Th 6, 15/05/2020 | 16:33 CH
Hành trình đưa nồi nước lá mẹ nấu ra thị trường quốc tế
Là một doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hành trình từ thị trường trong nước ra quốc tế của Sao Thái Dương được doanh nghiệp xác định rất rõ ràng là phải có chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Với hành trang là những nghiên cứu, những sáng chế dựa trên lợi thế nguồn dược liệu dân gian của người Việt, Sao Thái Dương đã bắt đầu cuộc hành trình gia nhập thị trường của những thương hiệu quốc tế.
Đưa tri thức truyền thống vào đời sống công nghiệp hiện đại
“Tôi vẫn nhớ mãi ngày còn bé mẹ luôn phơi khô bồ kết và hái các loại lá để nấu nước gội đầu. Đến khi lớn lên tôi vẫn biết rất rõ loại lá nào làm trơn mượt tóc, loại nào làm sạch gầu, cái gì tạo mùi hương”, dược sĩ Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Sao Thái Dương kể lại. Điều chị Hương Liên nói giống với ký ức của hầu hết phụ nữ Việt Nam. Nhưng muốn đưa những nồi lá gội đầu truyền thống, đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt ấy bước vào đời sống công nghiệp, để giúp những người phụ nữ bận bịu, những gia đình hiện đại không mất thời gian “kích rích” hái lá, đun nấu, lọc nước nhưng vẫn được hưởng cảm giác nhẹ nhàng thư thái của nồi nước đậm mùi tinh dầu truyền thống quả thực không dễ dàng.
Dược sĩ Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập Sao Thái Dương. Ảnh: Bảo Như
Cái khó thứ nhất là vào thời điểm những năm 2000, khi Sao Thái Dương lựa chọn dầu gội đầu thảo dược là một trong những dòng sản phẩm đầu tiên của công ty, từ đây kiên trì cách tiếp cận “dùng công nghệ bào chế hiện đại trên dược liệu truyền thống” cũng là lúc nhiều thương hiệu quốc tế đã bắt đầu chiếm lĩnh hầu hết thị trường Việt Nam với những sản phẩm dầu gội, sữa tắm đa dạng và tiện lợi, thậm chí định hình hành vi của người tiêu dùng – gần như từ bỏ thói quen dùng thảo dược tự nhiên.
Mặt khác, dù lợi thế có sẵn nguồn thực vật phong phú với hàng ngàn loài có nhiều hoạt chất đặc biệt nhưng việc kết hợp giữa hiện đại và truyền thống để tạo ra một sản phẩm khác biệt lại không hề đơn giản. Dù cả chị và chồng là dược sĩ Nguyễn Hữu Thắng được đào tạo bài bản về dược liệu và từng có cơ hội tìm hiểu về vị thuốc dân gian và cả “các công thức đủ để đun được một nồi nước gội đầu” nhưng “lúc làm sản phẩm này chật vật lắm”, chị Hương Liên nhớ lại thời điểm khó khăn ban đầu khi còn loay hoay tìm phương án tối ưu cho sản phẩm dầu gội đầu. Để có được một sản phẩm “thực sự từ thiên nhiên”, chị quyết định không dùng nguyên liệu là các chất hoạt động bề mặt để làm sạch và tạo bọt vẫn thường được sử dụng trong dầu gội công nghiệp thông thường mà sử dụng các chất tách chiết từ thảo dược tuy không tạo cảm giác sạch sâu cho người dùng nhưng không gây kích ứng da, đậm mùi tinh dầu hương nhu, xả, trơn mượt tóc (sau này dầu gội dược liệu này cũng đã được thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả cũng như tính an toàn cho người sử dụng tại Khoa Da liễu, bệnh viên Quân Y 103).
Tuy nhiên, đây chính lại là vấn đề khiến cả nhóm R&D của Sao Thái Dương đau đầu nhất. “Lâu nay, mọi người dùng dầu gội của các hãng phổ biến đã quá quen với gội đầu nhiều bọt rồi” trong khi “dầu gội của mình lại không hề có bọt, thành ra đưa ra thị trường không ai muốn dùng cả”, chị Hương Liên nói về khó khăn mà mình phải trải qua khi phát triển sản phẩm. Vậy giải pháp của Sao Thái Dương là gì? Trên thực tế, nhóm R&D đã phải làm đi làm lại rất nhiều lần mà thấy “vẫn không ổn vì cứ tìm cách làm tăng bọt lên thì lại mất hết cảm giác dễ chịu”, hoặc “cứ pha xong rất đẹp, nhưng để lưu mẫu vài tháng sau thì lại xảy ra tình trạng tách dung dịch”. Đến bây giờ khi nhớ lại quãng thời điểm đó, chị Liên cũng không hiểu nổi điều gì khiến cả ê kíp kiên trì “thử và sai” trong suốt ba, bốn năm trời. Đôi lúc, chị cảm thấy bất lực và muốn buông xuôi, thậm chí có người khác còn khuyên chị bỏ dòng sản phẩm này vì nó quá khó thực hiện. Rút cuộc, niềm tin của một dược sĩ đã giữ chị ở lại. “Trời không phụ lòng người”, cuối cùng chị đã phát hiện ra mấu chốt vấn đề: tìm ra công thức và “điểm cân bằng”: tăng lượng bồ kết, sử dụng dầu cọ làm nền để có được một sản phẩm có bọt vừa phải mà không làm mất hết các ưu điểm và đặc tính tự nhiên của dược liệu.
Nhờ đó, dòng sản phẩm dầu gội thảo dược của Sao Thái Dương giữ được các đặc trưng truyền thống và có được chỗ đứng trên thị trường trong nước theo một cách rất riêng: giữ được những khách hàng ruột, thân thiết, mua đi mua lại khá nhiều lần và mua nhiều mặt hàng.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuẩn mực quốc tế
Hành trình từ thị trường trong nước ra quốc tế của Sao Thái dương được chị Hương Liên và nhóm phát triển sản phẩm xác định rất rõ ràng là phải được bảo hộ độc quyền công thức pha chế, giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). “Mặc dù khi làm hồ sơ đăng ký nhóm nghiên cứu cũng rất suy nghĩ, bởi nghiên cứu nhiều năm mới ra công thức nhưng nếu lỡ không may mất bí quyết sản phẩm thì làm sao đòi được quyền lợi đây. Người Việt Nam mình và các doanh nghiệp nhìn chung vẫn chưa có văn hóa tôn trọng tác quyền nên rất dễ mất bí quyết. Các chế tài xử phạt chỉ khiến ‘kẻ trộm’ bị phạt vài ba chục triệu, còn khổ chủ có thể mất tới cả tỉ hoặc chục tỉ đồng”, chị Hương Liên nói. Vì thế, bộ phận pháp chế và nghiên cứu của công ty phải “khăn gói” đi học các lớp về cách chuẩn bị hồ sơ đăng ký sáng chế do chuyên gia Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) dạy, để vừa đảm bảo tính mới nhưng không lộ toàn bộ công thức “nhà nghề”. Cho đến nay, Sao Thái Dương được bảo hộ độc quyền tới 8 sáng chế/giải pháp hữu ích liên quan tới các công thức mỹ phẩm/dược phẩm dựa trên nguồn nguyên liệu tự nhiên thuần Việt. Ý thức được lợi ích mang lại từ việc được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên Sao Thái Dương đang tiếp tục nộp thêm hồ sơ đăng ký bảo hộ cho các chế phẩm khác nữa.
Không chỉ có vậy, nhóm còn bỏ thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng để theo đuổi các tiêu chuẩn châu Âu hoặc Mỹ ngay từ đầu nhằm “dọn đường” cho việc tiến ra thị trường nước ngoài, ngay ở thời điểm cách đây cả chục năm. Theo quan điểm của chị Hương Liên, mặc dù các ông lớn trong ngành dầu gội và hóa mỹ phẩm nói chung thi nhau tràn vào thị trường Việt Nam nhưng ở các nước phát triển, người tiêu dùng lại có xu hướng quay trở lại sử dụng các sản phẩm thuần tự nhiên, chuộng dược liệu, thậm chí là sản phẩm có thành phần là dược liệu trồng hữu cơ. Như vậy, về chất lượng thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngay cả các yếu tố khác mà nhiều công ty Việt Nam còn chưa coi là quan trọng như mùi hương, độ mượt, tạo bọt cho tới mẫu mã bao bì, nhãn mác cũng cần phải điều chỉnh. Đầu mối nhập hàng ở Mỹ đặt ra các một loạt các yêu cầu cho Sao Thái Dương phải theo, không chỉ ngặt nghèo về chất lượng như các yếu tố gây kích ứng phải giảm tối thiểu, thì ngay đến mẫu mã bao bì cũng có rất nhiều tiêu chuẩn, chẳng hạn như chai lọ phải đạt yêu cầu tái chế được, giấy dán trên thân chai phải có khả năng tự hủy nhưng vẫn phải bền dai không bị mủn do thấm nước trong quá trình sử dụng, các bộ phận của chai dầu gội phải có khả năng tháo rời...
Sau những tìm hiểu như vậy, Sao Thái Dương đã lựa chọn dòng sản phẩm NatureQueen để phát triển cho thị trường quốc tế và điều chỉnh các yếu tố theo thị hiếu người tiêu dùng châu Âu. Sau khi đã gửi mẫu sản phẩm đi các phòng thí nghiệm kiểm định ở Singapore, Bỉ, Đức để thử nghiệm tiêu chuẩn, chị vẫn còn rất dè dặt. Năm 2015, chị chỉ mang sản phẩm đi một số hội chợ ở Tây Ban Nha, Dubai, Nga... để giới thiệu. “Điều bất ngờ là nhiều người nhận sản phẩm thử đã quay trở lại hội chợ vào ngày cuối cùng để mua thêm sản phẩm NatureQueen còn các sản phẩm đã bán phổ biến ở Việt Nam thì họ lại không mấy mặn mà. Đó là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy chúng tôi điều chỉnh đúng thị hiếu. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm mang sản phẩm sang thị trường châu Âu và Mỹ”, chị Hương Liên kể lại. Và đến nay, NatureQueen của chị đã được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu ở 38 nước, xuất được hàng đi vào châu Âu, ở Mỹ đã có cửa hàng đại diện với doanh thu ổn định, và trong năm 2019 đã xuất container hàng đầu tiên vào 6 siêu thị ở Anh.
Sản phẩm NatureQueen của Sao Thái Dương nhận được nhiều đánh giá tốt trên trang web bán lẻ Amazon và nằm trong Amazon Choice - danh mục những sản phẩm đáng mua. Nhiều người dùng để lại lời khen tặng “tóc tôi mỏng, yếu và không tin vào nhiều hãng dầu gội nhưng gội Nature Queen giúp tóc khỏe, dày hơn” là điều “rất đáng trân trọng vì nhận xét đó là điều mình không bao giờ mua được mà phải thuyết phục bằng chất lượng”, chị Hương Liên nói. Tất nhiên, trong hàng chục bình luận, vẫn có khách hàng phàn nàn rằng mùi hương đặc trưng của dầu gội bị mạnh, cay, và đây có thể sẽ lại là những cơ sở để nhóm phát triển thị trường và nghiên cứu sản phẩm tiếp tục khảo sát người dùng để điều chỉnh hoặc cho ra dòng sản phẩm mới.
Trên thực tế, việc nghiên cứu điều chỉnh sản phẩm ở Sao Thái Dương là một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ chứ không chờ đợi phải tới khi khách hàng phản ánh. Quá trình nghiên cứu không nằm trọn vẹn trong không gian phòng thí nghiệm và hơn 100 dược sĩ của công ty chính là những người làm “nghiên cứu bán thời gian”. “Chúng tôi quan niệm người làm R&D không thể ngồi cố định trong phòng thí nghiệm vì nếu ngồi một chỗ sẽ thui chột khả năng tìm tòi nghiên cứu, cần đi tìm hiểu để cải thiện ở từng khâu của sản phẩm”, chị Hương Liên nói. Đồng thời đó cũng là một quá trình “mở” cho tất cả mọi bộ phận khác như bán hàng, chăm sóc khách hàng cho tới... nhân viên sản xuất có thể đóng góp ý kiến để tạo ra sản phẩm tốt hơn. Quá trình gắn bó tìm hiểu, luôn đặt câu hỏi “sản phẩm của mình tốt chưa, còn điểm nào phải cải tiến nữa không?” và tìm ý tưởng tốt nhất để “nâng cấp” sản phẩm đó khiến cho mỗi nhân viên đều thêm gắn bó với công việc này, và không ngạc nhiên khi phần lớn cán bộ R&D vẫn là những người đã đồng hành cùng với chị Hương Liên từ những ngày đầu thành lập công ty. Thậm chí, có những nhân viên đã tặng lại cho Sao Thái Dương bài thuốc của gia đình để công ty nghiên cứu sử dụng.
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Sao Thái Dương. Ảnh: Bảo Như
Cho đến nay, Sao Thái Dương được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ độc quyền tới 8 sáng chế/giải pháp hữu ích liên quan tới các công thức dược phẩm/mỹ phẩm dựa trên nguồn nguyên liệu tự nhiên thuần Việt. 1. Dầu gió (năm 2004) 2. Chế phẩm dưỡng da, kem dưỡng da và mặt nạ dưỡng da có chứa chế phẩm này (năm 2007) 3. Hỗn hợp chiết xuất từ nghệ và dược phẩm chứa hỗn hợp này (năm 2009) 4. Hỗn hợp làm đẹp da qua đường miệng (năm 2012) 5. Hỗn hợp có tác dụng tăng cường sức khỏe cho nam giới (năm 2015) 6. Chế phẩm dùng để tăng cường sức khỏe và sinh lý cho phụ nữ (năm 2016) 7. Chế phẩm dùng để tăng cường sức khỏe cho phụ nữ, ngăn ngừa và điều trị bệnh u xơ vú và u xơ tử cung (2016) 8. Hỗn hợp dược liệu chăm sóc tóc, lông và chế phẩm chứa hỗn hợp này (năm 2019) |
Bảo Như
(Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- Chế phẩm sinh học xử lý nước bị nhiễm amoni
- Quy trình xử lý bùn thải của nhà sáng chế không chuyên
- Bể xử lý rác hiếu khí có bộ phận tạo áp suất âm
- Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chúc mừng ông Daren Tang được giới thiệu vào vị trí Tổng giám đốc WIPO
- Đại hội đồng WIPO chuẩn bị xem xét bổ nhiệm Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2020-2026