Th 2, 01/04/2019 | 14:53 CH
Hội thảo khu vực “Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) khu vực ASEAN”
Ngày 27-28/03/2019, tại Khách sạn Fortuna, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) khu vực ASEAN”...
Ngày 27-28/03/2019, tại Khách sạn Fortuna, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) tổ chức Hội thảo “ Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) khu vực ASEAN ”.
Hội thảo có sự tham dự của ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT, ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT, ông Alejandro Roca Campaña - Giám đốc cao cấp phòng tiếp cận thông tin và kiến thức của WIPO, ông Andrew Czajkowski - Giám đốc Phòng tiếp cận thông tin và kiến thức của WIPO, ông Alex Riechel - Chuyên viên Thông tin sở hữu công nghiệp, Bộ phận Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo của WIPO. Đại biểu chuyên trách về sở hữu trí tuệ trong Mạng lưới TISC từ 10 quốc gia ASEAN và đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) của Việt Nam đã tham gia Hội thảo.
Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) được thành lập trên cơ sở dự án TISC do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới khởi xướng trên phạm vi toàn cầu. Kể từ khi chương trình TISC được triển khai năm 2009 đến hết năm 2018, đã có 78 quốc gia, trong đó có 24 quốc gia kém phát triển nhất, đã ký Thỏa thuận với WIPO để phát triển mạng lưới TISC quốc gia. Theo thông tin được cung cấp bởi các điều phối viên TISC quốc gia, 757 TISC đã được thành lập trong giai đoạn này. Các quốc gia ASEAN cũng tham gia vào Mạng lưới này và đã đạt được những hiệu quả nhất định trong hoạt động hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tập trung vào thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Hội thảo khu vực ASEAN dành cho Mạng lưới TISC được tổ chức và duy trì thường xuyên tại các nước thành viên nhằm cung cấp những cập nhật mới nhất của các thành viên Mạng lưới trong khu vực ASEAN cũng như giới thiệu những chương trình mới nhất của WIPO liên quan đến Mạng lưới. Năm nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Việt Nam rất vinh dự được đăng cai tổ chức Hội thảo “Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) khu vực ASEAN”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục SHTT đã khẳng định rằng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) đóng vai trò Trung tâm kết nối, điều phối các hoạt động của Mạng lưới TISC. Cục SHTT có nhiệm vụ lập kế hoạch và xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu cho các thành viên mạng lưới để có đủ kỹ năng tra cứu thông tin, tư vấn thủ tục xác lập quyền, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ cho các nhà sáng chế trong tổ chức của viện, trường hoặc doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp cho các viện trường tăng cường năng lực trong hoạt động sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chú trọng vào việc tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ thể Việt Nam cũng như thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ. Ông hy vọng rằng, thông qua Mạng lưới TISC của Việt Nam và khu vực ASEAN, hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của các chủ thể Việt Nam, đặc biệt là của các viện/trường sẽ được thúc đẩy, góp phần cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình, ông Alejandro Roca Campaña - Giám đốc cao cấp phòng tiếp cận thông tin và kiến thức (WIPO) đã cảm ơn Bộ khoa học và Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với WIPO và JPO tổ chức Hội thảo này. Ông cũng cảm ơn các quốc gia ASEAN đã cử đại biểu đến tham dự Hội thảo. Ông cho rằng, trong xã hội dựa trên tri thức hiện nay, thách thức quan trọng nhất đối với tất cả các quốc gia là làm thế nào có thể chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế dựa trên kiến thức và vốn trí tuệ của mình để có một thế mạnh, năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Một lần nữa, nền tảng dựa vào kiến thức, công nghệ và thông tin này là vô cùng quan trọng. Sở hữu trí tuệ từ lâu đã được công nhận là xương sống của cơ sở hạ tầng tri thức quốc gia. Sự xử lý hiệu quả dữ liệu và thông tin để trở thành tri thức phục vụ nhu cầu kinh doanh phù hợp và hiệu quả của ngành công nghiệp và các doanh nghiệp để tạo ra sự giàu có, ngày nay đã trở thành ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á. Nhưng để điều này xảy ra, chúng ta phải dựa vào sở hữu trí tuệ để tăng trưởng. Đó là lý do tại sao một trong những mục tiêu hành động của WIPO là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận công nghệ và thông tin công nghệ ở các nước đang phát triển và kém phát triển, nhằm giúp thu hẹp khoảng cách kiến thức giữa các nước phát triển và đang phát triển. Ông cũng nhấn mạnh một trong những mục tiêu của Hội thảo này là thảo luận về cách thức hợp tác tốt hơn để tận dụng các hiệu ứng mạng lưới và các yếu tố khác.
Trong Hội thảo lần này, đoàn chuyên gia WIPO đã giới thiệu về Tổng quan và xu hướng phát triển mới của Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) trên toàn cầu. Đồng thời, các đại biểu từ 10 quốc gia ASEAN sẽ cập nhật tình hình phát triển Mạng lưới TISC ở khu vực ASEAN. Trong Hội thảo, Chương trình tình nguyện viên hỗ trợ Mạng lưới TISC khu vực ASEAN cũng được tổng kết giai đoạn 1 và dự kiến sẽ được tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Kế hoạch hành động của Mạng lưới TISC khu vực ASEAN trong giai đoạn sắp tới cũng là một nội dung được 10 quốc gia ASEAN thảo luận.
Trong Chương trình Hội thảo, đại biểu đã được đi tham quan Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Bách Khoa Hà Nội, hai đơn vị thuộc Mạng lưới TISC của Việt Nam. Hội thảo là một dịp để các cán bộ chuyên trách về SHTT của các nước ASEAN có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cũng như tạo sự gắn kết trong và ngoài công việc.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Ảnh 1: Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí phát biểu khai mạc Hội thảo
Ảnh 2: Toàn cảnh Hội thảo
Ảnh 3: Ông Andrew Czajkowski - Giám đốc Phòng tiếp cận thông tin và kiến thức của WIPO, trình bày về Tổng quan và xu hướng phát triển mới của Mạng lưới TISC trên toàn cầu
Ảnh 4: Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Ảnh 5: TS. Dương Ngọc Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xuất sắc liên ngành về lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên Việt Nam-Vương quốc Anh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, giới thiệu về các sản phẩm đã được thương mại hóa của Trung tâm
Ảnh 6: Đại biểu tham quan Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội
Ảnh 7: Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội
Ảnh 8: Ông Alejandro Roca Campaña - Giám đốc cao cấp phòng tiếp cận thông tin và kiến thức (WIPO) phát biểu tại BK-HOLDINGS, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- Sinh viên với Sở hữu trí tuệ” tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng
- Khai thác tiềm năng thông tin sáng chế để thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong các viện nghiên cứu, trường đại học
- Sinh viên Đại học Luật – Đại học Huế với “Vai trò quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục”
- Tọa đàm Tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp - Doanh nghiệp khởi nghiệp
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Hương Sơn" cho sản phẩm nhung hươu