Thu, 29/06/2017 | 08:21 AM
Nếu không muốn mất nhãn hiệu, đừng quên sở hữu trí tuệ
Sau hàng loạt những vụ việc tranh chấp các đối tượng quyền SHCN, các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc đăng ký quyền SHCN.
Sau hàng loạt những vụ việc các doanh nghiệp (DN) tranh chấp các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, thậm chí là bị mất nhãn hiệu cả ở trong lẫn ngoài nước, bài học đó đã cảnh tỉnh các DN có ý thức hơn trong việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp - Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá.
PV: Theo đánh giá của ông, hiện nay mức độ quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam đến việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN, bảo vệ nhãn hiệu và thương hiệu của mình như thế nào? Ông có thể cho một vài ví dụ về tranh chấp liên quan đến SHCN ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp?
Ông Lê Ngọc Lâm: Trong những năm gần đây, ý thức đăng ký bảo hộ quyền của các tổ chức, cá nhân trong nước đã tăng lên một cách đáng kể. Cụ thể, trong khi lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam không tăng trong năm 2016 thì kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu lại là những đối tượng được người nộp đơn trong nước nộp với lượng đơn đăng ký tăng khoảng 15% so với năm 2015.
Mặc dù vậy, không phải mọi DN trong nước đều có ý thức đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Không ít DN đã bị rơi vào tình trạng tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu (như nhãn hiệu De Syloia của Công ty TNHH Kỹ thuật toàn bộ đã không nộp đơn đăng ký bảo hộ), hoặc thậm chí nhãn hiệu được bảo hộ nhưng lại sử dụng tương tự cách thức trình bày của nhãn hiệu được bảo hộ của người khác (như trường hợp nhãn hiệu Bảo Xinh của của Công ty TNHH Ngân Anh, dù được bảo hộ nhưng nhãn hiệu này lại được sử dụng dưới hình thức tương tự cách trình bày của nhãn hiệu Bảo Xuân của Công ty TNHH Dược phẩm Ích nhân).
Các DN nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm hoặc dịch vụ do mình cung cấp, đồng thời sử dụng đúng nhãn hiệu đăng ký hoặc cần được tư vấn về chuyên môn sở hữu trí tuệ trước khi đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường để tránh những rủi ro có thể gặp phải.
Bên cạnh đó, quyền sở hữu công nghiệp khi được các DN chú trọng khai thác thương mại sẽ đem lại nhiều nguồn lợi đáng kể cho các DN về vị thế độc quyền, lợi thế cạnh tranh, nguồn lợi tài chính... Trên thực tế, các DN khai thác sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, các tổ chức sản xuất ở địa phương khai thác chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã có được giá bán sản phẩm ở mức cao hơn ví dụ như sản phẩm cam Cao Phong, hồi Lạng Sơn, hồng Bảo Lâm…
PV: Hiện nay Việt Nam đã và đang tham gia vào đàm phán ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do có nội dung liên quan đến SHTT. Khi chúng ta bước ra sân chơi thế giới, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức gì, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Lâm: Xu thế chung của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán là hướng tới một hệ thống sở hữu trí tuệ có mức độ bảo hộ mạnh mẽ hơn, như mở rộng bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp phi truyền thống, minh bạch thông tin trong quá trình đăng ký, kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế, đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ, kể cả thực thi trong môi trường số, tăng cường thực thi bằng biện pháp dân sự thay dần cho thực thi hành chính.
Như vậy, DN trong nước cần ý thức rõ điều này để không ngừng nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ, cập nhật các quy định pháp luật để một mặt đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, dịch vụ của mình, mặt khác phải đảm bảo không xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của người khác.
Không có ý thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, DN trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chiếm đoạt các thành quả sáng tạo mà kèm theo đó chính là kết quả đầu tư: đầu tư tài chính, trí tuệ, thời gian, công nghệ, nhân lực, công sức…
Không có ý thức đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, DN cũng có nguy cơ bị mất thương hiệu, dễ dàng bị loại ra khỏi cuộc chơi hoặc phải tốn nhiều thời gian để xây dựng lại thương hiệu.
Bên cạnh đó, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, làn sóng các sản phẩm ngoại sẽ tràn vào thị trường trong nước và cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nội. Sở hữu công nghệ hiện đại cùng tiềm lực tài chính, những sản phẩm giàu “chất xám” của các nhà sản xuất nước ngoài chắc chắn sẽ chiếm nhiều ưu thế so với sản phẩm nội. Không thể trông cậy vào lợi thế sân nhà nữa, các sản phẩm nội phải được tập trung cải tiến về tính năng sử dụng, công nghệ sản xuất, vật liệu cũng như kiểu dáng mới. Các sản phẩm nội phải đảm bảo có ưu thế vượt trội so với sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất khác thì mới có thể đảm bảo khả năng thương mại hóa để tồn tại trên thị trường.
Rõ ràng là, chỉ bằng cách đổi mới sáng tạo thì DN trong nước mới có thể tự mình tạo ra những sản phẩm có ưu thế trên thị trường để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. DN nào biết sử dụng lợi thế của sở hữu trí tuệ để áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sự phát triển của DN đó được đảm bảo trong môi trường cạnh tranh đó, hay nói cách khác là được đảm bảo phát triển bền vững. Chúng tôi nhận thấy, hiện nay, việc trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh càng trở nên cần thiết và cấp bách. Sở hữu trí tuệ sẽ phát huy vai trò đảm bảo môi trường pháp lý bảo vệ cho những thành quả sáng tạo được tạo ra, khích lệ cho các nhà sáng tạo, giúp cho họ thu lợi từ họat động sáng tạo.
PV: Theo ông, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế của sở hữu trí tuệ trong cạnh tranh bằng cách nào?
Ông Lê Ngọc Lâm: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản hữu hình của DN chỉ chiếm khoảng ¼ tổng giá trị tài sản của DN. Điều đó có nghĩa là, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của DN chiếm đến ¾, cá biệt chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của DN. Vì thế, việc tạo lập và phát triển các quyền SHTT sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của DN mà nếu bỏ qua thì chắc chắn DN sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Sở hữu trí tuệ tạo điều kiện cho các DN phát triển bền vững. Nắm được thông tin sở hữu công nghiệp giúp DN biết được hiện trạng phát triển của các lĩnh vực kỹ thuật liên quan để trên cơ sở đó phát triển sản phẩm, dịch vụ ở mức tiên tiến, cạnh tranh được với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại.
Bằng cách sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp, nguồn lực đầu tư sẽ được tập trung một cách thích hợp, tránh được rủi ro trùng lặp trong nghiên cứu triển khai, tận dụng được thành quả sáng tạo trên thế giới, tăng khả năng tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Bằng cách đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, DN trong nước có lợi thế xuất phát trước các đối thủ cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong suốt thời hạn bảo hộ. Lợi thế độc quyền một mặt ngăn không cho các đối thủ cạnh tranh sử dụng, khai thác đối tượng đăng ký, mặt khác cho phép DN thu lợi thông qua sự độc chiếm thị trường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ những sản phẩm, dịch vụ dựa trên những sáng chế mạnh hoặc có kiểu dáng bắt mắt, được thị trường ưa thích thì mới có khả năng đem lại lợi thế thương mại và lợi nhuận tài chính cho chủ sở hữu.
Các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bảo hộ cũng trở thành loại tài sản trí tuệ có thể giao dịch thông qua các hình thức chuyển giao, chuyển nhượng để thu lợi tài chính, là nguồn lực để góp vốn đầu tư, là cơ sở vững chắc để phát triển các DN khởi nghiệp.
PV: Nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng thị trường KH&CN gắn nghiên cứu với doanh nghiệp. Thời gian tới Cục SHTT sẽ có những chiến lược hành động cụ thể như thế nào để thúc đẩy hoạt động này?
Ông Lê Ngọc Lâm: Nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng thị trường KH&CN, thì các DN cần đẩy mạnh việc tra cứu thông tin sáng chế ở bình diện thế giới. Việc tra cứu này cho phép DN khai thác, áp dụng các SC đã tạo ra trước đó nhưng không đăng ký hoặc hết thời hạn bảo hộ trong nước, đồng thời có thể bỏ qua nhiều công đoạn nghiên cứu, tránh nghiên cứu trùng lặp, rút ngắn thời gian nghiên cứu, áp dụng được những kết quả sáng tạo có trước. Vì thế, cần phải nâng cao nhận thức của DN về SHTT, tận dụng lợi thế của SHTT.
Xin cảm ơn ông!
Lượng đơn sáng chế của chủ đơn Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 10% tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ khoảng 500-600 đơn/năm. Một trong những nguyên nhân dẫn tới lượng sáng chế của Việt Nam ít, chính là vai trò của sở hữu trí tuệ chưa được đánh giá đúng mức, đồng thời việc thiếu kỹ năng khai thác thông tin của các chủ thể sáng tạo và hệ thống dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp còn quá yếu và thiếu. Thị trường KH&CN chưa thực sự phát triển cũng là một nguyên nhân quan trọng. |
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Latest news title
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị đại biểu công chức, viên chức và người lao động năm 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Other news
- Bộ KH&CN Việt Nam - Lào: tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực
- Bộ trưởng Bộ KH&CN khai trương Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng Bắc Trung bộ
- Đưa vào hoạt động Không gian đổi mới cho nhà sáng chế tại Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
- Hơn 93% Đại biểu Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)
- Xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017: Việt Nam tăng 12 bậc