”. Nhìn chung, bối cảnh mới do quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng… đã đặt ra nhu cầu phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ.
Do đó, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.
Để chuẩn bị cho việc đệ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ xin ý kiến của Quốc hội vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2021, Cục Sở hữu trí tuệ trong vai trò là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc các Bộ và các cơ quan tư pháp soạn Dự thảo Luật và lấy ý kiến rộng rãi thông qua các cổng thông tin điện tử (của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ), các hội thảo tham vấn ý kiến cũng như gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tập trung vào 7 nhóm nội dung chính:
(i) Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan: Các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) sẽ được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả và quyền liên quan được thuận lợi hơn;
(ii) Kkhuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước: Các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nghiên cứu khoa học do sử dụng vốn nhà nước sẽ được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, để từ đó khuyến khích đưa các kết quả nghiên cứu này thành các tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ , tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường hiệu quả hơn;
(iii) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp: Nhìn chung, những sửa đổi mới sẽ tạo điều kiện cho những người muốn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ do các thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ v.v. được cải tiến theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch hơn, hay quy định về việc nộp hồ sơ cũng được bổ sung hình thức trực tuyến để phù hợp với lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ v.v.;
(iv) Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Theo đó, việc rà soát, sửa đổi sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan tới quyền tiếp cận tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; hợp lý hóa cơ chế bảo hộ đối với sáng chế; bổ sung các trường hợp văn bằng bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu bị hủy bỏ hiệu lực nếu không đáp ứng những điều kiện nhất định; hợp lý hóa cơ chế bảo hộ quyền đối với giống cây trồng (cân bằng quyền của nhà tạo giống và quyền giữ giống của nông dân);
(v) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ (bao gồm hoạt động đại diện, giám định) cũng được rà soát để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, phân loại phạm vi hoạt động cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh để phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước;
(vi) Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo hướng giải quyết một số bất cập liên quan đến các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, hoàn thiện các quy định về thực thi quyền trong môi trường số; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến cách thức và phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng xuất, nhập khẩu;
(vii) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Các quy định hiện có trong Luật Sở hữu trí tuệ nhưng chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới là thành viên (như cơ chế bảo mật dữ liệu thử nghiệm đối với nông hóa phẩm; thẩm quyền kiểm soát biên giới của cơ quan hải quan, v.v.) hay các quy định chưa xuất hiện nhưng phải thi hành theo cam kết quốc tế (như bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường của dược phẩm là sáng chế được bảo hộ, v.v.) sẽ được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Dự thảo luật sửa đổi bổ sung thêm đối tượng bảo hộ mới của giống cây trồng là “sản phẩm chế biến từ vật liệu thu hoạch của giống cây trồng”, bên cạnh hai đối tượng cũ là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch. Ảnh: Trồng cây trinh nữ hoàng cung, giống cây đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng của công ty Thiên Dược. Nguồn: Thienduoc
Triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030
Sau khi Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được ban hành, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chiến lược trên các phương tiện truyền thông và trong phạm vi hoạt động của các Bộ, ngành và địa phương nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược. Nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược SHTT trên địa bàn, một số địa phương triển khai theo cách thức lồng ghép với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương. Trong phạm vi ngành khoa học và công nghệ, Cục đã chủ trì xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2020-2025 để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ Khoa học và Công nghệ trong Chiến lược. Trên cơ sở đó, Cục đã phân công nhiệrn vụ thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 cho các đơn vị trực thuộc Cục, theo Quyết định số 1178/QĐ-SHTT ngày 06/04/2020 của Cục trưởng Cục SHTT; một số nhiệm vụ đã bắt đầu được triển khai như rà soát, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp, v.v..
Xây dựng, góp ý các văn bản pháp luật liên quan
Cùng với việc chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ thường xuyên đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo, bao gồm: 02 đạo luật (Luật Đầu tư; Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng); 12 Nghị định (Hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị định về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự; Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN để thực hiện Hiệp định EVFTA; Nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Nghị định về đăng ký doanh nghiệp;...); 07 Thông tư (Thông tư hướng dẫn các biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc nêu ý kiến về công nghệ dự án đầu tư; Thông tư quy định việc đăng ký lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; Thông tư quy định yêu cầu kỹ thuật đối với dữ liệu thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN;…) và nhiều văn bản pháp luật khác có nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ thường xuyên thực hiện việc giải đáp và hướng dẫn thực hiện pháp luật về sở hữu trí tuệ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đặc biệt là các Sở Khoa học và Công nghệ và các doanh nghiệp như giải đáp vướng mắc về: chuyển giao công nghệ được bảo hộ sáng chế tại nước ngoài; duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế; nộp tài liệu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên dạng đĩa quang; xử lý các đơn đăng ký nhãn hiệu có thư chấp thuận của chủ nhãn hiệu đối chứng và xác định tình trạng pháp lý của nhãn hiệu đối chứng; về việc không bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng; về khả năng xung đột của chỉ dẫn địa lý với nhãn hiệu đã đăng ký, v.v.
Cũng trong năm 2020, Cục đã triển khai một số biện pháp hỗ trợ người nộp đơn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 như ra thông báo và áp dụng quy định về kéo dài thời hạn thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp (yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, bổ sung tài liệu, phản hồi các quyết định/thông báo của Cục, duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, nộp các loại phí, lệ phí, nộp đơn khiếu nại).
2. Xây dựng chính sách, pháp luật quốc tế
Năm 2020, công tác pháp chế và chính sách quốc tế, nhất là công tác đàm phán quốc tế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận ở hai nhóm nội dung chủ yếu là đàm phán, ký kết, phê chuẩn và bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế về/liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA): Sau khi Hiệp định được ký kết ngày 30/6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiến hành rà soát quy định pháp luật, soạn thảo các nội dung liên quan đến việc thi hành các nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định (Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08/6/2020) và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA (Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020).
Theo dự thảo sửa đổi, chỉ dẫn địa lý sẽ thuộc về sở hữu cộng đồng. Việc trao quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cho cộng đồng sẽ tạo điều kiện phát triển các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, đặc biệt là những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng đã được bảo hộ tại nước ngoài như vải thiều Lục Ngạn. Trong ảnh: Nhân viên của công ty Xuất nhập khẩu Toàn cầu, Bắc Giang đang bóc vỏ vải để làm cùi cấp đông. Ảnh: Hoàng Nam/ Báo KHPT.
Đối với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Niu Di-lân (Hiệp định RCEP): Tham dự phiên họp rà soát pháp lý lần thứ 3 của Hiệp định RCEP tại New Zealand. Hiệp định đã được 15 nước tham gia đàm phán ký kết trực tuyến vào ngày 15/11/2020.
Đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA (Khối Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu bao gồm Thụy sỹ, Lich-ten-xtai, Na-uy và Ai-xơ-len): Tham dự họp trực tuyến về nội dung sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA.
Đối với Hiệp định giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh (Hiệp định UKVFTA): Nêu ý kiến đối với đề xuất của Bộ Ngoại giao về việc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đề nghị cho Anh thực hiện các điều ước quốc tế do EU ký với Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp Brexit; tham dự các Phiên làm việc của Ban Công tác về Đối thoại Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Vương quốc Anh. Ngày 29/12/2020, Hiệp định UKVFTA đã chính thức được ký kết tại Vương quốc Anh.
Gia nhập Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến tới các thủ tục sáng chế (thi hành cam kết theo Hiệp định CPTPP): Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch gia nhập và Hồ sơ gia nhập Hiệp ước Budapest. Hồ sơ đã được trình Chính phủ phê duyệt.
Công tác bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ tiếp tục được triển khai thường xuyên và đầy đủ như tiếp tục cung cấp thông tin về hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2020 theo yêu cầu của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội (Báo cáo 301); rà soát các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và pháp luật có liên quan với các cam kết theo Hiệp định CPTPP; tham dự khóa họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp về thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu;...
Đặc biệt, 2020 là năm Việt Nam phải thực hiện rà soát chính sách thương mại tại WTO; do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phiên rà soát phải lùi lại sang năm 2021. Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành một loạt công việc để chuẩn bị cho phiên rà soát chính sách thương mại, cụ thể là: cung cấp bổ sung thông tin phục vụ Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ hai của Việt Nam cho Ban Thư ký WTO; dự thảo nội dung phần sở hữu trí tuệ trong Báo cáo quốc gia về chính sách thương mại; góp ý dự thảo Báo cáo của Ban Thư ký WTO về chính sách thương mại của Việt Nam.
“Lần này chúng ta sửa rất lớn, làm bài bản hơn. Mục tiêu thứ nhất là tạo điều kiện cho chúng ta tham gia các sân chơi chung trên thế giới với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, thứ hai là phát triển sức sáng tạo của quốc gia, tạo ra động lực phát triển cho xã hội”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá về dự án sửa đổi Luật SHTT trong hội thảo “Tham vấn về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT” do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 12/01/2021 tại Hà Nội.
Bối cảnh hội nhập đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải sửa đổi Luật SHTT. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ phải phù hợp với các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Hiệp định EVFTA, Hiệp định CPTPP, Thỏa ước La Hay) cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam sẽ gia nhập (Hiệp định WCT, Hiệp định WPPT, Hiệp ước Budapest). |
Phòng Pháp chế và Chính sách - Cục Sở hữu trí tuệ
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Công tác quản lý hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp năm 2020
- Nghiệm thu Dự án thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020: “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm - Hội An, tỉnh Quảng Nam”
- Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Cân bằng giữa yêu cầu quốc tế và lợi ích quốc gia
- Khai mạc hội chợ OCOP Tuyên Quang 2021 và công bố Chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên
- Hội thảo “Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh” trong khuôn khổ phi dự án “Hỗ trợ thực thi CPTPP trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ” do Ca-na-đa tài trợ