Th 2, 21/09/2015 | 16:44 CH
Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản
Hội thảo về vai trò của ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế quốc gia
Ngày 14-15/9/2015, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Hội thảo về vai trò của ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế quốc gia...
Ngày 14-15/9/2015, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Hội thảo về vai trò của ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế quốc gia. Tham dự Hội thảo có ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông ALAN C. MARCO, Kinh tế trưởng; ông ASRAT TESFAYESUS, Chuyên gia kinh tế của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) và hơn 100 đại biểu đến từ các đơn vị chức năng của Bộ; các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khối doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã khẳng định: Cùng với sự chuyển mình của đất nước, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phát triển vượt bậc và trở thành cơ quan đầu mối trong việc quản lý nhà nước về SHTT. Cục SHTT đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Để đẩy mạnh vai trò SHTT phù hợp hơn với xu thế phát triển trong giai đoạn mới của đất nước, Việt Nam đang xây dựng chương trình quốc gia về SHTT với định hướng: Sở hữu trí tuệ phải trở thành một ngành kinh tế có sự đóng góp đáng kể cho GDP quốc gia. Để thực hiện có hiệu quả chương trình nêu trên, Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các cơ quan SHTT từ các quốc gia phát triển, nhất là Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). USPTO đã có kinh nghiệm trong việc phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của SHTT đến nền kinh tế và nhờ đó đã đưa SHTT Mỹ thành một ngành kinh tế hết sức quan trọng với nền kinh tế quốc gia, đóng góp tới 35% GDP của Hoa Kỳ. Ông hy vọng rằng qua 2 ngày Hội thảo, các đại biểu tham dự sẽ trao đổi thẳng thắn về vấn đề Việt Nam đang quan tâm trên tinh thần cởi mở, qua đó Việt Nam sẽ định hình được chương trình quốc gia về SHTT trong giai đoạn tới phù hợp hơn với vai trò, vị trí trong nền kinh tế quốc gia.
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khai mạc Hội thảo |
Tại Hội thảo, hai chuyên gia kinh tế đến từ USPTO đã giới thiệu và chia sẻ về chiến lược của USPTO và vai trò của chiến lược đó trong hệ thống SHTT quốc gia Hoa Kỳ, cũng như vai trò của USPTO trong việc triển khai chiến lược SHTT quốc gia. Hai chuyên gia đã thuyết trình 3 chủ đề trọng tâm là: Chủ đề về kinh tế học và đổi mới sáng tạo; Chủ đề về định giá tài sản trí tuệ, SHTT đối với thị trường công nghệ; Chủ đề về đóng góp của SHTT và ngành công nghiệp thâm dụng SHTT đối với nền kinh tế được tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau như: Tiếp cận theo góc độ kinh tế vĩ mô, tiếp cận theo góc độ kinh tế vi mô, tiếp cận theo góc độ ngành công nghiệp và góc độ doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra nhiều câu hỏi và ý kiến bổ ích liên quan đến vai trò của ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế quốc gia. Các khó khăn trong quá trình thực hiện là một vấn đề được các đại biểu thảo luận rất sôi nổi. Các chuyên gia đến từ USPTO đã trao đổi về định hướng mà Việt Nam cần thực hiện chủ yếu là thu thập dữ liệu liên quan đến việc phân tích, đánh giá tầm ảnh hưởng của SHTT đến nền kinh tế, trong đó các ngành công nghiệp thâm dụng SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng. Và hiện nay các nhà hoạch định chính sách phải chỉ ra được đâu là dữ liệu Việt Nam đang có để thực hiện và đâu là dữ liệu Việt Nam cần phải có để triển khai, và trong thời gian bao lâu Việt Nam sẽ hoàn thành dữ liệu đó. Trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu Việt Nam mới phân tích, đánh giá và đưa ra mô hình phù hợp với hệ thống SHTT của quốc gia.
Kết thúc Hội thảo, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT thay mặt Cục SHTT cảm ơn hai chuyên gia đến từ USPTO đã trao đổi kinh nghiệm quý báu từ mô hình nghiên cứu, đánh giá hệ thống SHTT của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ đối với nền kinh tế quốc gia Mỹ. Việc áp dụng mô hình cụ thể nào của các quốc gia như Mỹ vào Việt Nam trong thời điểm này là vấn đề cần cân nhắc kỹ và không phải dễ dàng. Tuy nhiên, qua Hội thảo chúng ta cũng định hình được chương trình quốc gia về SHTT trong giai đoạn tới để phù hợp hơn với vai trò, vị trí trong nền kinh tế quốc gia. Từ đó ông khẳng định Cục SHTT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan dành nhiều thời gian, công sức tập trung nghiên cứu để trong thời gian tới tìm ra mô hình áp dụng phù hợp với hệ thống SHTT Việt Nam nhằm mục đích đưa hệ thống SHTT tác động lớn đến nền kinh tế quốc gia nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng.
Phòng Thông tin
Tin mới nhất
- Lễ Ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa
- Hội nghị tổng kết công tác công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
Các tin khác
- Buổi nói chuyện chuyên đề “Biển đảo Việt Nam”
- Cuộc họp lần thứ 5 Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO)
- Tăng cường sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để thúc đẩy nghiên cứu-triển khai và sản xuất- kinh doanh
- Lễ ký kết về thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển Chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”
- Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh