Mon, 06/08/2018 | 17:45 PM

View with font size Read content Change contract

Sửa đổi Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ

Ngày 30/7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2465/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049...

Sâm củ Ngọc Linh được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 theo Quyết định số 3235/QĐ-SHTT ngày 18/6/2016. Theo Quyết định này, sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý nằm trên ngọn núi Ngọc Linh trong khu vực địa lý thuộc xã Măng Ri, xã Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam..

Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis thuộc họ nhân sâm. Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng như một loại củ rừng chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Cây Sâm Ngọc Linh được biết đến chính thức đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 19/3/1973. Trong 40 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất Thế giới hiện nay. Do những tính chất đặc biệt nổi trội của cây sâm Ngọc Linh, ngày 16/8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3235/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh cho hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh không chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý được bảo hộ theo Quyết định số 3235/QĐ-SHTT, đây là vùng lõi - nơi có độ cao từ 1800 đến 2500 mét, độ dày tầng thảm mục lớn hơn 18cm, là vùng sâm có chất lượng tốt nhất và điều kiện tự nhiên phù hợp nhất với sự phát triển của cây sâm. Trên thực tế, vùng phân bố sâm Ngọc Linh tại Kon Tum và Quảng Nam vượt ra ngoài vùng chỉ dẫn địa lý đã được công bố, khu vực này đều nằm trong khối núi Ngọc Linh có điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán canh tác, giống sâm trồng... tương đồng với chỉ dẫn địa lý đã được công bố. Vì vậy, ngày 22.06.2018 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum được sự ủy quyền của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, tiến hành sửa đổi chỉ dẫn địa lý 00049 với những sửa đổi về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm và mở rộng khu vực địa lý. Ngày 30/7/2018, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2465/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 3235/QĐ-SHTT ngày 16/8/2016 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ.

Sâm Ngọc Linh có thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím. Thân rễ nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, dài 3,5 - 10,5cm, đường kính 0,5 - 2,0cm. Mặt ngoài màu nâu hoặc màu vàng xám. Rễ củ có dạng hình con quay dài 2,4 - 4cm, đường kính 1,5 - 2cm. Rễ củ có màu nâu nhạt, có những vân ngang và các nốt rễ con. Thể chất nạc, chắc, khó bẻ gãy.

    

Trọng lượng trung bình của sâm củ tươi và sâm củ khô tăng dần theo độ tuổi. Cụ thể là, trọng lượng trung bình của sâm tươi nguyên rễ tơ 4 năm là 14,20g; 5 năm là 16,78g; 6 năm là 19,63g; 7 năm là 22,78g; 8 năm là 24,40g; 9 năm là 26,70g; 10 năm là 28,68g; 15 năm tuổi: 31,60g. Trọng lượng trung bình của sâm củ khô tương ứng với 4 năm là 4,13g; 5 năm là 4,58g; 6 năm là 5,54g; 7 năm là 6,92g; 8 năm là 7,53g; 9 năm là 7,83g; 10 năm là 8,71g; 15 năm là 9,47g.

Chất lượng của sâm được đánh giá qua các chỉ tiêu liên quan đến hàm lượng saponin. Hàm lượng saponin toàn phần và hàm lượng các hợp chất chính trong saponin của sâm Ngọc Linh cũng có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Cụ thể là, hàm lượng saponin toàn phần trung bình đối với sâm 4 năm là  7,15 ± 0,1411%; 5 năm là  8,91 ± 0,1375%; 6 năm là 10,67 ± 0,2792%; 7 năm là 12,43 ± 0,2984%; 8 năm là 14,19 ± 0,0158%; 9 năm là 15,94 ± 0,2862%; 10 năm là 19,75 ± 0,2712%; 15 năm là 19,93 ± 0,7299%. Hàm lượng các hợp chất chính trong saponin gồm Majonosid R2 (MR2), Gingsenosid Rg1 (G-Rg1), Gingsenosid Rb1 (G-Rb1) lần lượt là sâm 4 năm tuổi: MR2: 2,04±0,0024%;  G-Rg1: 1,11±0,0032%;  G-Rb1: 0,73±0,0103%; sâm 5 năm tuổi: MR2: 3,02±0,1762%;  G-Rg1: 1,30±0,0347%;  G-Rb1: 0,75±0,0398%; sâm 6 năm tuổi: MR2: 3,62±0,1027%;  G-Rg1: 1,63±0,0478%;  G-Rb1: 0,88±0,0386%; sâm 7 năm tuổi: MR2: 4,35±0,0399%;  G-Rg1: 2,33±0,0439%;  G-Rb1: 0,89±0,0212%; sâm 8 năm tuổi: MR2: 4,96±0,0606%;  G-Rg1: 2,53±0,0786%;  G-Rb1: 0,95±0,0117%; sâm 9 năm tuổi: MR2: 5,58±0,0768%;  G-Rg1: 2,73±0,0965%;  G-Rb1: 1,12±0,0764%; sâm 10 năm tuổi: MR2: 7,46±0,0176%;  G-Rg1: 3,26±0,0398%;  G-Rb1: 1,58±0,1070%; sâm 15 năm tuổi: MR2: 7,97±0,0391%;  G-Rg1: 4,17±0,0388%;  G-Rb1: 1,96±0,0234%.

Sâm Ngọc Linh nổi tiếng như vậy là nhờ có chất lượng đặc thù và quá trình sinh trưởng phù hợp với điều kiện tự nhiên độc đáo của khu vực địa lý. Khu vực địa lý phân bố ở vùng núi cao thuộc khối núi Ngọc Linh nằm trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, độ cao từ 1.200m đến 2.500m, mật độ che phủ rừng trên 70%, độ phân cách mạnh, độ dốc lớn, có nhiều thung lũng hẹp và sâu. Khí hậu của khu vực địa lý mang nhiều nét đặc thù riêng biệt, từ khí hậu nhiết đới ẩm đến khí hậu á nhiệt đới vùng núi cao nhưng rất phù hợp với sự phát triển của cây sâm: Lượng mưa trung bình năm từ 2.500 - 3.400mm tập trung từ tháng Sáu đến tháng Chín ở sườn Tây và từ tháng Chín đến tháng Mười Một ở sườn Đông.                                   

Tổng nhiệt lượng cả năm dưới 7.500oC. Nhiệt độ trung bình năm từ 14 - 20,5oC. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 8 - 9oC. Tổng lượng bốc hơi trung bình năm 670 - 870mm. Độ ẩm trung bình năm 84 - 87,5%.  Đặc biệt hơn cả là khu vực địa lý nằm trong rừng nguyên sinh của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam nơi có vùng quần thể thực vật rất phong phú gồm nhiều chủng loại khác nhau, mức độ che phủ đạt trên 70%, độ dày tầng thảm mục lớn hơn 15cm. Sâm Ngọc Linh được trồng duy nhất trên nhóm đất xám, hình thành tại chỗ, phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau. Đặc thù thổ nhưỡng của khu vực địa lý là: thành phần cơ giới của đất từ thịt pha cát đến thịt pha sét và cát. Cấp hạt cát từ 47,21 - 69,51%, cấp hạt thịt từ 6,46 - 23,22%, sét từ 17,66 - 32,71%. Các loại đất đều chua pHH2O từ 3,72 - 4,81, pHKCL từ 3,09 - 4,07. Dung tích hấp thu CEC từ 7,62 - 21,69 meq/100g đất, tổng các Cation kiềm trao đổi từ 0,22 - 3,62 meq/100g đất. Độ chua trao đổi từ 0,24 - 2,22 meg/100g đất. Đất có hàm lượng cacbon hữu cơ, đạm tổng số ở mức rất cao, từ 2,40 -10,07%OC và 0,08 - 0,57%N.

Khu vực địa lý: Xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh, xã Xốp thuộc huyện ĐăkGlei; xã Đăk Na, xã Măng Ri, xã Ngọc Lây, xã Ngọc Yêu, xã Văn Xuôi, xã Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum; xã Trà Linh, xã Trà Nam, xã Trà Cang, xã Trà Dơn, xã Trà Don, xã Trà Leng, xã Trà Tập thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam   

       Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế