CN, 12/07/2020 | 23:42 CH
Phần lớn startup thiếu kiến thức về sở hữu trí tuệ
Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam còn chưa có nhiều kiến thức về nhận diện và đánh giá các tài sản trí tuệ của mình...
Ngày 10/7, tại TPHCM, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Theo ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, mặc dù phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặp không ít khó khăn mà một trong số đó là chưa có nhiều kiến thức về nhận diện và đánh giá các tài sản trí tuệ, trong khi đây là khâu vô cùng quan trọng, quyết định tiềm lực về tài sản trí tuệ của mỗi doanh nghiệp.
Diễn giả báo cáo tham luận các chuyên đề về SHTT. Ảnh: KA
Đồng tình với ý kiến của ông Đà, ông Bùi Văn Quyền, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam, cho rằng, "nên coi đào tạo SHTT trong trường đại học là một môn bắt buộc, đặc biệt ở các trường kỹ thuật. Được đào tạo từ trong nhà trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường mới có đủ kiến thức về SHTT để lập nghiệp". Theo ông Quyền, do chưa được đào tạo bài bản từ trường đại học, trước mắt các doanh nghiệp cần được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về SHTT.
Khảo sát mới đây của Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KH&CN thuộc Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN cho thấy, có đến 87% các doanh nghiệp KN ĐMST được khảo sát tại TPHCM và khu vực Tây Nam bộ quan tâm đến việc đào tạo về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp.
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: KA
Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TPHCM, thì lưu ý các doanh nghiệp cần tra cứu thông tin SHTT để định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, quyết định đầu tư… Do pháp luật SHTT không bảo hộ đối với ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh nên các doanh nghiệp cần "tránh bộc lộ các ý tưởng, giải pháp công nghệ, cách thức kinh doanh và có những biện pháp bảo mật phù hợp với từng giai đoạn của quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kể cả những biện pháp bảo mật trong nội bộ nhóm cá nhân khởi nghiệp” – ông Khuê nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm trong bảo hộ và khai thác các tải sản trí tuệ, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phẩn Elink Gate, một công ty khởi nghiệp chuyên về các giải pháp kết nối và điều khiển các thiết bị thông minh từ xa, cho rằng, đăng ký SHTT đem lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích như được bảo vệ quyền lợi đối với các đối thủ cạnh tranh, an toàn khi chuyển giao công nghệ, dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư hay thuận tiện trong việc góp vốn bằng SHTT. Vì vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên đăng ký bảo hộ quyền SHTT sớm nhất có thể. Ông Hoàng cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hoạt động đăng ký SHTT và kết nối các đối tác sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực công nghệ.
Kiều Anh
Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Các tin khác
- Hội nghị điển hình tiên tiến của Khối thi đua Tổng cục - Cục - Ban và Quỹ
- Bảo hộ dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý - thúc đẩy tiềm năng của các địa phương
- Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ tại địa phương
- Hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ: góp phần thúc đẩy công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế
- Quản lý hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp