Th 4, 23/09/2020 | 16:45 CH
Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 61 của Đại hội đồng WIPO và các cuộc họp liên quan
Kỳ họp lần thứ 61 Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2020 diễn ra từ ngày 21-25/9/2020, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ.
Kỳ họp lần thứ 61 của Đại hội đồng WIPO đã khai mạc vào 10 giờ sáng ngày 21/9/2020 tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ (theo giờ Giơ-ne-vơ). Tham dự trực tiếp phiên khai mạc có ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO, ông Daren Tang, tân Tổng Giám đốc WIPO nhiệm kỳ 2020-2026, ông Omar Zniber, Đại sứ Ma-rốc, Chủ tịch Đại hội đồng WIPO và khoảng 150 đại biểu các nước thành viên và quan sát viên. Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ đã đại diện Việt Nam tham dự trực tiếp Hội nghị. Về phía Cục Sở hữu trí tuệ, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã tham dự Hội nghị từ Việt Nam theo hình thức trực tuyến.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí (ở giữa) tham dự Phiên họp Đại hội đồng WIPO 2020 từ đầu cầu Hà Nội
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đại hội đồng WIPO năm nay chỉ diễn ra trong vòng 05 ngày, rút ngắn một nửa thời gian so với thông lệ hằng năm. WIPO cũng quyết định tổ chức Hội nghị theo hình thức hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến), chỉ cho phép mỗi nước cử tối đa 02 đại biểu tham dự trực tiếp tại trụ sở WIPO, đồng thời thiết lập các nền tảng Interprefy và Webcasting để các nước thành viên tham dự trực tuyến.
Đại hội đồng WIPO lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì là Hội nghị chứng kiến sự chuyển giao nhiệm vụ giữa ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc đương nhiệm và ông Daren Tang, tân Tổng Giám đốc. Tại phiên khai mạc, ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc đương nhiệm đã có bài phát biểu tổng kết một số thành tựu nổi bật của WIPO trong 12 năm ông giữ vai trò là người đứng đầu của Tổ chức này. Ông Francis Gurry cho biết tính từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 400 lượt gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý, 3 điều ước quốc tế mới có hiệu lực, các hệ thống đăng ký quốc tế phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự bền vững tài chính của WIPO, doanh thu giai đoạn 2018-2019 đạt 917 triệu franc Thụy Sỹ, tăng hơn 50% so với giai đoạn 2008-2009. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ mới về công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống quản trị được WIPO phát triển nhằm phục vụ nhu cầu của các quốc gia thành viên. Ông Francis Gurry cho rằng để đạt được những thành tựu như vậy, các nước thành viên đã tích cực hợp tác và tham gia các hoạt động của WIPO, cùng với nỗ lực to lớn của các thành viên trong Ban quản lý cấp cao và các cán bộ WIPO trong thời gian qua. Nhân dịp này, ông Francis Gurry đã gửi lời chúc tân Tổng Giám đốc WIPO, ông Daren Tang, có một nhiệm kỳ công tác thành công và lãnh đạo WIPO đạt được nhiều thành tựu mới.
Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ phát biểu tại Đại hội đồng WIPO 2020 (nguồn: webcasting của WIPO)
Đại diện cho Việt Nam tham dự trực tiếp phiên khai mạc Đại hội đồng WIPO, bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ đã có bài phát biểu thay mặt ASEAN. Theo đó, bà đã gửi lời tri ân Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry và chúc mừng tân Tổng Giám đốc Daren Tang. Trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước thành viên ASEAN đã đạt được một số kết quả nổi bật về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tích cực hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ thông qua việc gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Trong bài phát biểu Đại sứ nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19, đồng thời khẳng định các nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác với WIPO cũng như với các quốc gia thành viên khác của WIPO trong vấn đề này.
Toàn cảnh Đại hội đồng WIPO lần thứ 61 (nguồn: webcasting của WIPO)
Kỳ họp Đại hội đồng WIPO sẽ diễn ra từ ngày 21 đến hết ngày 25/9/2020 với một số nội dung đáng chú ý như: xem xét việc tổ chức một phiên họp Đại hội đồng bất thường trong năm 2021 để thảo luận các nội dung trong chương trình nghị sự đã được lược bỏ tại phiên họp lần này; xem xét việc tái bổ nhiệm các Phó Tổng Giám đốc và Trợ lý Tổng Giám đốc trong thời hạn 3 tháng trước khi nhân sự mới chính thức nhận nhiệm vụ từ ngày 01/1/2021; xem xét kế hoạch đánh giá hoạt động của các Văn phòng đại diện của WIPO; thông qua các báo cáo của Ủy ban Chương trình và Ngân sách, báo cáo của Trung tâm Trọng tài và Hòa giải./.
Phòng Hợp tác quốc tế
Tin mới nhất
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Dự án IP Key Sea tổ chức Hội thảo quốc tế về Phòng chống hàng giả khu vực ASEAN
- Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ và các sự kiện liên quan
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 72 AWGIPC và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 22-26/4/2024 tại Đà Nẵng và Huế
Các tin khác
- Việt Nam chủ trì Hội nghi trực tuyến Cuộc họp lần thứ 61 nhóm công tác về hợp tác sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 61)
- Báo cáo của WIPO về hoạt động của Mạng lưới Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC)
- Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ (HIPOC) - Phiên họp về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)
- Việt Nam duy trì thứ hạng trong Báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2020 (GII 2020)
- [TISC] Hướng dẫn của WIPO về xây dựng Chính sách Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu