Fri, 10/12/2021 | 08:45 AM
Cập nhật về Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam đến 2021
Năm 2021, Việt Nam tiếp tục đạt điểm cao hơn mức trung bình của nhóm “các nước thu nhập trung bình thấp” ở tất cả các trụ cột và thậm chí còn cao hơn mức trung bình của nhóm “các nước thu nhập trên trung bình” về mức độ phát triển của Thị trường và Kinh doanh, cũng như ở cả hai trụ cột “đầu ra” của đổi mới sáng tạo.
Trong bài báo cáo Tìm hiểu về các chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu liên quan đến sở hữu trí tuệ - xuất bản vào tháng 4 năm 2020 trên cổng thông tin https://wipo.vn/, chúng tôi đã so sánh 8 chỉ số GII liên quan đến sở hữu trí tuệ để đánh giá Thứ hạng của Việt Nam trong Báo cáo về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của WIPO trong những năm gần đây so với các quốc gia ASEAN.
Tiếp đó, báo cáo Cập nhật về Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu của Việt Nam đến 2020 đăng tải trên cổng thông tin https://wipo.vn/ vào tháng 1 năm 2021 đã chỉ ra rằng khả năng đo lường năng lực “đổi mới sáng tạo quốc gia” trên thế giới hiện này cũng tương tự như lúc mà các nhà kinh tế học đặt câu hỏi về GDP trong những năm 1940. Ngay cả những chỉ số đổi mới sáng tạo toàn diện xuyên quốc gia có uy tín nhất vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Với dữ liệu hạn chế như vậy, việc đánh giá xu hướng qua từng năm là rất quan trọng. Điều mấu chốt là phải theo dõi sự tiến bộ của từng quốc gia càng sát thời gian thực càng tốt.
Báo cáo GII năm 2021 đã được công bố vì vậy chúng tôi có thể cập nhật các xu hướng kể từ báo cáo năm 2020. Dữ liệu cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc cập nhật các số liệu còn thiếu đang có những tiến bộ đáng kể.
Năm 2021, WIPO công bố thứ hạng của Việt Nam là 44 và công bố khoảng tin cậy của thứ hạng này trong khoảng 42 đến 47. Năm 2020, Việt Nam có thứ hạng 42 và khoảng tin cậy là 41 đến 50. Do vậy, nếu đánh giá theo khoảng tin cậy thì thứ hạng GII của Việt Nam năm 2021 và 2020 là gần như tương đương nhau.
GII chia năng lực đổi mới sáng tạo của một quốc gia thành nhóm các chỉ số “đầu vào” (Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của kinh doanh…) và nhóm các chỉ số “đầu ra” (Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo…). Trong báo cáo 2021, thứ hạng nhóm các chỉ số “đầu vào” của Việt Nam là 60, tăng 2 bậc so với năm 2020. Thứ hạng nhóm các chỉ số “đầu ra” của Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức 38.
GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trong các quốc gia xếp trên Việt Nam năm 2021, không có quốc gia nào ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại đều là các quốcgia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Theo đánh giá của Báo cáo GII 2021, các nền kinh tế có thu nhập trung bình đang góp phần vẽ lại bản đồ đổi mới sáng tạo, bao gồm: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines.
• Trung Quốc vẫn là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất trong top 30 nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất trên toàn cầu. Rất ít nền kinh tế có thu nhập trung bình khác đã cố gắng bắt kịp sự đổi mới sáng tạo của Trung Quốc.
• Thổ Nhĩ Kỳ (thứ 41), Thái Lan (thứ 43), Việt Nam (thứ 44), Liên bang Nga (thứ 45), Ấn Độ (thứ 46), Ukraine (thứ 49) và Montenegro (thứ 50) lọt vào top 50 GII năm nay.
• Riêng các nền kinh tế TVIP (Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines) đang bắt kịp một cách có hệ thống. Ngoài Trung Quốc, bốn nền kinh tế đặc biệt này cùng có tiềm năng thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo toàn cầu theo chiều hường tốt đẹp hơn.
Một số “nền kinh tế đang phát triển” hiện thực hóa kỳ vọng về đổi mới sáng tạo một cách đáng ngưỡng mộ so với trình độ phát triển kinh tế của họ
• Ấn Độ, Kenya, Cộng hòa Moldova và Việt Nam giữ kỷ lục về thành tích vượt trội về đổi mới sáng tạo so với mức độ phát triển của họ trong năm thứ 11 liên tiếp.
• Brazil, Cộng hòa Hồi giáo Iran và Peru lần đầu tiên có kết quả vượt trội vào năm 2021.
• Châu Phi cận Sahara là khu vực có số lượng các nền kinh tế tăng trưởng vượt trội nhiều nhất.
Một bức tranh đổi mới sáng tạo toàn cầu đang thay đổi
Một thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi là việc liên tục cải thiện hiệu suất và hệ thống đổi mới sáng tạo của họ để phù hợp với các nền kinh tế có thu nhập cao và thịnh vượng hơn. Chỉ một số ít nền kinh tế có thu nhập trung bình đã bắt kịp đổi mới sáng tạo, bằng cách kêt hợp thành công đổi mới sáng tạo trong nước với chuyển giao công nghệ quốc tế.
Ngoài Trung Quốc, Bulgaria và Malaysia dẫn đầu bảng xếp hạng nhóm thu nhập trung bình, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ (thứ 41), Thái Lan (thứ 43), Việt Nam (thứ 44), Liên bang Nga (thứ 45), Ấn Độ (thứ 46), Ukraina (thứ 49) và Montenegro (thứ 50) lọt vào top 50.
Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, chỉ có các nước TVIP (Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines) là bắt kịp một cách có hệ thống. Cả 4 nền kinh tế châu Á đều tăng hạng trung bình 22 vị trí trong suốt thập kỷ qua: Thổ Nhĩ Kỳ từ vị trí 65 năm 2011 lên vị trí thứ 41 vào năm 2021; Việt Nam từ hạng 76 năm 2012 lên hạng 44 năm nay; Ấn Độ từ hạng 62 lên hạng 46; và Philippines từ thứ 91 đến 51. Đáng chú ý là đây là những nền kinh tế đặc biệt lớn, có tiềm năng thay đổi hoàn toàn bức tranh đổi mới sáng tạo toàn cầu theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Thổ Nhĩ Kỳ lọt vào top 50, tăng 10 bậc trong năm nay để đạt vị trí thứ 41. Việt Nam bị Thái Lan vượt qua khi tụt hai bậc, từ hạng 42 xuống hạng 44. Tuy nhiên, đây là một sự cải thiện đáng kể so với xếp hạng trung bình của Việt Nam là khoảng 68 trong giai đoạn 2013–2015. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu nhóm thu nhập trung bình thấp (Bảng dưới).
Ấn Độ (thứ 46) tiến xa hơn, hai bậc (thứ 48 trong GII 2020), sau khi lọt vào top 50 vào năm ngoái. Ấn Độ chiếm vị trí thứ 2 trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Ấn Độ giữ vị trí thứ 3 trong nhóm thu nhập của mình vào năm 2019 và 2020 đã lọt vào top 3 vào năm 2019. Ấn Độ cũng được đánh giá là thành công trong việc phát triển các dịch vụ phức tạp, năng động về mặt công nghệ và có thể được giao dịch quốc tế (Aghion và cộng sự, 2021). Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu thế giới về chỉ số xuất khẩu dịch vụ CNTT (thứ nhất) và giữ vị trí hàng đầu trong các chỉ số khác, chẳng hạn như đa dạng hóa ngành công nghiệp trong nước (thứ 12) và Tỷ lệ Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật (thứ 12).
Ngoài các nước TVIP, còn có các nền kinh tế khác tăng thứ hạng trong năm nay. Trong số các nước đi đầu đáng chú ý nhất là Cộng hòa Hồi giáo Iran (thứ 60), Oman (thứ 76), Uzbekistan (thứ 86), Paraguay (thứ 88), Cabo Verde (thứ 89) và Sri Lanka (thứ 95). Ngoài top 100, Guatemala (thứ 101), Tajikistan (thứ 103), Madagascar (thứ 110) và Zimbabwe (thứ 113) là những nước có nhiều tiến bộ nhất trong xếp hạng.
Rwanda (thứ 102) giành lại vị trí đầu tiên trong nhóm thu nhập thấp sau khi xếp thứ 2 vào năm 2020. Nước này xếp thứ nhất vào các năm 2019, 2016 và 2015 và liên tục nằm trong top 3 nhóm thu nhập cao nhất kể từ năm 2014.
Tajikistan (thứ 103) và Malawi (thứ 107) lọt vào top ba trong nhóm các nền kinh tế thu nhập thấp.
Vượt trội về đổi mới sáng tạo
Một số nền kinh tế đang phát triển đang thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo trên mức kỳ vọng so với mức độ phát triển kinh tế.
Trong nhiều năm, GII đã chứng minh mối quan hệ tích cực giữa đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế: nền kinh tế càng phát triển thì nền kinh tế càng đổi mới sáng tạo và ngược lại. Tuy nhiên, một số nền kinh tế thoát ra khỏi mô hình này. Một số đổi mới sáng tạo cao hơn hoặc thấp hơn mong đợi so với dự đoán về hiệu suất và mức độ phát triển.
Trong GII 2021, 19 nền kinh tế đang thể hiện trên mức kỳ vọng so với mức độ phát triển được gọi là những ngôi sao trong đổi mới sáng tạo.
Ấn Độ, Kenya, Cộng hòa Moldova và Việt Nam vẫn là những quốc gia giữ kỷ lục về thành tựu đổi mới sáng tạo trong 11 năm liên tiếp. Hiệu suất đổi mới sáng tạo của Ấn Độ cao hơn mức trung bình đối với nhóm có thu nhập trung bình cao ở năm trong số bảy trụ cột đổi mới sáng tạo (đạt điểm dưới trung bình trong các trụ cột Cơ sở hạ tầng và đầu ra của Sáng tạo). Kenya giữ vị trí thứ 3 ở châu Phi cận Sahara và xếp trên nhóm thu nhập về Thể chế, Thị trường và Mức độ phát triển trong kinh doanh và Đầu ra kiến thức và công nghệ. Kenya cũng đạt điểm cao hơn mức trung bình của khu vực về Vốn con người và kết quả nghiên cứu và sáng tạo. Việt Nam tiếp tục đạt điểm cao hơn mức trung bình của nhóm “các nước thu nhập trung bình thấp” ở tất cả các trụ cột và thậm chí còn cao hơn mức trung bình của nhóm “các nước thu nhập trên trung bình” về mức độ phát triển của Thị trường và Kinh doanh, cũng như ở cả hai trụ cột “đầu ra” của đổi mới sáng tạo.
Các chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu liên quan đến sở hữu trí tuệ của Việt Nam
Chỉ số 5.2.5 Số sáng chế nộp đơn tại 2 văn phòng (số lượng trên tỷ sức mua tương đương GDP)
Việt Nam GII 2021 về số sáng chế nộp đơn tại 2 văn phòng (số lượng trên tỷ sức mua tương đương GDP) có Điểm số/giá trị không đổi; tuy nhiên thứ hạng giảm 5 bậc.
Số lượng họ sáng chế do cư dân nộp tại ít nhất hai cơ quan sở hữu trí tuệ (trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương). Một “họ sáng chế” là một tập hợp các đơn sáng chế liên quan với nhau nộp vào một hoặc nhiều quốc gia hay vùng lãnh thổ (có quyền tài phán riêng) để bảo hộ cho cùng một sáng chế. Họ sáng chế bao gồm các đơn đăng ký sáng chế được nộp vào ít nhất hai cơ quan khác nhau thì được hiểu là một tập hợp con của họ sáng chế nhằm bảo hộ cho cùng một sáng chế tại ít nhất hai quốc gia khác nhau. Trong báo cáo này, “dữ liệu về họ sáng chế” đề cập đến các đơn đăng ký sáng chế do cư dân nộp tại ít nhất hai cơ quan sở hữu trí tuệ; dữ liệu được tính trên GDP theo sức mua tương đương (tỷ đô). Ý nghĩa: Sáng chế nếu được ứng dụng trên thực tế mới có thể mang lại giá trị và được tính là ĐMST. Vì vậy, số lượng sáng chế cũng như đơn đăng ký sáng chế được coi là đầu vào cho ĐMST. Số lượng đơn sáng chế tính theo GDP càng nhiều thì điểm số và thứ hạng trong GII càng cao. |
Chỉ số 5.3.1 Trả tiền bản quyền, % tổng giao dịch thương mại
Lần đầu tiên kể từ khi ấn hành, số liệu về Trả tiền bản quyền, (% tổng giao dịch thương mại) của Việt Nam đã được cập nhật trong GII. Trong năm 2021, Việt Nam xếp thứ 91 ở chỉ số này.
Tổng chi cho việc sử dụng tài sản trí tuệ (% tổng giá trị giao dịch thương mại). Tổng chi cho việc sử dụng tài sản trí tuệ chưa được đưa vào khoản thanh toán nào (% tổng giá trị giao dịch thương mại) theo Phân loại cán cân thanh toán dịch vụ mở rộng EBOPS 2010 - theo đó, chi phí theo mã HS (mã phân loại hàng hóa để xác định thuế xuất nhập khẩu) để sử dụng tài sản trí tuệ chưa được đưa vào khoản nào trong tổng giá trị giao dịch thương mại. “Tổng giá trị giao dịch thương mại” được xác định là tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa mã G và dịch vụ thương mại mã SOX (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào) cộng với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa mã G và dịch vụ thương mại mã SOX (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào), sau đó chia cho hai. Theo cẩm nang về Cán cân thanh toán quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế phiên bản lần 6, thuật ngữ “hàng hóa” bao gồm hàng hóa nói chung, xuất khẩu ròng hàng hóa theo cơ chế thương mại và vàng phi tiền tệ. Ý nghĩa: Các giao dịch liên quan tới mua bản quyền tài sản trí tuệ được coi là đầu vào của ĐMST, do việc mua bản quyền nếu không áp dụng trên thực tế, tạo ra giá trị thì cũng chưa phải là ĐMST. Tuy nhiên, đây là đầu vào tiềm năng của các hoạt động ĐMST. Vì vậy, tỷ lệ giao dịch về tài sản trí tuệ giữa các quốc gia (GII không xem xét các giao dịch trong nước) trong tổng giao dịch thương mại càng cao thì điểm số và thứ hạng càng cao. |
Chỉ số 6.1.1 Số đơn đăng ký sáng chế theo nước xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP
GII 2021 đã ghi nhận về Số đơn đăng ký sáng chế theo nước xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP của Việt Nam có Điểm số/giá trị giảm; thứ hạng giảm 7 bậc so với GII 2020.
Số lượng đơn đăng ký sáng chế do cư dân nộp vào cơ quan sáng chế quốc gia hay khu vực nhất định(trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương). “Bằng độc quyền sáng chế” đã được định nghĩa trong phần mô tả của chỉ số 5.2.5. “Đơn đăng ký sáng chế của cư dân” là đơn được nộp vào cơ quan sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia hay vùng lãnh thổ (có quyền tài phán riêng), nơi mà chủ đơn đứng tên đầu tiên cư trú. Ví dụ, một đơn được nộp vào Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) của cư dân Nhật Bản thì được coi là đơn đăng ký sáng chế của cư dân cho Nhật Bản. Tương tự, một đơn đăng ký được nộp vào Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) bởi một cư dân tại bất kỳ quốc gia thành viên của EPO, ví dụ như Đức, thì được coi là đơn đăng ký sáng chế của cư dân cho quốc gia thành viên (Đức). Ý nghĩa: Số lượng đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế do cư dân nộp vào cơ quan sáng chế quốc gia hay khu vực nhất định. Đây được xác định là đầu ra ĐMST. Số lượng này càng nhiều thì điểm số và thứ hạng càng cao. |
Chỉ số 6.1.2 Đơn đăng ký sáng chế PCT, trên 1 tỷ $PPP GDP
GII 2021 đã ghi nhận về Đơn đăng ký sáng chế PCT, trên 1 tỷ $PPP GDP của Việt Nam có Điểm số/giá trị không đổi; thứ hạng giảm 6 bậc so với GII 2020.
Số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế do cư dân nộp theo Hiệp ước về hợp tác sáng chế (trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương). Đây là số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế được nộp trong năm thông qua Hiệp ước hợp tác quốc tế về sáng chế do WIPO quản lý. “Một đơn PCT quốc tế” được hiểu là một đơn đăng ký sáng chế nộp thông qua Hiệp ước hợp tác quốc tế về sáng chế (PCT) do WIPO quản lý trong pha quốc tế do hệ thống PCT đặt ra. Ý nghĩa: Số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế do cư dân nộp theo Hiệp ước về hợp tác sáng chế. Đây được xác định là đầu ra ĐMST. Số lượng đơn đăng ký trên GDP càng nhiều thì điểm số và thứ hạng càng cao. |
Chỉ số 6.1.3 Đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP
GII 2021 đã ghi nhận về Đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP của Việt Nam có Điểm số/giá trị giảm; thứ hạng giảm 2 bậc so với GII 2020.
Số lượng đơn đãng ký giải pháp hữu ích do cư dân nộp tại cơ quan sáng chế quốc gia (trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương). Đây là số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích do cư dân nộp tại cơ quan sáng chế quốc gia hay cơ quan sáng chế khu vực nhất định trong năm. “Đơn đăng ký giải pháp hữu ích” được dùng để chỉ một đơn đăng ký được nộp tại cơ quan sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia hay vùng lãnh thổ (có quyền tài phán riêng) nơi mà cư dân là chủ đơn đứng tên đầu tiên trong đơn. Ví dụ, một đơn nộp vào cơ quan sở hữu trí tuệ của Đức do cư dân Đức thì được xem là đơn của cư dân tại Đức. Các điều khoản và điều kiện để cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích hơi khác so với những điều khoản và điều kiện để cấp bằng độc quyền sáng chế thông thường, bao gồm thời hạn bảo hộ ngắn hơn và yêu cầu bảo hộ ít nghiêm ngặt hơn. Giải pháp hữu ích đôi khi ở một số nước nhất định được gọi là “sáng chế nhỏ”, “sáng chế ngắn hạn” hoặc “sáng chế cải tiến”. Ý nghĩa: Số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích do cư dân nộp tại cơ quan sáng chế quốc gia. Đây được xác định là đầu ra ĐMST. Số lượng này càng nhiều thì điểm số và thứ hạng càng cao. |
Chỉ số 6.3.1 Tiền bản quyền tác giả, lệ phí, giấy phép (% tổng giao dịch thương mại)
Lần đầu tiên kể từ khi ấn hành, số liệu về Tiền bản quyền tác giả, lệ phí, giấy phép (% tổng giao dịch thương mại) của Việt Nam đã được cập nhật trong GII. Trong năm 2021, Việt Nam xếp hạng 106 ở chỉ số này.
Tổng thu cho việc sử dụng tài sản trí tuệ, (% tổng giao dịch thương mại). Tổng thu cho việc sử dụng tài sản trí tuệ chưa được đưa vào khoản thu nào (% tổng giao dịch thương mại) theo Phân loại cán cân thanh toán dịch vụ mở rộng (EBOPS) 2010 - theo đó, tổng thu theo mã HS (mã phân loại hàng hóa để xác định thuế xuất nhập khẩu) để sử dụng tài sản trí tuệ chưa được đưa vào khoản thu nào trong tổng giao dịch thương mại. “Tồng giao dịch thương mại” được xác định là tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa theo mã G và dịch vụ thương mại theo mã SOX (ngoại trừ các hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào) cộng với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa theo mã G và các dịch vụ thương mại theo mã SOX (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào), sau đó chia cho hai. Theo Cẩm nang về Cán cân thanh toán quốc tế của Quỹ Tiền tệ Thế giới phiên bản lần 6, thuật ngữ “hàng hóa” bao gồm hàng hóa nói chung, xuất khẩu ròng hàng hóa theo cơ chế thương mại và vàng phi tiền tệ. “Dịch vụ thương mại” bao gồm các “dịch vụ” trừ đi các “hàng hóa và dịch vụ công chưa thuộc nhóm nào”. Ý nghĩa: Các giao dịch liên quan tới trả tiền bản quyền tài sản trí tuệ được coi là đầu ra của ĐMST, do việc bán được bản quyền tức là thương mại hóa tài sản trí tuệ, đưa tài sản trí tuệ vào trong thị trường, đó chính là ĐMST. Vì vậy, tỷ lệ tiền thu được từ các giao dịch về tài sản trí tuệ giữa các quốc gia (GII không xem xét các giao dịch trong nước) trong tổng giao dịch thương mại càng cao thì điểm số và thứ hạng càng cao. |
Chỉ số 7.1.1 Đăng ký nhãn hiệu theo xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP
GII 2021 đã ghi nhận về Đăng ký nhãn hiệu theo xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP của Việt Nam có Điểm số/giá trị giảm; thứ hạng giảm 3 bậc so với GII 2020.
Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu do cư dân nộp tại cơ quan nhãn hiệu quốc gia hoặc cơ quan nhãn hiệu khu vực nhất định (tính theo tỷ $ GDP theo sức mua tương đương). Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu được tính dựa trên tổng số nhóm hàng hóa và dịch vụ được nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu của cư dân nộp tại cơ quan nhãn hiệu quốc gia hoặc cơ quan nhãn hiệu khu vực nhất định trong năm. Ý nghĩa: Số lượng đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là một chỉ số đầu ra của ĐMST. Việc đăng ký nhãn hiệu phần nào thể hiện kết quả đổi mới về sản phẩm của doanh nghiệp. Tỷ lệ đơn đăng ký nhãn hiệu trên GDP càng cao thì điểm số và thứ hạng trong GII càng cao. |
Chỉ số 7.1.2 Giá trị thương hiệu toàn cầu (top 5000, %GDP)
Được thêm vào lần đầu trong năm 2020, đến GII 2021 đã ghi nhận về Giá trị thương hiệu toàn cầu (top 5000, %GDP) của Việt Nam có Điểm số/giá trị giảm; thứ hạng giảm 6 bậc so với GII 2020.
Chỉ số 7.1.3 Đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp theo nước xuất xứ
Được Chuyển mã từ chỉ số 7.1.2 của GII 2019, đến GII 2021 đã ghi nhận về Đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp theo nước xuất xứ của Việt Nam có Điểm số/giá trị giảm; thứ hạng giảm 2 bậc so với GII 2020.
Số lượng phương án kiểu dáng trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp nộp vào cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc khu vực nhất định (trên 1 tỷ $ GDP theo sức mua tương đương) Chỉ số này đề cập đến số lượng phương án kiểu dáng trong các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp nộp tại cơ quan quốc gia hay cơ quan khu vực nhất định trong năm. Dữ liệu về phương án kiểu dáng trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được tính là số lượng các phương án trong các đơn đăng ký và bao gồm cả các phương án kiểu dáng trong các đơn kiều dáng công nghiệp nộp vào cả cơ quan quốc gia và cơ quan khu vực, nếu có. “Số kiểu dáng của cư dân” là số lượng phương án kiểu dáng công nghiệp trong các đơn đăng ký nộp tại cơ quan sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực, nơi mà người nộp đơn cư trú. Ý nghĩa: Số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là một chỉ số đầu ra của ĐMST. Số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp càng nhiều thì điểm số và thứ hạng trong GII càng cao. |
Xét về bảng xếp hạng toàn cầu, hiệu suất của Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục nổi bật hơn so với các nước đang phát triển.
Mã chỉ số CODE | Tên chỉ số INDICATOR | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
5.2.5 | Số sáng chế nộp đơn tại 2 văn phòng (số lượng trên tỷ sức mua tương đương GDP) | 38 PCT patent filings with foreign inventor | 1 PCT patent filings with foreign inventor | 69 PCT patent filings with foreign inventor | 97 Patent families filled in 3+ offices | 96 | 90 | 96 | 98 | 84 | 87 | 92 |
5.3.1 | Trả tiền bản quyền, % tổng giao dịch thương mại | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | 91 |
6.1.1 | Số đơn đăng ký sáng chế theo nước xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP | 66 Domestic resident patent app | 67 Domestic resident patent app | 70 Domestic resident patent app | 64 Domestic resident patent app | 65 | 66 | 61 | 67 | 65 | 66 | 73 |
6.1.2 | Đơn đăng ký sáng chế PCT, trên 1 tỷ $PPP GDP | 77 PCT resident patent app | 84 PCT resident patent app | 79 PCT resident patent app | 96 PCT resident patent app | 94 | 81 | 100 | 88 | 82 | 82 | 88 |
6.1.3 | Đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP | 44 Domestic resident untility model app | 36 Domestic resident untility model app | 36 Domestic resident untility model app | 38 Domestic resident untility model app | 37 | 34 | 35 | 35 | 35 | 36 | 38 |
6.3.1 | Tiền bản quyền tác giả, lệ phí, giấy phép (% tổng giao dịch thương mại) | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | 106 |
7.1.1 | Đăng ký nhãn hiệu theo xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP | 15 Domestic resident Trademark reg | 23 Domestic resident Trademark reg | 14 Domestic resident Trademark reg | 14 Domestic resident Trademark reg | 22 | 17 | 20 | 18 | 24 | 20 | 23 |
7.1.2 | Kiểu dáng công nghiệp theo nước xuất xứ Industrial designs by origin | Chưa có chỉ số nay | Chưa có chỉ số nay | Chưa có chỉ số nay | Chưa có chỉ số nay | 53 | 36 | 33 | 37 | 43 | Chuyển mã | Chuyển mã |
7.1.2 (GII 2020) | Giá trị thương hiệu toàn cầu (top 5000, %GDP) |
|
|
|
|
|
|
|
|
| 19 | 25 |
7.1.3 (GII 2020) | Đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp theo nước xuất xứ |
|
|
|
|
|
|
|
|
| 43 | 45 |
* N/A: không có dữ liệu
Nguồn: Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO) 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021.
Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương (SEAO)
Hoạt động đổi mới sáng tạo của khu vực SEAO là năng động nhất trong thập kỷ qua, thu hẹp khoảng cách với Bắc Mỹ và Châu Âu. Năm nền kinh tế SEAO dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên thế giới: Hàn Quốc đứng thứ 5), Singapore (thứ 8), Trung Quốc (thứ 12), Nhật Bản (thứ 13) và Hồng Kông, Trung Quốc (thứ 14). Trong số các nước dẫn đầu này, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những bước tiến lớn nhất trong bảng xếp hạng trong 10 năm qua.
Thái Lan (thứ 43), Việt Nam (thứ 44), Philippines (thứ 51) và Indonesia (thứ 87) đã tăng từ 5 đến 40 bậc GII trong thập kỷ qua. Thái Lan và Việt Nam được xếp hạng trong số 30 quốc gia hàng đầu trên thế giới về Mức độ phát triển của thị trường, cũng như Philippines về Đầu ra tri thức và công nghệ. Giờ đây, họ cũng là những người dẫn đầu trong các chỉ số đổi mới chính. Ví dụ, Thái Lan đứng thứ nhất về R&D do doanh nghiệp tài trợ; Việt Nam và Philippines là những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu Công nghệ cao.
STT | Quốc gia ASEAN | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 |
1 | VIETNAM | 52 | 59 | 47 | 45 | 42 | 42 | 44 |
2 | SINGAPORE | 7 | 6 | 7 | 5 | 8 | 8 | 8 |
3 | MALAYSIA | 32 | 35 | 37 | 35 | 35 | 33 | 36 |
4 | THAILAND | 55 | 52 | 51 | 44 | 43 | 44 | 43 |
5 | PHILIPPINES | 83 | 74 | 73 | 73 | 54 | 50 | 51 |
6 | INDONESIA | 97 | 88 | 87 | 85 | 85 | 85 | 87 |
7 | BRUNEI DARUSSALAM | N/A | N/A | 71 | 67 | 71 | 71 | 82 |
8 | CAMBODIA | 91 | 95 | 101 | 98 | 98 | 110 | 109 |
9 | MYANMAR | 138 | N/A | N/A | N/A | N/A | 129 | 127 |
10 | LAO PDR | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | 113 | 117 |
11 | PAPUA NEW GUINEA | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A |
12 | TIMOR-LESTE | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A | N/A |
| Thứ bậc của Việt Nam trong ASEAN | 3 | 4 | 3 | 4 | 3 | 3 | 4 |
* N/A: không có dữ liệu
Nguồn: Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO) 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021.
Xét về bảng xếp hạng toàn cầu, hiệu suất của Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục nổi bật hơn so với các nước đang phát triển.
Biểu đồ bong bóng dưới đây cho thấy mối quan hệ giữa mức thu nhập (GDP bình quân đầu người) và sự đổi mới hiệu suất (điểm GII). Đường xu hướng cho biết hiệu suất đổi mới dự kiến mức thu nhập. Các nền kinh tế xuất hiện trên đường xu hướng đang hoạt động tốt hơn dự kiến và những quốc gia bên dưới đang hoạt động dưới mức mong đợi.
So với GDP, hiệu quả hoạt động của Việt Nam trên cả mong đợi về mức độ phát triển.
-------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sổ tay hướng dẫn về Chỉ Số Đổi Mới Sáng Tạo Toàn Cầu 2018, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
2. Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
3. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ ngày 06/02/2017 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
4. Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO), các năm 2012, 2013, 2014, 2015,2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021. WIPO. Geveva.
5. OECD - World Bank. 2013. Innovation Review: Vietnam. The World Bank.
6. Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam. (Wipo.vn).
Nguyễn Hải Phong
Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp
Latest news title
- Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) - Nền tảng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
- Tăng 2 bậc, Việt Nam xếp thứ 46 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023
- Mời ứng tuyển tham dự Chương trình IP Management Clinic năm 2023
- Thông báo Khóa đào tạo trực tuyến về sở hữu trí tuệ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
- Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4-2023: Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo
Other news
- Thông báo về Chương trình đào tạo của WIPO về sở hữu trí tuệ dành cho các tài năng trẻ
- Hỗ trợ sản xuất sản phẩm mẫu từ sáng chế có tiềm năng thương mại hóa cao – Chính sách thúc đẩy thương mại hóa sáng chế của Hàn Quốc
- Đối thoại cấp cao giữa WTO và WHO: Mở rộng sản xuất vắc xin COVID-19 để thúc đẩy tiếp cận công bằng
- Công nghệ sinh học y tế toàn cầu: thu hẹp khoảng cách giữa khoa học và kinh doanh
- Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử: Tên miền, trang Web và sử dụng nhãn hiệu trên môi trường mạng