Th 5, 26/07/2018 | 09:04 SA
Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm trúc sào và chiếu trúc sào
Ngày 23/7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00068 cho sản phẩm trúc sào và chiếu trúc sào “Cao Bằng” nổi tiếng...
Ngày 23/7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 2416/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00068 cho sản phẩm trúc sào và chiếu trúc sào “Cao Bằng” nổi tiếng. Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Trúc sào Cao Bằng - loài cây được trồng thành rừng có tên khoa học là Phyllostachys pubescens Mazel ex H.de Lehaie. Người dân bản địa ở Cao Bằng cho rằng trúc sào có nguồn gốc từ Trung Quốc, được đồng bào Dao lấy giống, do du canh du cư mà lan rộng ra. Hiện nay, trúc sào phát triển mạnh ở các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh… thường ở độ cao trên 800m nơi đồng bào người Dao, Mèo, Tày, Nùng sinh sống. Trúc sào Cao Bằng từ rất lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc, là biểu tượng của người dân địa phương. Ngoài giá trị kinh tế trúc sào còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen cây bản địa, trúc sào còn mang ý nghĩa văn hóa, cộng đồng cao.
Trúc sào và chiếu trúc sào Cao Bằng là sản phẩm có uy tín và nổi tiếng, được người tiêu dùng biết đến với chất lượng đặc thù. Trúc sào Cao Bằng thân thẳng, tròn đều, vòng thân không nổi rõ, vòng mo là một đường gờ. Vỏ thân có màu từ vàng chanh đến xanh thẫm. Chiều dài trung bình các đốt thân từ 19,4cm đến 25,5cm, các đốt phần gốc từ 8,5cm đến 15,5cm. Độ dày trung bình vách thân từ 1,94cm đến 2,53cm. Trúc sào Cao Bằng có độ cứng từ 2,9 đến 3,1 (HBS), độ dẻo từ 2.465 đến 2.758 (Mpa), khả năng đàn hồi từ 1.601 đến 1.905 (Mpa), chất xơ từ 78,35 đến 83,45 (%), hàm lượng nước từ 28,30 đến 34,78 (%), hàm lượng tro tổng từ 1,07 đến 1,89 (%), hàm lượng Lignin từ 30,40 đến 33,54 (%), hàm lượng Polysacharid từ 60,05 đến 68,52 (%), hàm lượng Cellulose 40,31 - 45,32 (%). Chiếu trúc sào là sản phẩm được sản xuất từ 100% cây trúc sào Cao Bằng tự nhiên. Chiếu trúc sào Cao Bằng nan đều, mảnh, dài và còn nguyên cật. Chiếu được dệt trên dây truyền công nghệ hiện đại nên thanh chiếu thẳng, nhỏ và dẹt, không thô ráp, hình thức đẹp, nhẹ hơn so với chiếu trúc mặt vuông. Chiếu không bị mối mọt, không có mùi mốc, mùi lạ, tỷ lệ nan chiếu bị khuyết tật nhỏ hơn 0,5%. Mặt trên của chiếu màu vàng nâu nhạt, bóng. Mặt dưới của chiếu màu trắng đến hơi vàng. Sản phẩm chiếu trúc được dệt bằng chỉ may loại D3-250, sáu sợi một đường, sợi chỉ màu nâu vàng và được dệt cách đều 5cm. Viền nilon màu vàng nhạt có chiều rộng 40mm ± 3 tại 4 góc chiếu được cắt vê tròn.
Trúc sào và chiếu trúc sào Cao Bằng là sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có đặc tính khác biệt. Để có đặc tính khác biệt đó là do khu vực địa lý có sự phân bố nhiệt, lượng mưa, giờ nắng, tốc độ gió trong năm ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của trúc sào Cao Bằng và đặc biệt là kỹ thuật trồng, chăm sóc của đồng bào dân tộc.
Khu vực địa lý gồm xã Bắc Hợp, xã Ca Thành, xã Hoa Thám, xã Hưng Đạo, xã Lang Môn, xã Mai Long, xã Minh Tâm, xã Minh Thanh, xã Phan Thanh, xã Quang Thành, xã Tam Kim, xã Thái Học, xã Thành Công, xã Thể Dục, xã Triệu Nguyên, xã Vũ Nông, xã Yên Lạc, thị trấn Nguyên Bình, thị trấn Tĩnh Túc thuộc huyện Nguyên Bình; xã Cô Ba, xã Đình Phùng, xã Hồng An, xã Hồng Trị, xã Hưng Đạo, xã Hưng Thịnh, xã Huy Giáp, xã Khánh Xuân, xã Kim Cúc, xã Phan Thanh, xã Sơn Lập, xã Sơn Lộ, xã Thượng Hà, xã Xuân Trường thuộc huyện Bảo Lạc; xã Vĩnh Phong, xã Vĩnh Quang, xã Thái Sơn, xã Thái Học, xã Yên Thổ, xã Mông Ân thuộc huyện Bảo Lâm; xã Cần Nông, xã Bình Lãng, xã Thanh Long, xã Lương Can, xã Yên Sơn, xã Đa Thông, xã Lương Thông, xã Cần Yên, xã Vị Quang, xã Ngọc Động thuộc huyện Thông Nông; xã Bạch Đằng, xã Bình Dương, xã Bình Long, xã Công Trừng, xã Đại Tiến, xã Dân Chủ, xã Đức Long, xã Đức Xuân, xã Hà Trì, xã Hoàng Tung, xã Hồng Việt, xã Lê Chung, xã Nam Tuấn, xã Ngũ Lão, xã Nguyễn Huệ, xã Quang Trung, xã Trương Lương thuộc huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Đây là khu vực có địa hình dốc, biến động từ 10 - 30o, thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Độ cao trung bình so với mực nước biển từ 300 - 1.500 mét. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nơi đây có lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200 - 2.000mm được phân bố tương đối đều trong năm, nhiệt độ trung bình năm từ 19 - 22oC, nhiệt độ thấp nhất vào tháng 2 và tháng 3, là thời gian cây ủ mầm phát triển măng. Tổng số giờ nắng trung bình 1.382 - 1.583h. Số giờ nắng trung bình cao nhất trong tháng 5, đây là thời điểm măng trúc phát triển mạnh, vì vậy tạo điều kiện thuận lợi cho cây trúc sinh trưởng và phát triển. Độ ẩm trung bình năm 84 - 85%. Tốc độ gió lớn, đây là yếu tố tạo cho trúc sào cao Bằng có độ dẻo cao. Đặc thù thổ nhưỡng là đất có thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, có lớp đất mặt tơi, xốp. Đất có cấu tượng viên và hạt, phân tầng không rõ rệt. Đất thường sâu từ 80 - 100cm có nơi sâu tới 130cm. Tầng đất A màu xám đến xám đen hoặc màu đen, tầng đất B màu xám nâu, có chỗ lẫn đá từ 4 - 10%. Độ pHH2O từ 4,4 - 4,6.
Bên cạnh điều kiện địa hình, đất đai và khí hậu của khu vực địa lý đã tạo cho cây trúc sào có đặc thù như vậy, nhờ kinh nghiệm được tích lũy lâu đời của đồng bào địa phương như nhân giống bằng hom thân ngầm, đánh cả cụm gồm cây bánh tẻ và thân ngầm để đảm bảo sự sinh trưởng khỏe mạnh, ổn định và tỷ lệ sống của cây giống tăng cao. Thời điểm lựa chọn để ươm giống mới trồng từ tháng 10 đến tháng 12 khi độ ẩm không khí tương đối cao, lượng mưa trung bình thấp, nhiệt độ môi trường ổn định cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng của rừng trúc sau này. Trong quá trình chăm sóc, việc thường xuyên phát quang gốc tạo điều kiện cho măng và thân ngầm phát triển, áp dụng các kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh và chọn thời điểm khai thác khi cây đạt 4 năm tuổi trở lên. Đối với chiếu trúc sào, trong quá trình sản xuất người dân Cao Bằng không làm các mắt vuông nhỏ như chiếu trúc khác mà để cả gióng dài đúng với kích thước bề ngang của chiếc chiếu, vót nhỏ đều như tăm. Chiếu trúc sào được dệt trên dây truyền công nghệ hiện đại, thanh chiếu thẳng nhỏ dẹt, không thô ráp, hình thức đẹp, độ bền cao, mỏng và nhẹ hơn so với chiếu trúc mắt vuông. Khi cầm trên tay chiếu trúc sào không bị xô lệch do phía sau chiếu được ép một lớp vải xô không thấm nước trên máy gia nhiệt lực ép lớn đảm bảo cho tấm chiếu có độ phẳng dàn đều.
Tất cả những yếu tố trên kết hợp với điều kiện tự nhiên thuận lợi và đặc trưng đã tạo ra tính dẻo dai, độ bóng và bền chắc nổi bật của trúc sào Cao Bằng./.
Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- Tọa đàm "Đại diện sở hữu công nghiệp với những đổi mới trong hệ thống"
- Lớp tập huấn “Quy định pháp luật và thủ tục đăng ký sáng chế” tại TP. Hồ Chí Minh
- Việt Nam tiếp tục tăng hạng trong xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Ninh Bình" cho sản phẩm thịt dê
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ninh Bình” cho sản phẩm thịt dê