Thu, 19/11/2015 | 09:11 AM
View with font size Read content Change contract
Hội thảo "Thủ tục đăng ký bảo hộ và duy trì nhãn hiệu tại Hoa Kỳ"
Ngày 9-10/11/2015 tại khách sạn JW Marriott Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Thủ tục đăng ký bảo hộ và duy trì nhãn hiệu tại Hoa Kỳ”...
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, bảo vệ tài sản trí tuệ tại thị trường nước ngoài đang dần trở thành vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, việc một số nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý có uy tín, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi đã bị người khác đăng ký bảo hộ trước tại một số nước đã rung lên hồi chuông cảnh báo về việc các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đúng mức cũng như chưa có những kiến thức cần thiết trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ ở nước ngoài.
Nhằm cung cấp các thông tin pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật cần thiết cũng như tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp của Việt Nam về cách thức tiến hành việc đăng ký nhãn hiệu và duy trì nhãn hiệu sau đăng ký tại Hoa Kỳ, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) và Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), vào hai ngày 9-10/11/2015 tại khách sạn JW Marriott Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Thủ tục đăng ký bảo hộ và duy trì nhãn hiệu tại Hoa Kỳ”.
Hội thảo quy tụ hơn 70 đại biểu đến từ các hiệp hội thương mại, doanh nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp cũng như các cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại của các cơ quan liên quan và cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Hữu Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo hộ tài sản trí tuệ đặc biệt là nhãn hiệu tại các thị trường xuất khẩu. Với việc Việt Nam là một bên ký kết của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và thuận lợi cơ bản như thị trường xuất khẩu được mở rộng, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản; Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Để tận dụng được những cơ hội thuận lợi đó đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải có những sự chuẩn bị kỹ càng để hội nhập vững vàng ở “sân chơi” TTP mà sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung cần quan tâm chuẩn bị. Việc nắm vững các quy định pháp luật Hoa Kỳ về bảo hộ nhãn hiệu sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị cần thiết trước khi đưa hàng hoá vào thị trường này và tránh được những tranh chấp hoặc thiệt hại không đáng có do không được sử dụng nhãn hiệu của mình. Ông hy vọng qua Hội thảo các đại biểu sẽ nắm rõ những vấn đề pháp lý và thực tiễn của Hoa Kỳ trong bảo hộ nhãn hiệu để doanh nghiệp xuất khẩu có những chuẩn bị phù hợp trước khi đưa hàng hóa thâm nhập vào thị trường nước ngoài, các cơ quan có liên quan có những hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Tại Hội thảo, hai chuyên gia của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ là bà Cynthia Hendersen và Laura Hammel đã giới thiệu tổng quát cách thức để một doanh nghiệp có thể nhận được sự bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ; những lưu ý khi chuẩn bị các tài liệu của đơn, theo đuổi quá trình đăng ký; những công cụ điện tử hữu ích thường được sử dụng trong quá trình đăng ký nhãn hiệu tại USPTO; quy trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu có chỉ định Hoa Kỳ thông qua hệ thống Madrid. Một số điểm khác biệt nổi bật trong thủ tục xác lập quyền đối với nhãn hiệu giữa hệ thống của Hoa Kỳ và Việt Nam cũng được các chuyên gia tập trung trình bày như yêu cầu về việc sử dụng nhãn hiệu, các quy định về việc bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống, bảo hộ chỉ dẫn địa lý với danh nghĩa là nhãn hiệu... Hội thảo cũng nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ của Luật sư Đoàn Hồng Sơn đến từ Công ty luật IP Max. Một phần thời lượng đáng kể của Hội thảo đã được dành cho phần hỏi đáp, thảo luận. Nhiều vấn đề đã được các đại biểu đưa ra cho các diễn giả nhằm tìm hiểu cặn kẽ, kỹ lưỡng về hệ thống bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ.
Kết thúc Hội thảo, các chuyên gia cũng như các đại biểu đều đánh giá là Hội thảo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu các quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ. Công tác tổ chức Hội thảo được thực hiện chu đáo. Các đại biểu mong rằng trong tương lai nhiều Hội thảo tương tự sẽ được USPTO hỗ trợ, NOIP tổ chức để doanh nghiệp nói riêng và công chúng nói chung có thêm nhiều thông tin cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc bảo hộ tài sản trí tuệ tại thị trường Hoa Kỳ, từ đó đẩy mạnh quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế giữa hai quốc gia./.
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo
Latest news title
- Hội nghị tổng kết công tác công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cục Sở hữu trí tuệ gặp mặt các cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Hội nghị Tổng kết Dự án JICA năm 2024
- Các học viên Việt Nam tham dự Khóa đào tạo về Sở hữu trí tuệ do trường đại học công nghệ Trùng Khánh tổ chức
Other news
- Khởi động Dự án “Hỗ trợ phát triển Chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”
- BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “VÂN ĐỒN” CHO SẢN PHẨM SÁ SÙNG
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Vân Đồn” cho sản phẩm sá sùng
- Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Lào
- Cán bộ Cục sở hữu trí tuệ chung tay bảo vệ môi trường cảnh quan cơ quan