Mon, 27/06/2016 | 17:13 PM
View with font size Read content Change contract
Nho Ninh Thuận khẳng định vị thế trên thị trường nhờ hệ thống quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý
Việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ sẽ giúp Ninh Thuận tiếp tục mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý trên toàn tỉnh...
Việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ sẽ giúp Ninh Thuận tiếp tục mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý ra các vùng trồng nho trên toàn tỉnh, đồng thời xúc tiến, quảng bá, xác lập vị thế và uy tín của các sản phẩm nho mang chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận.
Xác lập quyền sở hữu trí tuệ chỉ là bước đầu
Ninh Thuận được xem là "thủ phủ" trồng nho của cả nước, cho ra đời những chùm nho căng mọng không nơi nào ở Việt Nam sánh được. Theo Quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 quy mô khu vực trồng nho sẽ đạt 2.500 ha; ước tính sản lượng 56.000 tấn/năm, đưa giá trị sản xuất nho trên đơn vị diện tích tăng lên 700 - 1.000 triệu đồng/ha/năm và tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 - 12.000 người.
Giống nho sạch đang được trồng tại Ninh Thuận là giống nho NH01-48 và Cardinal, được coi là nho an toàn. Nếu sản phẩm đạt đúng quy trình trồng trọt và thu hoạch, chất lượng nho xanh NH01-48 khá cao và không kém nho đỏ Úc. Năng suất giống Cardinal từ 14,5 - 16 tấn/ha, giống NH01-48 có năng suất từ 15,5 - 17 tấn/ha. Giá nho giao động từ 50.000 - 75.000 đồng/kg tùy từng thời điểm, giai đoạn gần tết Nguyên đán giá nho xanh có thể lên tới 70.000 - 90.000 đồng/kg. Không tính khấu hao kiến thiết cơ bản thì lãi thuần của giống Cardinal là 180.178.600 đồng/ha/năm và của giống NH01-48 là 182.413.700 đồng/ha/năm.
Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho Ninh Thuận theo Quyết định số 194/QĐ-SHTT. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thiện cơ sở khoa học về tính đặc thù của sản phẩm nho Ninh Thuận, thành lập Hiệp Hội nho để quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận.
Tuy nhiên, sau 3 năm được nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhận thức của người trồng nho về lợi ích lâu dài của chỉ dẫn địa lý còn nhiều hạn chế. Giá trị thương mại và cơ hội thị trường của sản phẩm nho tỉnh Ninh Thuận cũng như lợi ích kinh tế của người trồng nho vẫn chưa được phát huy. Từ thực tế đó, dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận” đã được triển khai từ tháng 4/2013 đến tháng 10/2015.
Hình thành mô hình liên kết chuỗi
Với mục tiêu xây dựng hệ thống tổ chức quản lý, sản xuất, thương mại và hệ thống quản lý chất lượng cho sản phẩm nho mang chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” của tỉnh Ninh Thuận; nghiên cứu thị trường, quảng bá, giới thiệu phát triển giá trị quyền đối với chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho các sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận; hỗ trợ phát triển kinh doanh, đưa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm..., Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận đã chủ động, chủ trì, huy động sự tham gia, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan của địa phương và tổ chức tập thể các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm để thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Khắc Lâm, chủ nhiệm dự án cho biết, qua gần ba năm triển khai, dự án đã hoàn thành các nội dung và yêu cầu về thời gian, hoàn thành mục tiêu và nội dung đề ra, giúp cho người sản xuất nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung có được những sự hỗ trợ tích cực về mặt quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường, góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển ổn định một vùng sản xuất nho truyền thống, khẳng định hiệu quả của công cụ sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao giá trị khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Thông qua dự án, người nông dân, các cơ sở sản xuất, thương mại nho trên địa bàn đã từng bước tiếp cận và xây dựng các kênh tiêu thụ riêng, sử dụng các dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm nho Ninh Thuận, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm nho có nguồn gốc và chất lượng. Đặc biệt, sản phẩm có cơ hội nâng cao giá trị từ việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, tạo tiền đề cho việc phát triển thị trường, các kênh tiêu thụ ổn định, thúc đẩy xuất khẩu trong tương lai.
Đánh giá kết quả của Dự án, ông Phan Ngân Sơn, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định: Kết quả mà dự án đạt được đã góp phần bổ sung những bài học kinh nghiệm, mô hình tổ chức trong quản lý, sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam, thúc đẩy địa phương, doanh nghiệp và người dân sử dụng các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị nông sản trên thị trường.
Qua đó có thể thấy, việc tạo dựng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc sản của địa phương mới chỉ là bước đầu. Để phát huy được giá trị tài sản trí tuệ, cần phải xây dựng và vận hành hệ thống công cụ sở hữu trí tuệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín, thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường./.
Trung tâm Phát triển Tài sản trí tuệ
Latest news title
- Hội nghị tổng kết công tác công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
Other news
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020
- Hội thảo quốc tế “Khai thác tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển du lịch”
- BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “LONG KHÁNH” CHO SẢN PHẨM CHÔM CHÔM
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” cho sản phẩm chôm chôm
- Thứ trưởng Trần Việt Thanh làm việc với Hội Sở hữu trí tuệ thành phố Hồ Chí Minh