Fri, 28/08/2020 | 09:21 AM
View with font size Read content Change contract
Năng lượng từ dầu thực vật thải: Phân tích qua biểu đồ sáng chế
Nhiên liệu thay thế và tái tạo như diesel sinh học (biodiesel), đó là nhiên liệu tái tạo, sạch và thân thiện với môi trường có nguồn gốc từ dầu thực vật và mỡ động vật.
Trong những thập kỷ qua, mức tiêu thụ năng lượng đã tăng lên đáng kể do sự thay đổi của lối sống và sự gia tăng dân số. Sự gia tăng nhu cầu năng lượng đã được cung cấp bởi các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu này bị hạn chế và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường. Do đó, đã nảy sinh nhu cầu cấp thiết về nhiên liệu thay thế và tái tạo, trong đó như diesel sinh học (biodiesel). Biodiesel là nhiên liệu tái tạo, sạch và thân thiện với môi trường có nguồn gốc từ dầu thực vật và mỡ động vật.
Biodiesel có rất nhiều ưu điểm, trong đó có thể nói đến là thành phần không hoặc chứa rất ít các chất độc hại (các hợp chất của lưu huỳnh, hợp chất thơm, …) có khả năng làm giảm lượng phát thải CO2 ra ngoài môi trường cũng như giảm lượng tiêu dùng các sản phẩm dầu mỏ; có các tính năng kĩ thuật phù hợp với vận hành các phương tiện vận tải; hiệu quả khá cao về mặt kinh tế.
Mặc dù chi phí sản xuất còn khá cao, cũng như điều kiện sử dụng và bảo quản còn nhiều hạn chế, nhưng biodiesel vẫn được đánh giá là một trong những nguồn năng lượng tái tạo đáng quan tâm, đặc biệt khi nguồn gốc từ nguyên liệu dầu thực vật thải/đã qua sử dụng (WCO). Với lượng vô cùng lớn dầu ăn sản xuất hàng năm (trên 15 triệu tấn), nếu quy đổi ra thì có thể đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu về dầu diesel sinh học của thế giới do mỗi kg WCO có thể được chuyển đổi thành dầu diesel sinh học với sản lượng rất cao. Nghiên cứu cho thấy, việc sản xuất diesel sinh học từ WCO cho phép tiết kiệm 21% dầu thô và 96% tiết kiệm năng lượng hóa thạch. Có thể nói năng lượng tái tạo từ nguồn dầu thực vật thải có thể sẽ là xu hướng được quan tâm nhiều trong những năm tới đây1.
Tình hình bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực công nghệ năng lượng từ dầu thực vật thải trên toàn cầu
Công cụ phân tích: Công cụ tra cứu Orbit của Questel.
Lĩnh vực tra cứu: Tra cứu theo phân loại sáng chế quốc tế (IPC) được xác định bởi nhóm chuyên gia về IPC của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, được đăng tải ở địa chỉ; https://www.wipo.int/classifications/ipc/en/green_inventory/. Theo bảng phân loại này thì IPC cho biodiesel có thể là C07C 67/00, 69/00; C10G; C10L 1/02, 1/19; C11C 3/10 ; C12P 7/64.
Phạm vi thời gian: Toàn thời gian
Ngày thực hiện tra cứu: 11/05/2020
Kết quả tra cứu:
Kết quả tra cứu cho thấy, có tổng số 120.586 tài liệu sáng chế được tìm thấy liên quan đến các phân loại nêu trên, trong đó có 24,0% sáng chế đã được cấp bằng. Tuy nhiên lượng sáng chế đã hết hạn chiếm một tỉ lệ khá lớn (42,6%).
Phân tích theo lĩnh vực công nghệ
Biểu đồ này dựa trên mã phân loại sáng chế quốc tế (IPC) có trong tập hợp sáng chế đang được phân tích. Các mã IPC được tập hợp thành nhóm gồm 33 lĩnh vực công nghệ, giúp xác định tính đa dạng hoặc tính đặc thù của danh mục sáng chế của chủ đơn. Hình minh họa này cho phép người dùng xác định rất nhanh việc kinh doanh cốt lõi của chủ thể đang nghiên cứu. Các danh mục ít được đại diện nhất cũng đóng vai trò là phương tiện để xác định các ứng dụng tiềm năng khác về sáng chế của chủ thể này. Biểu đồ này rất hữu ích trong việc xác định sáng chế trong một khu vực và trong một lĩnh vực có thể có nhiều mục đích sử dụng. Nó có thể hữu ích để xác định việc sử dụng mới cho các sáng chế đã được nộp.
Theo biểu đồ nêu trên lĩnh vực chính có sáng chế liên quan đến năng lượng từ dầu thải là vật liệu hóa học cơ bản. Ngoài ra, có thể kể đến một số lĩnh vực khác có liên quan như kỹ thuật hóa học và hóa học tinh chế hữu cơ.
Biểu đồ trên giúp xác định tính đa dạng hoặc tính đặc thù của danh mục sáng chế của chủ đơn, cho phép người dùng xác định rất nhanh việc kinh doanh cốt lõi của chủ thể đang nghiên cứu. Các danh mục ít được đại diện nhất cũng đóng vai trò là phương tiện để xác định các ứng dụng tiềm năng khác về sáng chế của chủ thể này.
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy, có khá nhiều khái niệm được quan tâm trong lĩnh vực này như dầu đá phiến, xúc tác reforming, xúc tác cracking hydrocacbon, cracking xúc tác lỏng, phân đoạn diesel, cracking hydrocarbon... Ngoài ra có thể kể đến cracking khí đốt.
Phân tích theo chủ đơn và tác giả sáng chế chính
Biểu đồ này cho thấy mức độ lớn của danh mục đầu tư của chủ đơn trong nhóm sáng chế được phân tích. Dữ liệu này là một chỉ số tốt về mức độ sáng tạo của những chủ đơn tích cực. Nhằm nghiên cứu danh mục đầu tư của một chủ thể, biểu đồ này cho thấy danh mục đầu tư của chủ đơn và các đồng chủ đơn chính của họ. Đây là một chỉ báo tốt về xu hướng hợp tác của người nộp đơn và cũng xác định các đối tác ưa thích của họ. Đồng thời, để nghiên cứu các sáng chế của một chủ đề cụ thể, biểu đồ này thể hiện các chủ đơn hàng đầu theo số đơn đã nộp trong lĩnh vực. Điều này thể hiện các chủ đơn có số lượng sáng chế lớn nhất trong danh mục đầu tư của họ trong lĩnh vực đang được phân tích.
Trong 3 chủ đơn hàng đầu, China Petroleum and Chemical đã có trên 7.000 họ sáng chế, Exxonmobil có 4.597 họ sáng chế, UOP có 3.365 họ sáng chế.
Biểu đồ trên minh họa tình trạng pháp lý của nhóm các sáng chế của các chủ đơn hàng đầu. Thông tin này cho phép xác định những sáng chế nào còn hoặc đã hết hiệu lực. Có thể thấy rằng, China Petroleum and Chemical duy trì hiệu lực khá tốt, hầu hết các sáng chế đều có hiệu lực. Các chủ đơn khác thì tỉ lệ này thấp hơn đáng kể.
Phân tích xu hướng nộp đơn và xu hướng đầu tư
Biểu đồ phác họa sự phát triển của các đơn nộp theo thời gian, cho thấy động lực sáng tạo của lĩnh vực kỹ thuật được nghiên cứu.
Lưu ý: Khoảng thời gian luật định cho việc công bố là tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn, vì vậy số liệu công bố đầy đủ nhất (tính đến thời điểm phân tích) sẽ bao gồm các đơn có ngày nộp đơn đầu tiên từ tháng 10 năm 2018 trở về trước. Các số liệu năm 2019 và 2020 chưa đưa vào phân tích do các đơn có ngày nộp đơn đầu tiên trong giai đoạn này phần lớn chưa được công bố.
Nhìn vào biểu đồ ta thấy, lượng đơn có xu hướng tăng từ năm 2006 và đạt số lượng lớn vào năm 2016 với 4.580 họ đơn. Lượng đơn nộp vẫn có xu hướng tăng, chứng tỏ đây là lĩnh vực vẫn đang thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và đầu tư.
Biểu đồ tiếp theo thể hiện rõ hơn các quốc gia đứng đầu trong mảng công nghệ này. Cụ thể, Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu là 03 quốc gia/khu vực đứng đầu với số lượng đơn nộp lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng sinh học từ dầu thải.
Tình hình bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực năng lượng từ dầu thực vật thải ở Việt Nam
Nhằm tìm hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển công nghệ năng lượng thay thế ở Việt Nam trong thời gian qua, các số liệu về đơn sáng chế được tra cứu dựa trên sơ sở dữ liệu Thư viện số về sở hữu công nghiệp (IPLIB) của Cục Sở hữu trí tuệ.
Tra cứu theo phân loại IPC đã được xác định bởi WIPO, phạm vi toàn thời gian thu được kết quả là 448 đơn sáng chế liên quan đến lĩnh vực năng lượng sinh học từ dầu thải. Tuy nhiên, con số này chứng tỏ tiềm năng chưa được khai phá đối với thị trường năng lượng thay thế ở Việt Nam vì mật độ sáng chế trong lĩnh vực này còn thấp.
Nhận xét chung
Bằng việc phân tích thống kê dữ liệu từ thông tin sáng chế, tình hình đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ năng lượng thay thế đã được minh họa một cách tương đối rõ ràng và đầy đủ. Trên bản đồ công nghệ năng lượng thay thế thế giới, có thể thấy rõ rằng đứng đầu trong lĩnh vực này là China Petroleum and Chemical đã có trên 7000 họ sáng chế, Exxonmobil có 4597 họ sáng chế, UOP có 3365 họ sáng chế. Dựa vào danh sách các chủ đơn đứng đầu cũng như cá nhân có lượng đơn lớn nhất thì có thể thấy Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu là ba quốc gia/khu vực đứng đầu trong công nghệ năng lượng sinh học từ dầu thải. Trên thực tế, đây cũng là các quốc gia/khu vực có lượng đơn đăng ký sáng chế nhiều nhất trong lĩnh vực này.
Thống kê cũng đưa ra những lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến công nghệ năng lượng từ dầu thải là vật liệu hóa học cơ bản. Ngoài ra, có thể kể đến một số lĩnh vực khác có liên quan như kỹ thuật hóa học và hóa học tinh chế hữu cơ. Từ đó, giúp các nhà đầu tư xây dựng chiến lược hoạch định đổi mới khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách hiệu quả, thiết lập hướng nghiên cứu và phát triển cũng như chiến lược sáng chế để thâm nhập thành công vào thị trường, giảm thiểu cạnh tranh với những đối thủ lớn. Bên cạnh đó, nhờ thông tin đưa ra về các chủ đơn lớn, các nhà đầu tư có cơ sở giám sát hoạt động của đối thủ, có danh mục đầu tư vào bằng sáng chế của các công ty - phân tích các công ty hàng đầu và tập trung vào công nghệ, xác định các đối tác/cộng tác viên tiềm năng, cũng như các đối thủ cạnh tranh và phân bổ nguồn lực có hiệu quả./.
Quỳnh Hoa - Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp
------------------
1Green Processing and Synthesis, Volume 8, Issue 1, Pages 828–836, eISSN 2191-9550, DOI: https://doi.org/10.1515/gps-2019-0053
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Other news
- Công nghệ Năng lượng hạt nhân: Phân tích từ thông tin sáng chế
- Công nghệ Năng lượng địa nhiệt: Phân tích từ thông tin sáng chế
- [TISC] Hướng dẫn xây dựng Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho cán bộ mới tuyển dụng của Cục Sở hữu trí tuệ
- Cục trưởng Đinh Hữu Phí làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình