Th 4, 03/06/2020 | 14:06 CH
Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản
[Hệ thống Madrid] D4. Cách quản lý tiến trình đơn quốc tế
Để phục vụ các tổ chức, cá nhân trong quá trình nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid, Cục Sở hữu trí tuệ trân trọng giới thiệu chuỗi 05 bài "Những câu hỏi thường gặp về Hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid" được dịch từ trang web của WIPO để bạn đọc tham khảo...
- Cách quản lý tiến trình đơn quốc tế: Tổng quan
Khi bạn đã nộp đơn quốc tế cho cơ quan nhãn hiệu "sở tại" của mình, cơ quan này sẽ xác nhận và gửi đến WIPO để thẩm định.
Sử dụng hướng dẫn này để tìm hiểu thêm về các giai đoạn của quy trình đăng ký quốc tế (bao gồm vai trò của WIPO và từng cơ quan nhãn hiệu quốc gia/khu vực), xem trước các loại văn bản bạn có thể nhận được trong suốt quá trình, nhận biết kết quả thẩm định dự kiến và tìm hiểu cách theo dõi tình trạng đơn hoặc đăng ký của bạn.
- Cách quản lý tiến trình đơn quốc tế: Từ đơn đến đăng ký - quy trình đăng ký quốc tế
Hệ thống Madrid là một hệ thống nộp đơn và đăng ký quốc tế. WIPO chỉ thực hiện thẩm định hình thức.
Cơ quan SHTT của Bên tham gia (thành viên) được chỉ định trong đơn quốc tế của bạn sẽ xác định phạm vi bảo hộ nhãn hiệu của bạn sau khi tiến hành quy trình thẩm định nội dung riêng của mình.
Giai đoạn 1: Nộp đơn quốc tế thông qua Cơ quan xuất xứ của bạn
Khi bạn đã nộp đơn hoặc đã có nhãn hiệu sở tại được bảo hộ tại Cơ quan xuất xứ của mình (hay nói cách khác, khi bạn đã có một “nhãn hiệu cơ sở”), bạn có thể nộp đơn đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid. Đơn này phải được nộp cho Cơ quan xuất xứ của bạn, nơi sẽ xác nhận và sau đó gửi cho WIPO. Tìm hiểu thêm về đơn quốc tế (international application ).
Giai đoạn 2: WIPO thẩm định hình thức
WIPO chỉ thẩm định hình thức đơn quốc tế. Điều này có nghĩa là WIPO không từ chối hay chấp nhận bảo hộ. WIPO chỉ đơn giản là kiểm tra thông tin trong đơn quốc tế của bạn, cụ thể: tên và địa chỉ của người nộp đơn, chất lượng hình ảnh của mẫu nhãn hiệu, ít nhất có một nước thành viên được chỉ định (không thể là nước thành viên nơi bạn nộp đơn quốc tế), danh mục hàng hóa và dịch vụ được phân loại theo Bảng Phân loại Nice (Nice Classification ) và các khoản thanh toán phí tối thiểu.
Kết quả dự kiến
1) WIPO ra thông báo thiếu sót (đơn không đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức)
• Nếu đơn đăng ký quốc tế của bạn không đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức (ví dụ: nếu thiếu bất kỳ thông tin tối thiểu nào, chẳng hạn như thông tin chi tiết của người nộp đơn hoặc nếu hình ảnh của nhãn hiệu không rõ ràng), WIPO sẽ gửi một “thông báo thiếu sót” đến bạn và Cơ quan xuất xứ của bạn. Thông báo này sẽ nêu rõ vấn đề cần khắc phục (hay “thiếu sót”), giải thích cách khắc phục thiếu sót trong một khoảng thời hạn nhất định (thường là ba tháng), xác định ai nên khắc phục thiếu sót (tùy thuộc vào thiếu sót mà có thể là Cơ quan xuất xứ hoặc người nộp đơn) và cho biết điều gì sẽ xảy ra nếu thiếu sót không được khắc phục.
o Mẫu Thông báo thiếu sót:
2) WIPO ghi nhận và công bố nhãn hiệu của bạn (đơn đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức)
• Nếu đơn đăng ký quốc tế của bạn đã có tất cả các thông tin tối thiểu và không có thiếu sót gì, WIPO sẽ ghi nhận nhãn hiệu trong Đăng bạ quốc tế và công bố trong Công báo WIPO về nhãn hiệu quốc tế (WIPO Gazette of International Marks ), và thông báo cho Cơ quan của các nước thành viên được chỉ định trong đơn quốc tế của bạn. Ở giai đoạn này, bạn trở thành chủ sở hữu của một đăng ký quốc tế.
• WIPO sau đó sẽ gửi cho bạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
◦ Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký:
Cần lưu ý rằng Giấy chứng nhận này không tương đương với giấy chứng nhận của Cơ quan SHTT quốc gia hoặc khu vực thông báo cho bạn về việc bảo hộ tại nước sở tại. Ở giai đoạn này, Giấy chứng nhận từ WIPO chỉ đơn thuần là sự thừa nhận đơn đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức của WIPO. Phạm vi bảo hộ cho nhãn hiệu của bạn không được xác định trong giai đoạn này, mà sẽ phụ thuộc vào kết quả thẩm định nội dung do Cơ quan SHTT của nước thành viên được chỉ định thực hiện (ở giai đoạn tiếp theo).
Giai đoạn 3: Cơ quan quốc gia/khu vực thẩm định nội dung
Sau khi WIPO đã ghi nhận nhãn hiệu của bạn vào Đăng bạ quốc tế, WIPO sẽ thông báo cho tất cả các Cơ quan của nước thành viên mà bạn chỉ định trong đơn quốc tế (còn được gọi là Cơ quan của Bên tham gia được chỉ định) để các Cơ quan này có thể bắt đầu thẩm định nội dung .
Cơ quan của mỗi Bên tham gia được chỉ định sẽ tiến hành thẩm định nội dung đối với nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế của bạn như cách họ thẩm định các đơn quốc gia/khu vực và theo luật pháp sở tại. Quyết định về phạm vi bảo hộ sẽ được đưa ra trong vòng 12 tháng (hoặc 18 tháng, đối với một số nước thành viên nhất định ) kể từ ngày WIPO thông báo cho Cơ quan được chỉ định.
Tìm hiểu thêm về các kết quả dự kiến khi thẩm định nội dung của Cơ quan quốc gia/khu vực:
Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo các đoạn B.II.11.01 đến 31.01 của Hướng dẫn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid .
- Cách quản lý tiến trình đơn quốc tế: Kết quả thẩm định dự kiến tại Cơ quan của nước thành viên
Cơ quan của mỗi Bên tham gia (thành viên) được chỉ định có thể chấp nhận hoặc từ chối bảo hộ nhãn hiệu của bạn trong một khoảng thời hạn xác định (12 tháng hoặc 18 tháng, đối với một số thành viên nhất định , kể từ ngày WIPO thông báo cho Cơ quan của thành viên được chỉ định). Quyết định này sẽ được thông báo cho bạn và được công bố trên Trình quản lý Madrid (Madrid Monitor ).
Một số Cơ quan có thể thông báo cho bạn về tiến trình thẩm định đăng ký quốc tế của bạn (ví dụ: thông báo về việc nhãn hiệu của bạn đã qua giai đoạn thẩm định nội dung nhưng vẫn cần được công bố để phản đối). Các “thông báo trung gian” như vậy chỉ mang tính thông tin – sau đó Cơ quan này vẫn cần đưa ra một quyết định chính thức.
• Mẫu “Thông báo tạm thời”:
Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo các đoạn B.II.24.01 đến 24.06 của Hướng dẫn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid.
Kết quả dự kiến
Chỉ có ba kết quả dự kiến sau quá trình thẩm định của Cơ quan nước thành viên:
1. Nếu trong vòng 12 hoặc 18 tháng mà bạn không nhận được thông báo gì (chấp nhận ngầm), điều đó có nghĩa là nhãn hiệu được coi là đã được chấp nhận bảo hộ (trong trường hợp này không có tin gì chính là tin tốt!)
• Các từ sau sẽ được ghi nhận trong hồ sơ nhãn hiệu của bạn trong cơ sở dữ liệu tình trạng đơn chính thức của WIPO (Madrid Monitor ) “Thời hạn từ chối đã hết và không có thông báo từ chối tạm thời nào được ghi nhận (áp dụng Quy tắc 5)”.
2. Bạn nhận được thông báo tuyên bố chấp nhận bảo hộ
• Nếu một Cơ quan không có cơ sở để từ chối, thì Cơ quan đó phải ra thông báo tuyên bố chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu cho bạn. Tuyên bố này tương đương với giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong nước do Cơ quan SHTT quốc gia/khu vực cấp.
◦ Mẫu Tuyên bố chấp nhận bảo hộ:
• Nếu bạn chỉ định Cuba hoặc Nhật Bản, bạn sẽ nhận được yêu cầu thanh toán phần thứ hai của phí riêng trong giai đoạn này
◦ Mẫu Yêu cầu cho phần thứ hai của phí:
3. Bạn nhận được thông báo từ chối tạm thời
• Nếu một Cơ quan có cơ sở từ chối bảo hộ nhãn hiệu của bạn (toàn bộ hoặc một phần), thì Cơ quan đó phải ra thông báo từ chối tạm thời và gửi tới WIPO. WIPO sau đó sẽ chuyển thông báo từ chối tạm thời này tới bạn (chủ sở hữu). Thông báo sẽ bao gồm các lý do từ chối, các bước cần thiết tiếp theo (bao gồm cả giới hạn thời gian trả lời), lựa chọn xem xét lại hoặc khiếu nại, và liệu bạn có phải chỉ định một đại diện sở tại để hỗ trợ bạn hay không.
◦ Mẫu Thông báo từ chối tạm thời:
Mẹo nhỏ! Để biết thông tin về thời hạn liên quan đến từ chối tạm thời, hãy sử dụng Cơ sở dữ liệu hồ sơ các nước thành viên (Member Profiles Database )
Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo các đoạn B.II.17.01 đến 26,06 của Hướng dẫn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid (Guide to the International Registration of Marks).
- Cách quản lý tiến trình đơn quốc tế: Quyết định cuối cùng sau khi có từ chối tạm thời
Nếu một Cơ quan đã ra thông báo từ chối tạm thời đối với nhãn hiệu của bạn, thì Cơ quan đó sau đó sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng. Thời hạn để Cơ quan ban hành quyết định cuối cùng không bị giới hạn. Thời điểm của quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc bạn có phản hồi từ chối tạm thời hay không.
1. Kết quả tích cực – Cơ quan chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu của bạn cho tất cả hoặc một số hàng hóa và dịch vụ được liệt kê trong đăng ký quốc tế của bạn
• Mẫu Tuyên bố chấp nhận bảo hộ sau khi có từ chối tạm thời:
2. Kết quả tiêu cực – Cơ quan xác nhận từ chối tạm thời toàn bộ nhãn hiệu của bạn
• Lưu ý: trong một số trường hợp, bạn có thể khiếu nại quyết định cuối cùng này lên cơ quan hành chính hoặc tư pháp cấp cao hơn, chẳng hạn như Hội đồng Khiếu nại hoặc Tòa án. Điều này phụ thuộc vào luật pháp tại nước thành viên sở tại. Sử dụng Cơ sở dữ liệu hồ sơ nước thành viên (Member Profiles Database ) để tìm hiểu thêm về các quy trình xem xét và khiếu nại của thành viên.
Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo các đoạn B.II.27.01 đến 28.01 của Hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid (Guide to the International Registration of Marks ).
- Cách quản lý tiến trình đơn quốc tế: Các quyết định khác và hủy bỏ hiệu lực
Sau khi có quyết định cuối cùng, Cơ quan có thể ra thông báo về quyết định tiếp theo hoặc ra thông báo hủy bỏ hiệu lực.
Thông báo về quyết định tiếp theo
Bạn có thể nhận được văn bản loại này nếu sau khi đã có quyết định cuối cùng lại phát sinh một hành động mới.
Ví dụ: bạn có thể nhận được thông báo nếu có quyết định hủy bỏ hoặc nếu bạn đã khiếu nại thành công quyết định cuối cùng của Cơ quan về việc từ chối bảo hộ đăng ký quốc tế của bạn.
• Mẫu Thông báo về quyết định tiếp theo:
Thông báo hủy bỏ hiệu lực
Sau khi nhãn hiệu của bạn được chấp nhận bảo hộ, Cơ quan vẫn có thể ra thông báo hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế của bạn nếu một số yêu cầu nhất định không được đáp ứng (ví dụ: nếu bạn chưa nộp tuyên bố sử dụng thực tế theo yêu cầu của Hoa Kỳ hoặc Philippines) .
Một quyết định hủy bỏ hiệu lực chỉ có thể được đưa ra sau khi bạn - chủ sở hữu đã có cơ hội để bảo vệ quyền của mình. Quyết định hủy bỏ hiệu lực không thể tiếp tục bị khiếu nại.
• Mẫu Thông báo hủy bỏ hiệu lực:
Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo các đoạn B.II, 29.01 đến 31.01 của Hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid (Guide to the International Registration of Marks ).
- Cách quản lý tiến trình đơn quốc tế: Theo dõi đơn hoặc đăng ký quốc tế của bạn
Nhận thông báo qua email về tình trạng đơn của bạn
Khi gửi mẫu đơn quốc tế MM2 , việc điền địa chỉ email sẽ tự động đăng ký bạn vào dịch vụ Thông báo điện tử của chúng tôi. Điều này có nghĩa là bạn sẽ nhận được tất cả các thông báo/tài liệu liên quan đến đơn (hoặc đăng ký) quốc tế của bạn qua email. Bạn cũng có thể liên hệ với chúng tôi ở bất kỳ giai đoạn nào để đăng ký dịch vụ Thông báo điện tử (contact us ).
Lưu ý - Đăng ký dịch vụ thông báo điện tử có nghĩa là bạn sẽ không còn nhận được thư từ bằng giấy từ WIPO liên quan đến đơn hoặc đăng ký quốc tế của bạn. Nếu bạn là một công ty hoặc đại diện có nhiều đăng ký quốc tế, tốt nhất nên cung cấp cho chúng tôi một địa chỉ email chung làm tài khoản liên kết với tất cả các nhãn hiệu bạn đang quản lý. Hãy nhớ thêm email từ WIPO vào danh sách người gửi an toàn của bạn và thường xuyên kiểm tra (các) mục thư rác để đảm bảo được thông báo kịp thời.
Theo dõi trực tuyến tình trạng đơn của bạn qua Madrid Monitor
Để theo dõi đơn quốc tế hoặc đăng ký quốc tế của bạn trong quá trình thẩm định, hãy sử dụng Madrid Monitor .
Madrid Monitor cung cấp tình trạng đơn đăng ký quốc tế đang được WIPO xử lý và tình trạng đăng ký quốc tế của bạn tại các Cơ quan quốc gia/khu vực được chỉ định theo thời gian thực. Điều này cho phép bạn xem những gì đang xảy ra với nhãn hiệu của bạn bất cứ lúc nào.
Đơn giản chỉ cần chọn tìm kiếm thời gian thực (“realtime search ”), trong cột bên trái, sau đó điền số đơn/số đăng ký cơ sở hoặc số đăng ký quốc tế của bạn.
Tìm hiểu thêm về các dịch vụ điện tử và tài nguyên giúp bạn dễ dàng theo dõi nhãn hiệu của mình hơn:
Mẹo nhỏ! - Để nhận thông báo qua email mỗi khi tình trạng đăng ký quốc tế được cập nhật trong Madrid Monitor, hãy thiết lập Cảnh báo điện tử trên Madrid Monitor. Nhập tên nhãn hiệu của bạn hoặc số Đăng ký quốc tế trong thanh tìm kiếm. Mở bản ghi nhãn hiệu, sau đó nhấp vào “Cảnh báo cho tôi khi tài liệu được cập nhật” ở góc trên bên phải.
Thiết lập Cảnh báo điện tử yêu cầu tài khoản người dùng WIPO (WIPO user account ).
- Cách quản lý tiến trình đơn quốc tế:
Liên kết tham khảo
Nguồn: https://www.wipo.int/madrid/en/how_to/monitor/
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- [Hệ thống Madrid] D3. Cách thức nộp đơn quốc tế
- [Hệ thống Madrid] D2. Tra cứu trước khi nộp đơn
- [Hệ thống Madrid] D1. Những câu hỏi thường gặp về Hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Đà Nẵng: Kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển
- Ứng dụng công nghệ sinh học giải quyết ô nhiễm môi trường ở nhiều quy mô