CN, 08/03/2020 | 15:52 CH
Áo dài và quyền sở hữu trí tuệ
Áo dài đã trở thành một biểu tượng của nữ tính Việt, một phần tâm hồn Việt Nam. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho kiểu dáng thiết kế, phương pháp chế tạo nguyên vật liệu, nhãn hiệu, cũng như việc bảo vệ, gìn giữ tri thức truyền thống và văn hóa dân gian …sẽ giúp tạo dựng bệ đỡ pháp lý để bảo vệ tài sản văn hóa này.
Một phần tâm hồn người Việt
“Dù ở đâu
Paris, London hay những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi…”
Không ngẫu nhiên mà lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng trở thành âm điệu quen thuộc với số đông người Việt Nam. Bởi vì, cả trăm năm qua, áo dài đã từ đời sống đi vào nghệ thuật điện ảnh, âm nhạc, hội họa… thậm chí trở thành một biểu tượng, một phần tâm hồn người Việt trên chính quê hương hay khắp thế giới.
Ngày 30 tháng 9 năm 2019, bên lề Đại hội đồng WIPO 2019 tại Geneva đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Việt Nam - Sắc màu của thổ cẩm và lụa truyền thống” . Tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh đã giới thiệu về tà áo dài truyền thống của Việt Nam tôn vinh nét thanh lịch và vẻ đẹp của người phụ nữ. Đồng thời, ông nhấn mạnh, hoa văn và phương pháp truyền thống tạo nên vải lụa và thổ cẩm từ bàn tay các nghệ nhân khéo léo cần được bảo tồn và bảo vệ.
Lược lại lịch sử, tà áo tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam đã có một đời sống thú vị gắn liền với những chuyển biến, thăng trầm, với giao thoa và tiếp biến nhiều nền văn hóa khác nhau. Giới tìm hiểu về áo dài cho rằng, khởi nguồn từ tà áo giao lãnh - một kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân của người dân Bắc Bộ nhưng được may rời hai tà trước để buộc lại hoặc may liền với nhau trở thành vạt trước – chiếc áo dài ngũ thân đã ra đời dưới thời Nguyễn. Nhưng chỉ có các quan lại và gia đình khá giả mới đủ điều kiện mặc những chiếc áo sang trọng là lượt này, còn đa phần người phụ nữ lao động ở phía Nam mặc áo bà ba, phía Bắc mặc yếm và váy, chỉ khi có lễ lạt quan trọng mới mặc áo dài ngũ thân hoặc tứ thân.
Những biến động lịch sử sau khi Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đầu thế kỷ 20 cũng kéo áo dài sang một trang sử mới – những đường nét cắt may kiểu phương Tây đã bắt đầu xuất hiện trên áo dài Việt, giúp áo dài ôm khít cơ thể người phụ nữ, tôn vinh những đường nét nữ tính (nhưng cũng kể từ đây, áo dài nam dần bị lãng quên, các cải tiến chỉ còn tập trung vào áo dài nữ). Dần dà, tà áo dài không còn là độc quyền của giới thượng lưu trong xã hội mà trở thành tài sản chung được nữ giới cả nước yêu chuộng. Kể từ giữa thế kỷ 20, tà áo dài Việt cũng dần xuất hiện trên các bàn nghị sự quốc tế bởi các vị nữ chính trị gia đầu tiên của Việt Nam và cũng trở thành vật bất li thân của nữ sinh thời ấy.
Di sản văn hóa Việt Nam
Ngày nay, áo dài theo chân phụ nữ Việt Nam đi năm châu bốn biển, được cách tân liên tục bằng các thiết kế hiện đại, phá cách của các nhà thiết kế trẻ người Việt, được bổ sung bằng rất nhiều họa tiết thổ cẩm sinh động của các tộc người khác nhau trên dải đất hình chữ S này. Cũng từ đây, bắt đầu có các tài sản trí tuệ liên quan đến áo dài. Điều đó giúp mang lại các “tấm căn cước văn hóa” cho cách thiết kế, sáng tạo về kiểu dáng áo dài của mỗi nhà thiết kế, ở mỗi địa phương khác nhau như kiểu dáng công nghiệp của áo dài Vietnamairlines do nhà thiết kế Minh Hạnh là tác giả, đã được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với số bằng VN 3-0022091 và VN 3-0022092.
Kiểu dáng Áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh (Nguồn: iplib.noip.gov.vn)
Kiểu dáng Áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh (Nguồn: iplib.noip.gov.vn)
Cũng chính vì không đơn giản chỉ là một loại trang phục thông thường, đã được tôn vinh trong một thời gian dài gắn liền với nữ tính Việt, với tâm hồn Việt như thế cho nên những tranh cãi liên quan tới quyền sở hữu áo dài như một “quốc phục”, cách mặc áo dài cho đúng truyền thống văn hóa người Việt luôn trở thành tâm điểm dư luận.
Có thể thấy rõ ràng qua hai vụ “lùm xùm” gần đây nhất trong năm 2019: dư luận người Việt nổi sóng vì cảm thấy bị sỉ nhục, bị coi thường khi cô ca sĩ người Mỹ Kacey Musgraves nổi tiếng mặc áo dài không quần phản cảm; giận dữ khi thương hiệu thiết kế Ne Tiger của Trung Quốc đã “cố tình vay mượn, đạo nhái” thiết kế áo dài của một số nhà thiết kế Việt nhưng tự nhận là “phong cách Trung Quốc”. Tuy nhiên, hầu hết các tranh luận kiểu này sẽ chỉ dừng lại ở dư luận mạng xã hội hoặc báo chí mà khó lòng tiến đến các tranh luận pháp lý và bác bỏ hành vi “ăn cắp văn hóa”, bởi vì chính phía các nhà thiết kế Việt cũng phải chứng minh được cơ sở pháp lý của các thiết kế của mình.
Hai sự việc này cũng như nhiều tranh cãi trước đây cho thấy, tấm áo dài không thể chỉ gắn với một truyền thống văn hóa chung chung, mà cần phải có sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nó. Các nhà sản xuất, công ty thời trang, nhà thiết kế, các vùng sản xuất (từ nguyên vật liệu làm nên áo dài cho tới cắt may)… đăng ký sở hữu trí tuệ thì sẽ có cơ sở để bảo vệ tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo của từng cá nhân hay cộng đồng. Việt Nam có một nền văn hóa đa dạng, với nhiều vùng miền, nhiều tộc người, cho nên việc sử dụng các hoa văn, kiểu dáng truyền thống để đưa vào áo dài cũng cần được tính đến vấn đề “bản quyền” và “quyền văn hóa” để tránh các tranh cãi.
Tranh áo dài của Lâm Đức Mạnh (Nguồn: Tia Sáng)
Tranh áo dài của Nguyễn Bích (Nguồn: Tia Sáng)
Thu Quỳnh
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam
- Chế phẩm vi sinh xử lý ô nhiễm hữu cơ “phổ rộng” cho ngành thủy sản
- Nghiên cứu về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống - Bảo hộ nhãn hiệu mùi
- Nghiên cứu về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống - Hình thức thể hiện nhãn hiệu âm thanh khi nộp đơn đăng ký
- Phân lập thành công lợi khuẩn Bacillus subtilis thuần khiết về mặt sinh học