Sat, 17/04/2021 | 18:00 PM

View with font size Read content Change contract

Hội thảo "Luật Sở hữu trí tuệ - Những hạn chế, bất cập và định hướng sửa đổi, bổ sung”

Trong hai ngày 15 và 16/4/2021, tại Vĩnh Phúc, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và dự án GIZ của Đức tổ chức Hội thảo "Luật Sở hữu trí tuệ - Những hạn chế, bất cập và định hướng sửa đổi, bổ sung”.

Hội thảo "Luật Sở hữu trí tuệ - Những hạn chế, bất cập và định hướng sửa đổi, bổ sung” được tổ chức nhằm lấy ý kiến về các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Tham gia và chủ trì Hội thảo có ông Lương Anh Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các đơn vị trực tiếp biên tập dự án Luật: ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và bà Trần Thị Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Hơn 60 đại biểu là đại biểu Quốc hội, các chuyên gia về sở hữu trí tuệ đến từ các cơ quan của Văn phòng Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan thực thi, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các luật sư đến từ các hãng luật trong và ngoài nước… đã tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lương Anh Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực SHTT lần này có vai trò rất quan trọng, góp phần hoàn thiện thêm một bước để đưa hệ thống SHTT của Việt Nam trở thành công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, Chính phủ rất quan tâm đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội khóa XIV đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trực tiếp biên tập dự án Luật trong thời gian vừa qua và mong rằng dự án Luật sẽ kịp tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Với mong muốn được hỗ trợ các cơ quan trực tiếp biên tập dự án Luật cũng như được trực tiếp lắng nghe ý kiến từ các cơ quan, bộ ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các hãng luật lớn tại Việt Nam để phát hiện thêm nhiều hơn nữa những hạn chế, bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ và đề xuất những định hướng sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Tổ chức Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo này.

 

Ảnh 1. Ông Lương Anh Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

Điều hành và phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho rằng với vai trò là cơ quan được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ, Cục SHTT đã phối hợp với Cục Bản quyền tác giả và Cục Trồng trọt triển khai các công việc liên quan và đến nay, dự thảo Luật đã được lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cục Sở hữu trí tuệ rất hân hạnh được thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng với Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo này và mong rằng, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tích cực tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến về các vấn đề cụ thể trong dự án Luật, nhất là các vấn đề trong chính sách về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoặc tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Cục trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới Văn phòng Chính phủ và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức đã quan tâm và hỗ trợ tổ chức Hội thảo này. 

 

Ảnh 2. Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã khẳng định vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập thế giới sâu rộng như hiện nay và đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo này.

Chia sẻ kinh nghiệm bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Đức, chuyên gia pháp lý, GS.TS Hannes Rosler, LL.M. (Harvard) và thẩm phán chủ tọa tại Tòa án bang Berlin, Ts. Tobias Oelsner đã nhấn mạnh đến các loại hình hợp tác trong bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, thẩm quyền và phạm vi hoạt động của luật sư sáng chế, thực thi quyền tại biên giới, các vấn đề liên quan đến số hóa thủ tục hành chính và tư pháp, bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số...

  

Ảnh 3. Ông Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

 

Ảnh 4. GS.TS Hannes Rosler, LL.M. (Harvard) chia sẻ trực tuyến tại Hội thảo

 

Ảnh 5. Toàn cảnh Hội thảo

  

Ảnh 6. Một số hình ảnh đại biểu phát biểu tại Hội thảo

 

Kết thúc 2 ngày làm việc, với 16 tham luận được trình bày, Hội thảo đã nhận được hơn 60 lượt đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp cho các các nội dung cụ thể của dự án Luật, tập trung vào các nội dung đang được xã hội quan tâm nhiều như các quy định mới liên quan đến hành nghề dịch vụ đại diện SHCN, cơ chế giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, bảo hộ và khai thác thương mại đối với tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, vai trò của tòa án trong thực thi, xử lý tranh chấp quyền SHTT tại Việt Nam, xác định chủ sở hữu đối với tác phẩm được tạo ra theo hợp đồng lao động, xác định bản quyền tác phẩm điện ảnh, cuộc biểu diễn, …Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả và Cục Trồng trọt chủ trì Hội thảo đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp và thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo liên quan đến các vấn đề dự kiến sửa đổi trong dự án Luật trong cả ba lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Lương Anh Tấn ghi nhận thành công của Hội thảo và mong rằng các ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức cá nhân tại Hội thảo sẽ được các cơ quan biên tập nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật./.

Phòng Pháp chế và Chính sách