Th 7, 18/04/2020 | 15:12 CH
Định hình cho dự án khởi nghiệp
Trân trọng giới thiệu bài viết đăng trên Báo Thời Nay - ấn phẩm của Báo Nhân Dân về phát động cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ lần I - 2020”.
Nhận thấy nhiều dự án khởi nghiệp (startup) hiện nay dồn sức vào xây dựng doanh nghiệp và gọi vốn mà xem nhẹ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm hay giải pháp của mình, cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ lần I - 2020” hướng tới ươm tạo các startup đổi mới sáng tạo có kỹ năng quản trị tài sản trí tuệ để khởi nghiệp bền vững.
Sinh viên tham gia các khóa đào tạo về khởi nghiệp tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Xem nhẹ quản trị sở hữu trí tuệ
Ý tưởng công nghệ, sáng chế của sinh viên bị sao chép, thậm chí từng có startup đến giai đoạn gọi vốn bỗng nhận được email cảnh báo vi phạm bản quyền nhãn hiệu từ một công ty khác, suýt bị kiện ngược lại tội vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu… là những vụ việc được Ths Ngô Hữu Thống, Chánh Văn phòng Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ Đại học (ĐH) Quốc gia TP Hồ Chí Minh (IPTC) thống kê trong thời gian gần đây, liên quan việc các startup xem nhẹ hoặc không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. “Tình trạng này khá phổ biến ở các dự án khởi nghiệp, nhất là của sinh viên”, ông Thống cho biết.
Trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ là việc cần thiết ngay từ khi các bạn trẻ khởi sự kinh doanh để có thể bảo vệ tốt nhất cho startup của mình. Ngay trong lĩnh vực công nghệ thông tin được xem là mảnh đất màu mỡ cho các startup thì cũng rất nhiều công ty công nghệ trẻ gặp khó vì những “lỗ hổng” liên quan pháp lý. Thầy giáo Trương Phước Hưng, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), cố vấn của cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ lần I - 2020” chia sẻ: “Các bạn trẻ rất nhanh nhạy tìm ra bí quyết công nghệ để khởi nghiệp. Nhưng sự nhiệt tình, năng động, nhiều khi thoải mái tiết lộ các bí quyết này trong quá trình gọi vốn lại có tác dụng ngược lại, dẫn đến mất ý tưởng kinh doanh hoặc bị đối thủ có tiềm lực mạnh áp đảo, đành nhận thất bại đau thương”.
Vì vậy, mới đây, ĐHQG-HCM đã phát động cuộc thi “Sinh viên với sở hữu trí tuệ lần I - 2020” với chủ đề “Khởi nghiệp bền vững dựa trên quyền sở hữu trí tuệ”. Ngoài IPTC, Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) cũng cùng phối hợp tổ chức cuộc thi. Đây là lần đầu một cuộc thi khởi nghiệp có sự kết hợp giữa một đơn vị chuyên về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.
Vườn ươm khởi nghiệp trong nhà trường
Cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ lần I - 2020” là hành trình tìm kiếm những ý tưởng, sáng kiến, hiến kế hoặc giải pháp cụ thể, thiết thực để triển khai ươm tạo thành những doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng. Theo Ban tổ chức, những dự án đạt yêu cầu sẽ được tạo điều kiện thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần tạo nền tảng pháp lý nhằm tăng tính bền vững cho hoạt động của các dự án khởi nghiệp sinh viên.
Bà Nguyễn Minh Huyền Trang, Phó Giám đốc Phụ trách IPTC, Trưởng Ban tổ chức cho biết, cuộc thi không đơn thuần trải qua các vòng thi để tìm đội thắng cuộc, mà quan trọng hơn, các startup được lựa chọn sẽ có được môi trường ươm tạo khởi nghiệp ngay trong trường ĐH. Xuyên suốt ba vòng thi đều có sự song hành giữa các hoạt động hoàn thiện mô hình kinh doanh và đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ.
Điểm nhấn của cuộc thi là các gói hỗ trợ khởi nghiệp hấp dẫn dành cho 10 dự án ấn tượng nhất lọt vào vòng chung kết. Bên cạnh việc được IPTC hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nếu tiếp tục phát triển thành các công ty khởi nghiệp sẽ có cơ hội nhận được gói hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp tại Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM (IEC), với giá trị ước tính hơn 100 triệu đồng/nhóm/năm. “Gói hỗ trợ ươm tạo này sẽ giúp các dự án đẩy nhanh quá trình thực hiện ý tưởng, đưa sản phẩm ra thị trường, giúp “định hình” nên những doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng trong tương lai”, bà Nguyễn Minh Huyền Trang khẳng định.
Cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ lần I - 2020” kêu gọi sự tham gia của sinh viên, nhóm sinh viên đến từ các trường đại học, học viện, cao đẳng khu vực phía nam. Ban tổ chức nhận hồ sơ online trên website https://iptc.vn đến hết ngày 15-5. 10 dự án xuất sắc nhất sẽ được chọn vào vòng chung kết, trong đó, bốn dự án xuất sắc nhất sẽ được chọn trình bày trực tiếp tại buổi tổng kết để trao các giải đặc biệt, nhất, nhì, ba. |
Liên kết nguồn tin: https://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-songtre/item/44077802-dinh-hinh-cho-du-an-khoi-nghiep.html.
Nguồn: https://nhandan.com.vn/baothoinay
Tìm hiểu thông tin về Cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ lần I - 2020” tại iptc.vn/sip/.
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- Sở hữu trí tuệ - Công cụ hỗ trợ hướng tới nền kinh tế bền vững, giảm thiểu phát thải các-bon
- Tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo
- Bột tắm dược liệu từ cây đơn đất giúp làm đẹp và bảo vệ da
- Mạng lưới TISC và IP-HUB: Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học
- Cập nhật các bài nghiên cứu mới về COVID-19