Th 4, 02/12/2020 | 15:03 CH
Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” cho sản phẩm quế
Ngày 23/11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 4525/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00094 cho sản phẩm quế “Trà Bồng”nổi tiếng. Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Vùng quế ở Trà Bồng tồn tại rất lâu đời, là một trong bốn vùng quế danh tiếng của Việt Nam. Nếu như quế Trà My của Quảng Nam được dùng với mỹ từ “Cao Sơn Ngọc Quế” thì quế Trà Bồng của Quảng Ngãi được mệnh danh là “Tứ Đại Danh Dược”. Quế ở Trà Bồng gắn với đời sống của đồng bào người Kor. Người Kor trồng quế, lấy đó làm nguồn thu nhập chính, giao thương với người Việt, người Hoa để trao đổi, mua bán các nhu yếu phẩm. Vào thế kỷ thứ VI các thương nhân Ả Rập, Bồ Đào Nha và Trung Hoa đã đến vùng quế này để thu mua. Những năm thập niên 80 - 90 được xem là thời kỳ “Hoàng kim” của cây quế, người miền xuôi có câu “Đắt thì quế, Ế thì Rơm”. Người Kor ví cây quế như là “Kho Gạo” giữa rừng, mùa thu hoạch quế là mùa “Nhặt Gạo” trên núi, vì vậy, cây quế được xem là tiêu chuẩn để đánh giá sự sung túc của các hộ gia đình người Kor trong làng, bản. Chính vì sự tồn tại lâu đời, sự gần gũi, gắn bó với đồng bào Kor mà hình ảnh cây quế đã đi vào thơ ca, âm nhạc như sáng tác “Hương quế Trà Bồng’ của nhạc sĩ Đào Việt Hưng, “Trà Bồng tình yêu trong tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn, “Em đi trồng cây quế” của nhạc sĩ Thế Truyền… Ngày nay, quế Trà Bồng đã xuất sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…
Quế Trà Bồng và cây quế Trà Bồng
Quế Trà Bồng được chế biến thành nhiều loại như: vỏ quế thân, vỏ quế chi, bột quế vỏ, bột quế dầu, tinh dầu vỏ và tinh dầu lá.
Vỏ quế thân và vỏ quế chi suôn thẳng, mặt ngoài vỏ hơi xù xì, màu xám nâu, bề mặt trong vỏ màu vàng nhạt đến vàng sậm. Vỏ quế thân có độ dày từ 3,91 mm đến 6,48 mm, độ dày lớp tinh dầu từ 1,36 mm đến 2,68 mm, độ ẩm từ 6,18 % đến 8,35 %, tỷ trọng tương đối từ 1,0079 d20 đến 1,0443 d20, chỉ số khúc xạ từ 1,5819 nD20 đến 1,6102 nD20, hàm lượng tinh dầu từ 2,82 % đến 6,31 %, hàm lượng Cinnamaldehyde từ 73,34 % đến 97,72 %. Vỏ quế chi có độ dày từ 1,21 mm đến 3,12 mm, độ dày lớp tinh dầu từ 0,45 mm đến 0,82 mm, độ ẩm từ 5,69 % đến 7,84 %, tỷ trọng tương đối từ 1,0078 d20 đến 1,0363 d20, chỉ số khúc xạ từ 1,5850 nD20 đến 1,6112 nD20, hàm lượng tinh dầu từ 4,26 % đến 5,87 %, hàm lượng Cinnamaldehyde từ 75,61 % đến 98,67 %.
Bột quế vỏ màu nâu vàng tối, độ ẩm từ 7,25 % đến 9,12 %, tỷ trọng tương đối từ 1,0220 d20 đến 1,0513 d20, chỉ số khúc xạ từ 1,5952 nD20 đến 1,6047 nD20, hàm lượng tinh dầu từ 2,25 % đến 3,97 %, hàm lượng Cinnamaldehyde từ 78,78 % đến 93,55 %. Bột quế dầu màu nâu vàng sáng, độ ẩm từ 6,23 % đến 6,97 %, tỷ trọng tương đối từ 1,0235 d20 đến 1,0239 d20, chỉ số khúc xạ từ 1,5926 nD20 đến 1,5996 nD20, hàm lượng tinh dầu từ 4,35 % đến 5,17 %, hàm lượng Cinnamaldehyde từ 83,62 % đến 88,35 %.
Các sản phẩm vỏ quế thân, vỏ quế chi, bột quế vỏ và bột quế dầu đều có mùi thơm nồng đặc trưng, không ngái. Vị cay ngọt pha lẫn vị đắng nhẹ.
Sản phẩm tinh dầu vỏ và tinh dầu lá ở Trà Bồng có mùi thơm nồng đậm đặc, vị cay nóng pha lẫn vị ngọt. Tinh dầu vỏ màu vàng chanh đậm còn tinh dầu lá màu vàng chanh sáng. Tinh dầu vỏ có các chỉ tiêu lý, hóa, cụ thể như sau: Tỷ trọng tương đối từ 1,0449 d20 đến 1,0535 d20, chỉ số khúc xạ từ 1,5996 nD20 đến1,6125 nD20, hàm lượng tinh dầu từ 98,65 % đến 99,63 %, hàm lượng Cinnamaldehyde từ 85,70 % đến 93,54 %. Tinh dầu lá có tỷ trọng tương đối từ 1,0445 d20 đến1,0508 d20, chỉ số khúc xạ từ 1,6044 nD20 đến 1,6076 nD20, hàm lượng tinh dầu từ 98,33 % đến 99,60 %, hàm lượng Cinnamaldehyde từ 88,97 % đến 89,60 %.
Bột quế dầu và tinh dầu vỏ quế Trà Bồng
Quế Trà Bồng được trồng ở vùng đồi thấp lượn sóng và vùng núi cao, bị phân cách mạnh, độ cao từ 200 mét đến 1.000 mét so với mực nước biển. Vùng là một trong những khu vực có lượng mưa cao. Lượng mưa bình quân hàng năm từ 2.300 mm đến 3.600 mm. Mùa mưa từ cuối tháng Tư đến hết tháng Mười hàng năm, chiếm khoảng 90% tổng lượng mưa cả năm, đặc biệt lượng mưa tập trung vào giữa tháng chín đến giữ tháng mười một đây là điều kiện lý tưởng để bà con tiến hành trồng quế. Từ tháng Mười Hai trở đi lượng mưa bắt đầu giảm dần, đến đầu tháng Một năm sau hầu như không có mưa và kéo dài cho đến tận tháng 4 sang năm. Đây là điều kiện rất tốt để khai thác thu hoạch và bảo quản chế biến quế vào vụ Tiên. Vùng quế Trà Bồng có nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,5oC đến 26,5oC, nền nhiệt độ trung bình hàng tháng khá ổn định, do đó phù hợp với sinh trưởng của cây quế. Độ ẩm không khí cả năm vùng quế Trà Bồng từ 85 % đến 90%, tuy nhiên trong mùa khô độ ẩm trung bình giảm khá mạnh, đây là thời kỳ vụ chính thu hoạch, thuận lợi cho việc sơ chế quế thành phẩm, đảm bảo giữ được chất lượng quế. Khu vực Trà Bồng có tổng số giờ nắng trung bình năm là 2.050 giờ, chế độ nhiệt ban ngày cao, biên độ nhiệt ngày và đêm khá rõ, nóng ban ngày, lạnh ban đêm. Hình thái nhiệt độ này rất đặc trưng tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, chất lượng tốt. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để cây quế Trà Bồng cho chất lượng tinh dầu tốt, đặc trưng nổi tiếng từ bao đời nay.
Quế Trà Bồng trồng trên đất xám bạc màu trên Macma axit và đá cát, đất đỏ vàng trên đá phiến sét và biến chất, đất vàng đỏ trên đá Macma axit, đất mùn đỏ vàng trên đá phiến sét và biến chất. Thành phần cơ giới của đất từ trung bình đến nhẹ. Đất trồng quế có độ pHKCL từ 3,94 đến 4,46, đất nghèo dinh dưỡng, cụ thể: hàm lượng đạm tổng số từ 0,11 % đến 0,15 %, lân tổng số từ 0,06 % đến 0,10 %, kali tổng số từ 1,07 % đến 1,26 %, kali dễ tiêu từ 5,11 meq/100g đến 14,70 meq/100g, lân dễ tiêu từ 0,24 meq/100g đến 1,72 meq/100g. Với tính chất đất như vậy nên quế trồng tại Trà Bồng sinh trưởng và phát triển chậm từ đó tạo nên đặc thù của quế ở Trà Bồng.
Cây quế gắn liền với đời sống của đồng bào Kor ở Trà Bồng từ hàng trăm năm và được đồng bào trồng trong vườn nhà, trên nương cao, trong rừng sâu. Ban đầu, mỗi gia đình chỉ có một vài cây, sau đó đã phát triển thành các vườn quế, đồi quế và rừng quế. Quế Trà Bồng được đồng bào trồng rất dày, khác với cách trồng của những vùng khác, trồng quế dưới cây có bóng, sau 3 đến 5 năm thì đồng bào tỉa thưa những cây có bóng đi để cây quế lấy ánh sáng để quang hợp, sinh trưởng. Điều đặc biệt về tâm lý của đồng bào là trồng quế để cho con cháu ăn chứ không cho mình. Vì vậy, việc chăm sóc bảo vệ, giữ gìn cây quế như là một thứ tài sản quý trong gia đình cũng như cách khai thác chế biến, bảo quản sản phẩm quế là một nét đặ thù riêng của người dân trong vùng. Chính tập quán canh tác của đồng bào Kor cùng với điều kiện tự nhiên đã tạo nên đặc thù và danh tiếng của quế ở Trà Bồng.
Khu vực địa lý: Xã Hương Trà, xã Sơn Trà, xã Trà Bùi, xã Trà Giang, xã Trà Hiệp, xã Trà Lâm, xã Trà Phong, xã Trà Sơn, xã Trà Tân, xã Trà Tây, xã Trà Thanh, xã Trà Thủy và xã Trà Xinh thuộc huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi./.
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm thành lập và phát triển
Các tin khác
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cù Lao Chàm – Hội An” cho sản phẩm yến sào
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cầu Đúc” cho sản phẩm khóm
- Gạo Điện Biên trên con đường khẳng định thương hiệu
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự và tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest Việt Nam 2020
- Cục trưởng Đinh Hữu Phí làm việc với Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ