Th 6, 16/09/2022 | 10:22 SA
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Lamphun” cho sản phẩm nhãn sấy khô cơm vàng
Ngày 05/8 /2022, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 3332/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00117 cho sản phẩm nhãn sấy khô cơm vàng “Lamphun”.
Nhãn sấy khô cơm vàng “Lamphun” là chỉ dẫn địa lý thứ 3 của nước Thái Lan được bảo hộ ở Việt Nam, sau sản phẩm tơ tằm Isan Thái Lan và me ngọt Phetchabun.
Lamphun là một tỉnh nổi tiếng của Thái Lan được mệnh danh là xuất xứ của các giống nhãn có chất lượng tốt với diện tích trồng nhãn rộng lớn. Những người biết đến tỉnh Lamphun thường gọi “Lamphun là nhãn và nhãn là Lamphun” hay “Nghĩ đến Lamphun là phải nghĩ đến nhãn”.
Lịch sử của cây nhãn trồng tại Lamphun được lưu truyền gắn với thời vua Rama V. Vào thời gian đó, tỉnh Lamphun và tỉnh Chiangmai vẫn được cai trị bởi những vị chúa. Khi các vị chúa cai quản các tỉnh đi yết kiến vua thường phải đi bằng thuyền xuôi dòng sông Ping. Khi yết kiến vua Rama V, Vương phi Dara Rasmi được vua ban cho một chùm nhãn được cho là cống phẩm từ Trung Quốc. Người đàn ông chèo thuyền tên là Khuang đi theo hầu vương phi Dara Rasmi cũng được hưởng những quả nhãn này và ấn tượng với mùi vị của chúng. Vì thế, ông đã cất giữ những hạt nhãn đó và đem về trồng tại nhà ở Baan Namjo, xã Don Kaew, huyện Saraphi, tỉnh Chiang Mai. Tuy Baan Namjo thuộc địa phận tỉnh Chiangmai nhưng có biên giới liền kề với Baan Nong Chang Kuen, xã Pa Kham, tỉnh Lamphun. Sau đó KhunKhemKhamkhan, xã trưởng xã Pa Kham đã mang hạt giống từ cây nhãn đầu tiên mà ông Khuang đã trồng về trồng tại Baar Nong Chang Kuen, xã Pa Kham. Đây được xem là cây nhãn đầu tiên được trồng trên địa bàn tỉnh Lamphun. Cây nhãn này hiện nay vẫn tồn tại Baan Nong Chang Kuen, và được gọi là “Lamyai Ton Muen”, trong tiếng Thái có nghĩa là “Cây nhãn hàng chục ngàn” vì cây nhãn này đã từng mang lại thu nhập cho người chủ hơn chục ngàn bạt Thái chỉ trong một mùa vụ. Từ đó, việc trồng nhãn trở nên phổ biến khắp tỉnh Lamphun và là sản phẩm được ưa chuộng, phân phối rộng khắp cả nước và được xuất khẩu. Đây là sản phẩm mang lại danh tiếng và thu nhập cho rất nhiều người trong tỉnh Lamphun.
Nhờ có nguồn đất canh tác màu mỡ và khí hậu ấm áp quanh năm mà tỉnh Lamphun có sản lượng nhãn nhiều nhất cả nước và nhãn có những đặc điểm khác biệt so với những địa phương khác. Điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi là nguyên nhân làm cho tỉnh Lamphun được mệnh danh là “Xứ sở của nhãn”. Sản lượng quá nhiều khiến cho nhãn tươi bị mất giá, vì vậy, những người trồng nhãn phải chuyển sang chế biến quả nhãn tươi bằng cách sử dụng trí tuệ truyền thống dân gian trong việc bảo quản thực phẩm bằng cách sấy khô để có thể giữ được nhãn trong một thời gian dài.
Nhãn sấy khô cơm vàng Lamphun có màu vàng, cơm nhãn dày và khô ráo hoàn toàn, không dính tay, vị ngọt không chua, có mùi thơm và khi giữ lâu mùi vị không thay đổi. Các quả nhãn không rách nát và có kích thước đều nhau do được phân loại trước khi đóng gói, cụ thể: loại I từ 50-60 quả/100g; loại II từ 60-70 quả/100g, loại III trên 71 quả/100g.
Nhãn sấy khô cơm vàng Lamphun có độ ẩm cao hơn 12% nhưng không vượt quá 18%, hoạt độ nước không vượt quá 0,6 và hàm lượng tổng chất rắn hòa tan không dưới 80oBx, độ pH không dưới 6,2.
Những tính chất, chất lượng đặc thù của nhãn sấy khô cơm vàng nêu trên có được ngoài nhờ điều kiện địa lý tự nhiên, còn do kinh nghiệm của các cơ sở sản xuất trong việc chế biến nhãn sấy khô. Nguyên liệu đem sấy là quả nhãn tươi chín già, cơm dày, có vị ngọt, quả không bị vỡ, thối hoặc bị sâu đục khoét, quả có đường kính từ 2,21cm trở lên, được thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 8 từ giống nhãn Dor được trồng tại các nhà vườn đạt tiêu chuẩn Quy trình thực hiện nông nghiệp Tốt trong khu vực tỉnh Lamphun. Giống nhãn Dor cho quả to, cơm dày, hạt nhỏ. Phương pháp sấy khô trong tỉnh Lamphun liên tục được cải tiến, từ sấy khô cả vỏ bằng bếp than thông thường cho đến việc dùng dụng cụ khoét hạt và bóc vỏ để lấy cơm nhãn đưa vào lò sấy đã được cải tiến để có thể kiểm soát nhiệt độ tốt hơn trong quá trình sấy nhãn (cơm nhãn được sấy từ 10 - 12 giờ ở nhiệt độ từ 60 - 70oC).
Sau khi rửa sạch cơm nhãn 3 lần, tiến hành xếp úp một lớp cơm nhãn lên khay và không cho chồng lên nhau, đem sấy ngay vì nếu nước mật chảy bám vào cơm nhãn, sản phẩm sau khi sấy sẽ có màu sắc không đẹp. Trong quá trình sấy, thay đổi vị trí các khay nhãn từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Chỉ tiến hành thu hoạch khi cơm nhãn không dính tay và phần bên trong đã khô hoàn toàn. Sản phẩm được phân loại và đóng gói trong khu vực địa lý.
Khu vực địa lý: Tỉnh Lamphun, Thái Lan.
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Tin mới nhất
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “MIYAGI SALMON” cho sản phẩm cá hồi
- Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức lễ khai giảng Khóa học đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ năm 2022
- Sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ
- Hội thảo Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Tuần lễ Sở hữu trí tuệ Singapore 2022